Thiền sư Thích Nhất Hạnh chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu (Huế), trụ thế 96 tuổi, sau khi dành toàn bộ cuộc đời chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi và sự đau khổ thành những hướng dẫn dễ hiểu nhất.
Theo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tang lễ sẽ theo nghi thức Tâm tang, kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng, trang nghiêm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng, miễn các phúng điếu vòng hoa, trướng liễn: “Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân Chiến tranh Việt Nam vào tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội.Ảnh HOANG DINH NAM/AFP
“Vị thiền sư đáng kính, người tiên phong phổ quát cho khái niệm chánh niệm ở phương Tây”
Trong những giờ qua, các cơ quan thông tấn, báo chí và trang mạng trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những từ ngữ trân trọng: “Vị thiền sư đáng kính, người tiên phong phổ quát cho khái niệm chánh niệm ở phương Tây” (trang Startribune); “Người thầy đáng kính và là nhà hoạt động dân quyền, người tiên phong của Phật giáo dấn thân”, “nhà lãnh đạo tinh thần, tác giả, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng thế giới” (trang Phật giáo Tricycle); “Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư thuyết giảng từ bi và bất bạo động”, “được mô tả là Phật tử nổi tiếng thứ hai trên thế giới, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma” trong phạm vi ảnh hưởng toàn cầu (trang Religionnews). Nhà sư Haemin Sunim nói với Reuters rằng: “Thích Nhất Hạnh giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người nghỉ ngơi dưới cành nhánh của Ngài qua lời giảng tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi”.
Thật vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chắt lọc những lời dạy của Bụt về lòng từ bi và sự đau khổ thành những hướng dẫn dễ hiểu trong suốt cuộc đời cống hiến cho hòa bình của mình. Sinh năm 1926 với tên thế tục là Nguyễn Xuân Bảo, Thích Nhất Hạnh xuất gia năm 16 tuổi, đến năm 1961, ông sang Hoa Kỳ du học, giảng dạy tôn giáo so sánh một thời gian tại các trường đại học Princeton và Columbia. Đầu những năm 1970, Thiền sư vừa nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại đại học Sorbonne, Paris.
Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Phạn (Sanskrit) và Pali.
Thật khó để nói hết tầm quan trọng về vai trò của Thích Nhất Hạnh đối với sự phát triển của Phật giáo ở phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Ông được cho là chất xúc tác quan trọng nhất cho sự gắn bó của cộng đồng Phật giáo với các mối quan tâm về xã hội, chính trị và môi trường.
Trọng tâm cách tiếp cận Phật giáo của Thích Nhất Hạnh là sự nhấn mạnh về duyên khởi, hay cái mà ông gọi là “tương hợp”. Ông xem duyên khởi là sợi dây liên kết tất cả các truyền thống Phật giáo lại với nhau, liên kết các giáo lý của kinh điển Pali, giáo lý Đại thừa về tính không và tầm nhìn của trường phái Hoa Nghiêm về sự phụ thuộc lẫn nhau triệt để.
Video đang HOT
Pháp thoại cho trẻ em tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai. Ảnh LANGMAI.ORG
Năm 1967, Mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa bình cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ca ngợi ông ” là một học giả uyên bác. Những ý tưởng về hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các tôn giáo, cho tình huynh đệ thế giới và cho nhân loại. ” (theo trang BBC Tôn giáo). Năm 1991 ông được trao giải thưởng Can đảm của Lương tâm (Courage of Conscience award), năm 2015 ông nhận Giải Pacem in Terris (Pacem in Terris Peace and Freedom Award) – một giải thưởng hòa bình của Công giáo Hoa Kỳ. Tháng 11 năm 2017, Trường đại học Sư phạm Hồng Kông đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh vì “những đóng góp suốt đời của ông trong việc thúc đẩy chánh niệm, hòa bình và hạnh phúc trên khắp thế giới”.
Trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời, Thích Nhất Hạnh sống tại Làng Mai, một trung tâm nhập thất do ông thành lập ở miền nam nước Pháp. Ở đó, trong các buổi nói chuyện và nhập thất trên khắp thế giới, ông đã giới thiệu Thiền tông, về bản chất của nó, là hòa bình thông qua sự lắng nghe từ bi. Trong nhiều năm, Thích Nhất Hạnh đã tạo ra một cảnh tượng quen thuộc trên toàn thế giới, đó là dẫn đầu hàng dài người tham gia thiền hành trong im lặng “chánh niệm”.
Di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về tang lễ, không muốn xây tháp
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu. Hiện Tổ đình và môn đồ pháp quyến đang chuẩn bị tang lễ cho ngài.
Trước đó, khi còn minh mẫn, ngài đã có di huấn về tang lễ của mình.
Sáng nay 22.1, trang Tổ đình Từ Hiếu và Đạo tràng Mai Thôn đã công bố di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về tang lễ của ngài.
Tăng ni phật tử đến Tổ đình Từ Hiếu để chuẩn bị tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
Tang lễ hình thức "một khóa tu im lặng"
Thông cáo của Làng Mai viết: "Sau những năm tháng an dưỡng tại chốn Tổ Từ Hiếu từ ngày 26.10.2018, Thiền Sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu, khai sơn Đạo tràng Mai Thôn Quốc tế đã thâu thần thị tịch vào lúc 00:00 giờ sáng ngày 22.1.2022, nhằm ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu.
Theo di huấn của Thiền sư, "Tổ đình Từ Hiếu và Tăng Thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang".
Phật tử đến đảnh lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngài viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu sáng nay.. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
Lễ nhập Kim Quan sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 00 ngày 23.1.2022; lễ Trà Tỳ (hỏa thiêu) sẽ cử hành lúc 7 giờ 00 ngày 29.1.2022. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong tang lễ tâm tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới mà không cần phải xây tháp.
Tăng ni phật tử chuẩn bị trang hoàng cho tang lễ. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
Theo di huấn của Thiền sư, môn đồ pháp quyến xin miễn các phúng điếu vòng hoa, trướng liễn.
"Thầy không muốn xây tháp"
Di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn: "Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.
Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
Quý tăng thân Làng Mai và đệ tử đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam năm 2018. Ảnh NGUYỄN VĂN SUM
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!
Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: "Trong này không có gì." Thầy không nằm trong tháp ấy đâu.
"There is nothing inside". Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa "Ngoài kia cũng không có gì." Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là "Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn." Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.
Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới.
Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy..."
Cuộc đời Thiền sư Thích Nhất Hạnh Tổ đình Từ Hiếu, Đạo tràng Mai Thôn Tu viện Vườn Ươm - Làng Mai Thái Lan vừa có cáo phó Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu và công bố sơ lược tiểu sử của ngài. Theo cáo phó của Tổ đình Từ Hiếu, Đạo tràng Mai Thôn Tu viện Vườn Ươm - Làng Mai Thái Lan,...