Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) – 80 năm hình thành và phát triển
Tối 11/8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm thành lập và phát triển.
Về dự có đại diện Thường trực Huyện ủy, các thế hệ lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu và thị trấn Cầu Giát qua các thời kỳ.
Thị trấn Cầu Giát có tên gọi ban đầu là xã Cầu Giát, được hình thành vào tháng 8 năm 1938. Khi đó quan tri huyện Nguyễn Trung Khiêm, một vị quan có tiếng là thanh liêm và tiến bộ nhà Nguyễn được cử về làm tri huyện Quỳnh Lưu đã chuyển huyện lỵ từ Tiên Yên (Quỳnh Bá) lên Cầu Giát và khánh thành huyện đường từ thời điểm đó.
Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Cầu Giát đã có những đóng góp to lớn về sức người và sức của cho 2 cuộc kháng chiến khi có trên 1.000 lượt thanh niên lên đường chiến đấu, 455 lượt dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; 134 người con ưu tú của thị trấn đã anh dũng hi sinh, 241 người là thương bệnh binh hoặc bị nhiễm chất độc hóa học, có 3 Anh hùng LLVT và Thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ.
Trao cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cầu Giát. Ảnh: Nguyễn Hải
Bước vào thời kỳ đổi mới, sau khi được mở rộng địa giới, thị trấn có những bước phát triển vượt bậc. Trong 15 năm lại đây, thị trấn huy động gần 200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, hàng chục tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, học đường… cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Đồng chí Hoàng Văn Bộ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu phát biểu chào mừng và gợi mở một số định hướng phát triển của thị trấn. Ảnh: Nguyễn Hải
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt cho lãnh đạo huyện, đồng chí Hoàng Văn Bộ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy ghi nhận sự cố gắng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn và mong rằng thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Cầu Giát cần nỗ lực hơn nữa, huy động các nguồn lực đầu tư, động viên nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của huyện, phấn đấu sớm đạt tiêu chí đô thị loại 5 và chuẩn văn minh đô thị.
Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quỳnh Lưu trao tặng bức trướng “Thị trấn Cầu Giát 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập và phát triển, UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua xuất sắc và huyện Quỳnh Lưu tặng bức trướng “Thị trấn Cầu Giát 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn./.
Nguyễn Hải
Theo baonghean
Đảm bảo tính thực chất trong sinh hoạt chi bộ
Việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, với sự tập trung chỉ đạo thực hiện của Tỉnh ủy và các cấp ủy đã tạo nhiều chuyển động tích cực ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở...
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Khối 6 Thị trấn Anh Sơn. Ảnh tư liệu
Thực tế triển khai
Từ thực tiễn và trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 -CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương về "Nâng cao nội dung sinh hoạt chi bộ" với nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, ngày 5/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, cấp ủy các cấp đã chăm lo chỉ đạo và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo nhiều chuyển động tích cực.
Tại huyện Thanh Chương, để triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 72-KH-TU, gắn với kiện toàn lại 10 tổ chỉ đạo cơ sở và sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, nhiệm kỳ 2015 - 2020... Theo đó, hàng quý các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng thời là Tổ trưởng các tổ công tác đều phải tham gia sinh hoạt chi bộ thuộc vùng chỉ đạo của mình ít nhất 1 lần.
Đối với trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện và là thành viên các tổ công tác hàng tháng dự 1 lần sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo các Đảng ủy cơ sở phân cấp Ban Thường vụ và Đảng ủy viên tham gia sinh hoạt chi bộ; đồng thời phân công Thường vụ phụ trách các chi bộ khó khăn, yếu kém. Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương khẳng định: Thông qua hình thức này, từ cấp huyện đến cơ sở đều tập trung chăm lo cho chi bộ, từ việc định hướng và hướng dẫn nội dung sinh hoạt đến tạo không khí cởi mở, tinh thần xây dựng trong các cuộc sinh hoạt; bàn những nội dung cụ thể mà chi bộ đang yếu, thiếu và lãnh đạo những nội dung cần tập trung...
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Kỳ làm việc với xã Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoài Thu
Cùng với hoạt động trên, Thanh Chương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ bí thư và phó bí thư chi bộ toàn huyện, trên cơ sở nắm bắt thực tiễn những khó khăn, vướng mắc mà các chi bộ đang gặp phải, từ chuẩn bị nội dung họp như thế nào đến việc ghi biên bản sinh hoạt, xây dựng nghị quyết chi bộ, hay quy trình kết nạp hoặc xóa tên đảng viên..., nhằm giải đáp và cung cấp đầy đủ, toàn diện các vấn đề.
Và theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, việc quyết liệt chỉ đạo thực hiện mô hình Bí thư kiêm khối, xóm trưởng thông qua đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2017 - 2020 cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo ở 107/506 chi bộ áp dụng mô hình này.
Ở huyện Tân Kỳ, triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn 4 Đảng bộ và 2 chi bộ trực thuộc để chỉ đạo điểm; phân công các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ huyện về dự sinh hoạt đối với một số chi bộ ở cơ sở còn yếu kém; phân công đảng ủy viên cơ sở về sinh hoạt ghép với chi bộ yếu kém, chi bộ có nguy cơ mất chi bộ; duy trì chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó giúp cấp ủy huyện nắm chắc tình hình chất lượng sinh hoạt chi bộ, có định hướng chỉ đạo và nhân rộng các mô hình, điển hình.
Nhờ đó, chế độ sinh hoạt chi bộ được duy trì đủ kỳ, bình quân 11 - 12 kỳ/năm; tăng sinh hoạt chuyên đề, bình quân 3 - 4 kỳ/năm. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao trên cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên thông qua lồng ghép nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); tạo môi trường thực sự dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ, thẳng thắn, nghiêm túc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lãng phí...
Những băn khoăn
Tuy nhiên, như Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo chia sẻ, năng lực và khả năng vận dụng các chỉ thị, hướng dẫn của Đảng vào thực tiễn ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cũng như vai trò của chi bộ. Một số đảng viên khi nghỉ hưu, nghỉ công tác thiếu quan tâm sinh hoạt chi bộ, thậm chí có một số còn làm đơn xin nghỉ sinh hoạt, trong khi đó việc phát triển đảng viên mới cũng đang đặt ra khó khăn về nguồn khi lực lượng trẻ đi học hoặc đi lao động phần lớn - đây là vấn đề các cấp ủy Đảng cần quan tâm. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành Phan Huy Hải thì đề cập đến nội dung sinh hoạt chi bộ chưa bao quát hết các nội dung theo quy định, còn đơn điệu, chưa phong phú, chỉ chú trọng đánh giá công tác lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn, ít chú ý đến công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát...
Người dân huyện Thanh Chương tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện. Ảnh Thanh Lê
Mặt khác, chất lượng thảo luận chưa cao, ít có các ý kiến phản biện; tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa cao, còn tình trạng nể nang, né tránh...
Một số giải pháp
Vì vậy, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tránh hình thức, một số ý kiến kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu, tổ chức hội thảo về các mô hình đổi mới sinh hoạt chi bộ có hiệu quả để nhân rộng; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp.
Trao đổi của đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, thông qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, Hướng dẫn số 09 của Trung ương và Chỉ thị 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực sự tạo bước chuyển về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và theo đó chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc duy trì chế độ sinh hoạt nề nếp vào ngày mồng 3 hàng tháng, xây dựng nội dung chi bộ bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới phương thức, cách thức điều hành sinh hoạt nghiêm túc, ngắn gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu
Nhiều cấp ủy có những mô hình, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như tổ chức hội thi "Bí thư chi bộ, xóm trưởng giỏi"; cấp "Sổ tay đảng viên" cho đảng viên để ghi chép trong các kỳ sinh hoạt chi bộ; trang bị "Sổ biên bản sinh hoạt chi bộ" cho các chi bộ; xây dựng mô hình chi bộ "5 tốt"; mô hình sinh hoạt; mô hình xóa chi bộ sinh hoạt ghép, giao ban bí thư chi bộ; mô hình chi bộ "Tích cực phát biểu", chi bộ "Thực hiện tốt tự phê bình, phê bình", chi bộ "Đảng viên làm kinh tế giỏi"...
Riêng đối với cấp tỉnh, trong 2 năm nay, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách ít nhất một quý một lần. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa để giúp tỉnh nắm bắt thực tiễn cơ sở, vừa động viên các chi bộ, đồng thời nhắc nhở các cấp ủy quan tâm đến hoạt động này. Đối với Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng giao cán bộ theo dõi các đơn vị để có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng sinh hoạt chi bộ...
Mỗi đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đều chịu sự quản lý, giáo dục, giám sát và rèn luyện của chi bộ. Trong thực tiễn, nơi nào chi bộ có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, tinh thần tự phê bình và phê bình cao, đoàn kết, thống nhất trong sinh hoạt, tâm huyết, trách nhiệm, vì đồng chí và vì nhân dân, thì nơi đó mỗi đảng viên đều trưởng thành và việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị đem lại kết quả tốt.
Ngược lại, nơi nào, chi bộ sinh hoạt hình thức, nội dung sinh hoạt hời hợt, thiếu tính giáo dục, tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình yếu; thì không những phong trào của cơ sở yếu mà việc quản lý, giám sát, rèn luyện đảng viên, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.
Minh Chi
Theo baonghean
Kỷ luật chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Đinh Quốc Thái (ảnh báo Đồng Nai). Ngày 23.4 .2018, tại Hà Nội, UBKT Trung ương đã họp kỳ 24. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường...