‘Thị trấn ma’ trong lòng San Francisco
Đại dịch Covid-19 ập đến làm chao đảo cuộc sống của toàn bộ người dân và biến một trong những khu phố buôn bán nhộn nhịp nhất nước Mỹ thành “ thị trấn ma”.
Những cửa hiệu một thời tấp nập và lung linh ánh sáng trên khu phố người Hoa ở San Francisco giờ đây đang ẩn mình phía sau lớp cửa sắt, tĩnh mịch, yên ắng.
Bên trong một vài gian hàng nghệ thuật, người ta thoáng thấy những tác phẩm điêu khắc được chạm trổ công phu nhưng phủ đầy bụi sau thời gian dài không người chăm sóc. Đa phần những cửa hàng khác trên khu phố người Hoa đều trống rỗng.
“Thị trấn ma”
Khung cảnh hiu hắt trên phố người Hoa ở San Francisco phản ánh sự tàn phá khủng khiếp đại dịch Covid-19 mang đến cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.
Tình hình thậm chí tồi tệ hơn ở phố người Hoa San Francisco, một trong những con phố kinh doanh lâu đời nhất nước Mỹ, bởi đa phần nguồn thu đến từ khách du lịch và người qua đường.
“Thật tệ đúng không. Khung cảnh như một thị trấn ma”, Betty Louie, tư vấn viên của Hiệp hội Thương nhân thị trấn người Hoa San Francisco, nói.
9 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, một số doanh nghiệp đã đóng cửa, một số khác treo biển thông báo chỉ mở cửa vào cuối tuần. Louie ước tính hoạt động kinh doanh tại con phố đã giảm từ 85-90%.
Phố người Hoa ở San Francisco vắng lặng vì đại dịch. Ảnh: AP .
“Có những cửa hàng tôi tin sẽ không bao giờ mở cửa trở lại”, Louie nói.
Phố người Hoa đã vắng vẻ từ trước khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện ở San Francisco, xuất phát nỗi sợ hãi người gốc Á bởi dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Để cứu vãn tình hình, hồi tháng 2, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tức thủ lĩnh phe đa số Dân chủ, đã tới khu phố này nhằm khuyến khích người dân “đến thăm và tận hưởng”. Bà Pelosi cũng tới thăm nhà máy của một công ty sản xuất bánh kẹo có tên Golden Gate Fortune Cookie.
Thời điểm đó, chủ nhà máy là Kevin Chan tin tình trạng phân biệt chủng tộc sẽ là điều tồi tệ nhất đối với hoạt động kinh doanh của phố người Hoa. Và rồi đại dịch thực sự ập đến.
“Nếu tới thăm phố người Hoa vào cuối tuần, bạn sẽ thấy đủ mọi hoạt động, mọi người đều rất hào hứng. Giờ thì không còn ai đến đây nữa. Ngay cả các nhà hàng cũng điêu đứng bởi không thể phục vụ khách hàng tại chỗ. Họ đơn giản là không tồn tại được”, ông Chan nói.
Video đang HOT
Phong tỏa lần 2
San Francisco là một trong những thành phố đầu tiên tại Mỹ yêu cầu người dân ở trong nhà vào tháng 3, với hy vọng phản ứng nhanh chóng và quyết liệt có thể giúp kiểm soát sự lây lan của virus. Thành phố thực tế đã giữ được tình trạng lây nhiễm ở mức thấp, nhưng tác động tới nền kinh tế đến ngay lập tức.
Các thương nhân tại thành phố đã làm những gì có thể để tồn tại. Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, cho phép ăn uống ngoài trời và một số dịch vụ trong nhà, các cửa hàng tiến hành kinh doanh ngay trên vỉa hè và một phần lòng đường.
Tuần trước, San Francisco là một trong 5 khu vực tái áp đặt các lệnh phong tỏa và một lần nữa yêu cầu người dân ở trong nhà, khi số ca nhiễm Covid-19 một lần nữa tăng nhanh trên khắp tiểu bang California.
Thống đốc California Gavin Newsom đã ra lệnh phong tỏa mọi khu vực nơi các cơ sở chăm sóc y tế gần quá tải.
Người dân đeo khẩu trang khi ra bên ngoài ở phố người Hoa. Ảnh: AP .
Tại khu vực vịnh San Francisco, các cơ sở y tế chỉ còn 25% số giường bệnh. Thị trưởng San Francisco London Breed cho biết thành phố phải áp dụng biện pháp phòng ngừa mạnh tay để bảo vệ mạng sống người dân.
Đối với Louie và các tình nguyện viên, lệnh phong tỏa mới của chính quyền San Francisco là một quyết định “tàn khốc”.
“Chúng tôi là một trong số ít những thành phố có thể cho phép ăn uống ngoài trời nhiều hơn vào những tháng mùa đông. Thành phố không có tuyết như các thành phố ở bờ Đông. Khả năng tồn tại của các doanh nghiệp có thể cao hơn nếu như họ (chính quyền thành phố) cho phép”, Louie nói.
Các doanh nghiệp ở phố người Hoa có lý do để tức giận, bởi số ca nhiễm Covid-19 tại đây thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của thành phố, nếu so sánh về quy mô dân số.
Phố người Hoa mới chỉ ghi nhận 102 ca nhiễm virus corona. Trong khi đó, khu vực lân cận là Marina đã có tới 376 ca nhiễm bệnh, và người dân ở đây tiếp tục tổ chức những buổi tụ tập ăn uống bất chấp yêu cầu giãn cách.
“Chúng tôi đã làm phần việc của mình, đeo khẩu trang mỗi ngày, nhưng có những người khác lại muốn đi bar và tiệc tùng. Vì sao chúng tôi lại phải gánh chịu hậu quả?”, ông Kevin Chan nói.
“Như dòng nước”
Nhiều cửa hàng tại phố người Hoa đang quảng cáo khuyến mãi trước khi đóng cửa hay chạy những chương trình siêu khuyến mãi.
Cửa hàng Arts of China của Sue Lau là một trong số đó. Nữ thương nhân cho biết muốn bán tất cả hàng hóa còn lại trong cửa hàng và đóng cửa nghỉ hưu. Một số cửa hàng tiếp tục hoạt động, nhưng phải di chuyển tới địa điểm nhỏ hơn do không còn đủ tiền thuê mặt bằng.
“Tôi cảm thấy đau lòng. Tôi đã buôn bán ở đây 54 năm và chưa từng nhìn thấy điều tương tự (ở phố người Hoa)”, bà Lau nói.
Dù đau lòng khi nhìn thấy khu phố của mình chao đảo, đối với một thương nhân như bà Lau, thực tế hiện nay là điều có thể thấy trước.
Phố người Hoa do người nhập cư xây dựng và để phục vụ người nhập cư. Trong khi người nhập cư và con cái họ luôn tìm cách học tập để thay đổi và hòa nhập vào thế giới mới, phố người Hoa vẫn như từ trước tới nay. Đối với bà Lau, đó chính là vẻ đẹp của khu phố.
“Ở phố người Hoa, mọi thứ vẫn giống như 50 năm trước. 50 năm, không có gì thay đổi. Và người dân ở đây cũng không muốn thay đổi”, bà Lau nói.
Phố người Hoa ở San Francisco một thời tấp nập. Ảnh: AP .
Một thực thể không bao giờ thay đổi trong thế giới luôn luôn biến đổi có thể khiến người ta an tâm. Nhưng từ góc độ kinh doanh, rõ ràng phố người Hoa cần hành động để có thể tồn tại, bà Louie nhận xét.
Nhiều người ở phố người Hoa hoài nghi viễn cảnh khu vực này có thể quay trở lại thời hoàng kim như trước đại dịch. Nhưng với bà Louie, không gì là không thể.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi đại dịch qua đi. Nhưng năm 1906 cả khu vực đã bị phá hủy bởi trận động đất, khi đó không tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Và hơn một thế kỷ sau, chúng tôi vẫn vững vàng ở nơi đây. Tôi có niềm tin là chúng tôi sẽ vẫn đứng vững, chỉ là trong một bối cảnh khác”, bà Louie nói.
Ngay trước khi lệnh phong tỏa lần hai được ban bố, bà Louie tham gia dự án lắp đặt một bức tranh tường của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long ở phố người Hoa. Hình ảnh bậc thầy võ thuật – cứng rắn, mạnh mẽ và đầy quyết tâm – có lẽ là điều khu phố cần nhất vào lúc này, bà Louie nói.
“Bức tranh trích dẫn lại lời nói của ông Lý: ‘Hãy như dòng nước’. Đó là bài học chúng ta rút ra được từ hoàn cảnh hiện nay”, bà Louie nói.
Bên trong 'thị trấn ma' 46 năm đóng kín
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa mở cửa một phần khu nghỉ dưỡng Varosha bị bỏ hoang từ sau cuộc chiến với Cyprus từ năm 1974.
Ngày 8/10, lần đầu tiên sau 46 năm khách du lịch được phép quay trở lại khu nghỉ mát bị bỏ hoang ở Varosha, một quận bị chia cắt thuộc thành phố cổ Famagusta trên đảo Cyprus. Hàng trăm du khách đổ xô đến bãi biển, lấp đầy các nhà hàng và quán cà phê mục nát ở nơi từng có hơn 12.000 phòng khách sạn và 25.000 cư dân.
Một người phụ nữ cầm cờ của Thổ Nhĩ Kỳ và bắc Cyprus khi du khách được quay lại Varosha.
Ersin Tatar, thủ lĩnh phe ly khai tự nhận là Cộng hòa bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (chỉ được Ankara công nhận), cho biết muốn hồi sinh Varosha, lấy lại vinh quang trước đây bằng cách mở cửa bãi biển dài 1,5 km. Động thái này gây ra các cuộc phản đối, biểu tình trên khắp đảo Cyprus. Phe đối lập với Bắc Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp tức giận vì hành động này có nguy cơ làm thổi bùng xung đột, vốn được cho là nguyên nhiên khiến Varosha đột ngột bị bỏ hoang.
Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades khẳng định hành động mở cửa một phần resort "rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: "Quyết định này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hy Lạp sẽ hỗ trợ Cộng hòa Cyprus trong các vấn đề liên quan". Trước đây, Liên Hợp Quốc từng kêu gọi trao trả Varosha về lại cho người dân đảo Cyprus.
Du khách chụp ảnh trên bãi biển ở Varosha hôm 8/10.
Với những người Cyprus gốc Hy Lạp, những người đã chạy trốn khỏi Varosha trong hoảng loạn năm 1974, tin tức mới về Varosha khơi lên những vết thương đau đớn trong họ. "Đó là một ngày khủng khiếp", nhà sử học nghệ thuật Anna Marangou, 22 tuổi, nói.
Kyriakos Charalambides, người Cyprus gốc Hy Lạp và là người Varosha, nói với AP rằng cô cảm thấy khó chịu khi xem sự kiện này trên tivi. "Mặc dù đã mong đợi điều này, tôi vẫn rùng mình khi nhìn những địa điểm quen thuộc đó. Đó là một nỗi buồn không thể an ủi... Varosha đã mất".
Lật lại lịch sử, Cyprus từng là trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Cyprus. Đây cũng là năm Cyprus bị chia cắt thành hai nửa: miền bắc thuộc phe Thổ Nhĩ Kỳ và miền nam được Hy Lạp hậu thuẫn. Một cuộc đụng đổ giữa hai phe xảy ra gần khu nghỉ mát, khiến 40.000 người hoảng loạn chạy về phía nam. Khi Varosha trống rỗng, quân Thổ Nhĩ Kỳ rào lại các khách sạn, nhà hàng, bãi biển. Và mọi chuyện như thế cho đến bây giờ.
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao, trong những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus do Hy Lạp hậu thuẫn, đã không đạt được thỏa thuận chung về tương lai của Varosha. Những diễn biến mới nhất về động thái mở một phần bãi biển đón khách đã gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã phức tạp này. AFP đánh giá việc phát triển lại khu nghỉ dưỡng cũ có thể mất nhiều năm, vì liên quan đến vấn đề giải quyết tài sản cho những người đã chạy trốn khỏi Varosha năm đó.
Varosha vẫn là nỗi đau, là vết thương lòng của những người từng phải chạy trốn khỏi nơi này cách đây hơn 46 năm.
Trong những năm 1970, Varosha, quận nằm trên thành phố cổ Famagusta của đảo Cyprus bị chia cắt, là một trong những khu nghỉ mát ven biển quyến rũ nhất Địa Trung Hải. Nó được ví như thiên đường du lịch cho những người giàu có và nổi tiếng khắp thế giới. Các ngôi sao hàng đầu như Elizabeth Taylor, Richard Burton, Sophia Loren và Brigitte Bardot từng đi nghỉ ở đó. Trên các bãi biển cát vàng hoàn hảo là trùng điệp các khách sạn hạng sang được mọc lên.
Nhưng vào một ngày của năm 1974, mọi người vội vàng rời khỏi nơi này vì xung đột và kể từ đó, thời gian như dừng lại tại Varosha. Từ một nơi đỉnh cao giải trí của giới thượng lưu, nó nhanh chóng trở thành một "thị trấn ma", bị phong tỏa bởi hàng rào thép gai. Không ai được phép vào trong. Bãi cát vàng tuyệt đẹp năm xưa giờ không còn lộng lẫy, những khách sạn sang trọng với tầm nhìn ngoạn mục ra biển đã mục nát.
Varosha không phải là khu vực duy nhất ở Cyprus trở thành thị trấn ma sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Sân bay quốc tế Nicosia, từng là sân bay chính duy nhất của hòn đảo, nằm giữa khu phi quân sự trong cuộc xung đột và bị bỏ hoang. Nó vẫn còn nguyên vẹn kể từ đó, với máy bay phản lực chở khách, bàn làm thủ tục và chỗ ngồi ở nhà ga. Tất cả đều đã mục nát.
Thị trấn ma giá 1,25 triệu USD 1,25 triệu USD có thể giúp bạn mua một ngôi nhà tầm trung ở khu dân cư cao cấp, hoặc nguyên một "thị trấn ma" ở Arizona. Cách hơn 110 km về phía bắc thủ phủ Phoenix là thị trấn Cleator. Cleator ban đầu được thành lập như một thị trấn khai thác vàng vào năm 1864. Một doanh nhân tên James Cleator...