Thị trường thiết bị đeo toàn cầu đạt 81,5 tỉ USD trong năm nay
Hãng nghiên cứu Gartner dự báo chi tiêu của người dùng trên toàn thế giới cho các thiết bị đeo đạt 81,5 tỉ USD trong năm nay, tăng 18,1% so với năm ngoái (69 tỉ USD).
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người quan tâm hơn đến thiết bị đeo
Theo Neowin , sự tăng trưởng này được cho là do nhu cầu làm việc từ xa và người dùng quan tâm hơn đến việc theo dõi sức khỏe. Gartner cho rằng chi tiêu trên thị trường này tăng kể từ năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến năm 2022. Năm 2019, chi tiêu tổng cộng là 46,1 tỉ USD trong khi chi tiêu vào năm 2022 dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 93,8 tỉ USD. Mặc dù smartwatch là động lực lớn nhất của thị trường thiết bị đeo trong năm 2019 nhưng thiết bị đeo tai đã dẫn đầu vào năm 2020 và điều này dự kiến sẽ duy trì đến năm 2022.
Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner Ranjit Atwal cho biết việc giới thiệu các biện pháp sức khỏe để tự theo dõi các triệu chứng Covid-19 cùng sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với sức khỏe cá nhân trong thời gian giãn cách toàn cầu mang đến cơ hội đáng kể cho thị trường thiết bị đeo được.
Nội dung nghiên cứu của Gartner về thiết bị đeo bao gồm smartwatch, thiết bị đeo tay, thiết bị đeo tai, màn hình đeo trên đầu, quần áo thông minh và các miếng dán thông minh. Trong tất cả danh mục này, chỉ có chi tiêu cho thiết bị đeo tay đang giảm, mặc dù Gartner không giải thích lý do của việc này. Có khả năng các thiết bị đang được bán với giá thấp hơn hoặc các công ty như Apple đang bán smartwatch rẻ hơn đã thu hút mọi người khỏi các thiết bị đeo tay.
Khi độ chính xác của cảm biến được cải thiện với mỗi thiết bị đeo mới, khoảng cách giữa thiết bị đeo y tế và phi y tế đang bắt đầu thu hẹp. Vào năm 2024, Gartner cũng dự đoán các công nghệ sẽ được thu nhỏ để 10% thiết bị đeo sẽ trở nên không quá lớn khi mang bên mình cũng như cho phép chúng mở ra nhiều khả năng hơn nữa.
Doanh số thiết bị đeo tăng trưởng ấn tượng trong quý 3
Hãng nghiên cứu thị trường IDC đã công bố phân tích về doanh số thiết bị đeo trong quý 3/2020, với các con số ấn tượng khi tổng cộng 125 triệu chiếc đã được xuất xưởng - tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Apple vẫn dẫn đầu về doanh số thiết bị đeo
Theo GSMArena , Apple là cái tên dẫn đầu với 33% thị phần, tiếp theo sau là Xiaomi, Huawei và Samsung. Fitbit và Boat đứng ở vị trí thứ 5 khi cả hai đều bán ra 3,3 triệu thiết bị hoặc tương đương 2,6% tổng thị trường.
Tất cả nhà sản xuất lớn đều ghi nhận sự gia tăng hằng năm về số lượng. Do xuất hiện ở tất cả phân khúc giá nên người dùng từ mọi nguồn tài chính đều có thể mua thiết bị đeo được trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.
IDC tiết lộ Apple dẫn đầu với AirPods cùng với Apple Watch. Đứng thứ hai là Xiaomi, Huawei đứng thứ ba vì một lý do đơn giản: thiết bị đeo không cần GMS (Google Mobile Services), nhờ vậy các sản phẩm có giá cạnh tranh của họ không bị cản trở bởi thiếu sót này.
Hướng về tương lai, IDC dự đoán thị trường thiết bị đeo sẽ có nhu cầu bền vững do ngày càng có nhiều người bắt đầu xu hướng và mua thiết bị đeo đầu tiên của họ, cũng như nhiều người dùng bắt đầu thay thế thiết bị. Ngoài ra, nhiều người dùng có phụ kiện âm thanh và thiết bị đeo tay/đồng hồ, điều này làm cho số lượng thiết bị thực sự cao hơn số lượng người dùng thiết bị đeo.
Apple sẽ biến Apple Watch thành máy đo huyết áp? Apple sẽ bổ sung thêm chức năng theo dõi huyết áp bền vững cho Apple Watch trong tương lai. Đã 6 năm trôi qua kể từ khi thế hệ Apple Watch đầu tiên được ra mắt. Trong giai đoạn này, Apple đã cam kết cải tiến Apple Watch, cung cấp khả năng hiển thị tốt hơn, theo dõi sức khỏe, chống thấm nước...