“Thiện Tâm” Trịnh Tài của Bắc Kim Thang: “Tôi trụ lại với kịch sân khấu vì đam mê và tình nghĩa là chính”
Trịnh Tài – Nam chính của “ Bắc Kim Thang” chia sẻ với độc giả về câu chuyện làm phim, làm nghề của mình.
Bắc Kim Thang hiện đang là một dự án điện ảnh thu hút khá nhiều sự chú ý từ khán giả. Với tên gọi được tạo cảm hứng từ bài đồng dai cùng tên quen thuộc với phần lớn người xem, Bắc Kim Thang có một khởi đầu tốt khi gợi được sự tò mò ngay từ trailer.
Trailer Bắc Kim Thang
Trong phim, Thiện Tâm là một anh chàng hiền lành. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện trên thành phố, cậu ta trở về nhà rồi phát hiện ra rằng cô em họ thân thiết của mình đã biến mất bí ẩn. Đảm nhận trọng trách vai chính của phim, Trịnh Tài có ngoại hình phảng phất nét thư sinh, đặc biệt là đôi mắt buồn, ẩn chứa cả một nội tâm sâu thẳm. Nói chuyện với Trịnh Tài mới thấy, anh chàng hoàn toàn thích hợp với vai diễn trong Bắc Kim Thang. Không phải vì nhân vật giống với tính cách của Tài, mà đơn giản tính cách bên ngoài Tài đã rất giống Thiện Tâm rồi.
Trịnh Tài trong “Bắc Kim Thang”.
Thiện Tâm của Bắc Kim Thang
Trong quá trình thể hiện nhân vật Thiện Tâm, Tài có gặp khó khăn gì không?
Trước khi đóng phim, tôi chủ yếu diễn trên sân khấu nên đã quen cách diễn của kịch. Khi lên trường quay, những lần bấm máy đầu tôi luôn bị đạo diễn góp ý là diễn hơi quá. Càng về sau, mỗi “take” máy tôi giảm lại một chút cho đến khi đạo diễn hài lòng.
Vì là dân diễn sân khấu kịch nên tôi cứ lo nếu mình diễn “bớt lố” lại thì sẽ bị đơ. Nhờ anh đạo diễn hướng dẫn kỹ đường dây, kịch bản và tâm lý thì tôi dần nhập tâm và biết kiểm soát hơn.
Tại sao trong một gia đình phân biệt giới tính, chống lại Hai Lầm thì Thiện Tâm lại không hùa theo cha mẹ mình mà lại đối xử đặc biệt tốt, yêu thương em họ vậy?
Thời đó Thiện Tâm là cháu đích tôn trong nhà nên được các thành viên rất mực tôn trọng, yêu thương. Trong khi đó, cả nhà lại cực kỳ chì chiết Hai Lầm. Em làm gì cũng bị mắng chửi, luôn so sánh giữa Hai Lầm với Thiện Tâm. Chính vì vậy, từ một sự đồng cảm nào đó, hoặc Thiện Tâm cảm nhận rõ rệt rằng không có sự công bằng với em mình, nên anh tốt với Hai Lầm hơn. Tình cảm giữa hai anh em từ bó vô cùng gắn bó.
Ngôi nhà nơi được chọn là bối cảnh của “Bắc Kim Thang” có thật là biệt lập hay đoàn phim đã phải dàn dựng?
Ngôi nhà đó nằm ở khu vực khá tách biệt với xã hội, người dân xung quanh. Mặt trước ngôi nhà là một con kênh, bao quanh mảnh đất của ngôi nhà phủ toàn cây cối, vườn tược. Căn nhà “hàng xóm” kế bên cũng cách đó vài trăm mét.
Tuy là có đường mòn để đi vào, nhưng đoàn phim quyết định sẽ đi đường sông để tăng cường thêm cảm giác tách biệt, xa xôi của ngôi nhà.
Quay ở một nơi hẻo lánh, lại còn thường ở lại đêm thì có bao giờ Tài trải nghiệm một chuyện gì “rùng rợn” ở bối cảnh chưa?
Bản thân tôi thì chưa gặp lần nào, nhưng có nghe mọi người trong đoàn kể lại. Lúc đội tiền trạm xuống tìm hiểu bối cảnh, có thăm quan ở khu vực xung quanh rồi hỏi chuyện về tình hình nhà cửa, khu vực nơi đó ra sao mới nghe được một số câu chuyện bên lề. Một số người hỏi đội tiền trạm là sao mấy anh gan vậy, ở căn nhà đó có gì đó kì lạ lắm. Giống như có ma!
Ngày đầu tiên cả đoàn phim, đầy đủ các bộ phận đến bối cảnh thì bầu không khí rất lạ, giống như hơi lạnh sống lưng. Lịch sử của ngôi nhà cũng rất giống kịch bản. Đây là nơi từng có một gia tộc khá giả sinh sống, dần dần họ mất đi ngày huy hoàng của mình nhưng cái bề thế của ngôi nhà vẫn còn. Giống hệt trong câu chuyện của Bắc Kim Thang.
Cô chủ nhà chào đón đoàn phim cũng theo một “phong cách” đặc biệt không kém. Lúc mọi người tới, cô uy nghi đứng ngay cửa sổ trên lầu nhìn xuống. Tôi mới nhìn thấy căn nhà có hơi “khớp”, thêm màn chào đón của cô chủ nhà nữa nên hơi… giật mình. Vì lúc đó chắc cô đang ở trên lầu, thấy đoàn tới mới xuống chào nên mới có tình huống đó.
Quá trình quay phim trong một ngôi nhà đặc biệt, với bề dày lịch sử đáng nể như vậy ra sao?
Trong căn nhà đó, tôi cảm thấy là có nhiều sự kiện xảy ra khá trùng hợp với cốt truyện. Đêm trước ngày bấm máy, anh đạo diễn tập hợp diễn viên lại để vừa thoại kịch bản vừa làm quen với ngôi nhà. Đúng vào thời gian đó, trời sấm chớp đì đùng mà không mưa. Khu đó buổi tối không hề có đèn đóm, mọi thứ tối om. Trong nhà có điện, nhưng tổ thiết kế cắt hết dây điện đi để cho giống cảnh phim. Nên là cả căn nhà tối thui, bọn tôi phải dùng đèn flash điện thoại để soi kịch bản. Những tia chớp sáng lóa cả bầu trời, những lằn sét chỉ qua lại y hệt như trong kịch bản vậy. Tự nhiên tôi có một chút cảm nhận gì đó về ngôi nhà, giống như lịch sử của nó đang sống lại cho giống với phim.
Trong những ngày quay tiếp theo, một số thành viên của các tổ sản xuất cũng kể lại rằng có nhìn thấy bóng một người phụ nữ tóc dài trong những tấm kính của tủ đựng đồ. Lại có hôm tôi và phó đạo diễn đứng ngoài vườn tập thoại, thì từ bộ đàm anh đạo diễn nói vọng ra hỏi nãy giờ mọi người có nói gì vào sóng điện đàm không? Tôi và phó đạo diễn vẫn tập thoại nên không nói và cũng không nghe thấy ai nói gì cả. Nhưng anh đạo diễn lại cho rằng mình nghe thấy giọng trầm của đàn ông, thì thầm mấy câu tiếng Pháp vào kênh giao tiếp bộ đàm. Tôi và phó đạo diễn nghe xong thấy hơi hoảng. Ngoài mấy chuyện kì bí “nhẹ” đó ra thì tiến độ quay cũng khá suôn sẻ, không gặp trục trặc nhiều nên tôi nghĩ mọi chuyện cũng ổn.
Quay ở một nơi khá hẻo lánh, không có tiện nghi đầy đủ thì đoàn phim có gặp khó khăn gì không?
Khó nhất là phần âm thanh vì phim thu tiếng trực tiếp. Nhưng lúc quay thì xung quanh có rất nhiều tiếng ve kêu, ghe xuồng còn đi ngang qua này kia. Tôi còn nhớ trong một số cảnh tâm lý khó, tôi sẵn sàng nhập tâm rồi thì tự nhiên lại bị vướng tiếng ve quá lớn, át tiếng thoại của tôi. Vậy là mọi người lại phải chờ cho đàn ve không kêu nữa mới quay tiếp được.
Rồi những ngày quay căn gác mái, bên kia sông tự nhiên có nhà mở tiệc. Chúng tôi cũng không quay được khi mà phần âm thanh nền toàn là tiếng hát karaoke. Vậy là dàn diễn viên phải thu tiếng lại cho những phân đoạn lẻ tẻ bị nhiễm tạp âm.
Chàng diễn viên “F.A” trên màn ảnh
Thường xuyên được chọn ở những dòng phim tâm lý nặng, sau này Tài có định chuyển đổi sang hình tượng tươi sáng, vui vẻ hơn?
Là diễn viên thì ai cũng muốn thể hiện được nhiều vai, nhưng tôi lại thích những vai có tâm lý nặng nề như Thiện Tâm. Tôi cũng cảm nhận thấy rằng mình có thế mạnh ở những dạng vai tâm lý phức tạp, vai bi kịch. Giờ tôi mà đi đóng vai hài hay gì đó, có lẽ sẽ cố gắng đóng được hài tình huống. Bản thân tôi cũng không “duyên” tới mức để đóng hài thoại.
Hình như Tài chưa bao giờ có… bồ trong các dự án phim ảnh, truyền hình hoặc MV từng tham gia?
Tôi không hiểu tại sao những kịch bản đến với tôi luôn có chiều sâu và số phận nhân vật hơi bi thương, lúc nào cũng cô đơn hoặc yêu đơn phương. Chưa lần nào được có người yêu trên màn ảnh cả. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình sẽ gặp dạng nhân vật này mãi. Tới lúc nào đó cũng phải khác. Còn nếu không thì mình đi xin vai có người yêu chứ không lẽ cứ đóng vai “ế” trên phim hoài.
Mặt khác, tôi nghĩ đóng nhiều vai cô đơn cũng có lợi. Biết đâu ngoài đời, người ta thấy mình tội sẽ mềm lòng và lại có nhiều cơ hội có người yêu cho mình hơn thì sao?
Cuộc sống cá nhân
Thấy Tài ít hoạt động lĩnh vực điện ảnh, có một thời gian bạn gần như không xuất hiện mấy trên màn ảnh rộng lẫn nhỏ. Bạn đã đi đâu?
Tôi đi học. Tới năm hai đại học, gia đình chuyển từ Bình Thạnh về Hoóc Môn nên thời gian đi học mỗi ngày của tôi rất lâu. Lớp học bắt đầu lúc 8h sáng, thì phải dậy lúc 5h30 để đến lớp cho kịp. Có một số môn giáo viên khó, bắt buộc phải có mặt đúng giờ không được trễ giây nào thì tôi dậy sớm hơn, khoảng 5h để đến lớp. Tôi từng có một môn học, đúng 8h sáng bắt đầu, nếu đến trễ thì không được vào lớp nên phải cố gắng đến cho đúng giờ dù nhà xa.
Học tới 11h thì tôi nghỉ, ở lại trường ăn trưa. Ngủ hoặc nghỉ ngơi ở trường để đến chiều vào lớp học. Tan trường thì khoảng 4 – 5h chiều. Thời đó tôi cũng muốn tìm việc làm thêm, nhưng công việc lại kết thúc khuya quá. Mỗi ca thường kết thúc vào 2h sáng, lúc đó về nhà lại nguy hiểm nên tôi đành phải bỏ ý định làm thêm, tập trung vào việc học.
Với lịch học như vậy, muốn nhận phim đóng cũng khó. Lâu lâu thì tôi có được vài công việc ngắn hạn thì cố gắng làm nhưng cũng không làm về lâu dài được, vì còn việc học.
Với những môn thầy giáo khó, sao bạn không trình bày với thầy cô về hoàn cảnh của mình để được hỗ trợ, hoặc ít nhất cũng thoải mái giờ giấc ra một chút?
Tôi không muốn làm vậy. Mặc dù là hoàn cảnh nhưng đó là vấn đề từ phía mình mà, làm sao bắt thầy cô linh động cho chuyện riêng được. Với lại tôi thấy mình cố gắng vẫn được, không sao hết.
Sau khi học xong thì hãy bàn đến sự nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng sân khấu kịch giờ đây đang hấp hối nên có nhiều gương mặt trẻ chuyển hướng qua điện ảnh. Tài có đồng ý với nhận định này không?
Tôi nghĩ nhận định bạn đưa ra cũng có phần đúng. Dù là vẫn còn tùy thuộc vào từng cá nhân định hướng tương lai ra sao. Nếu một người muốn có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả hơn thì họ sẽ đi theo web drama hoặc phim điện ảnh. Ngành sân khấu bây giờ gặp nhiều khó khăn hơn trước. Tôi trụ lại với kịch sân khấu vì đam mê và tình nghĩa là chính.
Sân khấu nơi tôi diễn bây giờ cũng trải qua nhiều thăng trầm. Đổi chủ rồi đến lượt các tiền bối phải chật vật bảo vệ sân khấu v.v… Từ hồi anh chủ trước của sân khấu – nơi tôi đang diễn – qua đời thì mọi thứ khó khăn hơn. Anh chị em nghệ sĩ cũng cố gắng cùng nhau trụ vững, nhưng tới giờ vẫn khá chật vật.
Từng có thời cát xê mỗi đêm diễn ở sân khấu chỗ chúng tôi, lên tới 300 – 400 nghìn, nhưng càng ngày khách càng ít. Thù lao mỗi ngày có khi chỉ có 250 nghìn, thậm chí 100 nghìn/ngày. Giờ thì tập thể nghệ sĩ đang cố gắng chống đỡ, nghĩa là mỗi vở kịch đóng xong trừ tiền sân khấu, cho vào quỹ chung 50% còn lại bao nhiêu thì mọi người chia nhau, có khi trắng tay ra về. Đề cùng chung tay giúp đỡ sân khấu, thậm chí có một ban “bù lỗ” xuất hiện để giúp đỡ chi trả những ngày khách quá vắng. Tình hình sân khấu hơi khó khăn bởi vì thể loại kịch của sân khấu hay diễn hơi kén người xem. Tác phẩm của chúng tôi toàn diễn kinh dị, căng thẳng, trong khi phần lớn khán giả thích kiểu kịch hài, kịch gia đình hơn.
Hiện giờ thì mọi người vẫn đang cố gắng từng chút một, tôi hi vọng sẽ góp được phần nào sức lực với mọi người và mong đợi ngày sân khấu thân yêu của mọi người được đông đảo khán giả chào đón trở lại.
Cám ơn bạn đã chân thành chia sẻ trong buổi phỏng vấn hôm nay.
Bắc Kim Thang hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 24/10.
Theo helino
Xem Bắc Kim Thang mà nghĩ đây chỉ là bài hát cho vui thì coi chừng bạn đã lầm to đấy, không tin để NS Trung Dân nói cho mà nghe!
Giữa những tranh cãi của khán giả liên quan đến nhan đề Bắc Kim Thang, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng nếu hiểu câu chuyện đằng sau bài đồng dao thì sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng trong bộ phim.
Bài viết có spoil nội dung phim, xin độc giả cân nhắc trước khi đọc!
Bắc Kim Thang gây chú ý ngay từ cái tên vì đây là một bài đồng dao quen thuộc trong văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng. Với những ai đã xem phim xong, hẳn đa phần sẽ thắc mắc NSX có đang lạm dụng một bài đồng dao nổi tiếng chỉ để thu hút sự chú ý hay không? Vì nó không liên kết nhiều với nội dung của phim.
Nói về vấn đề này, nghệ sĩ Trung Dân đã có lời giải thích vô cùng cặn kẽ, về cả bài đồng dao lẫn bộ phim Bắc Kim Thang có mối liên quan mật thiết với nhau.
NS Trung Dân giải thích "chú bán dầu - bán ếch" ở phim "Bắc Kim Thang"
Chú giải thích như thế nào về hình tượng "chú bán dầu, chú bán ếch" và "chim le le - bìm bịp" ở bài đồng dao Bắc Kim Thang?
Bắc Kim Thang là một câu chuyện không mới, đó là cái nhìn bẩn thỉu về cuộc sống và xã hội của một người phụ nữ ở tầng lớp trên. Nhân vật chính là Thiện Tâm gắn câu chuyện của mình với một câu hát đồng dao mà rất nhiều người thuộc: " Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo, kèo qua cột, chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi, con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te tò te". Ít người biết nên chưa hiểu, thực ra câu chuyện trong bộ phim Bắc Kim Thang nếu gắn vào lời bài đồng dao này thì sẽ hiểu cực kì hay.
Thiện Tâm - cháu đích tôn trong gia đình.
Văn hóa Nam Bộ thể hiện trong những bài hát vè của những đứa trẻ con ở quê, người lớn nghe nhiều rồi đúc kết thành văn hóa miền sông nước miền Nam Việt Nam. Câu chuyện kể về tình bạn bán hàng của một anh bán dầu với một anh bán ếch, họ gắn kết và chia sẻ với nhau. Người bán ếch muốn có ếch thì phải đi bẫy, mồi bẫy của họ là gì ta không cần biết, nhưng khi họ đi bẫy thì trông thấy con bìm bịp và con le le đang tranh nhau miếng mồi rồi hai con sụp luôn vào cái bẫy đó luôn. Bài học đầu tiên là về sự tranh giành, tranh giành mà bất chấp thì chết luôn cả đám.
Tiếp theo câu chuyện nhé, khi hai con này sập bẫy rồi thì ông kia muốn bắt về ăn thịt nhưng rồi nhìn mặt chúng đáng thương quá, ông lại thả. Bạn biết con le le với bìm bịp không? Con le le thì giống như con vịt, còn con bìm bịp thì tựa như con quạ, nó săn rắn về tổ, rung mấy cái là con rắn gãy xương sống nằm đó cho đám con nó ăn, ai mà thọt tay vào ổ nó có ngày rắn cắn chết. Tiếng kêu của nó báo hiệu nhiều thứ, vang và chính xác, hễ nó kêu thì nước lớn, nó kêu thì nước rồng. Trong văn hóa nông nghiệp Việt Nam, người nông dân sử dụng con bìm bịp để lắng nghe ở môi trường. Chứ con le le thì nhát và nhỏ, thấy người là nó bay đi.
Chim lele
Chim bìm bịp là loài ăn rắn.
Trở lại với câu chuyện, khi hai con bìm bịp và le le được giải phóng, ông bán ếch vẫn ở lại bình thường thôi. Bữa trưa ông nằm ngủ thì thấy con le le với bìm bịp bay tới báo mộng là " Ông ơi, bên dưới cái cầu mà ông với ông bán dầu bán có 2 con ma muốn bắt ông với ông bán dầu xuống đó để thế mạng cho nó, chuyện đó xảy ra trong vòng bảy ngày tới nên ông hãy coi chừng", ông bán ếch sợ hãi chạy qua nhà ông bán dầu kể hết mọi chuyện. Ông bán ếch vốn từng có người mẹ hay người cha gì đó đã mất rồi, thời gian đó, ông bán dầu có đem tiền phúng điếu nên ông bán ếch nhớ ơn.
Vì thế, dù ông bán dầu không tin thì ông bán ếch vẫn cố gắng bảo vệ ông bán dầu bằng cách sang đó bày tiệc 7 ngày làm sao để ông bán dầu không đi qua cây cầu đó. Nhưng khi nhậu đến ngày thứ 6, ông bán dầu vẫn tỉnh dậy, đi bán dầu qua cây cầu đó và té chết thật. Ông bán ếch biết vậy nhưng ngày thứ 7 mới dám qua vớt xác bạn mình lên làm đám. Trong đám tang đó, con bìm bịp và con le le đến kêu giống như đang than khóc cho ông bán dầu, tạo nên một âm thanh ma chay, nói đánh trống thổi kèn chỉ là cường điệu thôi.
Bắc Kim Thang không dừng lại ở một bài hát đồng dao thiếu nhi mà còn gửi gắm rất nhiều bài học về chia sẻ tình bạn, sự tranh giành trong chất kể ma mị. Trong phim cũng vậy, các nhân vật vì mê muội cờ bạc mà dẫn đến kết cục bi thảm.
Hình ảnh những người trong gia đình ở Bắc Kim Thang.
Còn về hình tượng "bắc kim thang cà lang bí rợ" thì sao thưa chú?
Mọi người thường hay ghép "cà - lang - bí - rợ" vào thành một cụm "cà lang bí rợ" nên mới thấy khó hiểu. Thực ra mỗi yếu tố lại có nghĩa riêng. "Cà" có thể là trái cà, "lang" có thể là khoai lang,... tất cả mọi cái là những dây leo, "bắc kim thang" là bắc cái thang lên cho những dây leo sống, sinh tồn, cộng hưởng. Đó cũng là một bài học đơn giản, dễ hiểu của ông bà mình đã gửi gắm qua các câu đồng dao. Nó là một câu chuyện buồn, nhưng khi chơi đùa, chúng ta hát cái bài hát này trong ngữ cảnh vui thì lại cảm thấy vô tư lắm. Con le le, con bìm bịp chính là biểu tượng của thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể dự báo trước số phận của con người. Sự gắn kết giữa người với người cũng là bài học rất hay mà bộ phim rút ra từ câu chuyện này.
Trở lại với bộ phim Bắc Kim Thang, mối quan hệ gia đình phạm phải rất nhiều sai lầm như trọng nam khinh nữ, họ không "bắc được kim thang" để tình cảm thăng hoa, họ chia rẽ lẫn nhau, từ cha mẹ, vợ chồng cho đến anh em. Đó là một ngôi nhà bệ rạc, rượu chè be bét, từ danh giá, giàu có trở thành một đống than.
Trailer Bắc Kim Thang
Bên cạnh câu chuyện giải thích ý nghĩa của bài đồng dao trong bộ phim Bắc Kim Thang, chúng tôi cũng đã có buổi phỏng vấn chân tình với NS Trung Dân về câu chuyện 30 năm tham gia nghệ thuật. Bài phỏng vấn đầy đủ sẽ xuất bản trong thời gian sớm nhất. Rất mong độc giả đón đọc.
Bắc Kim Thang đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.
Theo helino
Hậu LHP Busan, "Bắc Kim Thang" càn quét phòng vé Việt khi thu về gần 5 tỷ sau 5 tiếng công chiếu đầu tiên Sau 5 tiếng công chiếu đầu tiên, "Bắc Kim Thang" thu hút đến 66.808 lượt khán giả xem phim với doanh số khoảng 5 tỷ đồng. Gần 5 tỷ là con số "Bắc Kim Thang" thu được trong đêm Sneak show. Có thể nói, "cơn sốt" về Bắc Kim Thang đang thực sự diễn ra trên khắp các rạp chiếu phim. Sau đêm...