Theo chân trai bản địa đi Tây Ninh mà vẫn “lạc” ở mảnh đất núi Bà Đen, vì sao vậy?
Theo chân trai bản địa Tây Ninh mà vẫn “lạc” ở mảnh đất núi Bà Đen, vì sao vậy?
Tưởng đi theo dân thổ địa thì không lạc, nhưng theo chân anh chàng Win đi ta lại càng thêm “lạc bước” ở Tây Ninh vì nhiều cảnh đẹp quá
Sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh nhưng phải đến chuyến đi này cậu bạn gen Z Win đi mới thấy hết những cảnh sắc thật đẹp của quê hương. Ai muốn về Tây Ninh mà phân vân chưa biết đi những đâu thì theo chân anh chàng bản địa Win đi nhé, trai Tây Ninh chính hiệu đó. Đảm bảo bạn sẽ mê mẩn vẻ đẹp tuyệt vời của núi rừng hoang sơ, những vườn cao su mùa rụng lá như rừng phong bên Hàn, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp hay những trầm tích văn hóa đặc trưng không giống bất cứ nơi đâu.
Bạn nên đi Tây Ninh vào lúc nào
Tây Ninh có khí hậu điển hình của vùng Đông Nam Bộ nên quanh năm ôn hòa, nắng ráo. Tuy nhiên thời điểm đẹp nhất để đi vi vu khắp Tây Ninh là mùa khô (từ tháng 12 năm nay đến tháng 4 năm sau). Còn một tháng nữa là mùa khô ở Tây Ninh kết thúc nên bạn tranh thủ trước khi đến mùa mưa nhé. Bên cạnh đó, vì nằm ở phía Tây giáp Campuchia nên Tây Ninh cũng có khí hậu khô nóng, đi chơi ở đây thì nhớ đem theo kem chống nắng để tránh nắng rát nha.
Rằm tháng Giêng và rằm tháng 8 âm lịch nơi đây có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của đạo Cao Đài, một tôn giáo hiếm ở Việt Nam nên bạn tranh thủ ghé dịp này cũng sẽ có những trải nghiệm độc đáo không đâu có được.
Đến Tây Ninh nghỉ ngơi ở đâu
Một vài lựa chọn sáng giá nhất cho bạn khi đến Tây Ninh là Vinpearl Tây Ninh – 5 sao, khách sạn Victory 30/4 hay Sunrise hotel Tây Ninh – 4 sao. Cụ thể có:
Vinpearl Hotel Tây Ninh: Số 90 đường Lê Duẩn, phường 3, đây là khách sạn cao cấp nhất ở Tây Ninh hiện nay, tiêu chuẩn 5 sao. Giá phòng từ 850K/ đêm
Victory 30/4 (gần nhà mình): 255 30/4, Tân Biên, Tây Ninh, là khách sạn 3 sao. Giá phòng chỉ từ 580k/đêm
Sunrise hotel Tây Ninh: số 81 đường Hoàng Lê Kha, Tây Ninh với tiêu chuẩn 4 sao, phòng có giá từ 600k/đêm
Bạn có thể đặt phòng khách sạn ở gần khu du lịch Núi Bà Đen hoặc ở các con đường trung tâm thành phố Tây Ninh. Giá khách sạn rất hợp lý nhưng không có quá nhiều lựa chọn cho bạn.
Di chuyển thế nào đến Tây Ninh
Từ Sài Gòn bạn có thể di chuyển đến Tây Ninh bằng các phương tiện như: xe khách đi từ bến xe An Sướng, giá khoảng 90k-150k; xe máy tự túc đi khoảng 3 tiếng (100km) hoặc xe bus với tuyến 703 từ Bến Thành về Mộc Bài, bắt tiếp tuyến số 5 về Tây Ninh.
Từ Hà Nội hoặc các tỉnh miền Bắc thì bạn đi máy bay hoặc tàu hỏa vào Sài Gòn và lựa chọn 1 trong 3 cách thức trên để di chuyển đến Tây Ninh nhé. Còn giờ thì cùng Win đi vi vu khắp Tây Ninh thôi nào!
Tây Ninh đi những đâu
Núi Bà Đen: Đến Tây Ninh mà không ghé núi Bà Đen thì tức là bạn chưa đi Tây Ninh rồi. Sau khi chinh phục ngọn núi cao hơn 900 m, bạn sẽ được đi dạo trong không gian tĩnh mịch mà nên thơ của ngôi chùa Bà Đen linh thiêng cùng trải nghiệm ngắm toàn cảnh vẻ đẹp núi Bà Đen. Con đường lên chùa Bà Đen mùa này cũng rất đẹp với những tán cây đang đổi màu đẹp lãng mạn như trong phim Hàn. Đi cáp treo thì sẽ được ngắm cảnh từ trên xuống dưới còn đi bộ thì sẽ được dạo bước trên những bậc thang quanh co ven núi nhưng mệt hơn chút nhé. Win đi lựa chọn đi cáp treo nên có những tấm hình chụp cáp treo, lưng núi rất đẹp nè.
Đến nơi bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm kiến trúc ngôi chùa cổ kính, độc đáo, mang dấu ấn đạo Cao Đài và được ngắm trọn vẹn view núi Bà Đen. Bạn cũng có thể săn mây, ngắm bình minh hoặc tuyệt tác hoàng hôn từ nơi đây đó.
Vườn hoa trên đỉnh núi Bà Đen và anh chàng bản địa Win đi đó
Video đang HOT
Tượng Phật bà bằng đồng cao nhất Việt Nam trên đỉnh núi Bà Đen
Nhà ga cáp treo lớn nhất và có kiến trúc độc đáo nhất Đông Dương
Tòa thánh Tây Ninh: Nếu bạn yêu thích những kiến trúc độc đáo, mới lạ thì đừng bỏ qua Tòa thánh Tây Ninh trong lịch trình du lịch Tây Ninh 3 ngày 2 đêm nhé. Từ bên ngoài, kiến trúc tòa thánh đồ sộ và tràn ngập các mảng màu rực rỡ đã làm bạn phải choáng ngợp. Cho đến khi bước vào bên trong, từng chi tiết của tòa thành được điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ còn khiến bạn mê mẩn hơn nữa. Cùng là hoa sen, rồng, lân, quy, phụng nhưng cách chạm trổ của đạo Cao Đài lại rất khác biệt, độc đáo. Chỉ cần bước chân đến đây thôi là bạn cũng cảm nhận được một phần của văn hóa tôn giáo đạo Cao Đài rồi. Một lưu ý là vào giờ lễ chính – khoảng 12h trưa thì bạn không được mang giày dép vào trong, nam đi cửa ở bên phải và nữ đi ở cửa phía bên trái.
Suối Trúc Tây Ninh: Nếu muốn tìm một không gian bình yên để được lắng đọng tâm hồn và thư giãn thực sự thì bạn đến suối trúc Tây Ninh nhé. Chỉ là một đoạn suối ngắn nằm ở đỉnh núi Cậu nhưng vì được bao phủ xung quanh bởi rừng trúc xanh bạt ngàn nên ai đến đây một lần cũng sẽ bị cảnh sắc yên bình như chốn tiên cảnh chinh phục.
Hồ Dầu Tiếng: Hồ Dầu Tiếng có 2 nửa, một nửa nằm ở Bình Dương, một nửa nằm ở Tây Ninh. Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất ở khu vực này, gần đây trở thành một địa điểm camping của rất nhiều bạn trẻ bởi có view hồ nước tuyệt đẹp và những bãi cỏ rộng thênh thang như thảo nguyên. Khung cảnh mặt trời mọc và lặn, sao trời buổi đêm cũng là điều nhiều người muốn trải nghiệm khi đến đây. Du lịch Tây Ninh đừng quên ghé hồ Dầu Tiếng nhé.
Cửa khẩu Mộc Bài: Đây là địa điểm mà bước qua một cái là bạn đã sang đến Campuchia rồi đó. Đến đây bạn có thể check in ở Cột Mốc giữa hai quốc gia và dạo quanh mua sắm ở khu mua sắm sầm uất, có rất nhiều món đồ hay ho đó nhé.
Khu du lịch Ma Thiên Lãnh Tây Ninh: Đây là một khu du lịch rất đặc biệt bởi nó nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên giao giữa 3 ngọn núi là Bà Đen, núi Heo và núi Phụng. Nơi đây vì thế mang vẻ đẹp hoang sơ với những rừng cây xanh mướt cùng nhiều góc sống ảo đẹp tuyệt cho bạn làm nàng thơ hoặc nhà thám hiểm giữa núi rừng.
Vườn nho Tây Ninh: Có ai mê những vườn nho Tây Ninh như Win đi không. Vườn nho tọa lạc ở số 622 ấp Phước Tân, Huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.Những vườn nho xanh mướt hoặc tím ngắt một màu nhìn ngoài thì thèm chảy nước miếng còn khi lên hình thì lại đẹp lạ như trời Tây đó.
Cây thốt nốt tình yêu: Dù không phải hình ảnh gì quá đặc biệt nhưng cây thốt nốt hình trái tim từ lâu đã là một biểu tượng đặc biệt của Tây Ninh, ai đến đây cũng muốn ghé chào cái cây cô độc mà trông xinh xinh đáng yêu này. Để đến được đây bạn đến huyện Tân Châu khoảng 4km, đi qua đường Khédol – Suối Đá, đến khu đồng ruộng mênh mông, nhìn sang bên tay trái là sẽ thấy cái cây đặc biệt này đó.
Lịch trình 3 ngày 2 đêm cụ thể
Ngày 1: Sài Gòn – check in Tòa thánh Tây Ninh – đến chơi Núi Bà Đen
Ngày 2: Hồ Núi Đá – chơi ở Ma Thiên Lãnh – ăn sập Tây Ninh
Ngày 3: Khu du lịch Long Điền Sơn – Hồ Dầu Tiếng
Tây Ninh có món gì ngon
Theo kinh nghiệm dân bản địa du Tây Ninh như mình thì khuyên mọi người khi tới Tây Ninh nhất định không thể bỏ qua những món ăn như sau:
Bánh tráng Tây Ninh: Món ăn ngon, bổ, rẻ ở Tây Ninh này các bạn không những có thể thưởng thức ngay tại các chợ vùng quê Tây Ninh mà còn có thể mua về làm quà nữa đấy. Bánh tráng Tây Ninh có các loại như bánh tráng trộn tắc, bánh tráng bơ, bánh tráng dẻo cay, bánh tráng dẻo tôm, bánh tráng me, bánh tráng muối ớt…Bạn có thể mua bánh tráng Tây Ninh tại các quán ăn vặt hay chợ ở Tây Ninh.
Thằn lằn và ốc núi bà Đen: Đây là 2 món ăn đặc sản Tây Ninh ngon, hấp dẫn mà bạn sẽ được thưởng thức khi tới du lịch núi Bà Đen
Muối Tây Ninh: Tây Ninh nổi tiếng có loại muối tôm, dùng để chấm hoa quả, ướp hải sản nên khi bạn tới các quán ăn vặt ở đây bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức loại muối tôm này. Mình nghĩ bạn nên mua thêm vài gói muối về ăn dần bởi loại muối này bán ở những tỉnh khác rất đắt.
Bánh canh Trảng Bàng: theo kinh nghiệm du lịch Tây Ninh thì bạn đừng bỏ qua món bánh canh Trảng Bàng, món ăn này có nước dùng thanh đạm, ăn kèm giá, rau sống rất là ngon. Bạn có thể tới quán Năm Dung ở số 90 Nguyễn Văn Rốp, Trảng Bàng, Tây Ninh để thưởng thức món ăn này.
Nem bưởi: Nem bưởi là món ăn đặc sản chỉ ở Tây Ninh mới có, được làm từ các loại nguyên liệu như lá chuối, vỏ bưởi, khế chua, ớt, vỏ bưởi, đu đủ gần giống như nem chua làm bằng thịt vậy nhưng nguyên liệu hoàn toàn đều là đồ chay. Muốn ăn nem bưởi thì bạn phải tới huyện Hiệp Thành mới chuẩn vị và có nhiều để mua nhé.
Đến Tây Ninh để Win đi dẫn bạn đi khắp nơi đây nhé
Tây Ninh tưởng không có gì mà nhiều không tưởng, ai muốn ghé một miền đất lạ, ăn thử nhiều món ngon thì đến Tây Ninh nha. Có Win đi đẹp trai lại là dân bản địa biết hết các đường đi lối lại Tây Ninh dẫn đi nè.
Những ngôi chùa đông khách thập phương nhất dịp đầu năm ở Nam Bộ
Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt ở cả ba miền mỗi dịp du xuân sau mấy ngày ăn Tết Nguyên đán.
Hãy cùng điểm lại những ngôi chùa đông khách thập phương nhất dịp đầu năm ở Nam Bộ.
Chùa Bà Tây Ninh
Khu du lịch núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là một quần thể du lịch tâm linh với ngôi chùa lớn nhất là chùa Bà Đen hay còn gọi là chùa Bà Tây Ninh hoặc Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tọa lạc trên sườn núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất ở Tây Ninh với lịch sử gần 300 năm. Bên cạnh chùa Bà, khu du lịch còn có chùa Hang, chùa Trung, chùa Quan Âm..., được người dân địa phương và nhiều khách thập phương đổ về chiêm bái, cầu an mỗi năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Hội xuân Núi Bà Đen thường tổ chức từ mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm và lễ Vía Bà diễn ra vào mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch, là những sự kiện thu hút đông khách thập phương nhất. Từ trước đó, nhất là vào ngày 30 Tết, người dân địa phương và vùng lân cận đã đến đây rất đông để dâng lễ. Vậy nên thời điểm thích hợp nhất để du lịch núi Bà Đen là trong khoảng tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, khoảng thời gian thường có thời tiết mát mẻ, ít mưa.
Đến với núi Bà Đen trước tiên du khách di chuyển đến Tây Ninh. Từ TP HCM nếu đi xe máy, ô tô riêng thì theo quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng rẽ phải vào tỉnh lộ 19 (hay còn gọi là ĐT.782), đi tiếp khoảng 65 km nữa là đến núi Bà. Hoặc bạn có thể rẽ trái vào thị xã Gò Dầu, đi quốc lộ 22B khoảng 72 km đến núi Bà Đen. Đi Tây Ninh bằng xe buýt từ TP HCM có tuyến Bến Thành - Mộc Bài rồi sang tuyến Mộc Bài - Tây Ninh vào trung tâm thành phố. Đi bằng xe khách có xe đi Tây Ninh trực tiếp ở bến xe An Sương hoặc đặt dịch vụ xe limousine.
Tới núi Bà, để đi lễ chùa Bà Đen thì có lựa chọn di chuyển lên điện Bà bằng cáp treo với hệ thống cáp treo hiện đại được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 gồm 2 tuyến cáp treo là tuyến cáp treo Chùa Hang để tham quan chùa Bà và tuyến cáp treo Vân Sơn để lên thẳng đỉnh núi. Ngoài ra còn có lựa chọn trekking đường bộ cho các bạn trẻ.
Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang
Mang nét đẹp giao thoa giữa kiến trúc Á - Âu với những nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây và nổi tiếng nhất tỉnh Tiền Giang với bề dày lịch sử hàng trăm năm. Từ lâu, chùa được coi là nơi rất linh thiêng để tới xin lộc làm ăn, sức khỏe và tình duyên... nên dịp Tết luôn thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, lễ bái.
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên con đường Nguyễn Trung Trực ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Để di chuyển đến chùa từ TP HCM, bạn cần đi theo hướng quốc lộ 1A tới trung tâm thành phố Mỹ Tho, sau đó đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3 km là đến công viên Vĩnh Tràng, rẽ trái và đi thẳng thêm 300 m là tới chùa Vĩnh Tràng.
Chùa Tiên Châu, Vĩnh Long
Chùa Tiên Châu ở cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; còn có tên gọi khác là chùa Di Đà hay Tô Châu, cũng là một điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương dịp đầu năm mới. Kiến trúc chùa theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau gồm có chánh điện, hậu tổ, hậu liêu. Chùa Tiên Châu có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo.
Vĩnh Long cách TP HCM khoảng 100 km về phía nam, có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển nên có nhiều lựa chọn di chuyển. Bạn có thể đi bằng xe máy, lái ô tô riêng hoặc mua vé xe khách từ TP HCM. Từ Sài Gòn đi Vĩnh Long thường sẽ mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Nếu đi tự túc, có thể từ Sài Gòn về trung tâm thành phố Vĩnh Long theo quốc lộ 1A. Từ thành phố Vĩnh Long, đứng bên bờ sông Cổ Chiên nhìn sang bờ bên kia là cù lao An Bình, chỉ cần đi phà ở công viên Sông Tiền khoảng 15 phút là tới cù lao, đi bộ thêm đoạn ngắn nữa là đến chùa Tiên Châu.
Chùa Bà Chúa Xứ, An Giang
Chùa Bà Chúa Xứ còn gọi là miếu Bà Chúa Xứ hay chùa Bà Châu Đốc, tọa lạc ở núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hàng năm, chùa đón rất nhiều khách thăm viếng để cầu an và là ngôi chùa linh thiêng mà nhiều người dân miền Nam và khách thập phương không thể bỏ qua khi đi lễ chùa dịp đầu năm mới.
An Giang giáp Campuchia, cách TP HCM khá xa. Bạn có thể đi theo hướng đường Trường Chinh qua cầu Tham Lương về ngã tư An Sương, rẽ trái vào đường Phan Văn Hớn, rồi chạy hơn 2 km thì rẽ trái tại ngã tư Bà Điểm vào xa lộ Đại Hàn thuộc QL1A. Tiếp tục đi hơn 4 km vào đường QL1A tại Tân Thới Nhất, quận 12. Sau đó, tiếp tục di chuyển theo hướng về đường cao tốc TP HCM - Trung Lương/ĐCT01 và QL62 đến ĐT 819 tại Tân Lập rồi đi dọc theo ĐT 819 đến đường 3 Tháng 2 tại thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Tiếp tục hành trình đi An Giang, bạn nên đi dọc theo TL831/Tỉnh lộ 831/ ĐT831, ĐT842 và ĐT841 đến Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, đi đến Phà Tân Châu/Tân Châu - Hồng Ngự. Sang bên kia sông, rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo/ĐT954 rồi chạy thẳng ĐT953 đến Phà Châu Giang tại Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Qua chuyến phà thứ 2, lái xe đến Châu Thị Tế/Tân Lộ Kiều Lương tại núi Sam.
Ai đi từ những tỉnh nằm ở khu vực Tây Nam Bộ thì có thể di chuyển đến thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang rồi di chuyển theo quốc lộ 91 đến thành phố Châu Đốc khoảng 50 km. Theo hướng tân lộ Kiều Lương đi đường vòng núi Sam là tới.
Chùa Bà Chúa Xứ cách trung tâm thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang khoảng 5 km về phía Tây Nam. Quãng đường từ Long Xuyên đến Châu Đốc thường có nhiều phương tiện di chuyển phục vụ du lịch như xe khách, xe buýt... Vào mỗi mùa lễ hội, số lượng xe di chuyển về núi Sam rất đông nhưng ít khi xảy ra ùn tắc.
Chùa Giác Lâm, TP HCM
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TP HCM, tọa lạc tại 565 (số cũ 118) Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Chùa khá rộng, xây dựng theo kiểu chữ tam gồm 3 dãy nhà nối liền nhau, bên trong bài trí 118 pho tượng cổ, gần 7.500 chiếc đĩa kiểu cẩn dọc từng lập kỷ lục Việt Nam.
Được coi là một ngôi chùa cổ và nổi tiếng bậc nhất ở TP HCM, chùa Giác Lâm thường thu hút rất đông du khách viếng thăm quanh năm, nhất là vào dịp Tết. Kiến trúc của ngôi chùa được xem là tiêu biểu hàng đầu miền Nam, với chính điện kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái và bốn cột chính gọi là tứ trụ. Du lịch Sài Gòn đầu xuân năm mới quả không thể bỏ qua ngôi chùa này.
Núi Bà Đen xuất hiện "đĩa bay mây" khiến du khách thích thú Mây thấu kính - một hiện tượng tự nhiên phức tạp và hiếm gặp trên thế giới một lần nữa xuất hiện tại đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) khiến nhiều người bất ngờ và thích thú. Ngày 13/5, người dân tại Tây Ninh một lần nữa lại được chiêm ngưỡng đám mây mang hình dạng đĩa bay siêu hiếm trên đỉnh núi...