Thí điểm cấm xe trên 9 tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm
Sở GTVT Hà Nội đang lên phương án thí điểm cấm phương tiện quanh hồ Hoàn Kiếm để tìm giải pháp quản lý phương tiện đi vào nội đô…
Nhu cầu đi lại của các phương tiện qua các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm khá lớn
Xem xét cấm 24/24h hoặc chỉ cấm giờ cao điểm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở GTVT đang xây dựng phương án thí điểm cấm các phương tiện giao thông hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với toàn bộ không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. “Chúng tôi sẽ đưa ra các phương án cấm phương tiện cá nhân 24/24h hay chỉ khung giờ cao điểm nhất định trong ngày”, ông Tuấn nói và cho rằng, phương án sẽ được đưa ra để các chuyên gia, nhà khoa học, người dân đánh giá, nếu khả thi Sở GTVT mới áp dụng.
Theo ông Tuấn, trước mắt Sở GTVT đang xây dựng phương án tổ chức giao thông đối với xe buýt và các điểm trông giữ xe để đủ điều kiện thực hiện thí điểm. Dự kiến, 9 tuyến phố sẽ cấm phương tiện gồm: Đinh Tiên Hoàng, Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, một phần phố Tràng Tiền, Đinh Lễ, Lê Thạch, Lê Lai, một đoạn phố Hàng Dầu và phố Lò Sũ.
Theo Sở GTVT Hà Nội, về nguyên tắc sẽ điều chỉnh toàn bộ các tuyến buýt ra khỏi các tuyến phố sẽ tổ chức thành phố đi bộ; Xe buýt tiếp cận gần nhất khu vực các phố đi bộ để tạo thuận lợi cho nhân dân đi và đến khu vực hồ Hoàn Kiếm tham quan, vui chơi.
Cụ thể, Sở GTVT dự kiến điều chỉnh lộ trình xe buýt, điều chỉnh điểm đầu cuối 2 tuyến buýt 09, 14 từ điểm đỗ xe Bờ Hồ sang đường Lý Thái Tổ – vườn hoa con cóc, trước Ngân hàng Nhà nước. Điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt không đi qua các tuyến đường tổ chức phố đi bộ như sau: Tuyến 09: Bờ Hồ – Cầu Giấy – Bờ Hồ (chiều từ Hai Bà Trưng vào vườn hoa con cóc theo lộ trình: Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh – Lý Thái Tổ đỗ tại vườn hoa con cóc, chiều từ vườn hoa con cóc ra theo lộ trình: Vườn hoa con cóc – Ngô Quyền – Hai Bà Trưng.
Các tuyến buýt 08, 14, 31, 36, 86 đi về phía Long Biên sẽ điều chỉnh theo lộ trình: Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh – Lý Thái Tổ – Ngô Quyền – Hàng Vôi – Hàng Tre – Hàng Muối – Trần Nhật Duật.
Video đang HOT
Tuyến 31 từ Long Biên về đi theo lộ trình: Nguyễn Hữu Duân – Lý Thái Tổ – Ngô Quyền – Hai Bà Trưng – Bà Triệu; Tuyến 36 từ Long Biên về theo lộ trình: Nguyễn Hữu Huân – Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông; Tuyến 02 đi theo lộ trình: Lê Thánh Tông – Hai Bà Trưng – Quang Trung – Tràng Thi – Điện Biên Phủ.
“Phương án điều chỉnh như hiện nay, hành khách đi xe buýt muốn tiếp cận hồ Hoàn Kiếm sẽ sử dụng các điểm dừng tại 51 Lý Thái Tổ, cách đường Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m, cự ly đi bộ phát sinh không quá lớn so với hiện nay”, ông Tuấn nói.
Cần giải pháp không ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân
Tràng Tiền cũng là một trong tuyến phố Sở GTVT nghiên cứu cấm phương tiện lưu thông
Trao đổi với Báo Giao thông, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, phương án tổ chức giao thông của TP Hà Nội cần làm sao đảm bảo được phân tách không gian cho người đi bộ, đồng thời kiểm soát tốc độ dòng giao thông cơ giới. “Chỉ cần ưu tiên không gian đi bộ khoảng 50% công suất của các tuyến phố đó, còn lại dành cho đỗ xe. Những tuyến phố từ 2 chiều sẽ thành một chiều, giao thông vẫn tiếp cận được trong khi người đi bộ dễ dàng kiểm soát tốc độ dòng giao thông. Đây là phương án khả thi và tốt nhất nhưng vẫn hấp dẫn khách du lịch,” ông Minh phân tích.
Cũng theo ông Minh, Sở GTVT khi xây dựng phương án cần sắp xếp lại phần đường và phải dành ít nhất 3m để có chỗ cho người đi bộ, đỗ xe thay bằng việc cấm một cách miễn cưỡng như hiện nay vào các ngày cuối tuần để các tuyến phố khu vực xung quanh có thể liên kết với nhau.
Chuyên gia giao thông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm chủ yếu xây dựng theo đường bàn cờ, là phố ngắn, diện tích mặt đường hẹp nhưng phương tiện, nhu cầu đi lại rất cao. “Sở GTVT xây dựng phương án cấm phương tiện đi lại qua các tuyến phố đó hiện tại cuối tuần ra sao? Có hiệu quả không? Có nhiều vi phạm và xử lý được không? Tôi cho rằng, phải làm tốt được những điều đó mới thực hiện thí điểm trong 1 tháng”, ông Sơn nói và cho rằng, hiện các bãi trông giữ xe trái phép tồn tại trên các tuyến phố đi bộ có giá gửi “trên trời”, dao động từ 50 – 100 nghìn đồng với ô tô; 20 – 50 nghìn đồng đối với xe máy. Nếu Hà Nội cấm phương tiện mà không tính đến các phương án giảm chi phí, thuận lợi cho người dân sẽ rất khó khả thi.
Lê Tươi
Theo GTVT
Đề xuất "cống hóa" 4 sông Hà Nội làm bãi đỗ xe
Đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe thông minh bằng cách "cống hóa" 4 con sông và bãi giữa sông Hồng liệu có khả thi?
Nhu cầu mua sắm xe ô tô cá nhân của người dân tăng cao nên việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết (Trong ảnh: Bãi đỗ xe thông minh trên phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội) Ảnh: Tạ Tôn
Bộ GTVT nhận được đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn (đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) hiến kế xây dựng các bãi đỗ xe thông minh bằng cách "cống hóa" 4 con sông và bãi giữa sông Hồng để kéo giảm ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc này liệu có khả thi?
Đề xuất "lạ"?
Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng, những năm gần đây, nhu cầu mua sắm xe ô tô cá nhân của người dân tăng cao. Các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội phải dùng mặt đường, thậm chí cả hè phố làm chỗ đỗ xe. Việc này không chỉ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng mà còn dẫn đến bất cập là dịch vụ trông, giữ xe tự phát, trái phép mọc lên ngày càng nhiều. Vì thế, TP Hà Nội cần xây dựng thêm các giàn đỗ xe nổi (dàn đỗ xe thông minh). Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề xuất 2 khu vực có thể thiết lập những giàn đỗ xe thông minh, liên hoàn, có sức chứa từ 20.000 - 30.000 xe ô tô cá nhân.
Cụ thể, khu vực thứ nhất là tận dụng không gian phía trên bề mặt các con sông gồm: Tô Lịch, sông Lũ, sông Sét, sông Kim Ngưu. 4 con sông này chạy từ phía Nam Hà Nội lên phía Tây qua các quận trung tâm, song song 2 bên đều có các con đường đã được mở rộng, tổng chiều dài khoảng 60km. Các giàn đỗ xe nổi có thể được hình thành theo hướng bắc ngang qua các con sông này, lắp ở hai bên nối vào các con đường có sẵn, làm ngang hoặc có thể làm thấp hơn mặt đường. Chiều cao của các giàn đỗ xe khoảng 20m (từ 6-9 tầng), chiều rộng khoảng 18-20m. Theo tính toán, nếu khoảng cách các giàn đỗ xe từ 500 - 1.000m/giàn (chiếm 1/60 diện tích mặt sông), Hà Nội có thể hình thành 120 giàn đỗ với sức chứa khoảng 14.400 xe ô tô.
Khu vực thứ hai được đề xuất là bãi giữa sông Hồng. Ông Tuấn cho rằng, hiện nay bãi giữa sông Hồng của Hà Nội ngày càng mở rộng về phía bờ Nam và không còn bị ngập. Vì vậy, có thể lấy vị trí này để làm một hệ thống đỗ xe với các giàn đỗ nhiều tầng, giải quyết nhu cầu đỗ xe cho cư dân các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Với phương án này, hệ thống giao thông kết nối cần làm là một số tuyến đường từ bờ đê xuống bãi đỗ và những cây cầu nhỏ.
Theo ông Tuấn, hình thành bãi đỗ xe ở hai khu vực trên sẽ giải quyết được một số vấn đề như: Không chiếm diện tích đất của các quận trung tâm; Không ảnh hưởng đến nhu cầu thoát nước, thi công nhanh, tiết kiệm chi phí... nhưng hoạt động sẽ gặp khó khăn lớn nhất là tâm lý ngại đi bộ của người dân hiện nay.
Nghiên cứu kỹ, tránh "hiệu ứng ngược"
Liên quan đến đề xuất này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ vào khoảng 8%, nhưng 80% trong số đó dành cho diện tích mặt đường phục vụ phương tiện đi lại. Do đó, việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, việc hình thành điểm đỗ phải hết sức thận trọng, tránh "hiệu ứng ngược". Thực tế, nhiều bãi đỗ mọc lên không những không giải quyết được nhu cầu hiện tại, mà còn là nguyên nhân để người dân mua xe nhiều hơn, tắc lại hoàn tắc. Đối với đề xuất tận dụng mặt sông làm bãi đỗ, ông Minh cho rằng, giải pháp này sẽ mang tính đánh đổi. Cái được là không gian đỗ xe, cái đánh đổi gồm: Mỹ quan đô thị, điều tiết khí hậu, môi trường, cơ hội phát triển du lịch thủy nội địa trong tương lai.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, các con sông nằm trong phạm vi đề xuất này đều đang thực hiện chức năng thoát nước cho thành phố. Hàng năm, thành phố đều phải thực hiện nạo vét bằng dây chuyền cơ giới, việc xây dựng bãi đỗ xe ở trên sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác cải tạo lòng sông. Việc bê tông hóa cũng làm tăng nền nhiệt, tác động đến cuộc sống người dân xung quanh.
"Trường hợp bãi đỗ xe được hình thành theo đề xuất và đấu nối ra đường sẽ tạo ra nhiều điểm giao cắt, tình trạng ùn tắc có thể diễn biến phức tạp hơn. Thực tế, việc "cống hóa" để giải quyết nhu cầu đỗ xe cho người dân đã được TP Hà Nội thực hiện tại các con mương: Phan Kế Bính, Hào Nam, Nam Đồng... Những vị trí đó đều được xem xét, đánh giá tổng thể trên nhiều khía cạnh: Giao thông, môi trường trước khi thực hiện", ông Thắng nói.
Liên quan đề xuất làm bãi đỗ xe tại khu vực bãi giữa sông Hồng, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, chế độ thủy văn của sông Hồng rất phức tạp. Sông Hồng lại được xếp vào cấp đặc biệt, phục vụ giao thông đường thủy. Nếu hình thành bãi đỗ xe ô tô ở đây, việc làm đường kết nối sẽ chắn ngang dòng chảy hoặc sẽ tốn rất nhiều kinh phí để làm cầu nối đảm bảo tĩnh không thông thuyền.
Nam Khánh
Theo GTVT
Hà Nội quản lý xe ôm bằng thẻ hành nghề được không? Đề xuất ban hành quy định người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe môtô 2 bánh... phải đăng ký kinh doanh, đeo thẻ hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp từ đầu năm 2021 đã có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra Dự...