Theo chân những cao thủ xứ Quảng săn loại nấm quý giữa rừng Nam Giang
Công việc hái nấm lim xanh tuy vất vả, ăn ngủ trong rừng nhưng mang lại thu nhập khá. Chúng tôi vừa có chuyến trải nghiệm cùng nhóm người Đại Lộc đi tìm hái nấm tại miền núi Nam Giang.
Người dân hái nấm lim xanh ở khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6 (Nam Giang). Ảnh: T.T
Đúng như lời hẹn, 8 giờ sáng, ông Nguyễn Ba (61 tuổi, xã Đại Hồng, Đại Lộc) – người hơn 10 năm đi hái nấm lim xanh, đón chúng tôi tại khu vực thủy điện Sông Bung 6 (Nam Giang) để vào rừng tìm nấm. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn cho chuyến đi, 3 thành viên trong nhóm ông Ba cõng trên lưng mỗi người chiếc ba lô đựng đồ ăn, thức uống… đủ dùng cho 2 ngày một đêm trong rừng.
Men theo khu rừng keo của người dân, những gốc lim ven đường đã có nấm, nhưng còn rất nhỏ. Thấy 2 nấm lim xanh cao chừng 7cm, ông Ba cho biết nấm mới mọc khoảng 5 ngày và chưa thể thu hái.
“Nấm lim xanh chỉ mọc ở gốc cây lim đã chết, từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch là thời điểm nấm mọc nhiều. Ở khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6, dù là gốc lim trong rừng trồng hay rừng tự nhiên đều có nấm lim mọc. Nấm đã trưởng thành chúng tôi mới thu hoạch” – ông Ba nói.
Nấm lim xanh mới mọc người dân sẽ không thu hái. Ảnh: T.T
Nhóm “săn” nấm tiếp tục tiến vào khu rừng tự nhiên. Hầu hết thành viên trong nhóm đều quen với địa hình, vị trí có gốc lim để đến tìm nấm. Tại một gốc lim trong rừng đầu nguồn sông Bung, họ phát hiện 9 nấm lim xanh mọc ở gốc cây lim, có chiều dài 5 – 25cm. Tuy nhiên chỉ thu hái 7 nấm lớn, không hái 2 nấm còn lại vì nhỏ, chưa đủ kích thước.
Video đang HOT
Để hái nấm lim xanh, người dân phải dùng rựa tách phần tiếp giáp giữa nấm với thân cây lim. “Từ đầu tháng 4 đến nay, miền núi ít mưa nên nấm phát triển chậm. Hái nấm lim trong rừng già nhiều nguy hiểm nên chúng tôi thường đi thành từng nhóm, lỡ gặp bất trắc thì còn giúp đỡ nhau” – ông Ba bộc bạch.
Nhóm ông Nguyễn Ba tiến vào khu vực rừng tự nhiên để tìm nấm. Ảnh: T.T
Một ngày tìm kiếm nấm kết thúc, khi mặt trời vừa lặn. Họ tiến đến bãi đất ven suối trong rừng để nghỉ ngơi, ăn tối. Một ngày cõng chiếc ba lô trên lưng, đôi chân vượt hàng chục cây số đã khá mỏi, các thành viên trong nhóm dựng lán trại rồi chia nhau ra nấu cơm, người cầm đèn pin đi dọc bờ suối kiếm thêm bó rau, con ếch về cải thiện bữa ăn.
Đêm, rừng già vắng lặng, bên bờ suối tiếng ếch nhái kêu nghe vui tai. Dưới ánh sáng mập mờ của đèn pin, nhóm ông Ba quây quần bên bữa cơm tối. Những câu chuyện gắn với nghề dần được kể. Mỗi người đến với công việc này rất khác nhau. Có người thất nghiệp nên mới theo nghề này, có người bỏ nghề phu vàng rồi bám víu với nghề “săn” nấm…
Công việc tìm nấm lim xanh nhiều vất vả. Ảnh: T.T
Trong nhóm 3 người hái nấm này, chuyện của ông Nguyễn Văn Hoan (47 tuổi, xã Đại Đồng, Đại Lộc) được nhiều người truyền tai nhau.
Ông Hoan kể với chúng tôi, hơn 10 năm trước, mẹ ông bị ung thư thận, di căn biến chứng qua gan quá nặng và bệnh viện “trả về”. Được một số người chỉ dẫn, ông lên rừng tìm nấm lim xanh về cho mẹ mình uống. Sau gần 2 tháng trời, mẹ ông khỏe hẳn ra, bà đi lại trong nhà được và có thể làm những việc nhẹ như quét nhà, rửa chén, nấu cơm.
Từ đó, vào mùa nấm lim xanh mọc, ông Hoan lại cần mẫn lên rừng tìm cho mẹ uống. Khi nấm lim xanh được nhiều người biết đến và có giá cao, ông Hoan thu mua và trở thành đại lý. Hiện nay thỉnh thoảng vài tuần ông mới đi hái nấm một chuyến.
Sau khi hái ở rừng tự nhiên, nấm lim xanh được mang về xuôi bán cho thương lái. Ảnh: T.T
“Từ khi biết đến công dụng chữa bệnh, tôi luôn tìm hiểu về nấm lim xanh. Những năm gần đây tôi thu mua nấm lim của anh em đi rừng hái về, nhưng thỉnh thoảng vẫn lên lại rừng để tìm. Đã quen với rừng mà không lên rừng thì thấy rất nhớ” – ông Hoan nói.
Mỗi ký nấm sau khi hái về, người dân bán cho thương lái với giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/ký tươi. Mỗi chuyến đi rừng, người dân kiếm 500 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Điểm sáng "Du lịch dựa vào cộng đồng" ở Nam Giang
Đến huyện miền núi Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, không những được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ diệu.
Được tận mắt nhìn thấy cột mốc biên giới của Tổ quốc với nhiều cảm xúc dạt dào, mà còn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của rượu Tà Vạt giữa khung cảnh đại ngàn Trường Sơn. Từ một nơi còn nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Nam Giang đã 'thay da đổi thịt' từng ngày.
Các mặt hàng thổ cẩm của đồng bào dân tộc Cơ Tu được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tiên Sa
Huyện Nam Giang cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 120km về phía Tây Bắc, cách cửa khẩu Đắc Ốc - Đắc Tà Oọc 70km về phía Đông, có đường biên giới dài hơn 70km tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn với 63 thôn; dân số trên 23.000 người. Từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Một trong những điểm nhấn làm nên điều đó phải kể đến sự phát triển về du lịch mà tiêu biểu là Dự án "Du lịch dựa vào cộng đồng" tại làng Zơ Ra, xã Tà B,hing.
Ông Nguyễn Văn Phi, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nam Giang cho biết, đồng bào Cơ Tu ở xã Tà B,hing đang tham gia Dự án "Du lịch dựa vào cộng đồng" - một dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ và Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) trực tiếp thực hiện. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 8-2016, áp dụng phương pháp phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một của dân tộc Cơ Tu (dệt vải, các điệu nhảy, món ăn truyền thống...), đồng thời khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương.
Ông Pơ Loong Hon, Chủ tịch UBND xã Tà B'hing phấn khởi nói: "Sau khi có tổ chức phi Chính phủ FIDR của Nhật Bản đến hỗ trợ, sản phẩm dệt của người dân Zơ Ra đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu, được nhiều nơi biết đến". Hiện nay, làng Zơ Ra có khoảng 20 người phụ nữ dệt vải, tất cả đều làm thủ công, cho ra những sản phẩm tinh xảo và đẹp mắt.
Hiện nay, UBND huyện Nam Giang đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tà B,hing gắn với dự án thác Grăng, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra... Nhờ đó, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra ngày càng có cơ hội đến với khách du lịch nhiều hơn, góp phần quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Nam Giang với nhiều đổi thay nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Theo thống kê, Tà B,hing hiện có trên 80% số hộ dân sắm được ti vi; phần lớn các gia đình đều có xe gắn máy; hơn 95% số hộ được sử dụng điện chiếu sáng; khoảng 75% số hộ được sử dụng nước sạch...
Bên cạnh phát triển nông - lâm nghiệp, xã đã đẩy mạnh hoạt động của ngành tiểu thủ công nghiệp (làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Zơ Ra), thương mại - dịch vụ (thác Grăng, làng nghề Zơ Ra...).
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (2016-2019), tổng giá trị thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện đạt hơn 1.266 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện Nam Giang có 16 doanh nghiệp, hơn 1.010 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tăng 1 doanh nghiệp và 138 hộ kinh doanh cá thể so với năm 2015.
"Hiện nay, huyện Nam Giang đang "cất cánh" khi Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc, Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, Thủy điện Sông Bung 4... đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn. Thị trấn Thạnh Mỹ, làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra, thác nước Grăng, làng Rô... trở thành những tuyến điểm du lịch đầy tiềm năng. Những mặt hàng nông sản, thổ cẩm, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... ở Nam Giang có sức cuốn hút lạ kỳ đối với du khách. Tương lai, nếu được đầu tư đúng mức, quảng bá bài bản, có chiều sâu, Nam Giang sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất hấp dẫn..." - Ông A Viết Sơn chia sẻ.
Tiên Sa
Quảng Nam lập 15 chốt kiểm soát dịch ở khu vực biên giới Ngày 27-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ban hành công văn tạm thời đóng cửa tất cả cửa khẩu chính và phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, kể từ nay đến ngày 20-4-2020. Một chốt kiểm soát dịch bệnh của lực lượng Biên phòng...