Thí điểm cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sau 2 năm thực hiện cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, thực tế giải ngân đã vượt hơn 1.700 tỷ đồng so với cam kết cho vay ban đầu của các ngân hàng thương mại.
Đây là báo cáo mới nhất của NHNN gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 14. Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao NHNN phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ KHCN xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, ưu tiên cho cho các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao và các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu…
Ưu đãi các mô hình liên kết
Người dân Đồng Tháp có thêm nguồn vốn để nuôi cá tra theo mô hình liên kết. Ảnh: T.C
Thực hiện Nghị quyết số 14 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định 1050 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp trong thời hạn 2 năm, với nhiều cơ chế cho vay đặc thù như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1- 1,5%/năm.
Đặc biệt, NHNN cho biết trong quá trình triển khai dự án, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã áp dụng mức lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ dự án với lãi suất ngắn hạn là 5,4%/năm, trung và dài hạn là 9%/năm. Những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi thì NHTM xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn. Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản đảm bảo, ngân hàng có thể cho vay không tài sản đảm bảo trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố thì liên bộ đã lựa chọn 28 doanh nghiệp (DN) tại 22 tỉnh, thành phố để thực hiện 31 dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Các DN này là đại diện tiêu biểu cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp (lúa gạo, nuôi trồng chế biến thủy sản, đánh bắt thu mua chế biến và tiêu thụ thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chè, rau an toàn, mía đường, sản xuất mủ cao su, lạc, tinh bột sắn, ngô).
Video đang HOT
Cho vay vượt cam kết
Khi bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2014, 8 NHTM cam kết tài trợ tín dụng cho 28 doanh nghiệp với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Tới nay, các NHTM đã giải ngân cho vay 22/28 DN để thực hiện 22/31 dự án với số tiền 7.333,73 tỷ đồng, cao hơn mức cam kết 1.700 tỷ đồng do có 4 DN được liên bộ phê duyệt mở rộng quy mô sản xuất so với dự án ban đầu. Hiện dư nợ còn 915,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 807 tỷ đồng, dư nợ dài hạn là hơn 107 tỷ đồng.
Cụ thể, các NHTM đã giải ngân cho 10 dự án chuỗi liên kết sản xuất nông sản xuất khẩu đạt 5.767 tỷ đồng, chiếm 78,64% tổng số tiền giải ngân của chương trình; giải ngân cho 11 dự án liên kết sản xuất nông sản đạt 1.462,05 tỷ đồng, chiếm 19,94% tổng số tiền giải ngân. Còn lại là 104,3 tỷ đồng giải ngân cho 1 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,42% tổng số vốn giải ngân.
Đánh giá về chương trình thí điểm này, NHNN nhận định, với các NHTM đây là hình thức cho vay mới giúp ngân hàng kiểm soát dòng tiền tốt hơn thông qua cam kết của các bên trong chuỗi sản xuất và phát triển các dịch vụ ngân hàng khác. Với DN đầu mối có điều kiện ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng, được đảm bảo về nguồn vốn triển khai mô hình sản xuất với lãi suất hợp lý, tăng hiệu quả kinh tế.
Đối với các hộ nông dân khi tham gia sản xuất theo chuỗi được DN bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả ổn định, được cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn thị trường, được tư vấn kỹ thuật nuôi trồng, hạn chế rủi ro dịch bệnh, thuận lợi hơn trong tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và thế giới.
Theo NHNN, vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco ở An Giang, mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco ở An Giang, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá ở Đồng Tháp, mô hình liên kết sản xuất lúa- Công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định…
Triển khai rộng rãi bảo hiểm nông nghiệp Để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện cho ngân hàng, DN triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghẹ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ NNPTNT sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Danviet
Gia Lai: Dưa hấu "đắng" vì mất mùa mất giá
Năng suất dưa cùng với giá thu mua giảm thấp, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi hộ trồng dưa lỗ hàng chục triệu đồng.
Năm nay, nông dân tỉnh Gia Lai trồng được khoảng 1.000 ha dưa hấu. Nhưng do nắng hạn khốc liệt, quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên giá bán sụt giảm từ 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Danh ở thôn 6, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai trồng 2 ha dưa hấu. Do tình hình khô hạn diễn ra khắc nghiệt nên quả dưa hấu nhỏ, năng suất giảm 50%. Sau khi bán 40 tấn dưa cho thương lái, trừ các khoản chi phí, gia đình bà Danh lỗ hàng chục triệu đồng.
"Vụ dưa năm nay thời tiết nắng nóng nên nông dân ở đây ai cũng bị thất thu rất nhiều. Dưa không đạt chất lượng khiến giá mua giảm nên mỗi gia đình trồng dưa lỗ từ 60 - 70 triệu đồng", bà Danh cho biết.
Hiện đang là thời điểm bà con nông dân ở các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tập trung thu hoạch dưa hấu. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài cùng với những đợt lạnh giá thất thường khiến dưa hấu quả nhỏ và năng suất rất thấp, chỉ khoảng 20-25tấn/ha, giảm một nửa so với những năm trước.
Dưa không đạt chất lượng khiến giá mua giảm nên mỗi gia đình trồng dưa ở Gia Lai lỗ từ 60 - 70 triệu đồng.
Cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm lại rất khó khăn do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Nếu theo yêu cầu của đối tác chỉ nhập những loại dưa có cân nặng trên 5kg/quả, thì phần lớn sản phẩm dưa hấu ở Gia Lai không đạt yêu cầu. Đồng thời, giá dưa hấu mà các đối tác nước ngoài đưa ra thất thường nên thương lái ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, một thương lái tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, vụ dưa năm nay, từ người trồng dưa đến người buôn dưa đều lâm vào cảnh khó khăn. Người trồng dưa bị mất mùa do nhiều đợt sương lạnh khiến dưa chết nhiều, tới lúc dưa ra trái trời nắng nóng khiến dưa không phát triển. Giá nhập dưa của Trung Quốc cũng đã giảm cũng khiến người buôn thua lỗ nhưng đầu ra chưa hẳn đã hết khó khăn.
Niên vụ dưa năm nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 800 - 1000 ha dưa hấu, trồng tập trung ở các huyện phía Đông và Đông Nam. Thời điểm này, giá dưa hấu bán tại đồng xuống mức rất thấp. Đối với loại dưa có cân nặng trên 5kg mỗi quả, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có giá khoảng 1.500 - 2.300đồng/kg, còn loại dưa nhỏ hơn, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ bán được từ 300 - 700đồng/kg. So với năm ngoái, giá dưa đã giảm 3 - 5lần, nhưng cũng rất ít thương lái đến mua. Nông dân cũng không thể mang dưa đi bán vì công thu hái và vận chuyển quá cao.
Ông Phạm Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Sró, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho biết, theo tính toán, nếu bán được 2.500 đồng/kg người trồng dưa mới có khả năng hòa vốn, nếu giá thấp hơn chắc chắn bị lỗ. Do vậy các cấp phải có hướng cụ thể trong liên kết, tạo đầu ra ổn định hạn chế khó khăn cho người dân.
Từ câu chuyện mất mùa, mất giá của cây dưa hấu cho thấy, cùng với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, vấn đề đầu ra cho nông sản đang là điểm yếu. Trong khi đó, một chính sách mang tầm chiến lược để giúp nông dân hạn chế rủi ro là Bảo hiểm nông nghiệp lại còn quá xa lạ với nông dân tại tỉnh Gia Lai.
Theo Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, chỉ có một số đối tượng cây trồng, vật nuôi được thí điểm và chỉ được áp dụng tại một số tỉnh thành. Trong đó, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên chưa được triển khai chính sách này. Bà con nông dân trong vùng đang rất cần có chính sách hỗ trợ cụ thể trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho rằng, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay rất là khó khăn. Các loại cây trồng trong huyện như bắp, mì, dưa hấu và các loại rau, đậu giá cả rất bấp bênh, đầu ra không ổn định nên chưa giải quyết được khó khăn cho người nông dân.
"Trong 21 tỉnh thành của cả nước thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Gia Lai chưa được tiếp cận vấn đề này. Nếu có thể bảo hiểm được và bao tiêu được sản phẩm là điều tốt nhất và thiết thực cho bà con nông dân", ông Hưng chỉ rõ.
Là địa phương có truyền thống trồng dưa hấu lâu năm, nhưng niên vụ này, nông dân tỉnh Gia Lai khó khăn nhất vì vừa mất mùa, vừa mất giá. Tình trạng này chắc chắn sẽ tái diễn, không chỉ đối với dưa hấu mà còn nhiều nông sản khác ở Tây Nguyên cũng vậy, nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu./.
Công Bắc
Theo_VOV