“Thiên tình sử” của bà nội tiền vệ Yohan Cabaye
Bà Mai Thị Thoa (bà nội Cabaye, tên tiếng Pháp là Thoa Cabaye-Mai) sinh ra tại Hải Phòng. Tuổi thơ gắn liền với những địa danh nổi tiếng như Cầu Rào, Chợ Sắt. Khoảng 7-8 tuổi thì gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Cũng tại đây, cô gái tên Thoa xinh đẹp đã có mối tình đầy thơ mộng với chàng trai người Pháp tên là Cabaye…
Bà Mai Thị Thoa – Bà nội của tiền vệ Yohan Cabaye.
Bà Thoa nhớ lại rằng lúc mới lên Hà Nội, gia đình bà sống tại phố Antoine Bonnet (gần bệnh viện Saint Paul). Vì nằm ở trung tâm thành phố, nên bà thường theo mẹ ra chợ Đồng Xuân và chợ Hôm buôn bán. Chính tại đây, cô thiếu nữ xinh đẹp tên Thoa đã gặp chàng lính Pháp Cabaye trong chiến tranh Đông Dương. “Lúc còn trẻ, mẹ cô vẫn kể nhiều về mối tình của hai ông bà. Bố cô mê mẹ Thoa lắm. Mẹ cô có nụ cười tỏa nắng đẹp vô cùng và là mục tiêu theo đuổi của rất nhiều chàng trai Hà Thành”, con gái bà Thoa, cô Jocelyne cho biết.
Cũng theo cô Jocelyne, gia đình ông bà ngoại cô lúc đầu cũng không đồng ý để bà Thoa yêu ông Cabaye. “Ông bà ngoại còn muốn mẹ Thoa lấy một thầy giáo ở Hà Nội, nhưng mẹ cô không bằng lòng. Bà nói chỉ muốn làm vợ của bố cô mà thôi”. Nhưng sau khi biết được ý định giải ngũ sớm và trở lại Pháp sinh sống, thì bố mẹ bà Thoa không còn phản đối con gái nữa. Song lúc này, một vấn đề lớn lại được đặt ra, nếu cưới nhau rồi mà bà Thoa theo chồng trở lại Pháp ngay thì không được. Bố mẹ bà không nỡ xa con gái.
Thế rồi 1 năm sau ngày cưới, bà Thoa sinh con đầu lòng (năm 1949). Ông Cabaye thuyết phục được bà theo ông về Pháp sinh sống. “Ông bà ngoại cô biết không thể giữ mẹ Thoa ở Hà Nội lâu hơn được nữa, nên đành để bố mẹ cô về Pháp. Song không lâu sau đó (lúc này đã có thêm một người con), vì chiều vợ, bố cô lại đưa mẹ Thoa trở lại Việt Nam và sinh thêm hai người con nữa”, cô Jocelyne kể lại. Và năm 1954, hai ông bà lại đưa nhau sang Pháp. Lúc này họ đã có 4 người con (sau này sinh thêm 4 người nữa, bố Yohan Cabaye là con thứ năm trong gia đình và ông cũng sinh tới 4 người – PV).
Video đang HOT
Cũng kể từ đó, do chiến tranh và những yếu tố khách quan, bà Thoa dần mất liên lạc với gia đình tại Việt Nam. Chỉ đến năm 2013 vừa qua, khi đã ở tuổi 83, bà mới lại có dịp trở lại Hà Nội và tìm gặp lại người thân. “Tôi thực sự mãn nguyện khi có được lần trở về nguồn cội cách đây 3 năm”, bà Thoa nhấn mạnh.
Khi được hỏi tại sao bà không dùng luôn tên Pháp là Thoa Cabaye, mà vẫn muốn gắn cả họ Việt của mình (Mai), thì bà cười tươi và nói rằng: “Bà muốn giữ nguyên nguồn gốc của mình để sau này con cháu sẽ nhớ mình vẫn mang dòng dõi Việt”. Có lẽ Việt Nam luôn trong tim bà, nên bà bày trí căn nhà đang ở không khác mấy nhà ở quê hương. Bà Thoa vẫn theo phong tục thờ cúng tổ tiên, vẫn thắp hương hằng ngày để cầu bình yên cho đại gia đình mình.
Theo Dân Việt
Sự thật bất ngờ về nguồn gốc Việt Nam của Yohan Cabaye
Yohan Cabaye là tiền vệ rất nổi tiếng của ĐT Pháp dự EURO 2016 và anh còn nổi tiếng vì có bà nội là người Việt Nam. Nhưng có một điều lạ, hầu hết người Việt đều lầm tưởng bà là... bà ngoại của Cabaye.
Bởi thế, phóng viên đã tìm về tận nhà của gia đình Cabaye để tìm hiểu nguồn cơn. Càng tuyệt vời khi biết gia đình Cabaye chưa bao giờ quên "nửa dòng máu Việt" của mình...
Chuẩn bị rất lâu rồi tôi mới thực hiện được hành trình đầy thú vị này. Từ Paris, tôi bắt tàu siêu tốc TGV đi Lille, rồi tiếp tục sử dụng xe bus để tới thẳng nhà của bố mẹ Cabaye tại khu Roch (vùng Roncq, miền Bắc nước Pháp). Đó là một vùng ven thành phố Lille, cách trung tâm khoảng 40 phút đi xe bus. Nơi đây rất thanh bình và đặc biệt tĩnh lặng vào ngày Chủ nhật. Tôi đến đúng vào ngày Pháp có trận đấu quan trọng với Iceland tại tứ kết nên khu phố Roch càng vắng vẻ hơn. Rất nhiều người dân trong khu phố mà Cabaye sống từ nhỏ đến năm 13 tuổi đã tìm săn bằng được tấm vé trận này để cổ vũ cho ĐT Pháp, đặc biệt là cho chàng cầu thủ gốc Việt lịch lãm Cabaye. Với những người thiếu may mắn không có vé đến sân xem trực tiếp, thì họ ra fanzone tại Lille ủng hộ đội nhà.
Tác giả bên cùng những bức ảnh về gia đình Yohan Cabaye.
Sau khi xuống tàu, tôi đi bộ vào khu phố Saint Roch, tìm đến số nhà 16 (nhà của cha mẹ Cabaye, ông Didier và Louisa). Đó là một căn nhà bình thường nằm trong một con phố nhỏ. Thú thực là sau khi bấm chuông, tôi mới lo lắng không biết ông Didier có chịu đón tiếp mình không. Và thực tế là ông đã từ chối gặp tôi với lý do không hẹn trước. Nhưng ngay khi tôi nói mình là một nhà báo đến từ Việt Nam và rất muốn viết về gia đình gốc Việt của Cabaye, thì ông Didier lập tức thay đổi ngay sắc mặt.
Ông mỉm cười rất tươi: "Cháu đến từ Việt Nam thật ư?". Ngay lúc đó, tôi biết là mình đã được đón tiếp. Ông vui vẻ trò chuyện và nói rằng, các phóng viên Pháp và nước ngoài đến đây nhiều, nhưng ông ít khi tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, tôi là trường hợp ngoại lệ. Ông nói rằng căn nhà này là nơi gia đình ông sống từ khi Cabaye mới 6 tuổi và nó chỉ cách xa căn nhà cũ ở Tourcoing chừng 2km. Ông Didier cũng cho biết, hiện tại ông sống cùng vợ và con gái lớn của Cabaye. Sau đó, ông nói ông đang phải đi gấp tới Paris đưa em trai Yohan ra sân Stade de France xem trận Pháp - Iceland, nên rất tiếc là không đón tiếp tôi được lâu.
Không muốn bỏ lỡ cơ hội, tôi hỏi ông về bà nội của Cabaye và ngỏ ý muốn được trò chuyện với bà. "Ồ, mẹ bác không sống ở đây. Cụ vẫn ở Tourcoing và cháu có thể đi bộ tới đó". Thật không thể tin ông Didier lại thân thiện đến vậy. Ông cho tôi địa chỉ cụ thể nhà bà nội Cabaye. Tôi đi bộ chừng 10 phút thì tới nơi. Đó là một căn nhà nhỏ nằm ở phố Des Orions (Tourcoing), xung quanh rất nhiều rau, quả và hoa. Lần này tôi không ngần ngại bấm chuông. Một phụ nữ chừng 50 tuổi ra mở cửa. Đó là Jocelyne Cabaye, cô ruột của Yohan.
Từ trong nhà, giọng một bà cụ hỏi "ai đó" bằng tiếng Pháp. Cô Jocelyne liền nói bằng tiếng Pháp: "Một cô nhà báo đến từ Việt Nam mẹ ạ". Bà cụ nói to: "Ôi, mời cô ấy vào nhà đi con". Tôi lại một lần nữa kinh ngạc về cách đón tiếp rất cởi mở, thân thiện của nhà bà nội Cabaye. Ngôi nhà nhỏ, không nhiều đồ đạc nhưng ngăn nắp và rất gọn gàng. Cô Jocelyne giới thiệu là bà cụ có 8 người con, 4 trai, 4 gái nhưng một người con gái đã qua đời. Bố cô (chồng bà cụ) trước là lính Đông Dương, sau giải ngũ thì về kinh doanh tại quê nhà Tourcoing.
"Mẹ tôi vẫn giữ nếp sống của một người Việt Nam. Bây giờ tuy đã yếu nhưng vẫn thích đi dạo và mong ngày gần nhất về Việt Nam chơi", cô Jocelyne cho biết. Bà nội Cabaye tên thật là Mai Thị Thoa. Bà không nhớ chính xác, nhưng bà nói bà từng sống ở một khu phố gần bệnh viện Saint Paul (Hà Nội). Bà là người gốc Hải Phòng. Thực ra, từ khi hai ông bà quen và lấy nhau, bà mới chỉ về Việt Nam hai lần. Nhưng 3 trong số 7 người con hiện tại của bà lại được sinh ra tại Việt Nam. Lần gần nhất bà về Việt Nam là năm 2013.
Chúng tôi ngồi trò chuyện rất lâu. Cả bà Thoa, cô Jocelyne và chồng kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về Yohan. Và kỷ niệm được mọi người nhắc đến nhiều nhất chính là ngày nhỏ Yohan từng bị... hóc lạc. Lúc ấy cậu bé mới 4 tuổi. Ăn lạc và mải chơi thế nào lại bị hóc. Cả nhà phải đưa vào bệnh viện nằm tới 4 ngày. Tuy nằm viện nhưng Yohan vẫn đòi cả nhà mua bóng cho về chơi. Vậy là cậu bé chơi bóng ngay trong bệnh viện và khiến các bác sỹ và bệnh nhân vô cùng thích thú với tài tâng bóng, dắt bóng khéo léo của mình.
"Với chúng tôi, Yohan luôn là đứa trẻ mẫu mực, chăm chỉ. Cả ngày chỉ chơi với trái bóng. Không có trái bóng, nó chẳng biết làm gì", cô Jocelyne nhấn mạnh.
Đã sang chiều, tôi phải tạm biệt gia đình bà Thoa để trở lại Paris. Bà Thoa và con gái muốn tôi quay lại chơi, nếu còn ở Pháp. Tôi không hứa trước, nhưng chắc chắn nếu có thời gian, tôi sẽ quay lại thăm gia đình bà, những con người vẫn giữ nguyên tâm hồn Việt.
Theo Báo Bóng Đá
Điểm tin hậu trường 4/7: Iceland tạm biệt EURO bằng màn vỗ tay thị uy; Diễn viên phim 18+ khoe ngực trần chào tân binh PSG Phản ứng bất ngờ của Iceland sau thảm bại trước Pháp; Mỹ nhân Playboy ca ngợi thầy trò Joachim Loew; Fan cuồng lột đồ, khoe ngực mừng tân binh PSG;... là những tin chính trong điểm tin hậu trường 4/7. James Rodriguez đưa vợ tham gia đá bóng bãi biển. Sau khi cùng Colombia chia tay với Copa America 2016, tiền vệ James...