Thị trường thức ăn chăn nuôi: Khi “ngoại” lấn át “nội”
Vòng đời của 1 con lợn sẽ trải qua ít nhất 8 bao cám (thức ăn chăn nuôi – TACN) với rất nhiều chủng loại cũng như mẫu mã khác nhau. Thực tế này phần nào phản ánh sự đa dạng của thị trường TACN, đồng thời còn hé lộ sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội và hàng ngoại, hay nói đúng hơn là cuộc chiến giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến TACN.
1 con lợn – 10 bao cám
Nuôi lợn đã gần 20 năm nay, trang trại của gia đình ông Trần Văn Nhạ ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện, Hải Dương) thường xuyên có khoảng 1.000 con lợn. Ngay cả thời điểm giá lợn nhiều biến động năm 2017, tổng đàn lợn của gia đình ông Nhạ tuy giảm nhưng vẫn duy trì hơn 400 con.
Tôi không nhớ đã sử dụng bao nhiêu loại thức ăn trong một vụ nuôi, từ hỗn hợp đến bổ sung đạm, vỗ béo… nhiều loại lắm. Đại lý giới thiệu và mời dùng thử với giá cạnh tranh thì tôi mua dùng thôi – ông Nhạ thừa nhận.
Với tiềm lực lớn về tài chính, kinh nghiệm quản lý, điều hành… các DN FDI đang chiếm thị phần lớn trên thị trường TACN cũng là điều dễ hiểu. Ảnh: T.L
Ông Nhạ thường chọn các loại cám phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lợn. Ví như giai đoạn lợn con tập ăn (từ 7 ngày đến sau cai sữa 2 tuần), ông chọn cám Cargill. Nhưng đến giai đoạn heo cai sữa, loại cám CP lại được yêu thích hơn. Hoặc giai đoạn nuôi lợn nái đang mang thai thì cám Con Cò, cám Cargill và CP đều sử dụng tốt, nhưng giai đoạn lợn nuôi con thì cám CP lại được nhiều người tin dùng hơn…
Hỏi vì sao phải dùng nhiều loại cám của nhiều thương hiệu khác nhau như vậy, ông Nhạ giải thích: Qua thực tế sử dụng tôi tự đúc rút kinh nghiệm, hoặc người nọ mách người kia thôi. Tôi đã thử kha khá các loại TACN của nhiều hãng khác nhau rồi nên mỗi giai đoạn sẽ dùng một loại thức ăn phù hợp.
Cũng theo lý giải của ông Nhạ, các loại TACN mà ông tin dùng nhất đều đến từ thương hiệu nước ngoài như: CP, Cargill… một phần do đại lý tiếp thị và có chương trình hậu mãi tốt, thứ nữa là do chất lượng ổn định nên ông Nhạ tin dùng.
Theo ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, điều này hết sức bình thường. Ông Bình cho hay: Một vòng đời của con lợn sử dụng khoảng 8-10 bao cám tùy thuộc vào mục đích và kế hoạch của người nuôi. Có người mong muốn lợn đạt trọng lượng 100kg thì họ sẽ sử dụng các loại cám có hàm lượng đạm cao.
Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải cân bằng được lượng axit amin cần thiết, đảm bảo sự phát triển của lợn. Hiệp hội không khuyến cáo người nuôi sử dụng các loại cám nhiều đạm nhằm mục đích tăng trọng lượng cho lợn, bởi điều này ảnh hưởng đến chất lượng thịt thương phẩm – ông Bình nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thực tế trên cũng phản ánh chính xác những gì đang diễn ra ở thị trường sản xuất, mua bán TACN, nơi mà các DN FDI đang chiếm ưu thế, dù số lượng hoàn toàn khiêm tốn.
Ai thâu tóm thị trường?
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nếu như năm 2010 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm công nghiệp chỉ khoảng 10,59 triệu tấn thì đến năm 2018 đạt trên 23 triệu tấn.
Dựa trên sự phát triển của thị trường TACN trong nước có thể thấy, tiềm năng của thị trường Việt Nam được đánh giá khá màu mỡ, thế nhưng DN nội lại không làm chủ được thị trường, thậm chí đang cắt giảm công suất, thu hẹp thị phần. Ưu thế trên thị trường hiện nay đang nghiêng hẳn về các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Hoàng Hương Giang – Phó trưởng phòng TACN (Cục Chăn nuôi – Bộ NNPTNT) cho hay, cả nước hiện có khoảng 218 DN ngoại – nội sản xuất TACN với công suất khoảng 28.200 tấn/năm; trong đó, có 71 DN FDI và 147 DN Việt.
Công suất sản xuất của DN Việt khoảng 12.465 tấn/năm, còn DN FDI có công suất trên 15.700 tấn/năm; chiếm 60 – 65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra.
Thời gian qua, rất nhiều DN nước ngoài như CP Group (Thái Lan), De Heus (Hà Lan), Cargill (Mỹ)… đã liên tục xây mới nhà máy, mở rộng hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước. Điển hình, Cargill Việt Nam đánh dấu việc vận hành dây chuyền sản xuất cám thủy sản thứ 10 tại tỉnh Hà Nam.
Có thâm niên hơn trong hoạt động đầu tư sản xuất TACN, Công ty cổ phần CP Việt Nam liên tục lớn mạnh sau nhiều năm liền. Đại diện CP cho biết, sau hơn 20 năm vào Việt Nam, CP đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất TACN (công suất mỗi nhà máy trên 400.000 tấn/năm) đặt tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Định.
Ông Đoàn Viết Cường – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh niên xung phong (Adeco – TP.HCM) thừa nhận, do ảnh hưởng bởi tình hình chăn nuôi biến động nên việc bán TACN cho các hộ nông dân gặp nhiều rủi ro.
Hoạt động chăn nuôi trì trệ, nguy cơ mất vốn dễ dàng xảy ra. Để hạn chế những rủi ro không đáng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2017 Adeco phải giảm công suất sản xuất xuống còn 1.000 tấn. Hiện sản phẩm làm ra chỉ để cung cấp cho hệ thống chăn nuôi của công ty chứ không còn bán rộng rãi ra thị trường như trước đây.
Theo Danviet
Giá heo hơi hôm nay 3/8: Duy trì mức cao, thực sự người nuôi lãi bao nhiêu?
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 3/8 ít biến động, cả nước vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, thương lái thu mua bình quân từ 50.000 - 55.000 đồng tuỳ vùng. Đáng chú ý, Công ty C.P chi nhánh Đồng Nai mới đây đã tăng giá bán heo tại trại thêm 500 đồng/kg, hiện đạt 51.000 đồng/kg. Động thái này của C.P đã góp phần đẩy giá heo hơi tăng ở phía Nam, nhiều nơi đạt từ 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam tiếp tục tăng nhẹ
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, trong tháng 7, giá heo hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng, với biên độ dao động khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay xuất chuồng vẫn giữ mức cao, từ 54.000 - 57.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, còn so với năm 2017, giá heo hơi thời điểm này đã tăng gấp đôi.
Hiện giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay vẫn duy trì mức cao, giúp nhiều hộ dần gỡ gạc lại khoản vốn đã đầu tư trong năm 2017. Ảnh: Hải Đăng
Trong đó, giá lợn hơi tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn siêu đẹp, có trọng lượng trên 100kg /con. Giá lợn hơi tại Ninh Bình tăng 5.000 đồng/kg so với tháng 6, lên mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại Bắc Giang, giá heo hơi hôm nay đang ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với vài ngày trước. Còn tại khu vực Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), trao đổi với PV Dân Việt, anh N. T. A, một chủ trang trại cho biết: Với quy mô nuôi thường xuyên 1.000 con lợn thịt, tuần nào gia đình anh cũng xuất bán ít nhất 1 lần, hiện giá lợn hơi vẫn duy trì từ 54.000 - 55.000 đồng/kg từ nhiều ngày nay.
Tại khu vực miền Trung, đáng chú ý là giá lợn hơi tại Hà Tĩnh trong đầu tháng 8 đã có nơi cán mốc cao nhất 58.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, các loại lợn khác cũng dao động ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.
Giá heo hơi tại các tỉnh miền Nam có điều chỉnh nhẹ khi Công ty C.P chi nhánh Đồng Nai tăng giá bán 500 đồng/kg đối với heo hơi xuất tại trại, lên mức 51.000 đồng/kg. Điều này đã góp phần đẩy giá heo hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh tăng lên, giúp người nuôi có lãi khá.
Giá heo hơi (lợn hơi) tăng cao chót vót, nông dân thực sự lãi bao nhiêu?
Theo tính toán của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành trong chăn nuôi heo.
Mặc dù giá heo hơi (lợn hơi) liên tục tăng trong 3 tháng qua, song người dân vẫn rất thận trọng trong việc tái đàn/tăng đàn bởi lo ngại thị trường chăn nuôi bất ổn, giá cả lên xuống khó lường. Ảnh minh hoạ: I.T
Với giá thịt lợn hơi (ngày 2/8/2018) bình quân 54.000 - 55.000 đồng/kg, người nông dân đang có lãi. Nhưng nếu tính đủ cả sức lao động thì gần như không có lãi. Cụ thể, người nuôi phải bỏ ra các chi phí sau: (1) 20 kg lợn giống x 95.000 đồng/kg = 1.900.000 đồng; (2) 320 kg thức ăn chăn nuôi x 8.000 đồng/kg = 2.880.000 đồng (cứ 4 kg thức ăn cho 1 kg thịt, lợn xuất chuồng 100 kg - 20 kg (lợn giống) = 80 kg; lấy 80 kg thịt hơi này nhân 4 kg thức ăn = 320 kg thức ăn chăn nuôi).
Cộng khoản (1) và (2) = 4.780.000 đồng. Bán lợn xuất chuồng 100 kg x 55.000 đồng/kg= 5.500.000 đồng, trừ con giống và thức ăn, người nông dân lãi gộp 720.000 đồng.
Nếu trừ thêm các chi phí như điện nước, thú y... và chia đều cho 4 tháng (chu kỳ nuôi từ 20 kg lên 100 kg) thì người nông dân phải nuôi từ 5 con trở lên mới cho lãi khoảng 100.000 đồng/tháng. 100.000 đồng này thực chất là sức lao động chứ không phải lợi nhuận.
Bởi thế, dù giá lợn hơi trong nước tiếp tục tăng nhưng hầu hết người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn vì còn lo ngại giá có thể rớt và thức ăn chăn nuôi có thể tăng bất cứ lúc nào.
Tính toán là như vậy nhưng khi trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chủ trang trại cho biết mức lãi của người nuôi trong đợt giá heo hơi tăng mạnh lần này thực tế cao hơn.
Anh N.T.A, chủ trang trại ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, để nuôi 1 con heo 100kg, chi phí hiện gồm các khoản sau: Giá heo giống khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/con, cộng tiền thức ăn khoảng 2,5 triệu đồng/100 kg (giá cám hiện tăng từ 20.000-30.000 đồng/bao trong 6 tháng đầu năm); 300.000 đồng tiền thuốc thú y, tiền điện, nước, lãi suất ngân hàng; 200.000 đồng phòng trừ rủi ro, tổng chi phí khoảng 4,5 triệu đồng/100kg. Như vậy, tính ra lợi nhuận của người chăn nuôi có thể đạt 1 triệu đồng/con.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại nuôi lợn ở TP Sơn La (tỉnh Sơn La) cũng cho biết, giá lợn hơi siêu nạc trên địa bàn hiện đang ổn định quanh mức 55.000 - 56.000 đồng/kg tại trại. Với mức giá này, những người nuôi lợn khép kín, nghĩa là chủ động được lợn giống, tự phối trộn được thức ăn, áp dụng mô hình chăn nuôi tiên tiến sẽ thu lãi từ gần 2 triệu đồng/con.
Tuy nhiên anh N.T.A cũng cho biết, thực tế nông dân hiện nay chủ yếu lấy công làm lãi. Trong 2 năm vừa qua, người chăn nuôi heo cả nước nhiều lần liêu xiêu vì gặp phải "bão giá", trong đó năm 2017 gia đình anh đã phải chịu lỗ tới gần 2 tỷ đồng. Do đó, đợt tăng giá lần này mới chỉ giúp gia đình anh gỡ gạc được phần nào, trả bớt nợ nần và lấy lại động lực gắn bó với nghề...
Theo Danviet
Năng suất lao động người Singapore cao gấp 20 lần người Việt Nam? Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan, năng suất lao động của người Việt Nam khá thấp so với các quốc gia xung quanh. Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất lao động của một người Singapore cao gấp 20 lần năng suất lao động của một người Việt Nam. Ngày 21/4, Bí thư Thành uỷ TPHCM...