Theo dòng Cosplay (kỳ 1): Hành trình đến Việt Nam
Bạn là một cosplayer hay đơn giản chỉ là một fan hâm mộ của văn hóa Nhật Bản? Hãy hiểu thêm nhiều điều hơn về nền cosplay Việt trong series bài Cosplay và những điều bạn cần biết.
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu khái niệm chính xác nhất về cosplay. Ngày nay, “cosplay” là một danh từ được hiểu như hình thức hóa trang thành một nhân vật nào đó (trong manga, anime, game, book…), nhưng đôi khi cũng được dùng để chỉ những lễ hội hóa trang (tương tự như “masquerade”). Thuật ngữ này ban đầu được rút gọn từ cụm từ tiếng Anh “costume play” do Nov Takahashi (Studio Hard) sáng tạo ra khi tham gia khi tham dự lễ hội hóa trang ở Los Angeles SF WorldCon vào năm 1984, sau đó được ông viết lại và đăng trên tờ Japanesse SF. Chính bài báo là điểm khởi đầu, dấy lên phong trào cosplay tại Nhật Bản, rồi lan rộng và trở nên phổ biến cho tới ngày nay. Hiện tại, cosplay đã xuất hiện ở hầu hết những nơi có manga, anime: từ Châu Á đên Châu Âu, rồi Bắc Mỹ và dĩ nhiên trong đó có Việt Nam.
Thật khó để có thể nói chính xác thời điểm lần đầu tiên cosplay xuất hiện tại Việt Nam, bởi chúng ta đã có thể bắt gặp hình ảnh một vài otaku Việt Nam xúng xính trong những bộ trang phục của các nhân vật trong truyện tranh trong những ngày hội tự phát cách đây 7 – 8 năm. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một số ít trường hợp đặc biệt vào thời điểm đó. Còn nếu để chọn một mốc thời gian đánh dấu sự xuất hiện mạnh mẽ và chính thức được nhiều fan hâm mô truyện tranh hoạt hình Việt Nam biết đến rộng rãi thì người viết xin chọn năm 2004 với cuộc thi cosplay chính thức đầu tiên: A.M. Fans. Đã xuất hiện những cosplayer đầu tiên và tiếp nối sau là cuộc thi Cosplay trong khuôn khổ A.M. Festival đã thực sự mở ra một sân chơi lớn cho những người ham mê và yêu thích cosplay. Lần đầu tiên, giới otaku VN tiếp xúc và làm quen với hình thức hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong anime, manga, game…
Video đang HOT
Sau đó là A.M &fans 2 ở Giảng Võ 10/2005 ( do Mr Xuân Bắc làm Mc do CLB diễn đàn Manga holly land (thánh địa manga) kết hợp Tạp chí M’heaven tổ chức.)
Liền ngay sau đó, cosplay ngày càng được phát triển rộng rãi tại Việt Nam. Những lễ hội, những cuộc thi cosplay ngày càng được nâng cao về mặt chất và lượng, có mặt ở cả 2 miền Nam Bắc, với Stylish Festival I & II, KimDong Summer Night và Acctive Expo 2007 tại Hà Nội, hay JOVP và Sando Fes tại TPHCM, Sakura Matsuri 2008 – 2009, Nippon Genki Matsuri 2011 đã khuấy động một bầu không khí luôn cuồng nhiệt trong giới cosplayers Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, cosplay giờ đây xuất hiện trong hầu hết những lễ hội, buổi offline lớn nhỏ của cộng đồng fan hâm mộ truyện tranh tại VN với những otaku cos tự do. Thậm chí đã xuất hiện cả những shop may đồ cos chuyên nghiệp nhận đặt may trong và ngoài nước … Tất cả đều chứng tỏ một sự phát triển rầm rộ và mạnh mẽ của Cosplay tại Việt Nam trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, xét cho cùng, và cũng là một điều đáng mừng, thì cosplay trong mắt các otaku Việt Nam vẫn giữ nguyên được giá trị chuẩn mực của nó:
“Cosplay là một hình thức thể hiện tình yêu và sự hâm mộ của otaku với các nhân vật yêu thích của mình, cũng như một hình thức giao lưu giữa những người yêu thích A-M với nhau. Bản chất nó vô vụ lợi và không mang tính cạnh tranh gì cả.”
NGHỆ THUẬT HAY TRÒ CHƠI?
Không thể phủ nhận việc ngày càng có nhiều cosplayer Việt chuyên nghiệp hơn trong việc “chơi trang phục” và trào lưu cosplay đang vào thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất ở nước ta. Nhưng thật bất ngờ là câu hỏi: “Cosplay rốt cục là một loại nghệ thuật hóa trang hay chỉ đơn giản là trò chơi của những người có chung sở thích” đến tận bây giờ vẫn là một điều băn khoăn lớn của rất nhiều cosplayer đang khoác lên mình những bộ cánh của những nhân vật truyện tranh, hoạt hình, game mình yêu thích.
Đa số các fan hâm mộ manga – anime hiện nay đều đồng ý với quan điểm rằng Cosplay đơn thuần chỉ là một trò chơi, nơi mà các otaku có thể vui vẻ “diện” những bộ cánh lộng lẫy tưởng như chỉ có trong truyện tranh. Như ý kiến của một bạn: “Cosplay cũng chỉ là một trò chơi. Một trò chơi mà bất cứ ai cũng có thể tham gia tùy thích. Bạn không thể cấm họ và họ ko thể cấm bạn. Bạn cũng đừng quá gượng ép bản thân hay bạn bè xung quanh vì những chuẩn mực nào đấy vì cosplay chẳng mang lại lợi lộc gì cho cosplayer ngoài việc vui vẻ và thỏa mãn niềm đam mê của mình.”
Song nếu nhìn nhận theo hướng khác, thì quan điểm này chưa chắc đã hoàn toàn chính xác. Hãy thử tưởng tượng, mỗi khi cosplay một nhân vật nào đó, các cosplayer không chỉ cần một bộ trang phục cầu kì, chi tiết đến tận chân răng mà còn phải “đóng vai”, nhập tâm và thể hiện đúng tính cách, phong thái thần tượng của mình. Đấy là chưa kể, nếu tham gia dự thi một cuộc thi và may mắn lọt tới tận vòng chung kết, các cosplayer nhà ta thậm chí còn phải trình diễn một màn tài năng (thường là hát, kịch…) để thể hiện rõ nhất nhân vật mình đang cos. Những điều này là không hề đơn giản, và nếu đơn thuần chỉ là một trò chơi, liệu cosplay có mang đúng tinh thần của cosplay?
Rõ ràng, khó có thể nói cosplay là một môn biểu diễn nghệ thuật nhưng cũng chẳng chính xác nếu định nghĩa nó chỉ là một trò chơi của các otaku. Có lẽ, chúng ta sẽ tạm hài lòng với một ý kiến: “Cosplay là một trò chơi mang tính chất nghệ thuật và người ta sẽ nhìn vào tác phẩm mà đánh giá khả năng của người tạo nên nó.”
Nhưng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của phong trào này thì các quan niệm, chuẩn mực của cồng đồng những người yêu thích cosplay cũng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong việc nhìn nhận các tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là Cosplay Đẹp?
Theo VNE