Thị trưởng gốc Việt sẽ ‘làm dâu trăm nghìn họ’ ở Mỹ
Trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên của thành phố Westminster ở bang California, Tri Ta không chỉ có niềm tự hào mà còn cả những tháng ngày bận rộn đang chờ đợi trước mắt với trọng trách mới này.
Thị trưởng gốc Việt đầu tiên của Westminster, Tri Ta. Ảnh: OC REGISTER
Tri Ta, 39 tuổi, đang điều hành một tạp chí về công nghiệp làm móng tay, chân và sống bình yên cùng gia đình tại một ngôi nhà nhỏ ở rìa thành phố Westminster, bang California. Mức lương dành cho chức thị trưởng chỉ khiêm tốn 900 USD một tháng và quyền lực cũng có hạn. Tuy nhiên, tại cộng đồng người Việt lớn nhất nước Mỹ, nơi được mệnh danh là thủ phủ của kiều bào ở nước ngoài, Ta là thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên và chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng lớn.
Sau cuộc bầu cử tuần trước, Ta được mời trả lời phỏng vấn trên sóng phát thanh và đến thành phố San Joe, bang California để gặp mặt một số lãnh đạo gốc Việt. Cái tên của ông được nhắc đến trên nhiều phương tiện thông tin, từ Houston (bang Texas) cho đến Hà Nội.
Van Tran, một cựu dân biểu của quận Cam (bang California) nhận định rằng Ta sẽ sớm đối mặt với hoàn cảnh “nhiệm vụ gấp hai, gánh nặng gấp đôi”. Ông Van Tran là người thường xuyên được mời tham dự các sự kiện ở New York, Florida, Texas và thậm chí cả châu Âu hay Austrlia với tư cách một chính trị gia người Mỹ gốc Việt.
“Anh phải đội nhiều chiếc mũ hơn, chứ không chỉ là mũ của người đại diện cho một cộng đồng hay một thành phố”, ông Tran nói. “Ở những cộng đồng người Mỹ gốc Việt khác, mọi người đều khao khát có một đại diện người Việt của riêng họ. Họ không biết bí quyết là gì và họ đang yêu cầu chúng ta chia sẻ điều đó”.
Madison Nguyen, phó thị trưởng thành phố San Joe, cho biết bà rất bận rộn với những thắc mắc của cộng đồng người Việt ở miền bắc California, có khi là các vấn đề chính phủ, có khi là về y tế. “Tôi có vị hôn thê hoặc một thành viên gia đình ở Việt Nam. Làm thế nào để tôi đẩy nhanh thủ tục đưa họ sang Mỹ đây?”, bà kể lại một thắc mắc điển hình.
Video đang HOT
Nguyen cho biết bà làm việc đến 15 giờ một ngày để đáp ứng những đòi hỏi đối với một ủy viên hội đồng người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại San Joe. “Các cuộc điện thoại gọi đến không ngừng nghỉ”, bà kể. Với Ta, bà Nguyen dự đoán rằng “áp lực sẽ đến rất nhanh”.
Trong nhiều thập kỷ qua, các cử tri ở Little Saigon đã bầu ra nhiều thẩm phán, thanh tra quận, ủy viên hội đồng thành phố, quản lý trường học người Việt, nhưng vị trí thị trưởng gốc Việt của Wesmintster vẫn bỏ ngỏ, cho đến khi Ta thắng cử.
“Tôi nghĩ việc Tri Ta đắc cử sẽ khuyến khích nhiều người gốc Việt bỏ phiếu và chạy đua tranh cử hơn”, Linda Vo, một giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ Á, đại học California ở Irvine nói. Bà cho biết trong mười năm qua, bà đã chứng kiến “một sự tăng lên không ngờ về số lượng người Mỹ gốc Việt tranh cử các chức vụ trong chính quyền và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương”.
Tuy nhiên, việc “tiếp tục gây dựng liên minh, vượt qua lằn ranh về chủng tộc” tại thành phố là rất quan trọng đối với Ta. Wesminster có gần một nửa dân cư là người châu Á, số còn lại chia đều giữa người Latin và người da trắng.
Không giống những thị trưởng trước của Westminster, Ta sẽ phải vừa làm hài lòng cộng đồng người Việt, vừa nhanh chóng giải quyết các vấn đề trong thành phố để đáp ứng nguyện vọng của người dân. “Với những yêu cầu liên tục, tôi chỉ có thể đáp trả mọi người một ngày một lần”, ông nói.
“Ông ấy không chỉ là một chính trị gia. Ông ấy là một nhà thơ. Ông ấy có đam mê. Tôi đứng cạnh Tri Ta khi ông ấy phát biểu và khi ông ấy tin vào một điều gì đó, ông ấy rất quyết đoán”, ông Tran nói.
Ta, người đến Mỹ năm 1992, khi mới 19 tuổi, đã đáp ứng được phần nào mong đợi của mọi người sau cuộc bầu cử, khi ngập lụt trong những cuộc điện thoại mời tham dự các cuộc họp cộng đồng và các sự kiện ở trường học. “Thậm chí khi chúng ta đang nói chuyện, điện thoại cũng reo không ngừng”, Ta nói với các phóng viên và bảo con gái 10 tuổi đọc các tin nhắn.
Một cử tri tên là Ngoc Tran, một phụ nữ góa chồng có 5 con trai, cho biết bà dõi theo chiến thắng của Ta dù sống cách xa. “Không quan trọng chuyện ông ấy làm việc ở đâu”, bà nói. “Tôi vẫn có thể gặp ông ấy và ông ấy có thể liên hệ với những người như tôi. Ông ấy sẽ giúp chúng tôi”.
Van Tran thì dẫn câu thành ngữ “Làm dâu trăm họ” để miêu tả về công việc mà Tri Ta sắp đảm nhận. “Tôi xin chỉnh lại câu này. Không phải 100 mà là 100.000 họ”, ông đùa.
Theo VNE
Thành phố Mỹ sắp có thị trưởng gốc Việt đầu tiên?
Tri Ta, một người Mỹ gốc Việt đang có cơ hội lớn trở thành thị trưởng thành phố Westminster, nơi có khu Little Saigon, thường được ví như thủ phủ của người gốc Việt tại Mỹ.
Trong nhiều thập niên kể từ khi người Việt tới định cư tại Mỹ, các cử tri nhập cư tại quận Cam đã bầu nhiều người Việt vào những vị trí quan trọng như quan tòa, ủy viên hội đồng lập pháp, thành viên hội đồng thành phố và ban quản trị của trường học...Dù vậy riêng vị trí người được dân bầu cao nhất của Westminster dường như vẫn ngoài tầm với.
Một góc khu Little Saigon tại quận Cam, Mỹ
Thế nhưng có vẻ điều đó sắp thay đổi. Tri Ta, biên tập viên một tạp chí và hiện là thị trưởng tạm quyền của thành phố có thể sẽ đi vào lịch sử nếu ông trở thành người giành nhiều phiếu phiếu nhất trong cuộc đua với 4 ứng cử viên khác vào chiếc ghế thị trưởng.
Đối thủ của ông lúc này là doanh nhân Al Hamade, ủy viên hội đồng thành phố Penny Loomer, chủ các cơ sở kinh doanh Ha Minh Mach và Tamara Sue Pennington và một kỹ sư giao thông thiếu kinh nghiệm chính trị và các mối quan hệ.
Ông Ta, năm nay 39 tuổi, đã là thành viên hội đồng thành phố 6 năm và được bà Margie Rice, thị trưởng hiện tại và cũng là thị trưởng lâu đời nhất của thành phố tiến cử. Mặc dù bộ mặt của Westminster đã thay đổi từ lâu nhưng việc một người Việt được bầu làm thị trưởng vẫn đánh dấu "một bước đi nữa cho thấy sự hòa nhập chính trị của người Việt", Jeff Brody, giáo sư đại học California, người đã nghiên cứu và viết nhiều về Little Saigon nhận định.
Theo ông Brody đã phải mất rất nhiều thời gian người Việt mới vượt qua được ngưỡng quan trọng này bởi Westminster là một thành phố đa văn hóa, do đó "một ứng cử viên cần phải tạo dựng được một liên minh của người Việt, người La tinh và cả các cử tri da trắng".
Một ứng cử viên giờ không thể chỉ dựa vào một cái tên mang đặc trưng sắc tộc để giành phiếu bầu từ một nhóm dân cư nhất định, vị chuyên gia khẳng định. Các cử tri nhập cư đã trưởng thành và "sự đa dạng tại Westminster có nghĩa là ứng viên thị trưởng phải đại diện cho lợi ích toàn thành phố chứ không chỉ một nhóm người", ông Brody nói tiếp.
Từng là một cộng đồng gồm đa số là người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, Westminster giờ đây là một thành phố không có nhóm sắc tộc thiểu số cho dù số lượng dân gốc châu Á, chiếm khoảng 44%, vẫn là nhóm dân cư đông đúc nhất. Hơn một phần ba trong số 91.000 dân ở đây là người gốc Việt.
Cũng chính vì điều này mà những ứng viên người Mỹ gốc Việt thường bị "soi" nhiều hơn do thường bị cho rằng chỉ đại diện cho các đồng hường của mình. Nhưng với ông Ta, ông phủ nhận mình có tư tưởng này. "Tôi nghĩ tôi là người thực sự trung thực và công bằng. Tôi ở đây để phục vụ mọi người".
Thị trưởng Rice, 83 tuổi cho biết bà đã khuyến khích Ta tranh cử vào vị trí mình nắm giữ. Bà chỉ muốn ông Ta hứa một việc đó là sẽ tiếp tục những truyền thống của thành phố như: lễ tưởng niệm ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố 11/9/2001, ngày kỷ niệm lá cờ Mỹ, lễ treo đèn cây thông Noel và lễ diễu hành đầy màu sắc mỗi dịp Tết âm lịch của Việt Nam.
"Tôi đang tìm một người thực sự hiểu về lịch sử và truyền thống của chúng tôi. Cậu ấy khá điềm tĩnh nhưng có thể rất mạnh mẽ khi cần", bà Rice nói.
Ông Ta đến Mỹ năm 1992 và theo học tại đại học Califorina với ý định ban đầu là học ngành khoa học máy tính. Sau khi tham dự buổi thi đầu tiên tại lớp khoa học chính trị, Ta cho biết một giáo sư đã gọi ông lại và nói: "Cậu có năng khiếu với lĩnh vực này". Vậy là ông Ta đổi ngành học.
Hiện ông là giám đốc điều hành Viet Salon, một tạp trí chuyên viết về các salon làm móng tay và sống cùng gia đình trong khu công viên nhà di động Mission del Amo. Ông chính là người Mỹ gốc Việt thứ ba chạy đua vào ghế thị trưởng Westminster. Những người trước đó đều thất bại.
Theo Dantri
Nổ súng bắn cướp tại chợ người Việt ở quận Cam Một chủ cửa hàng đã nổ súng bắn vào đầu một nghi phạm và chặn đứng một vụ cướp tại thương xá Phước Lộc Thọ, California, nơi tập trung đông đảo người Việt sinh sống tại Mỹ. Bên ngoài cửa hàng đồng hồ Tick Tok ở thương xá Phước Lộc Thọ sau vụ nổ súng. Ảnh: VienDongDaily ABC News cho hay vụ việc...