Thị trường bất động sản quý IV kịp thích ứng với tình hình mới?
Theo công bố ngày 6/10 của Kênh thông tin dịch vụ bất động sản (BĐS) batdongsan.com.vn và của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong quý III/2021, số lượng nguồn cung dự án trên thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thị trường trầm lắng
Kênh batdongsan.com.vn công bố, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường sụt giảm mạnh trong quý III do ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài. Nguồn cung dự án và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong 2 tháng 7 – 8. Lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.
Các tỉnh, thành phố có mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 là Phú Yên (37%), Bình Dương (35%), Đồng Nai (35%), TP Hồ Chí Minh (33%), Khánh Hòa (32%) và trong tháng 8 là Đà Nẵng (49%), Bình Dương (40%), Hà Nội (36%), Đồng Nai 35%). Đây đều là những khu vực có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất cả nước. Loại hình BĐS có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng/nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền. Trong tháng 8, Hà Nội có mức giảm mạnh ở cả hai thị trường BĐS bán và cho thuê so với TP Hồ Chí Minh, mức giảm lần lượt của hai khu vực là 36% và 17% so với tháng 7.
Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngành BĐS không phải là một ngoại lệ. Do phải giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thị trường giao dịch BĐS gần như ngưng trệ hoàn toàn.
Tại Hà Nội, trong quý III/2021, nguồn cung BĐS tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các kỳ trước. Chung cư vẫn là sản phẩm chủ đạo khi chiếm đến 87,3% tổng nguồn cung, chủ yếu nằm ở các quận Hoàng Mai, Từ Liêm, Thanh Xuân và Cầu Giấy. Trong đó, sản phẩm căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu nguồn cung căn hộ của quý III, khi chỉ đạt 3,5% tổng lượng cung và nằm ở xa khu trung tâm. Tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 5.886 sản phẩm (chủ yếu là căn hộ, với 5.141 sản phẩm). Lượng giao dịch đạt 1.745 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 29,6%.
Đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, mặc dù trong thời gian qua, BĐS du lịch nghỉ dưỡng gần như “tê liệt” vì giãn cách xã hội, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu, nhưng các dự án phát triển BĐS du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý II đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6%. Các tỉnh, thành phố ghi nhận có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Trong đó, Quảng Ninh là khu vực có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất.
Trong khi đó, phân khúc BĐS công nghiệp ghi nhận khoảng 370 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 115.200 ha. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng hầu hết các khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường, ngoại trừ một số địa phương có số ca lây nhiễm lớn và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đối với thị trường bán lẻ, cụ thể là phân khúc cho thuê thương mại, bán lẻ, tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ có số ít trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ đồ thực phẩm thiết yếu có hoạt động. Nhiều hệ thống cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở kinh doanh và dịch vụ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì phải đóng cửa, dừng hoạt động do giãn cách xã hội. Hiện tượng cơ sở kinh doanh phải trả lại/giảm bớt mặt bằng thuê cho chủ diễn ra phổ biến, đặc biệt là các đô thị lớn ước đến 50%…
Video đang HOT
Dự báo thị trường quý IV/2021
Kênh batdongsan.com.vn dự báo 9 kịch bản có thể xảy ra trên thị trường BĐS trong quý IV/2021. Một là, tháng 10/2021 nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm COVID-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn sẽ tạo điều kiện cho các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch; kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, bao gồm hoạt động phát triển dự án BĐS và thị trường giao dịch BĐS.
Giao dịch các dự án BĐS hy vọng hồi phục trong quý IV/2021.
Hai là, nguồn cung trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng lớn) chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể tham gia thị trường. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch, mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ba là, giá bất động sản quý IV sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Những dự án không điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu quý II/2021 chắc chắn sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp. Thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá BĐS vì nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng) thuế đất tăng, nguyên vật liệu và thiết bị tăng, nhân công tăng…
Bốn là, tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường dự báo đạt trên 40%.
Năm là thị trường BĐS ở những địa phương có khả năng sôi động sớm gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An, Phú Quốc.
Sáu là, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục thu hút và được quan tâm từ các nhà đầu tư. Những dự án quy mô được đầu tư với đa dạng loại hình dịch vụ, nghỉ dưỡng hút đầu tư nhiều. Vùng sôi động về phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng dự báo: Quảng Ninh, Hòa Bình , Thanh Hóa , Quảng Bình , Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc.
Bảy là thị trường BĐS bán lẻ, thương mại, cơ sở kinh doanh, cửa hàng sẽ phục hồi trở lại và đạt trên 50% ngay trong tháng 10. Giá cho thuê các cơ sở bán lẻ giảm nhẹ khoảng 10%. Đối với văn phòng cho thuê dự báo phân khúc hạng A sẽ khan hiếm. Trong khi đó, phân khúc văn phòng cho thuê chuyên nghiệp hạng B, C sẽ đạt trên 50%.
Tám là thị trường BĐS công nghiệp sẽ phục hồi sớm nhất. Tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì như quý III/2021. Giá thuê không biến động. Thị trường nhà ở cho thuê và dịch vụ quanh các khu công nghiệp đã hoạt động sẽ ổn định trở lại trong quý IV/2021. Các khu công nghiệp mới đang phát triển tại 13 địa phương như: Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa thiên Huế , Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long… sẽ mang đến cho thị trường khoảng 40 dự án BĐS công nghiệp quy mô lớn. Nguồn cung BĐS xung quanh các khu công nghiệp đang triển khai đã bắt đầu có dấu hiệu sôi động.
Chín là sức khỏe của thị trường BĐS Việt Nam quý IV/2021 và các doanh nghiệp phát triển BĐS bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 có thể hồi phục, trở lại trạng thái bình thường khoảng 50%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dịch vụ, môi giới BĐS thực sự suy yếu, chưa thể hồi phục hoạt động ngay trong quý IV/2021, đạt khoảng 30%, nhưng thị trường cũng sẽ đón nhận số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Khách hàng có nhu cầu mua nhà, phục hồi và phát sinh nhu cầu không cao trong quý IV/2021, ước đạt 30% lực cầu mua nhà so cùng kỳ các năm 2018, 2019. Nhà đầu tư nhỏ lẻ truyền thống, suy giảm lực đầu tư, nhưng thị trường tiếp tục tăng lực F0, làm lực cầu đầu tư trên thị trường tăng mạnh, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ các năm 2018,2019.
Sau đại dịch COVID-19, bất động sản có suy thoái?
Thị trường bất động sản quý II/2021 sụt giảm mạnh trong bối cảnh COVID-19 tái bùng phát, khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn như năm 2010.
Nhận định về kịch bản phát triển của thị trường bất động sản trong nước, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng nguy cơ suy thoái như cách đây 10 năm là khó xảy ra. Vào những năm 2010, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng như "bong bóng" BĐS có dấu hiệu từ trước, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cao kỷ lục... Những điều này tác động trực tiếp đến thị trường thời điểm đó.
Còn với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, BĐS vẫn đang đươc coi là một kênh đầu tư tốt, có thể bảo toàn vốn lâu dài và an toàn.
Bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư tốt trong đại dịch. (Ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, chuyên gia BĐS khẳng định, có nhiều lý do để dự đoán rằng thị trường BĐS sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng như những năm 2010.
Lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, lạm phát cũng được được kiểm soát tốt. Theo ông Tuyển, khi mà các doanh nghiệp đang cần "hồi sức" sau nhiều đợt dịch liên tiếp thì lãi suất trong vài năm tới sẽ khó tăng. Điều này tác động rất tích cực đến bất động sản.
Ngoài ra, dòng tiền tiếp tục đổ vào các kênh đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí tiền ảo. Tuy nhiên, mọi dòng tiền có chạy đi đâu thì cuối cùng cũng chốt lời vào BĐS.
Trong khi đó, nguồn cung hiếm là chốt chặn cho thị trường phát triển vào thời điểm này. Bằng chứng là giá đất nền trung tâm các tỉnh vẫn đang tăng, giá chung cư ở TP.HCM và Hà Nội tăng khoảng 8-15% trong năm qua.
Cũng theo ông Tuyển, khó khăn trong kinh doanh ở một số ngành trong đại dịch vô hình chung lại là thuận lợi cho BĐS. Bởi khi lãi suất tiền gửi thấp mà không kinh doanh trong ngành của mình được, nhiều người có vốn có thể muốn đầu tư sang kênh khác có lợi hơn, trong đó có BĐS.
Cuối cùng, công nghệ giúp việc kinh doanh BĐS không quá khó khăn giữa tình hình dịch bệnh phức tạp. Bằng chứng là khi Hà Nội và TP. HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, việc gặp gỡ khách hàng bị hạn chế nhưng một số sale vẫn bán được hàng.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận thực tế rằng BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá do đất nền trải qua nhiều "cơn sốt" khiến mặt bằng giá tăng cao; vướng mắc về thủ tục phê duyệt dự án, giá các loại vật liệu xây dựng tăng dẫn đến tăng chi phí, kéo theo giá thành BĐS cũng sẽ tăng.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù thị trường BĐS đã trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với đầy rẫy khó khăn nhưng đây là tình hình chung của cả nền kinh tế, chứ không riêng về lĩnh vực BĐS.
Trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, có thể thị trường BĐS vẫn chưa vượt qua ngay được những khó khăn này, do phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nhưng vẫn còn những cơ hội, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, đây được xem là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường thu hút nguồn vốn đầu tư.
" Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đã có sự chủ động, thích ứng với tình hình dịch bệnh để đưa ra những tính toán cẩn trọng hơn trong đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (hiện nay dân số thành thị mới chiếm khoảng 40%, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 45%), nhu cầu về nhà sẽ rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường BĐS trong giai đoạn hậu COVID-19 ", ông Chiến nêu quan điểm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng nhận định, với kinh nghiệm, năng lực quản lý nhà nước càng ngày càng hiệu quả hơn trước đây của Chính phủ và các bộ ngành, nhìn toàn cục thị trường BĐS bao gồm thị trường quyền sử dụng đất cho thấy chưa có nguy cơ xảy ra khủng hoảng "bong bóng" hay "đóng băng" hoặc suy thoái đúng nghĩa trong năm 2021.
Mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản sụt giảm Trang batdongsan.com.vn tháng 7/2021 cho biết, số ca COVID-19 tại nhiều địa phương đạt đỉnh, khiến thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam tiếp tục chịu những tác động tiêu cực, đặc biệt ở các tỉnh miền Nam. Lượng tin đăng bán BĐS toàn trang giảm 22% so với tháng 6/2021, trong khi mức độ quan tâm giảm của nhà đầu tư...