Thị trường cây cảnh Tết: Bắc rộn ràng, Nam điêu đứng
Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhiều làng đào, quất ở Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp đón khách mua. Trong khi đó tại TPHCM, đầu tư hàng tỷ đồng cho vườn mai Tết nhưng mai nở sớm khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên lửa.
Ông Nguyễn Vũ Khánh thẫn thờ với vườn quất đã chết hơn nửa.
Đánh bạc với thời tiết
Theo khảo sát của PV, đào tại hầu hết các vườn ở Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) đã tuốt hết lá. Đào bung (loại đào được người trồng để nở tự do, thường nở sớm hơn đào chính vụ – PV) đã nở gần hết. Một số vườn đào bán cành, người dân đã bắt đầu thu hoạch. “Nhà tôi trồng gần 1.000 cây đào cành, năm nay nhuận thêm 1 tháng nên khá nhiều đào nở sớm phải cắt cành bán trước. Giá trung bình 100 nghìn đồng/cành to, 50 nghìn đồng/cành nhỏ”, chị Nguyễn Thị Xuân (Nhật Tân, Tây Hồ) cho biết.
Anh Nguyễn Quang Vụ, chủ vườn đào Việt Vụ (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm nay gia đình trồng gần 1.000 gốc đào thế. Hiện khách quen đến xem đào và đặt mua, thuê khá nhiều. Anh đã đánh gần 100 gốc đào lên chậu, chờ đến ngày giao cho khách. Vườn đào nhà anh Vụ có giá từ 2-3 triệu đồng/cây đào thường, từ 30 – 40 triệu đồng/gốc đào thế.
Với đào thế, chủ yếu khách thuê về trưng Tết, những cây to, dáng đẹp giá lên đến 10-15 triệu/đồng cây. Chủ vườn đào cạnh đó, anh Nguyễn Văn Hải cho biết có 400 cây đã chuẩn bị đánh gốc cho lên chậu chở đến giao cho khách. Nhiều khách quen đặt mua, tuy báo giá nhưng anh chưa dám cầm tiền do vẫn phải canh từng ngày sự thay đổi của thời tiết.
Trái ngược với sự phấn khởi của người trồng đào, người dân trồng quất ở Tứ Liên, Quảng An (Hà Nội) lại “méo mặt” vì cây chết do mưa nhiều. Trên đường đê quai dẫn vào làng quất Tứ Liên, những cây quất sum suê quả đang độ vàng, rụng lá.
Vừa đào bỏ cây quất rụng lá khỏi vườn, ông Nguyễn Vũ Khánh (Tứ Liên, Tây Hồ) ngậm ngùi: “Nhà trồng được 150 gốc quất, nhưng năm nay mưa nhiều quá, quất thối rễ chết hơn nửa. Đa số những cây to, dáng đẹp bị chết, còn lại chủ yếu cây còi cọc, dáng xấu, ít quả”. Theo ông Khánh, với giá trung bình mỗi cây quất từ 500 – 800 nghìn đồng, có gia đình thất thu vài trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Chủ vườn quất Hồng Sơn cho biết, quất của gia đình chết đến 20% do bị ngập nước, thối rễ. Quất đặt ở gia đình có giá từ 2-3 triệu đồng/cây, đặt khách sạn, nhà hàng lớn cao nhất từ 10 – 13 triệu đồng/cây. Còn anh Nguyễn Xuân Bằng (chủ vườn quất ở làng Nhật Tảo, Đông Ngạc, Hà Nội) chia sẻ, ở Nhật Tảo tầm 30% quất chết, phải đào bỏ. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết không thuận lợi. Lượng khách mua tại thời điểm này chưa nhiều vì giá chưa ổn định.
Nhiều nhà vườn phải dùng kéo cắt bỏ những nụ hoa nở sớm.
Điêu đứng vì mai nở sớm
Hơn một tháng nữa mới đến Tết Ất Mùi nhưng vườn mai ở các nhà vườn tại TPHCM đã trổ bông, thậm chí trổ hạt. Tại các vườn mai thuộc các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Hiệp Bình Phước của quận Thủ Đức, mai nở sớm khiến người trồng như đang “ngồi trên lửa”.
Anh Trần Thiện An, chủ vườn mai tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cho biết, vườn nhà có hơn 300 gốc mai, thì hơn 80 gốc đã ra hoa. Cứ đà này, đến Tết chắc khó có cây đẹp để bán. Nhiều người trồng mai tại huyện Củ Chi, Nhà Bè và quận 12 cũng rơi vào tình cảnh tượng tự. Tại các vườn mai của các hộ dân tại khu vực phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông, quận 12, mai ra hoa và trổ hạt khiến người dân phải chọn cách cắt, tỉa sạch những nụ hoa đã bị trổ để cây có thể nuôi những nụ non sắp thành hoa. Tuy nhiên, vẫn rất khó để cứu vớt tình hình.
Ông Võ Đông Hậu, người có thâm niên hơn 10 năm trồng mai cho biết, mấy ngày nay, huy động cả gia đình và mướn thêm nhân công để “ứng cứu” vườn mai nhằm giảm bớt thiệt hại. “Mai nở sớm như vậy, Tết này sẽ lỗ nặng”- ông Hậu buồn bã. “Nếu bán không được thì sẽ lỡ vụ, phải đợi đến năm sau. Còn giữ mai tại vườn thì tốn thêm phí chăm sóc, lỗ càng nặng”.
Theo các nhà vườn, đây là năm đầu tiên họ phải gánh chịu nạn “mai nở hoa sớm”. Dù đã ứng dụng những biện pháp kĩ thuật để can thiệp. Hầu hết các vườn mai có quy mô tại TPHCM trồng khoảng 300 – 500 gốc, với số vốn bỏ ra trên 1 tỷ đồng.
Nhiều nhà vườn lớn còn mạnh tay mở rộng qui mô lên đến trên dưới 1.000 gốc thì bỏ ra mức vốn “khủng” hơn. Nhưng thực tế 2 năm qua cho thấy, nghề trồng mai gặp vô vàn khó khăn. Theo các nhà vườn trồng mai, chi phí chăm sóc đã tăng hơn từ 10 – 20% so với năm trước, nhất là tiền phân bón và nhân công.
Hiện tại, giá mỗi gốc mai loại nhỏ (bao gồm cả tiền chậu) ở một số nhà vườn có giá từ 500 – hơn 3 triệu đồng/ gốc, mai tứ quý đạt mức từ 600 nghìn – hơn 2 triệu đồng/ gốc. Trong khi các gốc mai lớn có chiều cao trên 1,5 mét và có nhiều nụ hoa có giá lên đến hơn 40 – 50 triệu đồng/cây. “Nếu trồng 500 gốc mai và 50% mai nở sớm, người dân sẽ thiệt hại cả tỷ đồng”- ông Thế giải thích.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ (làng hoa Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Vườn nhà tôi chủ yếu trồng cúc và phăng-xê để bán Tết. Năm nay rét nhiều nên ảnh hưởng đến việc hoa nở đúng độ Tết. Phăng- xê rẻ, bó nhỏ (20 – 30 bông) tầm 20 – 30 nghìn đồng. Hoa chủ yếu là bán buôn ở chợ đầu mối. Phăng-xê bán cành hoặc bán luống cho thương lái đánh vào chậu. Giá bán khoảng 5 nghìn đồng/gốc”.
Theo Quỳnh Nga – Giang Thanh – Thùy Trang – Hữu Huy
Tiền Phong
Thưởng Tết 2015: Chỗ trăm triệu, nơi vài trăm nghìn đồng
Ngày 9/1, Hà Nội công bố tình hình lương, thưởng Tết năm 2015 ngay sau khi mức thưởng Tết cao nhất 457 triệu đồng được TPHCM công bố. Nhìn chung, mức thưởng năm nay ở hai đầu tàu đất nước thấp hơn năm ngoái, khoảng cách cao thấp giữa hai thành phố vẫn khá xa.
Chỗ trăm triệu, nơi vài trăm nghìn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) cho biết, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức 85,6 triệu đồng, cao hơn mức 65 triệu đồng năm 2014. Tính trung bình, khối FDI có mức thưởng Tết 3,75 triệu đồng/người.
Nhóm Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu có mức thưởng Tết trung bình 3,3 triệu đồng, tăng 5,7 % so với năm 2014. Mức cao nhất của nhóm này và nhóm doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là 25 triệu đồng/người. "Trung bình, mức thưởng Tết âm của khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp Nhà nước tăng hơn 10%, mạnh nhất trong 4 nhóm, đạt 3,45 triệu đồng", ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, ở nhóm doanh nghiệp tư nhân, mức thưởng cao nhất xấp xỉ 14 triệu đồng. Mức trung bình của khối này chỉ đạt 3,7 triệu đồng, tương đương với mức thưởng của năm 2014.
Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, mức thưởng thấp nhất của các doanh nghiệp là 500.000 đồng. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, có 563 doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng Tết. Trong đó, khối các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 400 đơn vị. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo mức thưởng khoảng 60.000 người.
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa nhận được báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết 2015 từ các địa phương. Nhưng qua theo dõi, tình hình lương thưởng Tết tại Hà Nội và TPHCM cho thấy "bức tranh sáng - tối của doanh nghiệp cả nước". Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở hai đầu tàu đất nước, dù có hồi phục nhưng nói chung, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Nguyên nhân, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đầu ra sản phẩm gặp khó nên không tiêu thụ được hàng hóa", ông Huân nói.
Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM, mức thưởng Tết năm 2015 cao rơi vào các Cty tư nhân kinh doanh các mặt hàng như điện tử, sản xuất bao bì, bán lẻ. Các doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ, công việc đơn giản (như gia công), mức thưởng thấp hơn. "So với năm ngoái, mức thưởng Tết năm nay không bằng, vì năm 2014 mức thưởng cao nhất đến 700 triệu đồng", đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết.
Cùng ngày, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức thưởng Tết ở TPHCM và Hà Nội cho thấy phú quý "đang giật lùi". "Năm hết Tết đến, tâm lý người lao động ai cũng muốn có thưởng Tết. Người cao, kẻ thấp là đương nhiên nhưng với việc chênh lệch quá cao giữa TPHCM và Hà Nội cho thấy mức thu nhập quá khác nhau", vị này nói.
Theo Phong Cầm
Tiền Phong
Ông Nguyễn Bá Thanh với học sinh, sinh viên chậm tiến Trong thời gian giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh có nhiều cuộc trò chuyện, động viên, khuyên răn giới trẻ, học sinh, sinh viên. Ông Thanh từng chia sẻ: "Cứ mỗi sáng, cầm tờ báo lên đọc tôi lại cảm thấy đau nhói vì ở đâu đó lại xảy ra tình trạng thanh thiếu niên cướp của...