Thích ứng ‘không tiền mặt’, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm
Theo thống kê mới nhất từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), tính đến hết tháng 4/2022, thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng 89,3% về số giao dịch và 119,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 6,7% về số lượng và 7,7% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021
Tỷ lệ người dân rút tiền mặt qua hệ thống ATM ngày càng giảm.
Tỷ trọng các giao dịch của người dân rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của Napas giảm mạnh do người dân đã quen với các giao dịch không tiền mặt như: Cà thẻ, chuyển khoản, trả qua ví điện tử.
Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như: Mobile banking, Internet banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng, hạn chế tiếp xúc…
Video đang HOT
Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 43% trong 5 năm qua. Việt Nam cũng có một lượng lớn dân số trẻ yêu thích và am hiểu về công nghệ. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas, quá trình triển khai Chiến lược đến năm 2025, Napas tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của môi trường thanh toán tại Việt Nam, qua đó góp phần vào quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
“Ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế”, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán – NHNN cho biết.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Napas tập trung triển khai một số giải pháp trọng điểm như: Phát triển hệ sinh thái của thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành; thúc đẩy việc phát triển mạng lưới chấp nhận thông qua các ngân hàng thanh toán, trung gian thanh toán, các đại lý bán hàng, các đối tác có sẵn mạng lưới bán hàng lớn; mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ, mã QR…) tại hệ thống các điểm thanh toán; xây dựng và triển khai các chương trình marketing, truyền thông thúc đẩy thanh toán nội địa và thanh toán bán lẻ dựa trên các giải pháp của Napas.
Giảm thiểu rủi ro phát sinh trong các hoạt động ngân hàng số
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Khách hàng có thể mua hàng, thanh toán dễ dàng với dịch vụ ngân hàng số. Ảnh: L.Cầm
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn ngành chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chú trọng và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị cũng chỉ rõ cần phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money).
Cùng với đó là nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia,...) nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc triển khai, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, thuận tiện trên nền tàng số.
Đối với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn và phối hợp với các sở ban, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn để tham mưu, thông tin kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đảm bảo an ninh, an toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục xây dựng và triển khai Kế hoạch/ Chiến lược chuyển đổi số phù hợp với định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng đến việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng.
Theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN, triển khai các định hựớng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, ban hành nhiều cơ chê, chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã có một số kết quả như nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm,...) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch COVID-19; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực...
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% Tại họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng "Ngày không tiền mặt 2022" diễn ra ngày 20/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Lê Anh Dũng cho biết: Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị...