Thị trường ô tô Việt Nam sẽ “vượt mặt” Thái Lan?
Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội VAMA – ông Yoshihisa Maruta. Theo đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020-2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.
Với 90 triệu dân, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dung lượng
Tại buổi Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện nay tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15-18%;Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Inova). Với xe tải nhẹ, tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 33%, Vinaxuki đạt 50%.
Nguyên nhân được đánh giá là do ô tô Việt Nam ra đời muộn so với các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ trong khi đó, mức sống chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.
Để ngành công nghiệp ô tô phát triển theo chiến lược và quy hoạch Chính phủ đã đề ra, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như các chính sách hỗ trợ và ưu đãi như chính sách thuế; chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, theo ông Tuấn, Bộ cũng đưa ra một số giải pháp như tăng cường kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Không ít các đại biểu tham gia tọa đàm này đặt ra mối băn khoăn: Liệu doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam nên làm thế nào khi tới đây Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và dự kiến đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ bằng 0?
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trường Hải cho rằng, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được, tham gia được thị trường thì phải giảm giá thành ở tất cả các khâu từ sản xuất, bán hàng… xuống 15-20%. Hơn nữa, phải nhận ra rằng, muốn sản xuất được ô tô thì phải có thị trường, có sản lượng. Trong đó, sản lượng rất quan trọng quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia được thị trường phải dự đoán được thị trường.
“Khó doanh nghiệp nào có thể bỏ cuộc!”
Theo ông Dương, việc tỉ lệ nội địa hóa thấp là do dung lượng thị trường còn chưa cao, bởi nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, nhập siêu…Vì vậy, đại diện Thaco cho rằng, Chính phủ có những điều tiết về sản phẩm là điều tất yếu. Tuy nhiên thời gian tới, nếu kinh tế ổn định thì chiến lược, quy hoạch phát triển với mong muốn năm 2020 sẽ đạt được 300.000 xe là điều có thể làm được. Bởi “với con số 90 triệu dân sẽ là điểm đến đầu tư của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, việc thu hút đầu tư là rất khả quan” – ông Dương lạc quan, song cũng lưu ý rằng, điều này còn phụ thuộc vào kinh tế thực tế của Việt Nam khi đó sẽ thế nào.
Video đang HOT
Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất khả quan
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Honda Việt Nam thì khẳng định, thị trường 90 triệu dân là một thị trường lí tưởng, là môi trường thuận lợi khó có doanh nghiệp nào có thể bỏ qua. Thêm nữa, Chính phủ tạo điều kiện bằng việc quy định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, điều đó chứng tỏ, Chính phủ quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đại diện Honda Việt Nam cũng có đề xuất Chính phủ có thêm những ưu đãi cụ thể về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cho các linh kiện không nhập từ ASEAN, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất đối với doanh nghiệp ô tô trong nước.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) – ông Yoshihisa Maruta (Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam) nhìn nhận, về dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số 90 triệu dân. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020 đến 2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị áp thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0 trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển vững mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường ô tô các nước trong khu vực. Vì thế, vị này cho rằng, Việt Nam cần đề ra các chính sách, các công cụ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ô tô trong nước cùng các công cụ để bảo hộ để ngành công nghiệp này phát triển một cách ổn định, bền vững.
Đứng ở góc độ là Chủ tịch VAMA, ông Yoshihisa Maruta cũng lý giải, ngành ô tô chưa đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao nguyên nhân chính là do sản lượng còn thấp. Theo đại diện VAMA, doanh nghiệp Việt cần tăng sản lượng mỗi mẫu xe, cắt giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) thì cho rằng, khó có thể có doanh nghiệp nào bỏ cuộc với thị trường còn nhiều dung lượng như ở Việt Nam, trong khi Chính phủ cũng đã khẳng định muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô với những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành rất cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Long, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững, việc các doanh nghiệp đề xuất giảm các vấn đề về thuế chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.
Bích Diệp
Theo Dantri
Tỷ phú Thái thâu tóm ôtô Việt: Chờ thời xe giá rẻ?
Thị trường ô tô Việt Nam với quy mô 12 tỷ USD/năm, đang ở "chiếu dưới" và trở thành mục tiêu đầy tham vọng, nhằm cứu nguy cho ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.
Bước đi tham vọng
Đầu năm 2015, Công ty Chairatchakarn (Bangkok) đã mua gần 2 triệu cổ phiếu của Công ty Ô tô Trường Long (TP.HCM) và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 22,6%.
Chairatchakarn là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Thái Lan với các thương hiệu xe Toyota và Hino, còn Trường Long là DN kinh doanh ô tô của Việt Nam, với doanh số bán hàng tăng mạnh trong năm 2014, đạt 1.031 tỷ đồng.
Như vậy, người Thái đã bước chân vào thị trường ô tô Việt Nam với những bước đi bài bản ngay từ đầu. Sự hiện diện của nhiều DN ô tô Thái khác tại thị trường Việt Nam thời gian tới sẽ khiến các DN Việt không khỏi ngỡ ngàng.
Mới đây ông Vichai Jirathiyut - Chủ tịch Viện ôtô Thái Lan đã bày tỏ mong muốn ngành ô tô hai nước Thái Lan và Việt Nam cùng nhau hợp tác để phát triển, thay vì cạnh tranh với nhau.
Việt Nam là thị trường tiềm năng, với quy mô khoảng 12 tỷ USD mỗi năm (ảnh minh họa).
Lý do hợp tác, ông Vichai Jirathiyut đề cập đến hai vấn đề: Thứ nhất, Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng, đang tăng trưởng mạnh, dự báo sẽ đạt 1,5 triệu xe vào năm 2035. Thứ hai, các nhà sản xuất Thái Lan đang nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến, có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thị trường chung AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN).
Tuy nhiên, qua phát biểu này, nhiều ý kiến cho rằng, thực ra Thái Lan đang nhòm ngó và muốn mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đang bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng của mình.
Thái Lan hiện có 67 triệu dân và đa số đang ở độ tuổi về già, sức cầu ô tô mấy năm qua giảm khá mạnh, từ khoảng 1,2 triệu xe/năm xuống còn 880.000 xe/năm. Xuất khẩu ô tô cũng đã tới hạn, không có tăng trưởng. Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan được dự báo bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng, với chi phí sản xuất tăng và sản lượng giảm. Trong khi đó, Việt Nam hiện có dân số trên 90 triệu người, đa số còn trẻ, nên nhu cầu mua sắm ô tô tăng cao. Và người Thái nhìn sang thị trường Việt Nam như giải pháp cứu ngành công nghiệp ô tô của họ thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục phát triển.
Chỉ hơn phí nhân công rẻ
Thuận lợi đang đến với người Thái, bởi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sức cạnh tranh rất yếu ớt. Các chính sách cụ thể để khuyến khích DN đầu tư sản xuất nhằm phát triển công nghiệp ô tô đến nay vẫn chưa có gì. Chỉ 3 năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%, theo cam kết gia nhập AFTA. Khi đó, theo tính toán, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 20-30% khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Hợp tác với Thái Lan trong sản xuất ô tô, DN Việt Nam chỉ có lợi thế duy nhất là chi phí nhân công rẻ.
Nhiều người đã hình dung ra kịch bản, đến 2018, tất cả các DN ô tô tại Việt Nam sẽ phải ngừng hoạt động và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối. Đến 2020, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo bắt đầu bùng nổ, có thể đạt sản lượng trên 300.000 xe và liên tục tăng trưởng mạnh, đến 2030 đạt hơn 1 triệu xe mỗi năm. Đây là thị trường tiềm năng, với quy mô khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Và đương nhiên người Thái sẽ được hưởng lợi nhất, bởi có vị trí gần Việt Nam, vận chuyển dễ dàng, lại được ưu đãi với thuế suất 0%. Cùng với việc mạnh tay thâu tóm các DN Việt Nam thì thị trường 12 tỷ USD thuộc về người Thái phần lớn, chắc cũng không quá khó khăn.
Còn với Việt Nam, khi đó ô tô sẽ là ngành nhập siêu lớn nhất và phải lo làm sao có đủ ngoại tệ để nhập khẩu ô tô. Câu hỏi đặt ra là với khoản chi 12 tỷ USD mỗi năm chỉ để nhập ô tô, không biết lấy gì bù đắp? Phải trồng bao nhiêu lúa, nuôi bao nhiêu thủy sản để xuất khẩu mới cân bằng? Nếu không, chỉ còn một cách duy nhất là hạn chế nhập khẩu, hạn chế tiêu dùng. Nhu cầu tăng cao mà xe khan hiếm thì giá sẽ bị đẩy lên cao, ước mơ ô tô lại xa vời đối với nhiều người.
Có lĩnh vực khả thi nhất, có thể hợp tác với DN ô tô Thái Lan, đó là sản xuất linh kiện, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. DN Thái có máy móc, có công nghệ, có vốn liếng, lại nằm trong chuỗi cung ứng rồi, vì vậy có thể hỗ trợ các DN Việt Nam, như lời ông Vichai Jirathiyut nói.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Hợp tác với Thái Lan, DN Việt Nam chỉ có lợi thế duy nhất là chi phí nhân công rẻ, còn tất cả đều phụ thuộc vào họ, từ đầu vào đến đầu ra. Với năng lực như vậy, khó có sự hợp tác bình đẳng và chẳng khác làm thuê bao nhiêu.
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan được nhận định, sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục phát triển rực rỡ nhờ dựa vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Trần Thủy
Vef
2016: Ôtô nhập nguyên bản đồng loạt xuống giá Từ 2016, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN còn 40%; đến 2018, thuế nhập khẩu về 0% thì lắp ráp xe trong nước có khi đắt hơn nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Lắp ráp đắt hơn nhập khẩu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và...