‘Thị Nở’ Đức Lưu: Chơi Facebook, Zalo mỗi ngày dù 80 tuổi
Ở tuổi gần 80, nữ nghệ sĩ gạo cội sống nhẹ nhõm, an nhiên và truy cập Facebook, Zalo hàng ngày để trao đổi thông tin với con cháu và xem ảnh của bạn bè.
NSƯT Đức Lưu hẹn gặp phóng viên của Zing.vn tại một quán cà phê bên hồ Ba Mẫu, Hà Nội. Vừa bước chân vào quán, bà đã cất tiếng hỏi mật khẩu wifi để truy cập internet. Không ai nghĩ rằng người đóng vai “Thị Nở” trong bộ phim kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy cách 34 năm tính cách vẫn trẻ trung, hiện đại và tỏ ra thành thạo các ứng dụng công nghệ trên smartphone dù đã vượt ngưỡng 80.
NSƯT Đức Lưu ghi dấu ấn với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Ảnh: Tư liệu, Hoàng Anh.
“Đi casting vai bi mà khán giả cứ kêu Thị Nở, đành phải về”
Sau thành công của vai diễn Thị Nở, nhiều người thắc mắc nghệ sĩ Đức Lưu ở đâu, làm gì và tại sao không tiếp tục tham gia diễn xuất trong các bộ phim điện ảnh. Kỳ thực, nữ diễn viên vẫn ở Hà Nội chỉ có điều bà chuyển sang làm công tác đối ngoại ở Thành ủy Hà Nội trước khi tham gia giảng dạy 20 năm tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ.
“Tôi mất nghề sau vai Thị Nở vì nhân vật nổi tiếng quá, thành ra khó có thể ghi dấu ấn ở các vai diễn khác. Khi chuyển sang công tác ở cơ quan Nhà nước chứ không phải nghệ thuật, tôi khóc mấy tháng trời. Sau đó, đi làm kinh doanh cũng thuận lợi vì người ta hâm mô vai Thị Nở, thành ra mất nghề luôn” – nữ nghệ sĩ bộc bạch.
NSƯT Đức Lưu cũng tâm sự cách đây vài năm bà muốn quay lại điện ảnh vì thấy nhớ nghề sau nhiều năm vắng bóng. Bà chủ động liên lạc với đạo diễn Đặng Nhật Minh để xin casting vai mẹ của Đặng Thùy Trâm. Đạo diễn bảo nữ nghệ sĩ gạo cội phải giảm cân để phù hợp với ngoại hình của vai diễn.
Dù tuổi đã cao nhưng Đức Lưu không ngại tập luyện theo yêu cầu của đạo diễn nhưng đến hôm casting, vừa bước vào phòng, khán giả, đồng nghiệp ồ lên “Thị Nở, Thị Nở”. Bà quyết định rút lui, không casting nữa vì biết nếu cố đóng mẹ của Đặng Thùy Trâm mà khán giả chỉ nhắc đến Thị Nở thì cũng đồng nghĩa với việc vai diễn thất bại.
Đức Lưu thời trẻ. Ảnh: FBNV
“Tinh thần hiện tại luôn thoải mái, vật chất không mong muốn gì”
NSƯT Đức Lưu tâm sự bà hài lòng với cuộc sống hiện tại khi hai người con trai đều thành đạt, các cháu đều giỏi giang. “Giờ tôi không có mong muốn gì về vật chất vì ăn uống có bao nhiêu đâu, thậm chí còn phải ăn kiêng vì nhiều chất độc hại. Quần áo thì ăn mặc sạch sẽ là được không cần sành điệu, kiểu cách. Còn cuộc sống tinh thần thì vô cùng thoải mái vì con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, có công ăn việc làm và vị trí trong xã hội” – bà nói.
“Tôi cũng thường xuyên đi chùa và làm từ thiện. Tháng 8/2015, tôi đi từ thiện ở đường mòn Hồ Chí Minh cho 5 trường nội trú trong 3 ngày, 3 đêm. Lần khác lại đi theo chùa lên tận Mù Căng Chải. Có tiền thì mua đồng quà, tấm bánh tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không thì lên đấy kể cho bộ đội, cho người dân nghe về quá trình đóng Thị Nở, cũng hay lắm” – NSƯT Đức Lưu hân hoan kể về những chuyến từ thiện.
Nữ nghệ sĩ gạo cội hiện sống với gia đình con trai út nhưng bà bảo gia đình bà không có chuyện mẹ chồng nàng dâu. Bà luôn tự hào vì có một con dâu hiếu thảo, luôn chăm lo, vun vén cho gia đình. “Cứ 20h là gia đình quây quần bên nhau vui vẻ trò chuyện. Dù bận rộn nhưng các con nhất quyết không để tôi nấu nướng vì bảo lớn tuổi. Tôi chỉ giúp con dâu cho hai con cún con ăn vào buổi trưa khi cả nhà đều đi làm”.
Video đang HOT
“Thị Nở” của màn ảnh Việt khoe là dù gần 80 tuổi nhưng bà vẫn tham gia giảng dạy về văn học ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ: “Tuổi thì cao nhưng trí tuệ và trí nhớ vẫn chưa hề giảm sút nên vẫn giảng dạy cho các em sinh viên, mỗi tuần 2 buổi. Tôi xuất thân là cử nhân văn học, sau học khóa điện ảnh đầu tiên. Trước đây, tôi giảng dạy về kinh doanh, bây giờ thì giảng về văn học. Tôi yêu văn học lắm, đó cũng là một trong những lý do giúp tôi thể hiện thành công vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy”.
“Một ngày vào Facebook, Zalo ít nhất 2 lần”
Đức Lưu vẫn dùng facebook, zalo mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Anh
NSƯT Đức Lưu sử dụng smart phone và dùng cả facebook lẫn zalo. Bà bảo dùng mạng xã hội để trao đổi với con cháu và xem ảnh, tâm trạng của bạn bè. “Chỗ nào có wifi thì tôi kết nối còn không thì sử dụng 3G, dùng một gói cả tháng vẫn thoải mái vì tôi cũng chỉ dùng để đọc báo mạng và vào facebook, zalo”.
“Sáng tôi vào facebook một lần, trước khi đi ngủ lại vào một lần nữa nhưng tôi ít đăng ảnh của mình lên lắm, chỉ xem ảnh của mọi người chứ mình già rồi, chụp làm kỷ niệm để trong máy chứ đăng làm gì” – nữ diễn viên gạo cội hào hứng khoe cái ảnh vừa chụp bên hồ Ba Mẫu.
Mặc dù nhận được nhiều lời khen về sự năng động, hiện đại nhưng nghệ sĩ Đức Lưu bảo: “Tôi luôn phải tranh thủ vì biết thời gian của bản thân không còn nhiều, thế nên làm được việc gì là phải làm ngay, không bao giờ ỷ lại hay trông chờ vào người khác”. Bà mỉm cười an nhiên nhìn hướng ra mặt hồ Ba Mẫu. “Thị Nở” vẫn giữ nguyên nét duyên ngầm năm nào.
Theo Zing
'Thị Nở' kêu cứu cho Hãng phim truyện VN
Diễn viên đóng vai "Thị Nở" nổi tiếng của phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" lên tiếng kêu cứu trước sự việc Hãng phim truyện VN bị bán.
NSƯT Đức Lưu - người ghi dấu ấn qua vai diễn Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh sự việc Hãng phim truyện Việt Nam bị bán.
NSƯT Đức Lưu. Ảnh: Hoàng Anh
"Minh Châu, em bó tay à? Đó là tổ tiên làng điện ảnh"
- Là nghệ sĩ đã về hưu từ lâu, điều gì khiến bà quyết định ký tên trong bản kiến nghị dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam?
- Tôi đã nghỉ hưu nhiều năm rồi nhưng việc cổ phần hóa không minh bạch Hãng phim truyện Việt Nam là sự xúc phạm đến trái tim của người nghệ sĩ nên chúng tôi không thể tiếp tục im lặng. Số 4 Thụy Khê là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của cá nhân tôi cũng như của các thế hệ diễn viên điện ảnh.
Đám cưới của tôi được tổ chức ở đây rồi lúc sinh con, thời chiến tranh gian khổ. Tôi đã gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam suốt một thời gian dài. Cuộc đời tôi thanh bạch nhưng thấy bất bình thì không thể không lên tiếng. Giờ tôi không có mong mỏi gì ngoài việc bản kiến nghị của 9 nghệ sĩ sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và có động thái giải quyết.
- Bà lại là người chủ động liên lạc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin lịch gặp với Bộ trưởng?
- Tôi chính thức biết thông tin cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cách đây hơn một tuần, tức là muộn hơn các nghệ sĩ khác rất nhiều. Ngay khi từ TP HCM trở về, tôi đã gọi điện ngay cho nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Cô ấy giọng buồn bảo với tôi rằng "Em chả làm gì được nữa chị ạ! Chị có vào cuộc chứ em bất lực rồi".
Tôi nghĩ cả một đêm hôm đó, hôm sao tôi gọi cho NSND Minh Châu, tôi bảo "Em bó tay thế à, đó là đất của tổ tiên làng điện ảnh Việt". Ngay sau đó, tôi gọi cho NSND Thanh Vân hỏi "Còn một tia hy vọng nào không?". Thanh Vân đáp là còn 5% hy vọng vì Bộ trưởng mới chưa ký.
Ngay sau khi hỏi ý kiến các nghệ sĩ, tôi liên lạc ngay với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ nguyện vọng muốn được gặp Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ngay sau khi Bộ trưởng mới đồng ý gặp nhóm nghệ sĩ, NSND Thanh Vân đã đặt vé máy bay cho NSND Trà Giang ra Hà Nội, còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã thảo ngay một bản kiến nghị cho mọi người đóng góp để trình lên cơ quan chức năng.
- Trong cuộc gặp với nhóm 9 nghệ sĩ, Bộ trưởng đã có những phản hồi như thế nào, thưa bà?
- Bộ trưởng là người thân thiện, tử tế. Ông bày tỏ sự xúc động khi được gặp các nghệ sĩ gạo cội ở ngoài đời vì trước kia chỉ được nhìn thấy trên màn ảnh. Ông lắng nghe tất các phản hồi của nghệ sĩ.
Đầu tiên là NSND Trà Giang đọc bản kiến nghị của các nghệ sĩ trong TP HCM. Sau đó Hồng Ngát phát biểu, cô nói một ý rất hay là ông Putin ở Nga quyết định ký đặc cách không để cổ phần hóa hãng Mosfilm vậy tại sao chúng ta không giữ lại Hãng phim truyện. Đến Minh Châu phát biểu, chưa nói đã khóc vì cô ấy rất hay nghẹn ngào.
Còn tôi, trước Bộ trưởng, Thử trưởng, và các Vụ trưởng, tôi chỉ nói rằng: "Các đồng chí còn trẻ quá lại ở tỉnh khác nên chưa hiểu hết thành tựu của Hãng phim truyện Việt Nam đi đôi với Cách mạng".
Tôi cũng kể chuyện Bác Hồ ký thành lập Xưởng phim Việt Nam, rồi chuyện làm phim phục vụ Cách mạng, có cả mồ hôi, nước mắt, máu và sự nguy hiểm. Thế nên thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 là không thể chấp nhận được.
Các nghệ sĩ cùng ký trong bản kiến nghị. Ảnh: Khuê Tú
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các nghệ sĩ như bà đã lớn tuổi nên không nắm được tình hình thua lỗ đến bờ phá sản của Hãng phim truyện Việt Nam những năm gần đây?
- Sao lại nói Hãng phim truyện Việt Nam thua lỗ. Thua lỗ là dành cho hoạt động buôn bán còn Hãng phim đâu phải mớ rau, con cá mà nói đến kinh doanh. Từ khi ra đời đến nay hãng phim luôn phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng, truyền tải tinh thần yêu nước, phản ảnh đời sống con người.
Vĩ tuyết 17 ngày và đêm, Lãng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu và rất nhiều bộ phim khác đâu phải là sản phẩm kinh doanh, đánh giá lỗ hay lãi là không đúng. Hãng phim truyện Việt Nam không phải là nơi sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp như các doanh nghiệp khác.
"Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay không có tài"
- Trong bản kiến nghị của nhóm 9 nghệ sĩ còn có nội dung là đề nghị thay Giám đốc hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam. Bà có thể cho biết lý do của việc này?
- Ông Vương Đức - Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện này có những điều không đàng hoàng, lại không phải người có tài năng nghệ thuật, nhiều quyết định rất mập mờ đó là còn chưa kể đến việc ông ấy không có tầm nhìn xa, nhìn tới tương lai. Ông ấy đã để hãng phim lụi bại nên giờ không ai ủng hộ.
Nếu có giám đốc mới là một người tâm huyết, nhiệt tình lại có tài có đức thì chắc chắn Hãng phim truyện Việt Nam sẽ khởi sắc. Còn ông Vương Đức thì không được, ông ấy là người không có tài đức.
- Ông Vương Đức đã phản bác tất cả các cáo buộc của nhóm nghệ sĩ về việc cổ phần hóa không minh bạch trong biên bản họp công ty ngày 31/5. Bà nghĩ gì?
- Tôi già nhưng chưa lẫn. Tôi từng giảng dạy về kinh doanh và cũng có bằng về kinh tế. Đấu thầu là phải nhiều lần và phải đưa ra công chúng, phải có đối thủ cạnh tranh và định giá chứ cổ phần hóa như Hãng phim truyện Việt Nam sao có thể coi là minh bạch được.
Chỉ có một đối tác như thế thì đặt ra thế nào mua thế. Việc gạt hết đối tác ra và bảo rằng đã hết hạn đăng ký kèm theo câu "hoa hậu còn hết hạn" là không minh bạch và không chấp nhận được. Họ cứ tưởng mấy bà già là không biết gì chứ chúng tôi quá hiểu. Tôi không cần gì hơn chỉ muốn công bằng và minh bạch.
Các nghệ sĩ đề nghị dừng cổ phần hóa. Ảnh: Khuê Tú
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có động thái gì kể từ khi nhận đơn kiến nghị của các nghệ sĩ?
- Bộ thì chưa có phản hồi gì nhưng theo nguồn tin mà tôi nắm được thì Văn phòng chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Về phía nhóm nghệ sĩ, chúng tôi cũng có mời một luật sư chuyên về cổ phần hóa để tư vấn pháp lý. Luật sư này chúng tôi không phải trả tiền hay thuê mướn gì vì nghệ sĩ về hưu nghèo lắm, làm gì có tiền, đến gặp mặt nhau còn người mời nước, người mời bữa sáng. Chúng tôi không kiện tụng gì chỉ là nhờ một luật sư để có những phân tích chính xác nhất về việc này.
- Trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam không được đặc cách trong tiến trình cổ phần hóa như mong muốn của nhiều nghệ sĩ thì bà nghĩ sao?
- Trường hợp việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn tiếp tục và không được đặc cách thì chúng tôi cũng không có phản hồi gì vì chủ trương là rất đáng hoan nghênh.
Nhưng chúng tôi đề nghị là phải cổ phần hóa lại từ đầu, mở rộng đối tác, minh bạch trước công chúng và lấy ý kiến của các nghệ sĩ.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải trình phương hướng phát triển, trong đó chắc chắn có nội dung vẫn giữ xưởng phim chứ nhất quyết không để thương mại. Và phải giữ tên Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo Zing
Từ chỗ xấu như Thị Nở, tôi thành cao giá Từ một cô gái xấu xí như Thị Nở, bây giờ tôi đã trở thành cô gái cao giá. Tôi được mọi người xếp vào hàng chân dài, học thức. Các chàng trai chạy theo tôi nhiều lắm. Tôi xin kể cho mọi người nghe câu chuyện thiên nga lột xác của mình. Tôi không ví mình là quạ đâu nhé, bởi ai...