‘Thiên mệnh anh hùng’ không đối thủ tại đề cử Mai Vàng
Truyện kể hay, lồng trong phong cảnh non nước tuyệt đẹp, những thế võ huyền bí dưới những cú máy tài tình … đã đưa bộ phim lên hàng “bom tấn Việt” khi công chiếu.
Có vẻ như ban cổ chức giải Mai Vàng năm nay muốn tăng “độ khó” để thử thách độc giả khi xếp 2 thể loại phim truyện truyền hình và phim truyện điện ảnh vào chung một “xuồng” để chọn lựa, bởi có giỏi cân đo cách nào cũng khó tránh được sự khập khiễng.
Dẫu vậy, nếu xét theo từng chủng loại, có thể nói, những phim được lọt vào tốp 5 – Hạnh phúc muộn màng, Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Tay chơi miệt vườn, Lấy chồng người ta, Thiên mệnh anh hùng – đúng là những sản phẩm đã phần nào tạo được dấu nhấn của mình trong lòng công chúng.
Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng.
Bất ngờ
Điều thú vị là 3 bộ phim truyền hình dẫn đầu bảng gồm Hạnh phúc muộn màng,Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Tay chơi miệt vườn là 3 dạng đề tài thuộc 3 dòng phim khác nhau. Trong đó, sự có mặt ít ai ngờ nhất là Hạnh phúc muộn màng mang đề tài tâm lý tình cảm xã hội. Nội dung nói về những bất trắc trong tình người, khiến 2 cô gái xuất thân từ nông thôn vốn hiền lành, chân chất bỗng trở thành kẻ sống để báo thù.
Truyện phim không có gì quá đặc biệt nhưng có lẽ làm cho khán giả nhớ được phần lớn do cách kể của đạo diễn Trương Dũng. Anh luôn biết cách thu hút người xem bằng việc biết làm “lạ” trong từng chi tiết.
Anh hùng Nguyễn Trung Trựccó lẽ là bộ phim lôi kéo sự chú ý của dư luận từ khi nó… chưa được bấm máy, bởi đây được xem là một “công trình lịch sử” của tỉnh Kiên Giang nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 138 của người anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Video đang HOT
Bên cạnh việc khơi gợi trí tò mò muốn nhìn thấy sự “hiện hình” sống động của một nhân vật lịch sử với nhiều huyền thoại, bộ phim còn được người xem chờ đợi cảnh Nguyễn Trung Trực đốt cháy chiếc tàu L’Espérance, một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử chống Pháp sẽ được thực hiện như thế nào.
Tuy chưa phải là một bộ phim hay như mong đợi, vẫn còn đó những nhược điểm “truyền thống” của phim lịch sử nước nhà như bối cảnh nghèo nàn, diễn viên không đủ tầm, tâm lý hời hợt,… song Anh hùng Nguyễn Trung Trực vẫn được ghi nhận như một bộ phim được thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, có thể phần nào giúp thế hệ trẻ “tìm về quá khứ, hướng về tương lai” như tâm huyết của đạo diễn.
Ứng viên nặng ký
Hai bộ phim truyện nhựa lọt vào “trận cuối cùng” là Lấy chồng người tavà Thiên mệnh anh hùng cho thấy năm nay, khán giả không xem phim qua… báo như thời gian trước đây nữa, bởi đây là những phim đã được trình chiếu và có doanh thu từ vừa đến cao. Lấy chồng người ta đánh dấu sự trở lại với một “kiểu dáng” mới của đạo diễn Lưu Huỳnh bằng một bộ phim nặng về giới tính và bạo lực.
Xây dựng một câu chuyện cũng như cái kết quá bạo liệt không mấy gần gũi với tâm lý người Việt song bộ phim vẫn cho thấy một Lưu Huỳnh “đẳng cấp” trong việc tạo cảm xúc. Thành công nhất của anh ở phim này là đã “lột xác” cho diễn viên Thái Hòa “tái sinh” vào một “kiếp” mới, pha trộn giữa người và thú. Và có lẽ, sự có mặt của Thái Hòa đã ít nhiều góp phần đưa bộ phim vào vòng bầu chọn này.
Thiên mệnh anh hùng có lẽ là bộ phim nặng ký nhất trong số này xét về mọi mặt. Mặc dù vẫn còn có những ý kiến cho rằng bộ phim nặng về hình thức, nhẹ về nội dung nhưng dư luận hầu hết đều phải nhìn nhận đây đúng là bộ phim “kiếm hiệp cổ trang thuần Việt” như ý muốn của đạo diễn Victor Vũ.
Mượn bối cảnh lịch sử là vụ án Lệ Chi viên trên ý tưởng của tác phẩm Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn, Thiên mệnh anh hùng được thể hiện bao gồm nhiều “chất” như võ thuật, kỳ tình, kinh dị, rùng rợn, hài hước,…
Tất cả được hòa quyện trong một câu chuyện hư cấu mê hoặc với hầu hết các nhân vật đều gây được ấn tượng, từ Nguyên Vũ (Huỳnh Đông), Hoa Xuân (Midu), sư thầy (Minh Thuận) cho đến Tuyên Từ hoàng thái hậu (Vân Trang), Trần tướng quân (Khương Ngọc),…
Truyện kể hay, lồng trong phong cảnh non nước tuyệt đẹp, những thế võ huyền bí dưới những cú máy tài tình… đã đưa bộ phim lên hàng “bom tấn Việt” khi ra công chiếu. Xem ra lần này, Thiên mệnh anh hùng không có đối thủ xứng tầm.
Nét hài duyên trong Tay chơi miệt vườn
Nếu như 2 bộ phim trên còn để lại đôi điều nghi ngại về hiệu quả trước người xem thì Tay chơi miệt vườn đầy ắp tiếng cười, chắc chắn đã làm khá tốt nhiệm vụ của một bộ phim hài hước, chế giễu cách “trưởng giả học làm sang” của những tỉ phú “trên trời rơi xuống” ở nông thôn, giàu đột biến nhờ tiền đền bù đất quy hoạch, giải tỏa. Phim thu hút nhờ cái duyên của những nghệ sĩ hài như Thanh Nam, Duy Phương, Bảo Trí,…
Theo Người Lao Động
Phim Việt 2012: Thảm họa đạt đến 'đỉnh'
Phim điện ảnh đua nhau ra rạp nhưng chất lượng không tốt, phim truyền hình rớt giá thảm hại và một liên hoan phim quốc tế gây chú ý dư luận nhờ... một khách không mời có sở thích khoe thân.
Đã đi gần hết năm 2012, nhìn lại hoạt động của phim Việt trong năm qua, những ai là khán giả quan tâm đến tình hình phát triển của điện ảnh-truyền hình trong nước sẽ tiếp tục lắc đầu, buồn nhiều, vui ít. Dưới đây là 3 mấu chốt chính khiến làng phim chưa thể sáng sủa thêm.
Thảm họa điện ảnh đạt đến "đỉnh"
Bộ phim Nàng men chàng bóng đã nhận những lời chỉ trích nặng nề nhất.
Mặc dù sự xuất hiện của Scandal và trước đó là Thiên mệnh anh hùng - những tác phẩm điện ảnh chất lượng của đạo diễn Victor Vũ hay Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh xoa dịu phần nào sự u ám của màn ảnh Việt chiếu rạp nhưng hiệu quả của nó vẫn không thể làm mất "dư vị" của những lời chỉ trích nặng nề dành cho "siêu phẩm nhảm" mang tên Nàng men chàng bóng của đạo diễn Võ Tấn Bình.
Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được. Tuy được đầu tư chi phí cao, có những cảnh quay đẹp nhưng những yếu tố đó vẫn không đủ để khán giả, giới báo chí bớt đi sự khắt khe trong việc đánh giá, bình phẩm tác phẩm này.
Vì Nàng men chàng bóng quá "nổi bật" nên vô tình "giảm án" cho những bộ phim khác cũng "xứng đáng" liệt vào danh sách "Thảm họa phim Việt" năm qua như Ranh giới trắng đen hay Gia sư nữ quái.
LHP quốc tế được hâm nóng nhờ màn khoe thân của... khách không mời
Nhờ Hồng Quế, khán giả trẻ biết đến LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai.
Chuyện LHP điện ảnh dù quốc tế hay quốc nội ở nước ta được tổ chức ra không dành cho khán giả là chuyện này đã cũ, hay có thể gọi là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng cứ sau mỗi kỳ LHP, người ta lại chạnh lòng vì khán giả gần như đứng ngoài "cuộc vui". Từ LHP Việt Nam, đến giải Cánh diều vàng hay mới đây là một LHP mang tầm quốc tế với danh xưng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai đều diễn ra một cách trầm buồn.
So với lần trước, LHP quốc tế Hà Nội năm nay đã ít nhiều được dư luận khán giả quan tâm hơn, nhưng đáng tiếc, sự chú ý không đến từ cách tổ chức, những ngôi sao nước ngoài bước trên thảm đỏ hay một bộ phim "gây chấn động" nào đó. Mà nói một cách chính xác và thẳng thắn, nếu không có chiếc váy xuyên thấu của Hồng Quế - vị khách không mời mà đến, có lẽ chẳng khán giả nào - nhất là các bạn trẻ vốn vẫn xem phim mỗi ngày, biết rằng có một LHP "đẳng cấp quốc tế" đang diễn ra tại chính nơi mình sinh sống.
Phim truyền hình "rớt giá"
Nhiều bộ phim truyền hình lên sóng, rồi kết thúc một cách lặng lẽ, chẳng gây được hiệu ứng gì (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Việc đẩy mạnh số lượng phim Việt trên sóng truyền hình đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim tung hoành với mấy chục đầu phim nhiều tập ra đời mỗi năm. Khán giả được thưởng thức nhiều món ăn từ những nhà làm phim trong nước, thay vì cứ ăn mãi những món kim chi của Hàn Quốc hay bánh bao của Hong Kong, Trung Quốc.
Thế nhưng, chính vì ưu ái "người Việt xem phim Việt" mà thời gian gần đây, sóng truyền hình xuất hiện hàng loạt những bộ phim kém chất lượng, nội dung sơ sài, quay nhanh quay ẩu với những câu chuyện na ná nhau, sạn nhiều hơn... ăn cơm độn.
Nếu như trước đây, mỗi năm vẫn có một, hai bộ phim truyền hình tạo được dư luận tốt thì trong năm qua, thật khó để tìm một phim khiến khán giả phải tranh luận, bình luận xôn xao với những chủ đề dài hàng trăm trang trên các trang web phim ảnh. Thậm chí, để "hút" người xem, bộ phim Thời gian để yêu phải dùng đến "chiêu" kêu gọi khán giả nhắn tin dự đoán tình huống tiếp theo với giải thưởng là những chiếc iPad sành điệu. Tuy nhiên, cách làm tích cực này vẫn không thể giúp bộ phim "hot" như mong đợi của nhà sản xuất. Riêng bộ phim Cầu vồng tình yêu, dù được yêu thích, song sức lan tỏa không rộng, không tạo "sốt" như Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về, Bỗng dưng muốn khóc... của mấy năm trước.
Đã có rất nhiều bài phân tích, phê bình sự "rớt giá" của phim truyền hình Việt, nhưng nhìn chung, sở dĩ phim Việt trên màn ảnh nhỏ mất sức hút chính vì kiểu làm phim "ăn xổi ở thì" và thái độ "làm cho xong" của cả nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên.
Kịp nhận ra điều đó nên mới đây, các đài truyền hình bắt đầu đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đưa lên sóng những tác phẩm "nửa vời", kém chất lượng. Hy vọng với tình hình này, năm 2013 tới đây người xem được thưởng thức nhiều bộ phim hay, hấp dẫn đúng nghĩa.
ANH DƯƠNG
Theo Infonet
Điện ảnh thời lạm phát Từ chỗ chỉ vài ba phim ra đời trong một năm, điện ảnh Việt Nam đã bật dậy nhanh chóng với hơn chục bộ phim mỗi năm và hàng loạt hãng phim lớn nhỏ ra đời. Lạm phát phim dở Cảnh trong phim Hello cô Ba. Gần 5 năm trước, phim Việt mỗi năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay và là...