“Thị Nở” Đức Lưu tuổi U90: Dạo phố bằng taxi, đưa đón cháu nội đi học
Dù đã bước vào tuổi 84 nhưng NSƯT Đức Lưu – người từng vào vai Thị Nở phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” vẫn rất minh mẫn. Hàng ngày bà dậy sớm thể dục, gặp gỡ bạn bè.
NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939 tại Ba Vì, Hà Nội. Bà nổi danh với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Nhắc đến vai diễn Thị Nở là người ta nói đến bà vì thế bà vui khi ra ngoài đường có người nhận ra mình và gọi “Thị Nở ơi”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Đức Lưu cho biết, sau khi vào trường Văn công của Tổng cục Chính trị, bà được cử sang trường Điện ảnh Việt Nam khóa I năm 1957 để học cùng với những diễn viên như: NSND Lâm Tới, NSND Trà Giang…
Sau đó bà về xưởng phim truyện (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) làm việc cho tới khi nghỉ hưu. Bà nhận định, Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy là vai diễn định mệnh của mình.
Ở tuổi 84, NSƯT Đức Lưu vẫn thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM để thăm con, cháu, đi từ thiện (Ảnh: Lạc Thành).
Thời đó, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm diễn viên đóng Thị Nở cả năm trời, có đến gần 20 người thử vai này nhưng đều bị trượt.
“Một trưa hè, khi tôi đang ở nhà trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), thì đạo diễn Phạm Văn Khoa gõ cửa. Nhìn thấy ông ấy, tôi đã biết ngay ông đi tìm diễn viên cho phim của mình.
Sau đó, tôi và ông Khoa nói chuyện và ông ấy đưa kịch bản của phim Làng Vũ Đại ngày ấy cho tôi. Khi đọc kịch bản, tôi cảm giác như “cá gặp nước”, vai Thị Nở thuộc về tôi thật là may mắn”, bà kể lại.
Bà Đức Lưu nói thêm, bà được “ăn lộc” Thị Nở cả đời. Lộc chính là danh tiếng, vì từ khi vào vai này, ai cũng biết đến bà dù đó không phải là vai diễn dài.
“Lộc của tôi không phải là tiền mà cơ hội làm nghề, được gặp gỡ nhiều người. Sau khi phim Làng Vũ Đại ngày ấy được chiếu, tôi và Bùi Cường (người đóng vai Chí Phèo) được nhiều nơi mời đến nói chuyện, vì thế chúng tôi cũng được “biết mặt, biết tên” hơn.
Ngày đó, chỉ được mời đi nói chuyện thôi chứ không có thu nhập. Chúng tôi vẫn sống bằng đồng lương của nghệ sĩ do Hãng phim trả”, NSƯT Đức Lưu tâm sự.
Khi phóng viên hỏi: “Nhiều người nói NSƯT Đức Lưu rất xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, vậy bà có làm hồ sơ đợt này không?”.
Nữ nghệ sĩ cho phóng viên Dân trí biết, bà không làm hồ sơ xét duyệt Nghệ sĩ nhân dân vì từ khi nghỉ hưu, bà không tham gia phim ảnh, không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương.
“Mấy em bên Cục Điện ảnh bảo, cô làm hồ sơ xét duyệt Nghệ sĩ nhân dân đi, bọn cháu giúp làm các thủ tục cho nhưng tôi thấy mình là Nghệ sĩ ưu tú là được rồi, nhiều người còn biết đến tôi hơn cả Nghệ sĩ nhân dân.
Tôi không quan trọng chuyện danh hiệu. Trước tôi nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cũng rất chậm vì không làm đơn xin. Tôi nghĩ cái danh không quan trọng. Thôi mình cứ là nghệ sĩ của nhân dân là được”, bà bộc bạch.
NSƯT Đức Lưu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam vào tháng 3/2023 ở Nhà hát Lớn, Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Video đang HOT
Ở tuổi 84, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn rất mạnh khỏe và hăng hái với công tác thiện nguyện. Bà có hai con trai đều thành đạt, các cháu giỏi giang.
Trước đây, bà sống cùng con trai út ở Xã Đàn (Hà Nội) nhưng từ khi con trai vào TPHCM sinh sống, bà thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM để thăm con cháu.
“Hơn một năm trở lại đây, tôi vào TPHCM ở với vợ chồng con út. Thi thoảng, tôi vẫn ra Hà Nội thăm nhà cửa và đi từ thiện ở vùng cao. Dù đã 84 tuổi nhưng tôi không thích ngồi một chỗ. Hàng ngày, tôi dậy từ lúc 6h sáng, ngồi thiền khoảng 1 giờ, sau đó ăn sáng và đưa các cháu đến trường, chiều lại đón các cháu về.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm, các cháu đi học thì bà ở nhà đọc sách, xem tivi. Bà cũng thường xuyên đi dạo phố, gặp bạn bè bằng taxi.
Bà nói: “Tôi hạnh phúc vì các con trưởng thành, các cháu nội cũng rất giỏi giang. Tôi vẫn tự học, học hàng ngày. Tôi muốn dạy các cháu mình phải luôn phấn đấu, dù mình thế nào thì cũng chưa bằng ai, cần phải rèn luyện thêm để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Nữ nghệ sĩ cho biết, ông xã của bà là GS,TS Trần Hạ Phương qua đời đã 10 năm nay. Đôi khi, bà cũng thấy chống chếnh nhưng không buồn. Bà thường nghe nhạc cổ điển không lời, nghe những bản nhạc cách mạng, các bài kinh Phật… mỗi khi nhớ về người bạn đời của mình.
Bà cho hay: “Ngày xưa có chồng, tôi dựa vào anh ấy nhiều. Anh ấy là người nghiêm túc, tôi ảnh hưởng từ chồng nhiều. Khi anh ấy mất, tôi tưởng không đứng dậy được nhưng cuối cùng tôi vẫn vững vàng, dựa vào con, vào cháu mà sống.
Tôi cũng có khi cô đơn, nhưng sự cô đơn này là do ngoại cảnh. Tôi thấy xã hội phức tạp lắm. Con người giờ thực dụng, tính toán quá, tìm một người đồng cảm với mình rất khó”.
'Thị Nở' Đức Lưu tuổi 84 không thấy mình già, hạnh phúc bên con cháu
'Thị Nở' Đức Lưu nói bà không quan trọng tuổi tác vì lúc nào cũng yêu đời. Nữ nghệ sĩ tận hưởng niềm vui bên con cháu và tích cực với công tác từ thiện.
NSƯT Đức Lưu là khách mời lễ công bố Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất. Ở tuổi 84, nữ nghệ sĩ trông khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn, được con dâu tháp tùng suốt sự kiện.
Dịp này, bà trải lòng với VietNamNet về cuộc sống ở tuổi 84 và nỗi trăn trở với nền điện ảnh Việt trong những năm gần đây.
Tôi tiếc cho nền điện ảnh lúc này
NSƯT Đức Lưu - nàng Thị Nở trong 'Làng Vũ Đại ngày ấy' vẫn khỏe khoắn, hồng hào.
- Tham dự buổi công bố LHP quốc tế tại TP.HCM, bà mong đợi điều gì?
Tôi vẫn xem, cập nhật tin tức mỗi ngày qua màn ảnh và Internet. Phim ảnh hiện nay vận động theo nền kinh tế thị trường nên có nhiều điểm khác thời chúng tôi.
Dù vậy phải thú thật mấy năm qua nền điện ảnh chúng ta sa sút. Tôi đang nói về mặt chất lượng vì với góc nhìn cá nhân, tôi không tìm thấy tác phẩm nào thực sự nổi bật.
Cách đây không lâu, nhóm 9 nghệ sĩ gồm: tôi, Trà Giang, Nhuệ Giang, Thụy Vân... gặp nhau ở Hồ Tây. Chúng tôi cùng nhắc nhớ kỷ niệm đẹp của điện ảnh xưa. Tôi và các đồng nghiệp cũng gặp trực tiếp với Thủ tướng để đề xuất hướng đi mới cho phim ảnh.
Sự việc xưởng phim truyện hoang tàn, tiều tụy vẫn còn đó. Tôi tiếc, chạnh lòng nhưng lực bất tòng tâm vì thế hệ chúng tôi quá già, không làm được gì nữa. Trách nhiệm này thuộc về những người trẻ, đặc biệt là các nhà lãnh đạo. Tôi mong họ quan tâm đến ngành điện ảnh một cách cụ thể hơn, chẳng hạn như tổ chức các đợt LHP định kỳ để nghệ sĩ có không gian sáng tạo, làm nghề.
- Bà muốn gửi gắm điều gì với thế hệ diễn viên trẻ?
Nhiều người nói điện ảnh Việt đạt doanh thu mấy trăm tỷ là tín hiệu khởi sắc, riêng tôi lại thấy lo nhiều hơn vui. Họ chạy theo thị trường, đặt nặng kinh tế nên điều đó không phản ánh đúng về mặt chất lượng nghệ thuật.
Một nền điện ảnh phát triển cần số lượng lớn tác phẩm có chiều sâu, đóng góp thiết thực cho văn hóa - xã hội. Các phim Chí Phèo, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông... ra đời đã rất lâu, kinh phí thấp đến nay vẫn được nhắc đến. Đó là cái hay, cái tâm huyết của cả một ê-kíp.
Ngày xưa, tôi được học bài bản thuộc thế hệ sinh viên khóa I của Đại học Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Nếu không học và trau dồi, làm sao tôi đóng được Thị Nở? Còn diễn viên bây giờ chỉ cần xinh, trẻ và nổi tiếng là được mời vai. Tôi mong các em đặt chữ "tâm" vào vai diễn, chịu khó trải nghiệm và dấn thân để có tác phẩm chân thực làm lay động khán giả.
- Bà có dự định sẽ tái ngộ khán giả trong một tác phẩm nào thời gian tới?
Tôi nhận nhiều lời mời nhưng có lẽ chưa đủ duyên, phần vì nghĩ không nên "bán danh". Tôi thường nói cả đời ăn lộc ở nhân vật Thị Nở. Chính vai này giúp tôi mang thương hiệu riêng. Tôi dừng đóng phim khi ở đỉnh cao sự nghiệp vì muốn gìn giữ nó như điều gì thiêng liêng nhất cho mình. Trong nghệ thuật, tôi không mong ước điều gì hơn.
NSƯT Đức Lưu dành thời gian tuổi già cho công việc thiện nguyện và các chuyến du lịch.
- Không ít nghệ sĩ cao tuổi thường rơi vào cảnh neo đơn, nghèo khó còn NSƯT Đức Lưu ngược lại, dùng tiền lương hưu đi làm từ thiện và còn vận động mọi người quyên góp?
Tôi hay nói đùa sau nghỉ hưu có thêm nghề mới là từ thiện. Tôi may mắn không áp lực kinh tế, được các con lo đủ đầy nên muốn san sẻ đến các mảnh đời bất hạnh.
Nhiều năm nay, tôi có một nhóm quen thiện nguyện. Chúng tôi tự bỏ tiền túi, kết hợp kêu gọi người thân quen ủng hộ. Ai có gì góp nấy, tiền bạc, lương thực, quần áo, thuốc thang... tất cả được đóng gói gửi lên tặng các cháu nhỏ ở vùng cao.
Đi nhiều nơi với một người già như tôi cũng là thử thách. Dẫu mệt nhưng tôi vui, tinh thần sảng khoái vì thấy bản thân có ích. Ở góc độ nào đó tôi muốn tích phước phần cho gia đình, con cháu bởi tin ăn ở tốt trời thương.
Tuổi 84 không thấy già
- Bà tận hưởng cuộc sống lúc này ra sao?
Tuổi già gói ghém đơn giản thôi, quanh đi quẩn lại hết một ngày. Tôi chủ động xây dựng lịch trình để luôn được bận rộn. Tuổi nào đi nữa cái đầu vẫn phải làm việc, tránh ù lì, chậm chạp.
Một ngày của tôi bắt đầu lúc 6 giờ sáng, ngồi thiền khoảng một giờ, sau đó ăn sáng và đưa các cháu đến trường. Tôi tập thiền từ vài năm nay nhằm cải thiện trí nhớ và giúp tĩnh tâm.
Thời gian rảnh, tôi thích đọc sách, xem phim, thời sự trên VTV1 và nghe nhạc. Chiều mát trời tôi nhờ con chở đi dạo phố vài vòng hay bắt taxi sang chơi nhà bạn. Thỉnh thoảng tôi dự sinh hoạt của các hội tham gia ở khu phố. Tôi hay nói các con: "Mẹ già nhưng đừng bắt mẹ sống vô vị".
Ngoài bạn già, tôi thích nói chuyện với người trẻ. Rất nhiều bạn của con tôi giờ thành bạn của tôi đấy (cười). Chúng tôi tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, cũng thú vị lắm!
- 2 con trai của bà dành thời gian chăm sóc, chia sẻ với mẹ ra sao?
Tôi và ông nhà có 2 người con trai, cách nhau đúng 1 giáp (12 tuổi - PV). May mắn chúng đều thành danh, đã yên bề gia thất. Con dâu thảo hiền, khéo vun vén tổ ấm, con của cậu trai cả học rất giỏi, vừa kết hôn không lâu.
Tôi và chồng quá cố - GS.TS Trần Hạ Phương luôn mong các con sau này dù làm gì vẫn giữ sự tử tế. Tôi mừng vì chúng không phụ lòng bố mẹ.
Hiện tôi sống cùng vợ chồng cậu con trai út. Các con bận việc cả ngày vẫn cố gắng dành thời gian cho mẹ. Thỉnh thoảng tôi lại đi về giữa Hà Nội và TP.HCM vì gia đình ở 2 nơi. Cuối tuần chúng tôi cùng sum họp nấu ăn, trò chuyện. Nhìn con cháu hòa thuận, hạnh phúc là tôi yên lòng.
- Trông bà vẫn minh mẫn, hồng hào, bà ăn uống, sinh hoạt ra sao để giữ sức khỏe tốt?
Tôi vẫn khỏe, không ốm đau bệnh vặt. Tôi không có chế độ sinh hoạt đặc biệt, vẫn ăn uống cùng gia đình như bao năm nay. Tôi không ăn quá no, hạn chế tối đa tinh bột, dầu mỡ. Với người già, giấc ngủ quan trọng nên tôi cố gắng ngủ đủ giấc. Tuổi tác cũng chỉ một phần, quan trọng là ý chí, tâm mình nên tôi rất nhẹ nhõm, không thấy già.
- Bà mong mỏi điều gì lúc này?
Ở tuổi này, gia đình sung túc, các con thành đạt, lại được đi đó đây, tôi không nuối tiếc gì. Tôi chỉ xin có sức khỏe để được nhìn các cháu khôn lớn, có điều kiện giúp đỡ thêm người nghèo.
Đời tôi nhiều thăng trầm, đi qua khói lửa chiến tranh. Tôi mong đủ duyên viết một quyển hồi ký ghi lại chặng đường nghệ thuật và cuộc đời đã qua.
Tôi theo đạo Phật nên triết lý tu tập tôi học theo, áp dụng vào cuộc sống. Mỗi ngày cứ trôi qua nhẹ nhàng, không phiền muộn. Tôi bằng lòng với những gì đang có để tự thấy mình còn hạnh phúc.
Bị nghi đang mang thai, Minh Hằng nay diện đồ giấu nhẹm vóc dáng Minh Hằng thành công trong cả lĩnh vực âm nhạc lẫn diễn xuất, lại còn có gu thời trang ấn tượng. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, nữ diễn viên lại đang vướng vào những nghi vấn mang thai con đầu lòng. Trong loạt ảnh mới đăng tải, sao nữ Chị chị em em 2 càng khiến người hâm mộ "bán tín bán...