Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo và cà phê Việt Nam xuất khẩu tăng nhẹ
Tuần qua, giá nhiều loại nông sản đã tăng giảm trái chiều tại thị trường nông sản Mỹ, trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ đã tăng tại thị trường Châu Á.
*Thị trường nông sản Mỹ:
Nông dân thu hoạch đậu tương tại bang Iowa, Mỹ. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN
Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/3, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 tăng 11,25 xu Mỹ (2,06%) lên 5,5775 USD/bushel nhờ các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 24 xu Mỹ (1,72%) lên 14,1625 USD/bushel, “theo chân” đà tăng của ngô do nguồn cung trong nước thắt chặt lại. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 5/2021 giảm 3,5 xu Mỹ (0,56%) xuống 6,27 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến mức kháng cự tăng giá tiếp theo đối với ngô giao tháng 5/2021 sẽ ở mức 5,72 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận Trung Quốc đã mua thêm 800.000 tấn ngô Mỹ vào ngày 19/3, đưa tổng lượng ngô mua hàng tuần của Trung Quốc lên 4 triệu tấn. AgResource ước tính Trung Quốc đã đặt hàng từ 33-34 triệu tấn ngô từ các nhà xuất khẩu ngô trên thế giới.
Dự báo thời tiết cho thấy thời tiết ẩm ướt hơn nhiều ở miền Nam Argentina, còn tình hình thời tiết ở miền Bắc và Đông Bắc Brazil dự kiến khô ráo hơn.
Video đang HOT
AgResource lưu ý lượng mua của Trung Quốc cùng với thời tiết không mấy thuận lợi cho vụ ngô ở Bắc Brazil có khả năng đẩy giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 lên mức 5,70 USD/bushel.
*Thị trường gạo châu Á:
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trong tuần này do nhu cầu tăng lên. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ mức 395-401 USD/tấn trong tuần trước lên 398-403 USD/tấn do nhu cầu tăng mạnh và đồng rupee lên giá.
Đóng gói gạo xuất khẩu gạo tại Công ty lương thực An Giang. Ảnh minh họa: TTXVN
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền nam của bang Andhra Pradesh, cho biết nhu cầu gạo Ấn Độ luôn ở mức cao, tuy nhiên, một số khách hàng không thể mua hàng do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 510-515 USD/tấn trong phiên 18/3, so với mức 500-510 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu từ các khách mua nước ngoài như Philippines, Bangladesh và Indonesia, mà đang tìm mua gạo vụ Đông-Xuân có chất lượng tốt, tăng lên.
Trong cuộc gặp ngày 17/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói với Đại sứ Philippines Meynardo Los Banos Montealegre rằng Việt Nam cam kết đảm bảo nguồn cung gạo lâu dài và bền vững cho Philippines. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 505-513 USD/tấn trong ngày 18/3 so với mức 505-515 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân tại Bangkok cho biết thị trường trầm lắng và giá tiếp tục giảm phần lớn là do tỷ giá hối đoái, vì đồng baht của Thái Lan giảm so với đồng USD.
*Thị trường cà phê thế giới:
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều vùng cà phê trên thế giới đang tạm thời sụt giảm về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với cà phê Việt Nam đang có tín hiệu vui, đó là giá trị sản phẩm cà phê chế biến tăng do thế giới thiếu đi nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 20/3 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta giao tháng 5/2021 tại London giảm 6 USD/tấn giao dịch ở mức 1.380 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2021 tại sàn New York ở Mỹ giảm 0,95 cent/lb ở mức 129 cent/lb. Giá cà phê tại Việt Nam được giao dịch trong khoảng 31.500 – 32.400 đồng/kg.
Giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ do nhà đầu tư phản ứng trước việc Copom nâng mức lãi suất lên cao hơn kỳ vọng, trong khi trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục đã kéo dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về chứng khoán khiến phần lớn giá cả hàng hóa, nhất là các nông sản chủ lực của Brazil sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ dự báo đạt kỷ lục 157 tỷ USD
Do nhu cầu xuất khẩu hạt có dầu và ngũ cốc tăng mạnh, dự báo xuất khẩu nông sản của Mỹ trong năm nay có thể đạt kỷ lục như trên.
Xuất khẩu đậu tương của Mỹ dự báo đạt kỷ lục 27,4 tỷ USD. Ảnh: TL .
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 18/2/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo, giá trị xuất khẩu nông sản của Mỹ trong năm tài chính 2021 đạt mức kỷ lục 157 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD so với dự báo tháng 11/2020.
USDA cho biết mức tăng này là do dự báo xuất khẩu hạt có dầu và ngũ cốc cao hơn. Cụ thể, năm tài chính 2021, xuất khẩu đậu tương được dự báo ở mức kỷ lục 27,4 tỷ USD, cao hơn 1,1 tỷ USD so với dự báo tháng 11/2020, do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và giá đậu tương cao hơn. Trong năm tài chính 2020, giá trị xuất khẩu đậu tương của Mỹ đạt 17,87 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu ngô của Mỹ trong năm tài chính 2021 được dự báo là 14 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với dự báo tháng 11/2020 và so với 8,21 tỷ USD đạt được trong năm tài chính 2020. Trong trường hợp xuất khẩu ngô cho năm tài chính 2021, USDA cho biết giá trị đơn vị cao hơn nhiều bù đắp khối lượng thấp hơn một chút khi so sánh với dự báo tháng 11/2020.
Giá trị xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong năm tài chính 2021 được dự báo là 6,9 tỷ USD, so với 6,2 tỷ USD theo dự báo của tháng 11/2020 và so với 6,25 tỷ USD đạt được trong năm tài chính 2020.
Giá trị nhập khẩu nông sản của Mỹ trong năm tài chính 2021 được dự báo là 137,5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với dự báo của tháng 11/2020 và so với mức 133,22 tỷ USD trong năm tài chính 2020.
Như vậy, trong năm tài chính 2021, dự báo Mỹ xuất siêu nông sản với giá trị xuất siêu là 19,5 tỷ USD.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 18/2: Giá lúa Đông Xuân có xu hướng tăng Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục neo ở mức cao. Hiện thương lái đang tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa Đông Xuân khiến giá lúa gạo có xu hướng tăng lên. Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực ĐBSCL neo ở mức cao. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa OM 0577,...