Thi đua là yêu nước theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo sáng kiến và chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-3-1948 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc “Mục đích của thi đua là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.
Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: Tư Liệu
Ngày 1-5-1948 lần đầu tiên Bác ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, “cùng toàn thể đồng bào yêu quý, nước ta kinh tế lạc hậu nhưng lòng yêu nước và ý chí quật cường chẳng kém ai, nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp thời người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước”(1).
Tiếp đến ngày 11-6-1948, Bác ra tiếp Lời kêu gọi thi đua ái quốc rất cụ thể:
“Mục đích của thi đua ái quốc là gì?
Diệt giặc đói khổ
Diệt giặc dốt nát
Diệt giặc ngoại xâm
Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân
Để gây:
Hạnh phúc cho dân
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua:
Làm cho mau – làm cho tốt – làm cho nhiều
… Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:
Toàn dân ta sẽ đủ ăn, đủ mặc
Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết
Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm.
Video đang HOT
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập
Dân quyền tự do
Dân sinh hạnh phúc”
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó tôi xin:
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc.
Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp các lĩnh vực và mọi tầng lớp Nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(1).
Tết Kỷ Sửu – 1949, Bác Chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước:
Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua ái quốc thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua.
Ngành ngành thi đua.
Ngày ngày thi đua.
Ta nhất định thắng lợi.
Địch nhất định thua.
Thi đua trong lời Chúc Tết, được Bác nêu rất rõ, khái quát toàn diện, từ mỗi người đến mọi người (người, người) đến các ngành, các hội đoàn, các tầng lớp (ngành, ngành) và liên tục hàng ngày, xuyên suốt thời gian (ngày, ngày). Cơ sở của những lời chúc này là dựa trên Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-1948.
Khi sơ kết nửa năm phong trào thi đua, Bác chỉ ra khuyết điểm về nhận thức và thực hành thi đua: “Còn nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ chưa thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc… Tưởng lầm rằng, thi đua là việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”(2).
Bác đã chỉ ra đúng lúc, khơi dậy đúng lúc, chủ trương đúng lúc, hành động đúng lúc, phát huy đúng lúc nguồn sức mạnh vạn năng của mỗi người, của tổ chức, của toàn dân.
Là người đề xướng, là kiến trúc sư phong trào thi đua ái quốc và đưa phong trào vào quần chúng sâu rộng, Bác chăm lo, theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khích lệ, tổng kết phong trào theo từng thời kỳ, kịp thời biểu dương, khen thưởng, uốn nắn, điều chỉnh phong trào.
Từ năm 1948 đến ngày Bác đi xa, Bác đã viết đến 45 bài về thi đua yêu nước. Hệ thống lại ta thấy đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức tổ chức biện pháp thực hiện, kết quả, ưu khuyết điểm của phong trào thi đua ái quốc. Sau bài thơ Chúc Tết Kỷ Sửu – 1949, gần như hầu hết các bài thơ Chúc Tết, Bác đều chúc thi đua, nhấn mạnh vấn đề thi đua. 19 chữ thi đua hiện diện trong các bài thơ như: Kính chúc đồng bào năm mới / Mọi người càng thêm phấn khởi/ toàn dân xung phong thi đua (Chúc Tết Canh Dần – 1950), Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị phản công kịp thời (Chúc Tết Tân Mão – 1951), Chiến sĩ thi đua giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta (Chúc Tết Nhâm Thìn – 1952), Thi đua học hành/ Tiến bộ mau lẹ/ (Thư gửi thiếu nhi)… chứng tỏ thi đua ái quốc thường trực trong Bác. Thi đua ái quốc là tư tưởng lớn của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(3).
Một khi lòng yêu nước của mỗi người được khơi dậy đúng lúc thì chính Nhân dân là nhân tố, là nguồn sức mạnh tạo nên những thắng lợi to lớn cho dù hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khó khăn đến mấy.
Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và yêu nước, yêu nước và thi đua. Yêu nước là nội dung của thi đua. Thi đua là mọi người, mọi nhà, mọi ngành gắng phát triển tài năng, sáng kiến của mình, làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, vật liệu, diệt được nhiều giặc. Đó là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Hiểu như vậy thì một người tự cho mình là yêu nước thì phải thi đua. Bởi vì, chỉ có qua thi đua với kết quả cụ thể mới bộc lộ và ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, yêu nước là một thứ của quý không thể cất giấu trong rương, trong hòm, mà phải được đưa ra trưng bày. Tinh thần yêu nước phải được thực hành vào việc kháng chiến, kiến quốc. Khi Nhân dân ta thực hiện kiến quốc, thì người dùng thuật ngữ “Thi đua xã hội chủ nghĩa” để chỉ phương pháp riêng của phương thức sản xuất XHCN nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội và cải tiến sản xuất trên cơ sở tích cực và tính chủ động sáng tạo của quần chúng lao động. Thi đua XHCN xây dựng trên sự hợp tác theo tinh thần đồng chí và tương trợ lẫn nhau của những người lao động, phát huy khả năng sáng tạo của Nhân dân lao động.
Ở nước ta, thi đua XHCN là sự kế tục và phát triển phong trào thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến. Hồ Chí Minh khẳng định “dưới chế độ tư bản thực dân và phong kiến không có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không được gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ, để rồi lại bị chúng áp bức, bóc lột thêm. Chỉ có dưới chế độ dân chủ Nhân dân và XHCN, dưới chế độ mà Nhân dân lao động làm chủ, thì mới có phong trào thi đua”(4).
Theo Hồ Chí Minh “trong xã hội chủ nghĩa của chúng ta bất cứ làm việc gì, nghề gì mà Đảng và Chính phủ giao cho đều làm tròn và làm vượt mức, làm xuất sắc đều là anh hùng”(5).
Từ khi phát động phong trào thi đua yêu nước đến năm 2019, Đảng và Chính phủ đã phong tặng, truy tặng hơn 7.800 tập thể, trên 9.300 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.300 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, 140.000 mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng vạn chiến sĩ thi đua.
Hiện tại, phong trào thi đua yêu nước vận dụng sáng tạo gắn kết với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” như các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Hiến máu nhân đạo – một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số mắc “bệnh thành tích”, “bệnh háo danh”, “chạy chức chạy quyền”, “chạy khen thưởng”… nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phong trào thi đua tuy sâu rộng nhưng chưa toàn diện, còn tính hình thức, chưa gắn chặt với nhiệm vụ chính trị. Suy tôn, phong tặng còn dễ dãi, nể nang nên xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”.
Trong thi đua yêu nước, chúng ta phải làm đúng lời Bác dạy: Trong một quốc gia độc lập, bất luận ở đâu, vấn đề thưởng phạt phải phân minh, có thế dân mới yên, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.
Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-6 hàng năm là ngày Thi đua yêu nước, tức là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-1948.
Tướng Lê Văn Cương: Hai điểm nhấn quan trọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi gắm
Trả lời phỏng vấn PLVN, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - tỏ ra rất tâm đắc với bài viết có nhan đề: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, ông cho rằng có 2 vấn đề là điểm nhấn, là gửi gắm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đối với các cán bộ, đảng viên.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Đường "ray" thứ nhất không được trượt
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến những vấn đề cần phải tập trung giải quyết để tiến tới Đại hội XIII thành công.
"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập đến tất cả các vấn đề quan trọng, mang tính "đinh" như xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; đảm bảo an ninh quốc phòng là vấn đề trọng yếu, thường xuyên đồng thời đặt ra hàng loạt các mục tiêu cho nhiệm kỳ tới...", Tướng Cương nói.
Theo ông Cương, qua nghiên cứu bài viết, ông thấy có 2 vấn đề ông cho là điểm nhấn, là gửi gắm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đối với lãnh đạo Đảng các cấp, từ cấp xã phường đến quận huyện, đến các tỉnh, thành phố...
Vấn đề đầu tiên, theo ông Cương, là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn đi nhấn lại nhiều lần, đó là phải kiên định; phải nắm vững nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng và thực tiễn; kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển.
"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề phải kiên định về việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là "đường ray" thứ nhất, không trượt đi đâu được cả mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở các đảng viên và cán bộ. Hai là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và thứ ba là kiên định thực hiện đường lối đổi mới của Đảng với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông nói.
Tướng Cương cho rằng đây có lẽ là vấn đề quan trọng đầu tiên bởi Đại hội XIII của Đảng diễn ra bối cảnh trong nước và quốc tế có quá nhiều vấn đề mới. Dù Việt Nam ta đã vượt qua một chặng đường để đến năm 2019, có thể nói Việt Nam chưa bao giờ có được thế và lực lớn như vậy; chưa bao giờ có được vị thế, vai trò và uy tín quốc tế lớn như đến 2019.
Đó là tâm thế của năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra là thế giới có quá nhiều vấn đề. Trước hết, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Việc này tác động trực tiếp đến nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Điều đó đặt ra những vấn đề mới về kinh tế, đòi hỏi phải tìm một giải pháp mới trước tình huống này. Khi liên kết kinh tế thay đổi thì mối quan hệ chính trị, an ninh các nước cũng phải thay đổi theo. Nghĩa là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tiên lượng được nhiệm kỳ sắp tới đây, do hậu quả của dịch bệnh Covid-19, do đứt gãy của hệ thống quản trị toàn cầu nên trước mắt, nước Việt Nam bên cạnh thuận lợi, tâm thế mới, vai trò vị thế uy tín mới, các đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, phải thấy được những thách thức mới, bao gồm cả những thách thức về kinh tế, về chính trị, về an ninh quốc phòng, cả về đối nội và đối ngoại", ông Cương cho hay.
Theo Tướng Lê Văn Cương, thông thường, trước những thách thức như vậy, có nhiều những cách suy nghĩ và tìm lối thoát khác nhau. "Chắc chắn là phải sáng tạo, không thể đi theo con đường cũ, nếu không sáng tạo thì rơi vào trì trệ của quan liêu, bảo thủ", ông nói.
Ông Cương cho rằng, trong bối cảnh mới này, điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại là phải kiên định, kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định thực hiện đường lối đổi mới của đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Tôi nghĩ đó là điểm nhấn đầu tiên của bài viết. Trước bối cảnh mới trong nước và quốc tế, bên cạnh thuận lợi có quá nhiều khó khăn, quá nhiều bất trắc và có quá nhiều các vấn đề chưa thể xác định được, tức là còn khó khăn tìm lối đi. Trong tìm lối đi của Đại hội XIII này, chắc chắn phải kiên định đứng vững trên lập trường này chứ không thể mơ hồ được; nếu không sáng tạo thì sẽ rơi vào bảo thủ, trì trệ; nếu sáng tạo mà không kiên định thì chắc chắn sẽ dẫn đến cải lương và xét lại.
Đó là bài học của Đảng Cộng sản Liên Xô. Do vậy, phải tìm tòi đổi mới. Việc này diễn ra trong bối cảnh mới như vậy có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải kiên định trong tìm tòi cái mới để đưa đất nước phát triển", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nói.
Thông điệp quan trọng thứ hai
Thông điệp quan trọng thứ hai trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo ông Cương, có lẽ nằm ở việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc đi nhắc lại rất nhiều nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân ủng hộ.
Tướng Lê Văn Cương cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước diễn ra trong không khí cả nước, toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
"Chính Cách mạng Tháng Tám có lẽ đã truyền cảm hứng trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Trong cuộc cách mạng đó, với chưa đến 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo 25.000.000 người đứng dậy lật đổ chế độ thực dân. Đó thực chất là khi người dân đã được giác ngộ. Và muốn giác ngộ người dân thì đảng viên và Đảng phải là những người trung thành tuyệt đối, có tâm sáng, tay sạch nhất.
5.000 đảng viên của năm 1945 là những người trong sáng tuyệt vời, có trí tuệ dưới sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh. Trong điều kiện có 5.000 đảng viên nhưng có trí tuệ và tâm sáng một lòng một dạ vì lợi ích dân tộc như vậy thì mới huy động được 25 triệu người vùng lên, tạo ra vật đổi sao dời, lật đổ chế độ thực dân hơn 80 năm", ông Cương nhận định.
Từ nhận định trên, ông Cương cho rằng, thông điệp thứ hai mà có lẽ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên là mọi chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước ở trung ương và địa phương phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân; Đảng phải chăm lo đời sống của nhân dân, phải gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, lấy sự hài lòng và tín nhiệm của người dân để làm tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức và cá nhân đảng viên.
"Tôi nghĩ rằng, có lẽ không khí của cách mạng sục sôi dịp 75 năm Cách mạng Tháng Tám đã truyền cảm hứng vào bài viết này. Đây cũng là xuất phát từ thực tiễn Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong mấy năm qua, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã có hơn 100 cán bộ cao cấp đã bị vào tù hoặc xử lý kỷ luật. Đều này nhắc nhở rằng, hơn lúc nào hết, Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, tất cả vì nhân dân.
Đó là 2 thông điệp quan trọng nhất mà tôi nghĩ rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn chuyển tải đến gần 5 triệu đảng viên, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt. Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương đã nêu rõ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh... phải làm gương. Đây là chính là lúc phát huy", Tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ Trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đặt ra một vấn đề, đâu là yếu tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định? Phải nói ngay rằng, đó là chất lượng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ luôn phải đặt lên hàng đầu. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP...