Thi thể cố thủ tướng Lý Quang Diệu được di dời về tòa nhà quốc hội
Thi thể của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hôm nay (25.3) đã chính thức được di chuyển từ tư gia của ông về khu vực quốc hội để bắt đầu lễ tưởng niệm.
Người dân tập trung rất đông hai bên đường dõi theo chiếc xe chở thi hài cố thủ tướng Lý Quang Diệu.
Hàng nghìn người đã đổ xuống hai bên đường phố dõi theo chiếc xe trang trọng chở thi thể người “cha đẻ” họ hằng yêu mến.
Quan tài cố thủ tướng Lý Quang Diệu được phủ quốc kỳ Singapore, cùng với các đại diện của quân đội và chính phủ, di chuyển từ Istana qua các khu mua sắm và kinh doanh chính trước khi đến tòa nhà quốc hội.
Lễ tang cấp nhà nước của cố thủ tướng Lý Quang Diệu được tổ chức vào ngày chủ nhật (29.3).
Đám đông reo hò, vỗ tay và hô vang tên vị thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu khi quan tài của ông đi qua.
Singapore đang trong thời gian để tang 1 tuần cố thủ tướng Lý Quang Diệu trước tang lễ cấp nhà nước và lễ hỏa táng vào ngày 29.3 tới.
Những ngày qua, thi thể của ông Lý được đặt tại dinh Istana – một tổ hợp gồm nơi ở chính thức của tổng thống và văn phòng thủ tướng – trong thời gian gia đình làm lễ tưởng niệm riêng. Hàng nghìn người đã đặt hoa và thông điệp chia buồn tại cổng khu vực này và ký vào sổ tang.
Hôm 24.3, thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người qua Facebook cá nhân.
Theo ông Lý Hiển Long, Singapore sẽ có loài phong lan – quốc hoa của đảo quốc sư tử – mang tên Aranda Lý Quang Diệu và sẽ được trưng bày tại tòa nhà quốc hội.
Theo Lao Động
Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long: "Cha nào con nấy"
Không chỉ di truyền thói quen, ông Lý Quang Diệu chính là người truyền cảm hứng theo nghiệp chính trị và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của người con trai cả là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Video đang HOT
Sáng sớm hôm 23/3, thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Singapore cho hay, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời vào lúc 3h18 giờ địa phương, sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 91 tuổi.
Sự ra đi của ông Lý Quang Diệu để lại nhiều tiếc thương đối với người dân đất nước Singapore và nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Bởi ông đã dành những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình để cống hiến và xây dựng Singapore trở thành một đất nước giàu mạnh.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cùng tham gia một sự kiện hồi năm 2012.
Không chỉ có tài năng trị quốc, ông Lý Quang Diệu còn rất thành công trong cách tề gia để giữ ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình và nuôi dạy con cái khôn lớn.
Tờ The Straits Times đã cho đăng bài viết tổng hợp về những suy nghĩ và nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long về người cha vĩ đại.
"Cha nào con nấy"
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có thói quen xắn tay áo lên tới vai mỗi khi ông mải mê tham gia một cuộc thảo luận. Thói quen này hoàn toàn giống với cha ông là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
"Tôi không hề hay biết rằng con trai tôi lại giống mình như thế cho tới một ngày, tôi nhìn thấy nó trên tivi", ông Lý Quang Diệu chia sẻ về thói quen xắn tay áo lên tới vai của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tuy nhiên, "Long có tính cách khác tôi. Nó điềm đạm hơn và ít khi tỏ ra gat gắt như đứa con gái của tôi", ông Lý Quang Diệu nhận định.
Thực tế, việc so sánh giữa tính cách và đường lối lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu và người con trai Lý Hiển Long là điều rất khó bởi họ trưởng thành trong hai giai đoạn khác nhau. Hai cha con ông Lý Quang Diệu đều có thời gian góp mặt trong Nội các chính phủ Singapore suốt 27 năm. Song, chuyển tiếp giữa giai đoạn lãnh đạo Singapore của hai bố con ông Lý còn có sự góp mặt của chính quyền cựu Thủ tướng Goh Chok Tong trong 14 năm.
Trong khi, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu được xem là một nhà lãnh đạo đại tài khi ông biến Singapore từ một quốc gia bị Anh đô hộ với diện tích lãnh thổ nhỏ bé, dân số ít, tài nguyên thiên nhiên không có gì, trở thành một mãnh sư, giữ vị thế lớn không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Thủ tướng Lý Hiển Long nắm giữ cương vị lãnh đạo Singapore trong bối cảnh đất nước đã ổn định hơn nhưng lại phải đối mặt với những khó khăn về tăng trưởng kinh tế.
Người dân tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu bên ngoài Bệnh viện Đa khoa Singapore.
Mặc dù, rất nhiều bài báo đã viết về những năm tháng trưởng thành của Thủ tướng Lý Hiển Long từ những kỳ nghỉ với gia đình tại Changi hay Cameron Highlands ở Malaysia hoặc tại Campuchia cho tới những chuyến thăm tới các khu vực bầu cử, ông Lý Hiển Long rất hiếm khi nhắc tới việc cha mình đã có những ảnh hưởng như nào tới con đường chính trị. Ngay cả khi, ông Lý Hiển Long đang là người lãnh đạo đảng cầm quyền PAP do chính cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu và những người bạn cùng thời với ông xây dựng.
Chỉ tới cuộc phỏng vấn hồi tháng 6/2013, khi những tin đồn xuất hiện ngày càng nhiều liên quan tới tình hình sức khỏe yếu của ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Lý Hiển Long đã khẳng định cha ông chính là người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời, tính cách và con đường chính trị của mình.
Nhắc tới những tháng ngày thơ ấu, ông Lý Hiển Long cho biết cha ông không thường xuyên ở nhà nhưng lại là người có tài tề gia trong việc nuôi dạy 3 người con lớn khôn.
"Bố là người nghiêm khắc, một người cha tốt. Mẹ tôi là người quán xuyến phần lớn công việc gia đình bởi bố tôi luôn bận rộn với sự nghiệp chính trị và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Nhưng bạn cần hiểu ông ấy là người như thế nào, ông ấy nghĩ gì và ông ấy kỳ vọng điều gì. Tất cả đều rất nghiêm túc. Nếu như ông ấy cảm thấy thất vọng về điều gì đó, ông sẽ không nói nhiều mà bạn phải tự biết làm gì", ông Lý Hiển Long chia sẻ về người cha vĩ đại.
Ông Lý Quang Diệu và phu nhân Kha Ngọc Chi sinh hạ được hai con trai và một con gái. Cả ba người con của ông đều rất tài năng và thành đạt.
Người con trai cả là Lý Hiển Long (63 tuổi) hiện là Thủ tướng Singapore. Con trai thứ hai là Lý Hiển Dương (58 tuổi) đang giữ chức Chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS). Còn cô con gái Lý Vỹ Linh (60 tuổi), không đi theo con đường chính trị hay kinh doanh như hai người anh em trai, mà là một nhà khoa học nổi tiếng. Bà hiện là Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Singapore.
Thậm chí, để có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với cha, ông Lý Hiển Long đã còn tập chơi golf. "Sau bao nhiêu năm tập luyện, tôi đã được chơi với bố. Bố đã đi bộ quanh sân golf với tôi khi chúng tôi đi nghỉ hoặc tới sân Sri Temasek và Istana. Đây cũng là cơ hội để gần gũi và nói chuyện với bố", Thủ tướng Singapore nói.
"Mỗi khi tôi cần bố, ông luôn có mặt"
Ông Lý Hiển Long cho biết cha ông luôn để cho con cái lựa chọn con đường riêng cho mình chứ không can thiệp. Tuy nhiên, khi hai người cho trai xây dựng gia đình, ông Lý Quang Diệu đã viết thư nhắn nhủ cho các con.
"Đó là những lời khuyên nhủ về cách giữ tổ ấm gia đình luôn hạnh phục từ chính kinh nghiệm của cha. Bố không có nhiều thời gian để nói chuyện với chúng tôi. Do đó, khi chúng tôi đi vắng, bố đã viết thư cho chúng tôi. Còn mẹ thì viết thư cho chúng tôi hàng tuần. Và chúng tôi viết thư trả lời bố mẹ", Thủ tướng Lý Hiển Long nhớ lại: "Tôi đã trả lời thư hàng tuần, cả những bức thư được viết rất dài".
Ông Lý Quang Diệu và vợ đứng trong khuôn viên trường Đại học Cambridge vào năm 1974, nơi con trai của ông là Lý Hiển Long (đứng giữa) đang theo học lúc bấy giờ.
Ngay cả khi ông Lý Hiển Long gặp phải những bất hạnh trong cuộc sống, người cha của ông vẫn luôn sát cánh bên con. Vào năm 1982, người vợ đầu của ông Lý Hiển Long là bà Wong Ming Yang đã không may qua đời sau một cơ đau tim. Cũng tại thời điểm này, ông Lý Hiển Long đang giữ chức Phó Thủ tướng Singapore và phát hiện một khối u trong cơ thể.
Nhớ lại những sự kiện làm thay đổi cuộc đời mình, ông Lý Hiển Long nói: "Mỗi khi tôi cần bố, bố luôn có mặt. Trong những hoàn cảnh khó khăn, bố luôn là trụ cột trong gia đình".
Về quyết định tham gia nghiệp chính trường, ông Lý Hiển Long khẳng định: "Bố là người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời tôi. Thật khó để diễn tả hết nhưng chắc chắn, bố là người giúp tôi trở thành một con người như hiện tại, dù không giống bố hoàn toàn nhưng tôi có thể học hỏi nhiều điều từ bố".
Ngay cả cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cũng chính là người hối thúc ông Lý Hiển Long cân nhắc đi theo sự nghiệp chính trị. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long không phủ nhận rằng chính con người ông đã tự có niềm đam mê với lĩnh vực chính trị.
"Nếu ông ấy không phải bố của tôi. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng chắc chắn tôi vẫn sẽ tìm cách tham gia chính trường. Nhiều người là bộ trưởng hay thủ tướng mà không cần có bố là thủ tướng. Nhưng nếu tôi không có người bố là một thủ tướng, có lẽ tôi sẽ không trở thành một con người đầy trách nhiệm như hiện nay", ông Lý Hiển Long chia sẻ.
Nhắc tới những bài học của ông Lý Quang Diệu về sự nghiệp chính trị, Thủ tướng Lý Hiển Long cho hay: "Bố nói rằng con cần biết con muốn gì chứ không phải đi theo cái mà mọi người muốn hoặc điều mà đám đông nói. Điều thứ nhất, con cần có ý tưởng cho riêng mình và giành được điều đó. Điều thứ hai, con cần thuyết phục mọi người và để họ làm theo mình vì con không thể sống có một mình. Điều thứ ba, không chỉ là tính logic và khả năng thuyết phục mà cần cả tình cảm trong lời nói để đọc được suy nghĩ của mọi nguời và dẫn dắt mọi người theo con đường mà con muốn. Như vậy mọi chuyện mới có thể được giải quyết".
Còn khi được hỏi về những lời khuyên mà người cha Lý Quang Diệu đã giành cho ông Lý Hiển Long khi ông này trở thành Thủ tướng Singapore, ông Lý nói: "Tôi không thể nhớ chính xác những gì cha đã nói nhưng tôi có thể khẳng định cha đã cảm thấy tự hào về những biến chuyển của hệ thống chính trị với những thay đổi đang mang lại hiệu quả".
Con người đầy trách nhiệm
Dù không còn là Thủ tướng Singapore nhưng ông Lý Quang Diệu vẫn luôn theo sát những ý tưởng mới của các nhà lãnh đạo đương nhiệm và lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm kiên định trong một số vấn đề như bảo vệ môi trường xanh ở Singapore.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhớ lại một câu chuyện cách đây vài năm liên quan tới việc chặt cây để cải thiện tầm nhìn giám sát an ninh. "Tôi định đồng ý nhưng bố đã gửi thư cho tôi và nói &'Con chắc muốn làm như vậy không? Tại sao phải chặt cây? Khu vực này rất xanh mát và chúng ta đã có ý định từ trước. Chúng ta nhìn thấy những con chim, các loài động vật hoang dã tới đó và con nên duy trì nó'. Cuối cùng, tôi đã quyết định không cho chặt cây", ông Lý Hiển Long chia sẻ.
Ngay cả khi không còn giữ vị trí nhà lãnh đạo Singapore, ông Lý Quang Diệu vẫn nhận được sự yêu mến và ngưỡng mộ của nhiều nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh chỉ cần nhìn cách người cha Lý Quang Diệu làm việc và tìm cách giải quyết các vấn đề nan giải cùng những thách thức khó khăn, ông đã được truyền một nguồn cảm hứng lớn.
"Tôi cho rằng bố tôi không quan tâm tới việc có ai biết gì về ông hay không. Mọi người cho rằng bố tôi là một người mộc mạc, luôn suy nghĩ logic. Tôi nghĩ bố biết rõ cảm nhận của mọi người và cả cách cư xử trong mọi mối quan hệ từ gia đình. Bố không bao giờ thể hiện cảm xúc ra bên ngoài nhưng bố hiểu mọi chuyện", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Khi được hỏi về việc ông sẽ nhớ điều gì nhất về người cha của mình, ông Lý Hiển Long chia sẻ: "Tôi sẽ nhớ về rất nhiều điều. Bố là người đặc biệt, một người đóng vai trò lớn với đất nước Singapore. Tôi thật may mắn khi là con của ông. Ông là người cha của cả một dân tộc và chính ông là người gây dựng vai trò đó".
Theo Infonet
Tầm nhìn phủ xanh Singapore của ông Lý Quang Diệu Hơn 50 năm trước, ông Lý Quang Diệu tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước Thế giới thứ 3 chỉ bằng biện pháp đơn giản: trồng nhiều cây cối để phủ xanh đảo quốc. Ông Lý Quang DIệu trồng cây vào ngày 16/6/1963, mở đầu chiến dịch phủ xanh Singapore. Ảnh: Straits Times Báo Straits Times cho biết, trong...