Thiên tai trong năm 2020 gây thiệt hại nặng nề
Số tiền bảo hiểm chi trả cho 10 thiên tai gây nhiều thiệt hại nhất năm 2020 lên tới 150 tỷ USD, chưa kể tới 3.500 người thiệt mạng và hơn 13,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa – những con số thống kê được đưa ra trong báo cáo do tổ chức phi chính phủ Christian Aid công bố ngày 28/12 cho thấy tác động trong dài hạn của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Victoria, Australia, hồi tháng 1/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo thường niên “Đánh giá thiệt hại của năm 2020: Một năm của sự đổ vỡ khí hậu” của Christian Aid điểm lại hậu quả của các thảm họa tự nhiên trong năm qua, từ những trận cháy rừng mất kiểm soát ở Australia hồi tháng 1 cho đến các cơn bão ở Đại Tây Dương từ đầu năm đến hết tháng 11. Theo báo cáo, mức thiệt hại do thiên tai trong năm nay trên thực tế còn cao hơn các con số thống kê nói trên do phần lớn thiệt hại không được bảo hiểm.
Không có gì là bất ngờ khi những quốc gia nghèo chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ở các nước này, các công ty bảo hiểm chỉ chi trả 4% thiệt hại về kinh tế từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao là 60%. Người phụ trách chính sách của tổ chức Christian Aid, Tiến sĩ Kat Kramer, đánh giá biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng trong năm 2020, từ lũ lụt ở châu Á, nạn châu chấu ở châu Phi hay các cơn bão ở châu Âu và châu Mỹ, .
Theo Tiến sĩ, con người phải hứng chịu các thiên tai cực đoan từ trước khi xảy ra tình trạng ấm lên toàn cầu, bởi hoạt động của con người bắt đầu gây xáo trộn hệ sinh thái của hành tinh. Với những dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ thu thập trong hơn 1 thế kỷ cùng với dữ liệu vệ tinh về các cơn bão và mực nước biển dâng trong hàng thập kỷ qua, rõ ràng là tác động của tình trạng nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên đang lan rộng.
Các trận siêu bão, hay cuồng phong và lốc xoáy giờ đây có thể mạnh hơn, kéo dài lâu hơn, mang theo nhiều nước hơn và tác động sâu rộng hơn so với cấp độ của chúng. Năm 2020 có tới 30 cơn bão trên biển Đại Tây Dương được đặt tên – nhiều nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại 41 tỷ USD và khiến ít nhất 400 người thiệt mạng. Những cơn bão như vậy được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian tới.
Cảnh ngập lụt sau bão Amphan tại bang Kolkata, Ấn Độ ngày 21/5/2020. Ảnh: ANI/TTXVN
Có 5 trong số 10 thiên tai gây thiệt hại nhiều nhất trong năm 2020 đều liên quan đến mùa mưa bất thường ở châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ trải qua mùa mưa với lượng mưa cao khác thường trong 2 năm liên tiếp.
Theo ông Shahjahan Mondal, Giám đốc Viện quản lý nước và lũ lụt thuộc Đại học công nghệ và kỹ thuật Bangladesh, cho biết mùa mưa lũ năm 2020 là một trong số những năm tồi tệ nhất lịch sử nước này với hơn 25% diện tích đất nước chìm trong nước. Những thiên tai như các vụ cháy rừng lan rộng trên diện tích lớn ở California (Mỹ), Australia và vùng nội địa Siberia của Nga cũng liên quan chặt chẽ tới tình trạng Trái đất ấm lên và được dự báo sẽ càng nghiêm trọng khi nhiệt độ Trái Đất tăng.
Nỗ lực giảm khí thải tại châu Âu
Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều cam kết giảm phát thải khí nhà kính đã được đưa ra.
Nghị viện châu Âu (EP) cũng mới thông qua mục tiêu cắt giảm ít nhất 60% lượng phát thải khí nhà kính của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) vào năm 2030, cao hơn so mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.
Một nhà máy sản xuất than cốc.Ảnh Roi-tơ
Nhằm đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2050, EU đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 là cắt giảm 40% lượng khí thải, so với mức của năm 1990. Năm 2050 là mốc thời gian chung của EU và nếu một số nước thành viên lùi thời hạn đạt mục tiêu cắt giảm khí thải thì các quốc gia khác phải đạt được mục tiêu này sớm hơn. Với lộ trình này, EU sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đưa lượng khí thải về 0. Vì vậy, Chủ tịch EC U.Lây-en đã đề xuất mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải của EU vào năm 2030. Bộ trưởng Môi trường của các nước EU gần đây cũng khẳng định lại cam kết phối hợp và tiến hành các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu mà EC đưa ra. Với 352 phiếu thuận, 326 phiếu chống và 18 phiếu trắng, EP đã thông qua mục tiêu cao hơn, cắt giảm ít nhất 60% lượng khí thải vào năm 2030.
Được thông qua với tỷ lệ sít sao, có thể thấy, mục tiêu cắt giảm khí thải vẫn gây bất đồng giữa các nhà lập pháp của EP. Một số nhà lập pháp đã hoan nghênh quyết định này; nhấn mạnh, nỗ lực này không chỉ đem lại tác động tích cực với môi trường mà còn tạo cơ hội giúp EU phục hồi kinh tế với mức tăng trưởng bền vững hơn. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường cũng ca ngợi cuộc bỏ phiếu của EP là một "chiến thắng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng, quyết định EP đã đưa ra quan điểm tiến bộ hơn so với đề xuất trước đó của EC. Trước đó, WWF và các tổ chức phi chính phủ khác đã kêu gọi EU cắt giảm ít nhất 65% lượng khí thải vào năm 2030.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp châu Âu cho rằng, mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải vào năm 2030 là "quá tham vọng" và sẽ đặt ra gánh nặng với nhiều ngành công nghiệp của châu Âu. Một số nhà lập pháp ủng hộ cắt giảm 55% lượng khí thải vì cho rằng đây là mục tiêu "khả thi nhất", nhắc đến dự báo của EC về chi phí và lợi ích khi theo đuổi mục tiêu này. Theo dự báo được EC công bố tháng 9 vừa qua, việc cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 là "có thể đạt được" và "có lợi" cho nền kinh tế EU. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi các nước thành viên EU ủng hộ đề xuất ban đầu của EC với lý do mục tiêu ở mức 55% là "thực tế" và cũng đủ "tham vọng".
Sau khi được EP thông qua, mục tiêu cắt giảm khí thải sẽ được 27 nước thành viên EU tiến hành thảo luận. Trong một lá thư chung, 11 nước thành viên EU đã bày tỏ ủng hộ cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030. Trong khi đó, một số nước vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ than đá, cho rằng không thể thực hiện mục tiêu nêu trên và phản đối cam kết giảm khí thải mới. Do đó, EU cần tính tới phương án một số nước phải vượt cam kết đặt ra thì mục tiêu cắt giảm khí thải chung của khối mới có thể đạt được.
Các nhà lãnh đạo EU mới đây thông báo sẽ đưa ra quyết định về mục tiêu cắt giảm khí thải tại Hội nghị cấp cao EU dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, nhằm có thêm thời gian thống nhất quan điểm chung. Với mong muốn thông qua mục tiêu cắt giảm khí thải vào cuối năm nay, các nước thành viên EU cần sớm thu hẹp những bất đồng và xác định được mục tiêu chung, trong đó có tính tới hoàn cảnh cụ thể của từng nước, tính công bằng cũng như bảo đảm sự đoàn kết trong khối.
Lừa tiền bảo hiểm bằng kế hoạch tàn độc Cory Martin, 33 tuổi và Adelle Anderson, 32 tuổi, lên kế hoạch một năm trước khi gây án để lĩnh 200.000 USD tiền bảo hiểm nhân thọ. Ngày 4/11, Martin và Anderson bị bắt tại thành phố Trenton, bang New Jersey vì hành vi âm mưu lừa đảo chuyển khoản và đánh cắp danh tính nghiêm trọng, New York Times đưa tin ngày...