“Thiên mệnh anh hùng” và sứ mệnh mở đường
Nếu như người anh hùng Nguyên Vũ trong Thiên mệnh anh hùng vượt qua bao hiểm nguy đã hoàn thành sứ mệnh đem lại bình yên cho dân chúng, thì bản thân bộ phim cũng là một “kẻ mở đường” dũng cảm khai thông bế tắc lâu nay của dòng phim lịch sử – dã sử Việt Nam.
Cách đây không lâu, loạt bài Gian nan làm phim sử Việt đăng tải trên Thanh Niên (sau một loạt phim lịch sử – dã sử được triển khai nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trong loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến nêu rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan của những nghệ sĩ, nhà sản xuất tâm huyết với dòng phim này, mà theo đó đã làm cho dòng phim này rơi vào bế tắc: tư liệu lịch sử ít và thiếu trường quay chuyên nghiệp không có thiết kế trang phục, đạo cụ gặp nhiều khó khăn kinh phí đầu tư quá lớn trong khi “đầu ra” phập phù và khó thu quảng cáo phim làm xong lại hay bị “soi” dễ khiến nghệ sĩ nản lòng… Đó cũng là những nguyên nhân lý giải cho việc phim lịch sử – dã sử chỉ rộ lên vào dịp đại lễ (có cả phim thực hiện bằng ngân sách nhà nước lẫn tư nhân) rồi tiếp tục… bất động, mặc dù dân ta vẫn “đói” phim sử ta.
Tạo hình các nhân vật trong Thiên mệnh anh hùng – Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Do đó, khi dự án Thiên mệnh anh hùng được công bố đã có không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại. Bộ phim mang nhiều dữ kiện lịch sử này được thực hiện chẳng “nhân dịp” lễ lạt, ngày kỷ niệm nào cả, mà đích đến của nó rất rõ ràng: chiếu tết. Đó là thời điểm các bộ phim nội cạnh tranh với nhau khốc liệt nhất, và lâu nay mùa tết đã được “mặc định” là mùa của những phim vui tươi nhẹ nhàng. 10 năm trở lại đây, khi phim nội bắt đầu trở lại chiếm lĩnh thị trường mùa tết, tết Nguyên đán chưa từng có một phim lịch sử – dã sử nội địa nào được tung ra. Có nghĩa là, Thiên mệnh anh hùng sẽ là phim đầu tiên mang yếu tố lịch sử trong nội dung ra rạp dịp tết, nhưng muốn được chú ý phim cũng sẽ phải mang tính giải trí cao.
Với 2 yêu cầu đó, việc xác định thể loại “võ hiệp kỳ tình” cho bộ phim là một quyết định khôn ngoan của đạo diễn Victor Vũ. Ở thể loại này, yếu tố hư cấu được đẩy lên rất cao để thể hiện cái nhìn về nhân vật, về lịch sử, quan điểm đối với cuộc sống của người sáng tác, trong khi những dữ kiện lịch sử chỉ đóng vai trò làm nền để chuyện phim diễn ra.
Hai nhân vật nam/nữ chính của bộ phim
Một khi đã xác định rõ thể loại, Thiên mệnh anh hùng quả thực đã tránh được những soi xét không cần thiết từ phía các nhà chuyên môn, để cuốn người xem theo câu chuyện hư cấu về hành trình tìm cách giải oan cho vụ án Lệ Chi viên của Nguyên Vũ – người cháu nội của Nguyễn Trãi, mà người xem không phải bận tâm rằng đứa cháu ấy có thật hay không, chuyện bức huyết thư là thật hay giả, bà hoàng thái hậu ngày xưa có cư xử như thế không… Hành trình ấy mang dáng dấp hành trình quen thuộc của nhiều hiệp khách trong dòng phim võ hiệp kỳ tình: gia quyến mắc nạn, lưu lạc, vô tình học được tuyệt kỹ, tình cờ làm quen với mỹ nhân rồi được cùng nàng sánh vai hành tẩu giang hồ, bị kẻ xấu lợi dụng cho những âm mưu tàn độc… Tuy nhiên, với một mô típ, người ta có hàng ngàn cách để xử lý, và Thiên mệnh anh hùng chiếm được thiện cảm của khán giả khi cho người xem thấy đó là câu chuyện của một nhân vật người Việt, mang tính cách Việt, với những quan hệ xã hội và bối cảnh lịch sử Việt Nam nhờ vào sự chăm chút cho chi tiết của các nhà làm phim, từ tạo hình nhân vật, nói năng, đến phục trang, cảnh trí… Đó là một thành công đáng ghi nhận của Thiên mệnh anh hùng trong việc góp phần “hóa giải” nỗi lo lắng thường trực của các nhà làm phim ta khi thực hiện phim có dính đến yếu tố lịch sử (làm thế nào để phim ra tránh được búa rìu của các nhà sử học).
Lạ mới là yếu tố quyết định Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi gần đây, nói như đinh đóng cột rằng qua quan sát các phim ăn khách trên thị trường VN, anh nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi quan niệm. Theo anh, ngày trước ta hay đề cao tầm quan trọng của câu chuyện, rằng một bộ phim hấp dẫn phải nhất thiết có một câu chuyện hay. Nhưng giờ đây, lạ mới là yếu tố quyết định. Với những gì Thiên mệnh anh hùng đã làm được, thì câu chuyện về những cái “lạ” mà bộ phim mang lại vẫn còn dài…
Theo Phạm Thu Nga (Thanh Niên)
Video đang HOT
"Thiên mệnh anh hùng" chưa công chiếu đã... lãnh đủ!
Theo lẽ thường, ít có bộ phim Việt nào lại không bị đem ra săm soi, so sánh, nhất là các tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài và phim cổ trang. Thiên mệnh anh hùng không phải ngoại lệ. Ngay sau khi tung trailer hoành tráng thu hút kha khá sự quan tâm của khán giả nước nhà thì bộ phim này đã bị đem ra phân tích, mổ xẻ. Cùng xem khán giả "kết tội" gì Thiên mệnh anh hùng nhé.
Kịch bản không tôn trọng lịch sử
Thiên mệnh anh hùng là bộ phim võ hiệp được sản xuất dựa trên tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Tác phẩm kể lại vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Gia đình ông chỉ còn đứa cháu nội sống sót. 20 năm sau, anh ta tìm cách minh oan cho gia đình. Bức huyết thư dựa trên một phần lịch sử, đồng thời sử dụng phương pháp hư cấu văn học tạo nên cốt truyện hấp dẫn.
Chính yếu tố hư cấu này đã khiến nhiều khán giả thất vọng vì Thiên mệnh anh hùng làm sai sử. Thứ nhất, trong phim sau khi thoát chết lúc tròn 5 tuổi, 16 năm sau (tức lúc này anh ta 21 tuổi) Trần Nguyên Vũ (cháu nội Nguyễn Trãi) đã xuống núi, tìm cách minh oan cho gia tộc. Khán giả cho rằng trên thực tế, dựa vào thảm án Lệ Chi Viên (1442) và thời điểm Nguyên Vũ đi trả thù (khoảng 1470 - 1475), anh ta phải tầm 28 - 33 tuổi.
Thứ hai, việc phóng tác hậu duệ của Nguyễn Trãi đi trả thù cho gia tộc khiến hình ảnh kiên trung của ông và sự công minh của vua Lê Thánh Tông bị ảnh hưởng. Phim lịch sử thì phải giữ đúng lịch sử, không cho phép sự hư cấu, tưởng tượng.
Nhưng Thiên mệnh anh hùng không phải là phim tài liệu lịch sử. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã khai thác một hướng đi hoàn toàn khác với câu chuyện có thật. Đạo diễn Victor Vũ cho biết: Thiên mệnh anh hùng đi theo phong cách võ hiệp - hành động - trinh thám. Thế nên, phim có những yếu tố hư cấu để làm tăng tính hấp dẫn, không thể vì vậy mà quy kết là không tôn trọng lịch sử.
Mặt khác, văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn không thiếu những truyện võ hiệp - kỳ tình. Bức huyết thư chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, Bức huyết thư chỉ kể lại quá trình Nguyên Vũ minh oan cho dòng tộc chứ thực chất không kể chuyện anh ta báo thù.
Khán giả Việt có cái hay ở chỗ: Nếu là phim hiện đại, kịch bản lãng mạn một chút thì đem so sánh với Hàn Quốc, còn phim cổ trang thì lấy ngay Trung Quốc ra làm thước đo. Đã đem so sánh với Trung Quốc thì chúng ta cũng cần phải nhớ, rất nhiều phim dã sử của họ không hề bị khán giả quay lưng vì hư cấu (các phim nổi tiếng Hoàng Kim Giáp, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Thủy Hử, Bao Thanh Thiên...). Nếu chỉ làm một bộ phim lịch sử thuần túy, chắc chắn sẽ không được cả khán giả Trung Quốc và Việt Nam yêu thích như vậy.
Trang phục "bắt chước" Trung Quốc
Trang phục trong phim bị cho là giống với trang phục của Trung Quốc cổ xưa. Bị đem ra so sánh nhiều nhất chính là phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nhiều khán giả cho rằng: nó rất giống trang phục của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Võ Tắc Thiên, Phượng Ớt (Hồng Lâu Mộng)... Hoàng thái hậu của họ vấn tóc chim công, chim phượng thì Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng y chang.
...bị so sánh với một nhân vật trong phim Trung Quốc
Theo lịch sử ghi chép, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người đàn bà xinh đẹp, đầy mưu mô và xảo trá, bị nghi ngờ là chủ mưu sát hại vua Lê Thái Tông trong vụ án Lệ Chi Viên. Là người đàn bà nham hiểm và quyền lực - bậc mẫu nghi thiên hạ, Tuyên từ Thái hậu không thể ăn mặc xuề xòa, áo yếm, váy nâu, trùm khăn mỏ quạ được.
Hơn nữa không thể phủ nhận văn hóa Việt Nam có ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa do bị Bắc thuộc nhiều năm, Thái hậu vấn tóc phượng có gì là lạ. Thiên mệnh anh hùng dựng lại giai đoạn lịch sử thời Lê sơ - Mạc. Đây là thời kỳ Việt Nam bị ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc cho nên một bà hoàng hậu mặc trang phục "gần giống" Trung Quốc không phải điều đáng lên án.
Nói trang phục không "thuần Việt" thì hơi oan cho Thiên mệnh anh hùng. Bởi trang phục của nữ hiệp Hoa Xuân (Midu đóng) đúng chất Việt Nam, khi luyện võ hay trong cuộc sống đời thường đều rất giản dị. Nguyên Vũ - người duy nhất trong gia đình Nguyễn Trãi thoát nạn tru di cũng diện quần áo nâu, đầu chít khăn nâu. Hoa Hạ (Kim Hiền đóng) để mái giữa, tóc dài buộc chẳng có một chút Trung Hoa nào trong đó.
Đừng nên quá khắt khe với điện ảnh nước nhà
Những phim cổ trang ngày trước như Lục Vân Tiên bối cảnh sơ sài, phục trang đơn giản, võ nghệ ngô nghê đến tức cười. Khán giả chê và lại đem ra so sánh với Trung Quốc, rằng phim của họ hoành tráng, có đầu tư, xem phim biết nhiều về lịch sử đất nước Trung Hoa. Đến khi nước mình làm một bộ phim kiếm hiệp, xem trailer đã thấy thích mắt với những cảnh quay ấn tượng thì ngay lập tức, khán giả đã săm soi xem tác phẩm ấy giống... phim Trung Quốc đến bao nhiêu phần trăm.
Cảnh thiên nhiên Việt Nam hùng vĩ chẳng kém nước ngoài.
Trước đây, cứ nói đến phim cổ trang Việt Nam là nhiều khán giả lại e ngại, đơn giản bởi vì những bộ phim đó nội dung quá sơ sài, cách thể hiện cũ mèm. Thiên mệnh anh hùng là bộ phim hiếm hoi mà khi vừa tung trailer đã khiến nhiều khán giả trầm trồ vì... đẹp quá. Thiên nhiên Việt Nam lên phim cực đẹp và ấn tượng, nhiều khán giả lầm tưởng là phim cổ trang Trung Quốc.
Nhưng thực tế điều này có gì sai khi chúng ta học hỏi cách làm của một nền điện ảnh xuất sắc trên thế giới? Đừng nói đó là copy bởi các cảnh quay hoàn toàn được thực hiện ở Việt Nam. Đoàn làm phim đã phải đi khắp nơi trên Tổ quốc để tìm được những bối cảnh đẹp như vậy.
Kết
Với một tác phẩm điện ảnh cổ trang hoành tráng như Thiên mệnh anh hùng, hy vọng khán giả đừng quá khắt khe. Đây là bộ phim hoàn toàn "made in Việt Nam" vì thế rất mong người xem hãy mở lòng đón nhận. Phải như thế, các nhà làm phim mới có động lực để làm nhiều bộ phim chất lượng tiếp theo. Chúng mình hãy cùng ủng hộ Thiên mệnh anh hùng và cùng tự hào về phim cổ trang kiếm hiệp không hề thua kém nước ngoài của Việt Nam nhé.
Theo PLXH
"Thiên mệnh anh hùng": Đẹp là chính, nội dung là thứ yếu! Hiếm có một tác phẩm điện ảnh Việt nào có thể khiến người xem đã mắt như Thiên mệnh anh hùng. Bộ phim xứng đáng là bom tấn ngay từ những ngày đầu công bố dự án cùng bộ ảnh tạo hình nhân vật nữ chính, lúc trailer được tung ra, trong buổi họp báo ra mắt hay ngay ở thời điểm hiện...