“Thị trường”… cho thuê bụng
“Thị trường” đẻ thuê đã và đang tồn tại bởi một thực tế xã hội: Những người hiếm muộn, khát con đâu đâu cũng có. Chỉ cần bỏ ra 50-70 triệu đồng, khách sẽ có một đứa con như ý.
“Ở đây có cho thuê bụng”
Tôi đến Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) “đánh tiếng” nhờ cánh xe ôm và mấy bà hàng nước ở đây tìm giúp người “đẻ thuê”. Chỉ bằng vài câu “thăm dò”, không khó để đoán ra Tr., người đàn ông có nước da đen xạm, trạc 50 tuổi là “cò” đẻ. Tôi tỏ vẻ ái ngại, đặt lời nhờ Tr. mai mối cho anh tôi một đám “đẻ thuê” vì vợ của anh tôi bị vô sinh. Nghe lời tôi tỏ bày, Tr. trợn mắt lên, ra bộ nghi ngờ và giận dữ: “Ô cái cô này có bị sao không vậy?. Tôi nào có biết ai đẻ thuê đẻ mướn gì. Sao lại đi hỏi tôi mấy cái chuyện vớ vẩn đó?. Nghề của tôi là nghề xe ôm cơ mà?”.
Cuối cùng, sau một hồi “ráo bọt mép” để thử độ tin cậy của phóng viên, Tr. cũng nhận lời mai mối cho anh tôi một đám. Không rào trước đón sau, Tr. đi thẳng vào vấn đề một cách hết sức chuyên nghiệp: “Hiện tôi có hai mối cho cô. Mối thứ nhất thì tôi không dám chắc, vì người này là chị họ nhà vợ tôi. Tuy đã quá tam cận tứ nhưng còn sắc lắm.
Bà này không lấy chồng và vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã nhận “đẻ thuê” cho một gia đình ở Vũng Tàu cách đây 2 năm do tôi mai mối. Nếu mà được mối này nhận lời thì rất tốt nhưng như thế thì giá cũng hơi cao. Không biết đợt này bà ấy đòi bao nhiêu nhưng thời buổi giá cả leo thang như bây giờ thì cũng phải sáu chục (60 triệu đồng – PV). Ứng trước một nửa, các khoản khám thai định kỳ, tiền sinh đẻ và đồ uống bồi dưỡng cho thai nhi phải do gia đình cô lo.
Còn một mối nữa thì tôi dám chắc là nó nhận lời ngay vì con bé này tuy còn trẻ nhưng “đẻ thuê” cho nhiều đám lắm. Nếu thích thì hôm nào tôi dẫn nó đến cho cô xem mặt. Âu đây cũng là lần làm phúc cuối cùng vì hoàn cảnh nhà cô thương tâm quá, nhìn cô cũng người thật thà nên tôi mới giúp, chứ thực ra tôi “gác kiếm” từ lâu rồi”.
Khách thường “đánh tiếng” nhờ cánh xe ôm trước cổng bệnh viện tìm người đẻ thuê.
“Cò” Tr. cho biết, nhiều cặp vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng không có con mà nguyên nhân nằm ở các bà vợ. Sợ chồng léng phéng, hao sức, tốn tiền với “phòng nhì” nên các bà đã nghĩ ra cách tìm người để thuê… bụng. Cũng theo Tr., dịch vụ này hình thành ở TP.HCM từ khá lâu, khoảng năm 2000. Thời điểm này xuất hiện những đường dây “đẻ thuê” và hoạt động khá rầm rộ, nhất là khu vực Cầu Mống và chợ Cầu Kho (bến Chương Dương, quận 1), hay quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương và Thủ Đức, TP.HCM.
Từ đó, dịch vụ môi giới cũng ăn theo. Thông thường, “cò” chỉ ăn tiền môi giới do khách trả, còn người “đẻ thuê” muốn cho thêm “cò” bao nhiêu thì tùy tâm, nhưng không dưới 1 triệu đồng. Sau này, do kiểm soát gắt gao của công an địa phương nên phần lớn “cò” đẻ thuê đã rút vào hoạt động kín.
Tuy nhiên, nếu khách chịu khó dò hỏi xe ôm hoặc người buôn bán cạnh các bệnh viện phụ sản, các khu công nghiệp, khu chế xuất… sẽ dễ dàng nhận được những tín hiệu “ở đây có cho thuê bụng”. Những người nhận giúp đỡ đó sẽ sang tay số điện thoại của khách cho “cò” để ăn hoa hồng, còn chuyện liên hệ với khách để giới thiệu người “đẻ thuê” sẽ do “cò” lo.
Tâm sự của “cò” đẻ
Theo “cò” Tr. thì bên cạnh “những người làm ăn chân chính”, từ lâu đã xuất hiện những đường dây đẻ thuê lừa đảo khách hàng. Có rất nhiều cô gái “lưu manh” lợi dụng việc được tại ngoại khi mang thai để hành nghề bán dâm, bán ma tuý. Họ lúc nào cũng mang thai nên công an cứ bắt rồi lại phải thả, không làm gì được. Những cô gái này kiêm luôn việc “đẻ thuê” và không ai có thể biết được rằng những đứa con do họ đẻ ra có phải là con của người thuê đẻ hay không, khi mà họ “làm vợ” biết bao khách đường xa.
Video đang HOT
Có “thâm niên” làm “cò”, Tr. đã vấp phải vài vố dở khóc, dở cười. Có vụ, cô gái nhận tiền đặt cọc 25 triệu đồng, Tr. cũng đã nhận tiền bồi dưỡng, thế nhưng, đột nhiên cô ta “bùng” mất, còn để lại cho Tr. lời nhắn: “Xin lỗi chú, cháu bị bệnh không thể mang thai được. Địa chỉ chú ghi của cháu là giả đấy, cháu cũng chẳng làm ở khu công nghiệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai – PV) đâu. Chú đừng tìm cháu làm gì cho mất công”.
Cách đây không lâu cũng xảy ra một chuyện bi hài. Cô gái “đẻ thuê” mà Tr. giới thiệu vốn dĩ là một “cave” chính hiệu, đã “xỏ mũi” khách hàng một vố cười ra nước mắt. Mọi chuyện từ khi làm hợp đồng đến khi đẻ con đều suôn sẻ. Ngày đón đứa bé về, cả “bên A” và “bên B” đều vui mừng khôn tả.
Bên B biếu Tr. hẳn 3 triệu đồng vì ông thân chủ đã quá 50 tuổi mà lại có được một quý tử xinh xắn. Lúc người vợ ở nước ngoài trở về, thấy đứa bé chẳng giống chồng chút nào mới hỏi rành rẽ mọi chuyện. Sau khi tính toán mới thấy rằng cô ta sinh con… thiếu tới 2 tháng. Lúc này ông ta mới vỡ lẽ đứa trẻ không phải con mình. Cô gái thì đã lặn mất tăm.
Vụ sinh đẻ này vợ chồng ông đã đầu tư cả gần trăm triệu để rồi phải nuôi con người khác, rồi thì bố con thay nhau đi thử máu xem có nhiễm virus HIV không. Vậy là, ông ta cứ nhè Tr. mà trút nỗi bực dọc.
Những phận người “đẻ thuê”
Theo lời hẹn, tối chủ nhật, tôi gọi lại cho “cò” Tr. thì được hẹn sáng thứ hai sẽ dẫn đến gặp chị Nhuần – người chị họ bên nhà vợ mà anh đã kể.
Chúng tôi đến địa điểm hẹn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai khi trời gần xế trưa. Quả đúng như lời Tr. nói, ở cái tuổi quá tam cận tứ tuần mà chị Nhuần còn đẹp quá. Vẻ đẹp dịu dàng, đắm thắm đúng nghĩa của người con gái thôn quê. Đang nói chuyện được chưa lâu thì bỗng dưng chị Nhuần nằng nặc đòi về.
Thấy không tiện, Tr. đứng dậy gọi chị ra phía sau quán cà phê nói chuyện gì đó mà tôi không nghe rõ. Chỉ khi trên đường về, tôi mới được Tr. kể lại là chị Nhuần không nhận “đẻ thuê” vì cắn rứt lương tâm. Tr. nói: “Bà ấy nói với tôi là đừng bảo bà ấy làm những chuyện thất nhân ác đức thế nữa. Bà ấy đã đủ ăn năn, hối hận lắm rồi. Bây giờ, chỉ muốn được xin lại đứa con thôi. Có lẽ, bà ấy dằn vặt lắm! Bà ấy cứ ôm riết lấy tôi mà khóc như mưa”.
Đúng sáng thứ 3, Tr. vui mừng gọi điện bảo tôi đến quán cà phê hôm trước để gặp Bé – người mà Tr. đã giới thiệu với tôi. Nhưng khi tôi đến thì Tr. đang ngồi một mình vì Bé gọi điện thoại báo không đến được. Tranh thủ lúc nói về Bé, Tr. chủ động kể cho tôi nghe về lý lịch của Bé như để cho tôi yên tâm hơn.
Theo như lời Tr. kể thì Bé vốn dĩ là một nữ sinh viên sư phạm, mồ côi cha, chỉ còn mẹ già sống dưới Cần Thơ. Tốt nghiệp cấp ba, Bé thi đậu vào ngành Giáo dục Mầm non của một trường cao đẳng sư phạm ở TP.HCM. Vốn là con gái miền sông nước, lại được trời phú cho cái duyên ăn nói nên Bé được bao chàng theo đuổi trong số đó có Tùng – “cao thủ sát gái” của một trường nghệ thuật. Yêu Tùng không toan tính, không đắn đo, Bé đã dâng hiến tất cả cho người yêu.
Kết quả là mới yêu nhau có 6 tháng, Bé đã “dính” bầu đến hai lần. Lần thứ ba, Bé thử que và biết mình có bầu cũng là lúc nhận được tin Tùng biến mất cùng một mớ nợ nần. Tính bỏ thai nhưng khi đi khám thì thai đã quá lớn, cuối cùng Bé gặp “cò” Tr. trước cổng Bệnh viện Từ Dũ và Tr. đã mai mối bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn với giá 50 triệu đồng. Cũng từ đó, Bé dấn thân vào nghề đẻ thuê như để trả thù đời và kiếm tiền ăn chơi.
Từ đó đến nay, Tr. đã mai mối cho Bé đẻ thuê cho hai đám nữa. Như sợ tôi không tin, Tr. còn đưa cho tôi xem hai bản photo hợp đồng nhận “đẻ thuê” còn mới cáu, được gấp cẩn thận trong một chiếc túi nilon. Hợp đồng ghi rõ bên A và bên B với đầy đủ các điều khoản như một hợp đồng kinh tế. Nào là: sau khi thụ thai bên A phải tạm ứng trước cho bên B số tiền là 35 triệu đồng, nếu gặp rủi ro trong quá trình mang thai bên B không có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền này hay nếu đứa bé sinh ra bị dị tật hay bị chết bên B sẽ phải hoàn trả 1/3 số tiền trong hợp đồng…
Hai bản hợp đồng, một bản ký với giá 70 triệu và một 65 triệu đồng. Trong đó có một điều khoản khiến tôi lạnh người: “Kể từ khi giao con, giao tiền, bên A và bên B không được gặp mặt nhau, coi như người xa lạ. Bên B tuyệt đối không được nhận đó là con của mình”.
Theo PLVN
Thôn nữ đẻ thuê thương đứa bé sống nhờ trong bụng
Mới đây, 7 cô gái quê Bạc Liêu trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan đã được đoàn tụ với gia đình.
Sau những tủi nhục nơi xứ người, giờ đây các bà mẹ trẻ này lại đang đối mặt với thực tại khó khăn mới: Đứa bé mình đẻ ra không rõ là "con cái nhà ai"?
"Đã nghèo còn gặp cái eo"
Bà T.T.C (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, mẹ của thôn nữ P) sau chuyến đi Sài Gòn đón con gái trở về cho biết, chi phí đi đứng để rước con về đều phải đi vay mượn. Có người thương tình, thì cho năm ba chục ngàn để làm lộ phí, khi về rồi bà con lối xóm xúm lại hỏi thăm, người cho sữa, kẻ cho tiền để nuôi đứa nhỏ. Bà nén tiếng thở dài: "Nay con P lại vướng vào chuyện này, đời nó sẽ khổ hơn tôi nữa...!".
Sau những tủi nhục nơi xứ người, giờ đây các bà mẹ trẻ này lại đang đối mặt với thực tại khó khăn mới: Đứa bé mình đẻ ra không rõ là "con cái nhà ai"?
Xoay quanh câu chuyện đi rước con gái, bà tần ngần nhớ lại: "Hôm con gái gọi điện nhắn là sẽ được về nhà, cả gia đình mấy đêm liền không ai ngủ được, chỉ mong đến ngày nó được về. Sáng ra, khi nghĩ lại chuyện tiền nong để lên Sài Gòn rước nó tôi mới giật mình, nhà gạo còn không đủ ăn thì lấy tiền đâu mà đi. Cũng may nhờ bà con lối xóm thương tình, mấy cô chú ở huyện, ở tỉnh hỗ trợ xe đi rước nên nó mới về được đến nhà".
Trong căn nhà xiêu vẹo, rách nát vốn đã quá chật hẹp của gia đình, nay phải dành riêng ra một cái giường để cho mẹ con P ở. Từ nhà P về nhà đến nay, mọi người cho biết ngoài việc chăm sóc con, P ít nói, ít cười so với trước khi đi đẻ thuê. "Ở cái tuổi mới lớn, khi mà cả chuyện yêu đương chưa biết mà giờ đây lại làm mẹ của một đứa con, giữa bao nhiêu lời đàm tiếu, dị nghị của thiên hạ thì hỏi sao nó vui cho được", mẹ cô gái tự vấn.
"Địa ngục trần gian"
Hôm chúng tôi đến, lúc đầu vì ngại nên P lánh mặt ở miết trong buồng không chịu ra gặp. Ngồi ở bên ngoài, chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng khóc của trẻ con và tiếng ru hời đứt đoạn của người mẹ trẻ. Lát sau nén cơn xấu hổ, cô len lén đi ra kể câu chuyện chỉ vì muốn đi tìm việc giúp đỡ gia đình qua cơn khốn khó mà bị lừa vào đường dây đẻ thuê tận Thái Lan.
Những ngày tủi nhục nơi đất khách quê người vẫn còn in đậm trong tâm trí người mẹ trẻ. Bây giờ, khi ôm con thơ vào lòng, từng đêm P nghẹn ngào nghĩ về tương lai của đời mình, của đứa con thơ dại mà nước mắt lại trào dâng.
Chuyện ăn ở nơi xứ người như "địa ngục trần gian" với những cô gái trẻ. Các nạn nhân bị "cầm tù" trong ngôi nhà biệt lập thuộc vùng ven thủ đô Băng cốc. Những người thuê mướn chỉ xem các cô như "những chiếc máy biết đẻ" và chờ ngày cấy tinh trùng để sinh con. Nhiều lúc các cô còn bị nhốt chung với gái mại dâm ở gần khu vực đó.
Lắm khi, việc sinh hoạt, giờ giấc, đi đứng sai một chút cũng bị các ông chủ trừ tiền trong khoản "hợp đồng" mà công ty đẻ thuê ký kết với những ông bố bà mẹ. Để có được những đứa con khỏe mạnh, nhiều ông bố không tiếc tiền gửi đồ ăn thức uống vào công ty đẻ thuê nhờ chăm sóc các cô gái đầy đủ dinh dưỡng hơn. Nhưng sự thật, các cô đều bị ăn chặn ngay trước khi quà được trao tận tay. Cuộc sống nằm chờ cho đến ngày được cấy tinh trùng và những ngày chờ đẻ như quãng thời gian đày đọa thân phận người phụ nữ...
"Dù gì cũng là cháu... ngoại!"
Dư luận hiện tại khi các cô gái trẻ được về đoàn tụ với gia đình có chấp nhận những "đứa cháu ngang hông ngoại lai" của mình hay không? Mang những băn khoăn này hỏi bà T, mẹ của H, một nạn nhân của đường dây đẻ thuê cư trú ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, bà T cho biết: "Khi hay tin con H đi đẻ thuê gia đình tôi rất buồn.
Bao nhiêu chuyện đàng hoàng khác không làm mà nó lại đi làm chuyện này. Ông nhà tôi còn định từ luôn nó nữa. Nhưng khi nghĩ lại và được các cô chú ở tỉnh giải thích là con tôi và những đứa khác bị lừa nên tôi cũng bớt buồn, lại thấy thương con mình quá. Nó còn nhỏ dại quá nên bị lừa chỉ vì muốn có tiền lo cho cha mẹ".
Bà kể tiếp: "Ban đầu khi nó mới ẵm con về, dù mang tiếng là cháu ngoại của mình nhưng tôi vẫn "thấy làm sao ấy" khi ẵm đứa trẻ vì dù nó là con của con gái mình đẻ ra thật, nhưng thực tế thì trứng của người khác, tinh trùng của người khác, nó chỉ sống nhờ trong bụng con tôi thôi chứ?" Cái suy nghĩ đây không phải là cháu ngoại của mình, nó là đứa con lai ngoài ý muốn... cứ ám ảnh bà.
Thế nhưng qua nhiều ngày tiếp xúc rồi bà cũng quen dần. Bà nói "dù gì nó cũng chỉ là một sinh linh vô tội, dù nó là con của ai, mang dòng máu nào đi nữa thì cũng là cháu ngoại của mình. Khi con H nó về nhà, mấy cô chú ở xã cũng hứa là sẽ làm giấy khai sinh, nhập khẩu cho con của nó đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Tôi chỉ lo là con H không nuôi nổi con vì không có nghề nghiệp gì. Từ nhỏ đến lớn chỉ biết đi làm thuê, bây giờ ôm thêm con nhỏ thì làm sao đây!".
Còn bà mẹ của P thì suy nghĩ "thoáng hơn". Bà cho biết dù con P có sao đi nữa thì đứa bé trong bụng nó cũng là cháu ngoại của bà. Bây giờ chuyện đã đến nước này rồi bà không trách mà còn thương P nhiều hơn nữa. Cả gia đình sẽ tận lực để giúp con P vượt qua khó khăn này, giúp em làm lại cuộc đời trên chính quê hương của mình trong tình thương của gia đình và xã hội. Bà bộc bạch, đợi khi con của P lớn, bà sẽ ở nhà trông cháu cho con P đi tìm việc làm mà nuôi sống bản thân, nuôi con khôn lớn.
Một người hàng xóm sống cạnh nhà cô gái P cho biết, mấy ngày đầu khi cô gái ẵm con về, cả xóm cũng rất vui. "Thấy đứa trẻ cũng bụ bẫm, dễ thương nên ai cũng mến. Đi đâu thì đi chứ về xóm về lảng rồi thì không lo bị đói, dù gì thì cũng có chúng tôi chăm lo tiếp nên mẹ con P không phải lo gì cả".
Đường về gian nan
Trước đó, trưa 23/2 , cảnh sát và giới chức trách Thái Lan phối hợp với một số tổ chức nhân đạo và phi chính phủ đã ập tới bủa vây ba ngôi nhà ở gần ngoại ô Băng cốc, và cứu giúp 14 cô gái Việt Nam được đưa sang đây để đẻ thuê. Các nạn nhân cho biết họ đã được đưa từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau sang đây khoảng 3 - 4 tháng trước đó. Khi sang đến nơi và sau một thời gian không được giao việc gì cụ thể thì mới biết họ bị giam lỏng ở đó, chứ không phải là đi làm một "công việc phù hợp với sức khỏe" theo như lời hứa lúc đầu ở nhà.
Sau khi được đưa về Hà Nội, để đảm bảo quyền công dân cho các cháu bé, ngày 17/8, Bộ Tư pháp, Sở tư pháp Hà Nội đã chỉ đạo UBND phường Ngọc Hà, quận Ba Đình thực hiện ngay việc đăng ký khai sinh, UBND phường Ngọc Hà phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã, nơi đăng ký thường trú của mẹ các cháu biết. Đồng thời, báo cáo kết quả kèm bản sao có chứng thực Giấy khai sinh về Sở Tư pháp TP Hà Nội để báo cáo Bộ Tư pháp.
Sau khi các cô gái trong đường dây đẻ thuê được đưa về quê, bà Huỳnh Thúy Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh cụ thể hoàn cảnh từng cá nhân, gia đình của các cô gái trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan để ngành xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với tâm tư, nguyện vọng để khi họ trở về địa phương được học nghề, có việc làm và tạo điều kiện tốt nhất giúp sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gia đình neo người, nghèo khó, các thiếu nữ tay ôm con nhỏ nếu có được sự trợ giúp nêu trên thì cũng không thể đi học nghề, đi làm mà nuôi con. Đây thực sự là "bài toán" nan giải của những bà mẹ trẻ.
Theo Giáo Dục VN
Ba cô gái đẻ thuê đã được đón về nhà Ngày 21/08, ba cô gái trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan đã được gia đình từ Bạc Liêu và Hậu Giang lên TP. Hồ Chí Minh đón về nhà. Sáng 21/08, ba cô gái trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan đã từ Hà Nội về đến TP. Hồ Chí Minh. Những cô gái này đều đã sinh con. Trước...