Thị trường lao động chất lượng cao: Cung – cầu chênh lệch lớn
Hiện nay, do nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại nên nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có kỹ năng tăng lên. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Vậy, các bên liên quan cần làm gì để giải quyết bất cập này?
Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có kỹ năng tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh năm 2021.
Khó tuyển dụng lao động có kỹ năng
Tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh vừa diễn ra, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành tuyển dụng và tư vấn tuyển sinh, học nghề với gần 2.500 chỉ tiêu. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm lao động qua đào tạo có trình độ từ trung cấp, công nhân kỹ thuật trở lên với hơn 1.800 chỉ tiêu (bằng 77,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng), nhóm lao động phổ thông là gần 700 chỉ tiêu (bằng 22,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng).
Để thu hút người lao động, bà Lê Thị Xuân – người sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang Anh Xuân cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng trả mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng/người/tháng cho người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc, thậm chí có thể chấp nhận mức lương cao hơn nếu gặp ứng viên tốt”. Tương tự, ông Vũ Quang Thái, chuyên viên tuyển dụng của Công ty cổ phần Cuộc sống Cân Bằng cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất mức lương khởi điểm từ 15 đến 18 triệu đồng/người/tháng, kèm chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho những vị trí công việc cần lao động có kinh nghiệm, nhưng vẫn không dễ tìm được ứng viên”.
Tại các phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) tổ chức từ đầu năm 2021 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các đơn vị, doanh nghiệp thường chiếm ít nhất 50% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Trên phạm vi cả nước, nhu cầu tuyển dụng đối tượng này cũng tăng lên. Kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2021 của ManpowerGroup Việt Nam cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý II và tỷ lệ này trong quý III và IV sẽ ở mức hơn 20%, tập trung ở những lĩnh vực đòi hỏi người lao động có chuyên môn, kỹ năng như kỹ thuật sản xuất và chế tạo, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, điện tử, xây dựng dân dụng, công nghiệp…
Video đang HOT
Dưới góc độ nhà tuyển dụng, ông SanJay Gupta, Phó Chủ tịch Tập đoàn HCL Technologies tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển hơn 1.000 lao động ngành công nghệ thông tin, nhưng số lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu không nhiều, buộc chúng tôi phải lên kế hoạch điều 10 chuyên gia từ Ấn Độ sang làm việc”.
Còn theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2021, cả nước có khoảng 1,3 triệu vị trí việc làm mới hình thành, mở rộng cơ hội cho người lao động, nhất là lao động đang thất nghiệp. Tiếc rằng, nguồn cung hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Bởi, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ở nước ta mới đạt 24,5%…
Lao động vững kỹ năng nghề sẽ rộng mở cơ hội việc làm.
Nâng cao trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn
Với kinh nghiệm kết nối cung cầu về lao động, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Group, đơn vị chuyên tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung đến cấp cao chỉ rõ, ngoài tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ còn thấp, thì một bộ phận không nhỏ thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm, yếu kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ… Đây là những kỹ năng cơ bản mà người lao động cần có trong bối cảnh hiện nay. Từ sự nhìn nhận đó, bà Ngọc Lan cho rằng, các cơ quan, đơn vị chức năng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, tay nghề cho người lao động.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, dưới góc độ quản lý về đào tạo nghề, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội mong muốn, các bộ, ngành chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu mở về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo theo sát thị trường. Còn phía người sử dụng lao động nên quan tâm đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động.
Đối với người lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp. Đạt nhiều thành công nhờ vững kỹ năng nghề, Đại sứ kỹ năng nghề Nguyễn Văn Long, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội khẳng định: “Khi vững kỹ năng nghề, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp”.
Về vấn đề này, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, đơn vị đang xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045″. Dự thảo đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 sẽ đào tạo nghề cho 12,8 triệu lao động. Giai đoạn 2026-2030, số người học nghề sẽ tiếp tục tăng lên, phấn đấu đến năm 2030, mỗi năm cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho 6,3 triệu người. Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tăng mức hỗ trợ học nghề từ 15/5
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Từ ngày 15/5, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tăng mức hỗ trợ học nghề. (Ảnh minh họa)
Quyết định nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm ba nhóm. Thứ nhất, người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là người lao động).
Thứ hai, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động GDNN gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).
Thứ ba, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan BHXH; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BH thất nghiệp.
Mức hỗ trợ học nghề được tính theo thời gian. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến ba tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc từ 14 ngày trở xuống tính là tháng, và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.
Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 28/2015). Văn bản này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 61/2020).
Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020).
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan BHXH chi trả từ Quỹ BH thất nghiệp. Tính đến hết năm 2019, quỹ này kết dư 84.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, quỹ BH thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.
Thanh Hóa: Gần 12.000 vị trí việc làm chờ người lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức phiên giao dịch việc làm huyện Thọ Xuân năm 2021. Phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của 31 doanh nghiệp và 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng gần 12.000 vị trí việc làm...