Thị trường ô tô trước giờ G: Không có biến động lớn
Sáng 21/12, tại cơ sở đăng ký xe số 3 của Phòng CSGT CA TP Hà Nội trên đường Láng, hoạt động đăng ký xe của người dân vẫn diễn ra bình thường, có phần ít sôi động hơn những ngày cuối tuần.
Theo một cán bộ làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ thì sau khi HĐND thành phố có quyết định tăng phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ ngồi lên 20% từ ngày 1/1/2012, lượng người đăng ký xe có tăng lên chút ít, nhưng chủ yếu là các dòng xe bình dân như Kia Morning, Hyundai i20, Toyota Vios, Corolla Altis…, còn với các dòng xe hạng sang, đắt tiền thì vẫn bình thường vì có lẽ việc tăng thuế cũng không ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của họ.
Thị trường ô tô không còn những cơn sốt đột biến như những năm trước. (Ảnh: P.K/Lao Động)
Anh Nguyễn Châu Long – nhân viên Hyundai Thành Công cho biết: So với tháng 11 thì tháng 12, lượng xe bán ra của đại lý này tăng khoảng 30%, nhưng đây là tăng do nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân chứ không phải mua “chạy thuế” vì chủ yếu khách mua xe gia đình tầm trung từ 950 triệu trở xuống, như xe Hyundai Tucson, Avante, i30, i20… và đây là nhu cầu thực sự của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Anh – GĐ kinh doanh của Ford Thăng Long – cho rằng: Năm 2011 kinh tế khó khăn, ngân hàng lại siết chặt cho vay tín dụng cộng với lãi suất cao (23 – 24%) do vậy việc vay tiền mua sắm nói chung và ôtô nói riêng là khó khăn. Nhiều người cho rằng việc tăng trước bạ ôtô lên 20% sẽ tạo một mùa bội thu của ngành kinh doanh ô tô cuối năm, tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy.
Bởi việc tăng trước bạ năm nay khác với năm 2009 (từ 5% lên 12%) vì đó là tăng toàn quốc, còn đợt tăng này chỉ ở Hà Nội và TPHCM, mà khách hàng chủ yếu vẫn là thị trường các tỉnh. Còn theo anh Bùi Anh Tuấn – một chuyên gia tư vấn thì cho rằng, việc tăng thuế trước bạ lên 20% chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một lượng nhỏ khách hàng có nhu cầu thực sự, còn phần lớn không ảnh hưởng nhiều vì khách hàng chủ yếu là các cơ quan mua xe bằng vốn ngân sách và tư nhân mua xe thông qua DN do vậy sẽ được hoàn thuế.
Tại TPHCM, tình trạng cũng tương tự. Khác những lần trước mỗi khi các quyết định tăng thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay lệ phí trước bạ thị trường ô tô tại TPHCM bao giờ cũng “sôi” lên trước giờ G. Song lần này, thị trường không có biến động lớn.
Theo ông Nguyễn Đình Nhu, Giám đốc Công ty ô tô Kim Thanh, phản ứng của thị trường không thấy quyết liệt lắm, vì thế không xảy ra tình trạng sốt xe. Các tỉnh lên TPHCM lấy xe cũng không xảy ra tăng đột biến. Ông Nhu cho biết thêm, thị trường tháng 12 có tăng chút ít, nhưng không cho thấy bị yếu tố mua xe né phí trước bạ tác động. Theo ông, tình hình kinh tế khó khăn, các ngân hàng ít giải ngân cho vay mua ô tô đã không kích cầu được thị trường, chỉ có một số đối tượng có tiền mặt mới có thể mua xe.
Video đang HOT
Cùng nhận định như ông Nhu, ông Nguyễn Một – Giám đốc truyền thông của Công ty ô tô Trường Hải – cho biết: “Doanh số bán hàng của Trường Hải đến thời điểm này không có biến động, có tăng chút ít, nhưng theo diễn biến hợp lý như mọi năm”. Trường Hải là một trong hai thành viên của VAMA thay nhau dẫn đầu thị trường về số xe bán ra theo từng tháng.
Theo ông Một, dự kiến doanh số bán xe của công ty này đạt khoảng 3.000 chiếc trong tháng cuối năm 2011, tăng hơn tháng 11, nhưng không nhiều. Thị trường ô tô năm 2011 đã hé lộ ít nhiều đáp số khi doanh số bán hàng 11 tháng đạt 98.702 chiếc, so với cùng kỳ năm 2010 giảm 1%. Vì thế, trong tình hình thị trường tại TPHCM và nhiều tỉnh không có biến động tăng mạnh, thì doanh số thị trường ô tô năm 2011 cũng không có biến động gì nhiều so với năm 2010.
Theo Hồng Thụy – Đặng Tiến
Lao Động
Cơ hội cuối cùng và thời của xe cũ
Với mục tiêu kiềm chế ách tắc giao thông, hai thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội đã đồng loạt tăng mức thu phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi từ 10% và 12% lên 15% và kịch trần 20%.
Chạy đua né phí
Sau thời điểm tháng 10 và tháng 11 tiêu thụ ô tô sụt giảm, các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng như các nhà nhập khẩu đều hy vọng tình hình sẽ khá hơn vào các tháng cuối năm âm lịch, bởi thông thường, tháng 12 và tháng 1 dương lịch là thời điểm nhu cầu thị trường tăng cao nhất trong năm.
Tuy nhiên, ngày 1/1/2012 là thời điểm phí trước bạ tại Hà Nội và TPHCM chính thức có hiệu lực, nên tháng 12 này sẽ là khoảng thời gian duy nhất còn lại trong năm 2011 để các nhà sản xuất đẩy mạnh kinh doanh.
Hiện tại, hầu hết khách hàng đều băn khoăn không biết liệu có được nhận xe trong tháng 12/2011 để hoàn thành thủ tục nộp phí trước bạ hay không. Tại các đại lí và showroom của các hãng xe thông dụng tại Việt Nam như Toyota, Ford, Trường Hải, Hyundai..., mỗi ngày nhân viên bán hàng nhận hàng chục cuộc gọi của khách hàng lo lắng hỏi xe về chưa.
Có những khách hàng quá sốt ruột, như anh Hoàng Minh Thái tại Từ Liêm (Hà Nội), đã đến tận Toyota Mỹ Đình để hỏi cho rõ, dù chiếc Altis của anh theo hợp đồng sẽ được giao vào ngày 20/12.
Những khách hàng chưa thể nhận xe trong tháng 12 đều có chung câu hỏi: Có cách nào để được nhận xe ngay trong năm 2011 không?
Năng lực sản xuất có hạn, xe về các đại lí cũng phải theo kế hoạch, khách hàng lại muốn nhận xe sớm - nghịch lí này tất yếu dẫn đến nguy cơ nhân viên bán hàng "găm xe ép giá" để hưởng lợi, bởi với việc giá trị xe tăng 8% sau khi áp phí trước bạ mới, sẽ có nhiều người sẵn sàng chi thêm tiền chênh ngoài giá mua xe để được nhận xe sớm, "né" phí trước bạ mới.
Các nhà sản xuất lo lắng
Nếu như cùng thời điểm này năm trước, các thành viên VAMA bán được hơn 11 nghìn xe thì tháng 11 năm nay, doanh số giảm tới 22%; và trong những tháng tới đây, tỷ lệ giảm sút chắc chắn sẽ không dừng ở con số này.
Và với những giải pháp kinh tế của nhà quản lí tại hai thị trường ô tô lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM, các nhà sản xuất ô tô không khỏi đau đầu trước những bài toán phát triển thị trường.
"Phí trước bạ tăng sẽ gây khó khăn cho chúng tôi trong việc tiếp cận khách hàng mới," lãnh đạo một nhà sản xuất ô tô trong nước chia sẻ. "Việc hai thị trường lớn nhất cả nước đồng loạt tăng phí sẽ khiến hoạt động kinh doanh của chúng tôi khó khăn hơn; chúng tôi sẽ phải tính toán lại một cách cẩn thận hơn bài toán lợi nhuận, quản lí và định hướng thị trường. Đó là chưa kể, dự đoán trong năm tới, tình hình kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thị trường ô tô."
Đây là suy nghĩ chung của hầu hết các nhà sản xuất ô tô trong nước, bởi họ cho rằng, rào cản này sẽ khiến lượng khách mua ô tô giảm rất nhiều, vì khi mua xe mới, khách hàng sẽ phải tính toán luôn khoản phí trước bạ phải nộp. Nhiều khách hàng sẽ xem xét lại việc mua xe mới và cân nhắc thay thế bằng phương án mua xe cũ.
Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng quá lo lắng với việc tăng thuế trước bạ tại Hà Nội và TPHCM. Ông Nguyễn Minh Phú, Phó TGĐ Hyundai Thành Công, cho rằng: "Đây là thời điểm khó khăn khi đối tượng khách hàng bị thu hẹp, doanh thu giảm dẫn đến việc đầu tư cũng giảm theo. Tuy nhiên, tôi tin rằng những doanh nghiệp nào có sự đầu tư bài bản, có tiềm lực mạnh về con người, công nghệ cũng như tài chính sẽ tìm được những giải pháp phù hợp...". Đại diện của Hyundai Thàng Công cũng cho biết: "Việc tăng phí về mặt nào đó cũng sẽ làm giảm sản lượng tiêu thụ trong khi ô tô là ngành mà giá thành sản phẩm có cấu thành từ các loại thuế. Và vì thế sẽ đến khả năng thuế thu được sẽ bị giảm".
Thời của xe cũ?
Việc tăng phí trước bạ, không chỉ dành cho xe đăng kí lần đầu mà cả những xe đăng kí lần thứ hai sẽ khiến thị trường ô tô trong nước tới đây có một cuộc xáo trộn mạnh mẽ. Nhiều người chuẩn bị mua ô tô mới sẽ phải tính toán lại, do tổng số tiền bỏ ra để sở hữu xe không còn như tính toán ban đầu.
Tại Hà Nội, một chiếc Spark 1.2 LS mới (phiên bản rẻ nhất) có giá bán khoảng 340 triệu đồng, nếu mua mới thì sẽ phải cộng thêm 20% phí trước bạ (68 triệu đồng), 10% thuế GTGT (34 triệu đồng) và tiền đăng ký kèm biển số (20 triệu đồng), cùng các loại chi phí khác (bảo hiểm, thiết bị bảo vệ...). Như vậy, để chiếc xe này lưu hành, từ ngày 1/1/2012, khách hàng sẽ cần tối thiểu khoảng 470 triệu đồng.
Trong khi đó, cũng với số tiền này, khách hàng có thể tính đến phương án mua xe Ford Everest 2007, Toyota Altis 2006, Kia Carens 2010... đã qua sử dụng.
Vẫn biết mục tiêu cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn của các nhà hoạch định chính sách là hoàn toàn đúng đắn, việc nâng phí trước bạ nếu được coi là một trong những hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc số lượng ô tô cá nhân đang tăng nhanh thì cũng không sai. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc tăng phí trước bạ lần này có thực sự giúp giảm tải giao thông tại các thành phố lớn hay không? Tăng phí để hạn chế xe ô tô tại Hà Nội và TPHCM thì liệu có ngăn được việc xe từ các tỉnh lân cận đổ về nội thành hay không?
Đó là chưa kể, đã có nhiều ý kiến ở Hà Nội cho rằng, họ sống và làm việc chủ yếu ở vùng ngoại thành như Sơn Tây, Thạch Thất... thì việc ùn tắc tại nội thành Hà Nội hoàn toàn không có lỗi của họ, vậy mà để mua xe ô tô, họ vẫn phải bỏ ra nhiều tiền hơn (do tăng phí trước bạ), và như vậy liệu có thực sự công bằng với họ???
Tiến Công
Theo dân trí
Thị trường ô tô trong nước: Sụt giảm và lo lắng Thống kê doanh số tháng 11 sụt giảm và tiếp sau đó là "tin dữ" Hà Nội và TPHCM sẽ chính thức tăng phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đang khiến thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lo càng thêm lo... Triển lãm VAMA trong tháng 11 là cơ...