Theo chân kẻ chăn dắt, hành hạ trẻ em
2 giờ khuya, khu vực trung tâm đã thưa người, duy chỉ còn đường Bùi Viện – Đề Thám thì vẫn đông khách. Bất chấp tiếng nhạc inh ỏi, khói thuốc mịt mờ, các em tiếp tục len lỏi vào các quán bia để bán hoa. Thấy tụi nhỏ tội nghiệp, nhiều vị khách tây hảo tâm cho tiền lúc thì vài chục, có khi cả trăm nghìn.
Thấy trên tay Nam vẫn còn nặng trĩu những bó bông, Liên xúi Nam đến mượn tiền của người bán chewingum. Sau một hồi chần chừ, Nam bảo hôm trước mượn chị ấy chưa trả được nên không dám. Sợ bọn nhỏ bị ăn đòn, chúng tôi và chị Kiều lại lấy tiền mua bông ủng hộ. Lát sau, Dũng lê lết ôm đống hoa về vẻ mặt buồn so, miệng lẩm bẩm: “Hôm nay xui quá, năn nỉ hoài mà khách chẳng mua cho, mới bán được hai trăm ngàn, thế nào về cũng dính đòn”. Thấy thương tình, chị Kiều vừa lấy tiền đưa Dũng vừa bộc bạch: “Tiếng là cho mượn chứ tui biết lũ trẻ làm gì có tiền trả, nhưng sợ bọn chúng bị lũ người chăn dắt đánh đập nên thỉnh thoảng mình vẫn làm phước”.
Chứng kiến cảnh đó, bác Lê Tú Lan – cán bộ hưu trí trĩu giọng: “Tương lai tụi nhỏ sẽ đi về đâu khi hàng ngày phải đối mặt với việc mưu sinh giữa đêm trường và nỗi sợ hãi bị đánh đập, hành hạ. Nếu lỡ mai này không mượn được tiền hoặc không được những người tốt bụng như chị Kiều giúp đỡ, bức bách quá bọn trẻ làm liều đi trộm cắp, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng mượn tay đi giao “cái chết trắng”, dụ dỗ vào con đường nghiện ngập, làm tay sai cho chúng thì sao? Ranh giới giữa thiện và ác rất mong manh, nhất là ở môi trường nhạy cảm, nhiều cám dỗ”.
Gã đàn ông chở bọn trẻ đi bán hoa
Có lần thấy Liên chăm chú nhìn ra công viên – nơi có những em nhỏ đang chơi đùa, chúng tôi hỏi con đang ước mơ gì, Liên đáp gọn lỏn: “Con ước được cha mẹ đưa đi chơi như các bạn, được đi học sau này trở thành cô giáo…”. Nói rồi cô bé quay đi, dù trong ánh đèn lờ mờ chúng tôi vẫn nhận thấy mắt em đang ngấn lệ. Dẫu biết đó chỉ là ước mơ giản dị nhưng với Liên sao nó quá xa vời.
Càng về khuya, nhiều con phố đã im lìm trong giấc ngủ, nhưng các em nhỏ vẫn phải lê đôi chân mỏi mòn trong màn sương lạnh giá. Sau chục tiếng đồng hồ đi bộ quanh các khu phố để bán bông, Nam ngồi thụp xuống hiên một căn nhà, định gục xuống chợp mắt một lát nhưng chợt nhận ra trên tay còn khá nhiều bông nên em lại hớt hải bật dậy, lọt thỏm trong bóng đêm.
Được sự hộ tống nhiệt tình của cậu em trai, hôm sau chúng tôi quyết định thức trắng đêm, đeo bám những kẻ chăn dắt về sào huyệt của chúng. Thấy chúng tôi liên tục làm việc giữa đêm hôm khuya khoắt, chị Kiều rất lo lắng và không quên dặn dò: “Bọn chúng rất dữ dằn và manh động, em phải hết sức cẩn trọng”. Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng hàng ngày nhìn những đứa trẻ vô tội bị hành hạ chúng tôi không thể cầm lòng.
10 giờ tối hôm sau, chúng tôi bí mật theo chân các em tới góc giao lộ Bùi Viện – Đề Thám, Q1. Chọn một quán nước ở vỉa hè để quan sát, hơn 11 giờ, chúng tôi thấy Liên và bọn trẻ kéo nhau đến gặp một phụ nữ trạc ngoài tứ tuần, mái tóc nhuộm vàng hoe đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế mây đợi các em về nộp tiền. Sau khi giao bông cho lũ trẻ, bà ta không ngừng chỉ chỏ, ra lệnh. Lát sau, người phụ nữ ấy điều khiển chiếc Dream chạy lòng vòng để giám sát. Chúng tôi dò hỏi thì được bác xe ôm cho biết bà ta chính là chủ chăn dắt, cứ mười giờ tối đến đó “ngồi đồng” chờ sắp nhỏ đem tiền về nộp.
Video đang HOT
Sợ mụ ta nghi ngờ, chúng tôi không dám ngồi lâu, thỉnh thoảng lại lượn quanh các con phố. Ăn vội ổ bánh mì, chúng tôi tiếp tục bám theo các em. Đêm cuối năm trời lạnh, dù mặc cả áo khoác mà chân tay chúng tôi vẫn run rẩy nhưng bọn trẻ chỉ phong phanh tấm áo mỏng.
Thấy Nam lê đôi chân mệt mỏi, một vị khách hảo tâm mua cho một lon nước ngọt. Nam cầm vội, nốc một hơi hết luôn để lấy sức tiếp tục cuộc mưu sinh trong đêm trường. Đồng hồ điểm ba giờ sáng, chúng tôi quay lại chỗ quán nước thì thấy một gã thanh niên mặt mày bặm trợn, thân hình xăm trổ vằn vện đang ngồi chình ình trên yên xe. Sau khi trao đổi nhanh với bà Hồng, hắn ta lấy xe phóng đi, mắt liên tục đảo quanh quan sát. Lát sau gã bất ngờ quay lại, tiến về phía chúng tôi móc điện thoại ra chụp hình biển số xe máy rồi buông lời đe dọa: “Đ.M, chụp hình gì tụi này, xéo ngay khỏi đây để bọn tao còn làm ăn, nếu còn léng phéng thì đừng có trách…”. Biết đã gặp phải kẻ lưu manh, chúng tôi đành làm thinh. Thấy chúng tôi không phản ứng gì, hắn liền quay xe phóng vụt đi. Dù biết việc đeo bám những kẻ bặm trợn sẽ gặp nguy hiểm nhưng trước tình thế bất ngờ này chúng tôi cũng không khỏi hú vía.
Nơi ở của những kẻ chăn dắt
Sau ít phút trấn tĩnh, chúng tôi quyết định rút lui. Vừa chạy xe ra đường Phạm Ngũ Lão, chúng tôi gặp ngay gã thanh niên hồi nãy, hắn vội cua xe dí theo. Chúng tôi nói cậu em bình tĩnh, chạy xe thật chậm và tìm cách cắt đuôi. Qua gương chiếu hậu, chúng tôi vẫn thấy hắn lẽo đẽo đằng sau. Chưa biết phải xử lý thế nào thì khi đến giao lộ Trương Định – Điện Biên Phủ, thấy các chiến sĩ cảnh sát cơ động và giao thông đang kiểm tra hành chính người đi đường, chúng tôi liền tấp vào, nhờ họ giúp đỡ. Thấy vậy gã kia liền quay xe vọt thẳng. Hai ngày sau, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tìm sào huyệt của bọn chăn dắt.
Rút kinh nghiệm đêm hôm trước, lần này chúng tôi đổi xe máy và kiếm một góc khuất để bí mật theo dõi. Biết khoảng ba – bốn giờ sáng bọn chúng sẽ đón các em gần giao lộ Bùi Viện – Đề Thám, chúng tôi không rời mắt khỏi cung đường này. Đúng như dự đoán, khoảng hơn 3 giờ 30, mấy đứa nhỏ tụ về đây. Trước khi dừng xe, bà Hồng mắt láo liên nhìn quanh quan sát một vòng rồi ngoắc hai đứa nhỏ lên xe. Gã thanh niên đi cùng thỉnh thoảng lại ngoái cổ ra sau, rồi liên tục điều chỉnh gương chiếu hậu. Chúng tôi tà tà bám theo. Qua khỏi cầu Ông Lãnh, hắn tăng ga chạy vun vút. Chúng tôi định đua theo nhưng nếu vượt lên bà Hồng đang chạy phía trước sẽ phát hiện, rất dễ bại lộ. Nếu để bọn chúng phát hiện thì công sức đeo bám sẽ đổ sông đổ biển. Thế nên chúng tôi quyết định theo sau bà Hồng.
Qua khỏi cầu Kênh Tẻ, chúng tôi sởn da gà khi thấy đường quá vắng vẻ. Giữa đêm hôm khuya khoắt, nếu bị phát hiện, bao vây chắc chúng tôi sẽ không còn đường về. Tới siêu thị Lotte, bà Hồng quẹo trái vào đường Nguyễn Thị Thập. Đường vắng tanh nên bà ấy bắt đầu tăng tốc khiến chúng tôi cũng phải hụt hơi bám theo. Chạy đến gần cuối đường gặp cây xăng trên đường Nguyễn Thị Thập, bà ta bất ngờ cho xe rẽ trái đi ngược chiều rồi quẹo vào hẻm 142, chúng tôi cũng giảm tốc độ, giãn khoảng cách và bám theo. Con hẻm vòng vèo sâu hun hút như muốn thách thức chúng tôi. Đi sâu vào trong khoảng vài trăm mét, bà ta rẽ phải. Ngõ nhỏ ngoằn ngoèo sâu hun hút, chúng tôi định bám theo thì tiếng chó sủa inh ỏi. Thấy không an toàn, chúng tôi đành quay ra, ghi nhớ đặc điểm con hẻm rồi chuồn nhanh.
Do đã nắm rõ lộ trình và thời gian đi về của bọn chúng nên đêm hôm sau, chúng tôi quyết định mai phục ở con hẻm này. Có mặt tại đây lúc ba giờ sáng, lần này chúng tôi chia nhau núp ở những khúc cua. Con hẻm nhỏ chằng chịt tối thui, muỗi nhiều như vỏ trấu, chỉ cần thấy ánh đèn xe cùng tiếng xe máy nổ là có thể khoanh vùng được nhà đối tượng. Chỉ cần xác định bọn chúng đi vào ngõ nào là có thể lần ra sào huyệt. Gần bốn giờ sáng, thấy ánh đèn pha xe máy, chúng tôi vội núp vào cổng những ngôi nhà trong hẻm thì thấy bọn chúng quẹo vào con hẻm số 300 Nguyễn Văn Linh.
Hôm sau chúng tôi lại gần khu vực này dò hỏi thì người dân cho biết: cách đây ba năm vợ chồng ông Châu – bà Hồng đến thuê căn nhà này và tá túc từ đó đến nay nhưng họ rất ít quan hệ với hàng xóm nên người dân ở đây cũng không biết gì về họ nhiều, chỉ thấy tối nào bà ta và con trai cũng chở mấy đứa nhỏ đi bán bông. Từ nguồn tin này, chúng tôi lững thững đi bộ để dò la, thì bất ngờ nhìn thấy chiếc xe Dream quen thuộc hôm trước gã thanh niên sử dụng rượt theo chúng tôi đang dựng trước cửa tiệm, bên trong có mấy người đàn ông đang đứng ngồi lố nhố. Để chắc chắn, chúng tôi kiếm quán nước gần đó ngồi theo dõi. Đến 18 giờ, thấy anh em Liên – Nam – Dũng bước ra cổng, mỗi đứa xách theo hai bịch bông trèo lên xe bà Hồng và gã thanh niên bữa nọ…
(Còn tiếp)
Theo 24h
Chích thuốc lá đang cháy vào tay trẻ
Không chỉ bắt các cháu nhỏ đi bán hoa dạo hàng đêm, vợ chồng Hồ Đình Châu còn chích điếu thuốc lá đang cháy vào đầu ngón tay hay dùng chày đánh vào vùng thái dương các cháu nếu tỏ ra lơ là "làm việc".
Nắng cũng như mưa, bất kể ngày thường hay lễ tết, những đôi bàn chân nhỏ xíu phải lang thang từ khi chạng vạng đến lúc gần sáng bán những giỏ hoa tươi mang tiền về vỗ béo cho những kẻ chăn dắt vô lương tâm. Mỗi khi ế ẩm, các em bị bọn chúng hành hạ, đánh đập dã man như thời trung cổ. Sau nhiều đêm thức trắng đồng hành cùng các em nhỏ, chúng tôi đã phát hiện sự thật kinh hoàng, lật tẩy bộ mặt thật của những kẻ táng tận lương tâm, buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi man rợ.
Đêm cuối năm, trong lần lang thang tại địa bàn trung tâm thành phố để thu thập tài liệu viết bài, tình cờ ghé quán nước vỉa hè trên đường Bùi Viện, chúng tôi thấy cậu bé chừng 10 tuổi, khuôn mặt sáng sủa liến thoắng mời chào khách mua hoa tươi. Chúng tôi chưa kịp từ chối thì thấy cậu bé đưa tay lên đầu vò tóc, cả 10 đầu ngón tay em đều sưng vù, rỉ máu, nước vàng chảy ra bốc mùi hôi khó chịu. Tôi liền mua một bó bông rồi hỏi, thì cậu bé bảo là bị bỏng rồi lủi đi trong nháy mắt... Thấy chúng tôi thắc mắc, chị chủ quán nước rỉ tai: "Thằng bé bị những kẻ chăn dắt hành hạ đó, ngoài nó ra còn có cả mấy đứa kia cũng bị ăn đòn vì không bán được bông". Được sự giúp đỡ của chị Kiều - chủ quán, tôi đã vào vai nhân viên phụ quán để dễ bề tiếp cận lũ trẻ.
Khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả tìm về tổ ấm, quây quần bên mâm cơm gia đình thì cũng là lúc những đứa trẻ bắt đầu tất tả trên con đường mưu sinh để mang tiền về cho chủ chăn dắt.
Bé Liên bán hoa giữa đêm khuya
Khu vực đường Bùi Viện - Đề Thám buổi tối du khách tụ về đây nhộn nhịp, chủ yếu là tây ba lô. Cách nhậu của họ cũng đơn giản, chỉ cần ngồi vỉa hè lai rai chai bia với một vài món "đặc sản" của người Việt, cũng có khi chỉ uống suông chẳng cần mồi. Sau một hồi phụ chị Kiều bán hàng, lấy bia cho khách, chúng tôi thoáng thấy bóng dáng mấy đứa trẻ bán bông nên vội tìm cách tiếp cận, nhưng bọn chúng đều né tránh. Chúng tôi lại gần cô bé có khuôn mặt khá xinh xắn, nước da trắng mịn làm quen, nhưng cô bé tỏ ra dè dặt, e ngại, hỏi mãi em mới cho biết mình tên Liên, quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.
Cách đây hai năm, bà Hồng về quê đưa Liên và anh trai tên Dĩnh vào Sài Gòn. Dù còn ít tuổi nhưng Liên rất lanh lợi và tinh khôn. Có lẽ vì tuổi thơ vất vả, lại sớm phải bươn chải vào đời, tiếp xúc đủ mọi loại người nên theo bản năng cô bé khá khôn ngoan và lọc lõi. Trong lúc trò chuyện, thấy chúng tôi lấy điện thoại ra thao tác, Liên tỏ vẻ nghi ngờ: "Con coi bộ cô không giống người phụ bán quán, nhà cô ở đâu?", rồi cô bé bắt chúng tôi phải cất điện thoại đi mới chịu nói chuyện. Liên kể: "Nhà con nghèo lắm, cha con bị bắt do nợ nần, bao nhiêu tài sản đều phải bán hết trả nợ, cả năm mẹ con phải sống lênh đênh trên con thuyền nhỏ, một mình mẹ không nuôi nổi bốn chị em con nên khi bà Hồng đề nghị đưa vào Sài Gòn đi bán bông, mẹ đồng ý liền".
Câu chuyện còn đang dở thì Liên bảo phải đi bán, nếu bà chủ thấy la cà sẽ cho ăn đòn. Hơn một giờ sau, cậu bé bán hoa hôm trước xuất hiện, chúng tôi nhờ chị chủ quán gọi vào để làm quen. Lúc đầu cậu bé cũng lảng tránh, nhưng khi biết chúng tôi là người phụ quán của chị Kiều, cậu bé yên tâm hơn. Cậu cho biết mình tên Nam, 12 tuổi, quê ở Huế. Lát sau, các bạn của Nam là Dĩnh và Dũng cũng lần lượt ghé vào. Chúng tôi chủ động làm quen và hỏi han thân tình nên bọn nhỏ cũng không còn e ngại.
Dũng và mười đầu ngón tay bầm dập sau khi bị ông Châu hành hạ
Sau vài ngày gần gũi, bọn trẻ dần cởi mở hơn, nhưng khi được hỏi về công việc và những vết thương trên da thịt thì các em tỏ ra dè dặt. Ánh mắt buồn, khuôn mặt đờ đẫn, với người lạ Nam chỉ len lén nhìn. Chúng tôi hỏi mãi Nam mới ậm ừ, thằng Dĩnh đi cùng nhanh nhảu đáp: "Nó bị ăn đòn nhiều nên lúc nào cũng hoảng sợ, lâu lâu cứ đờ đẫn như đứa mất hồn".
Chúng tôi gặng hỏi thì Nam bảo phải đi bán hoa, không có thời gian nói chuyện, ghé đây lâu bà chủ mà biết sẽ đánh đòn. Thế nên để Nam có thời gian ngồi lại, chúng tôi phải mua hết số hoa để em yên tâm. Mới 12 tuổi nhưng Nam đã có thâm niên gần ba năm bán bông ở khu vực này, mọi hang cùng ngõ hẻm ở đây Nam đều thuộc như lòng bàn tay. Thấy chúng tôi tỏ ra thân tình, lát sau Nam mới thủ thỉ: "Lúc mới vào đây, không chịu nổi cảnh đối xử tàn nhẫn của ông bà chủ, thừa lúc đi bán bông con đã tìm cách bỏ trốn, nhưng lang thang mãi cũng sợ. Con nhớ cha mẹ và gia đình nhưng không biết nhà mình ở đâu nên đành quay lại...!". Có lẽ em xa nhà đã quá lâu nên không còn nhớ mình mang họ gì, chỉ biết mình tên Nam. Mười đầu ngón tay thâm đen, ứa nước vàng, mỗi lúc ngứa ngáy, em lại đưa cả cánh tay lên đầu cọ cọ, xoa xoa. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi thấy cay xè nơi khóe mắt.
- Tay con bị làm sao mà đến nông nỗi này?
Nam cúi mặt hồi lâu rồi mới lí nhí:
- Bị ông chủ tên Châu, chồng bà Hồng đốt thuốc lá rồi châm vào mười đầu ngón tay.
- Tại sao con bị ông chủ hành hạ, những đứa khác có bị đánh như con không?
- Chỉ có hai anh em thằng Dĩnh bán đắt hàng nên đỡ bị ăn đòn, còn con và thằng Dũng mỗi khi bán ế đều bị đánh, hành hạ.
- Thế sao lúc ông ấy lấy thuốc lá dí vào các đầu ngón tay, con không la lớn?
- Bọn con đau lắm nhưng không dám khóc, ông ta bảo tụi mày mà khóc, hàng xóm nghe thấy tao đánh chết không còn đường về...
Rồi Nam nắm tay tôi năn nỉ: "Cô có cách gì cứu tụi con không, con sợ bị ăn đòn và bị dí đầu thuốc lá vào tay lắm". Nói rồi Nam lấy tay gạt nước mắt. Hồi sau, Nam mới tiếp: "Mấy tháng trước, có lần gặp trời mưa nên con chẳng bán được hoa, loanh quanh mãi không dám về vì sợ bị ăn đòn. Khi con đang ngồi ở vỉa hè thì bị bà chủ phát hiện tóm lên xe. Về đến nhà trọ bà bạt tai con túi bụi, thấy cái chày đâm tỏi ở kệ bếp, bà ấy lấy đập liên tiếp vào mặt. Hôm sau mắt con đỏ ngầu, mặt sưng vù nhưng bà ấy vẫn quăng cho cả bó bông bảo phải đi bán hết, nếu không đừng có trách".
Hai bàn tay Nam thâm tím ứa máu cùng với vết thương trên mặt
Chúng tôi thắc mắc: "Bị đánh vậy cha mẹ con ở quê có biết không?". "Ba con làm nghề đánh cá, hay nhậu nhẹt, má nói hoài ba không nghe nên má buồn dắt em con đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới điện thoại, lúc đó đều có ông bà chủ ngồi giám sát nên con sợ không dám nói...". Chưa hết câu, cậu bé vội vã bước đi. Nhìn bóng Nam khuất dần nơi góc phố, anh Trịnh Văn Thành, bảo vệ một khách sạn gần đó trăn trở: "Ngày nào tôi cũng chứng kiến bọn trẻ lang thang, lây lất suốt từ tờ mờ tối đến tận 3 - 4 giờ sáng, bất kể trời mưa giông, ốm đau hay bệnh tật, các em không hề biết đến ngày nghỉ. Ngày lễ, trong khi mọi người được vui chơi thì cũng là lúc các em phải làm việc cật lực hơn, có mặt ở đây sớm hơn và về nhà muộn hơn. Vậy mà vẫn bị những kẻ chăn dắt đánh đập mang thương tích đầy mình".
Dũng có vẻ khó gần hơn Nam, nhưng sau vài lần chúng tôi hỏi han, em cũng tỏ ra rất thân thiện. Cũng giống như Nam, mười đầu ngón tay Dũng đỏ ửng, nước vàng và máu cứ chảy ra, những chiếc móng đang dần hoại tử muốn bung rời, bốc mùi khó chịu. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng Dũng lại đưa tay lên thổi. Chúng tôi hỏi thì Dũng bảo đau lắm cô ơi, nhất là những lúc tắm rửa, vết thương lại chảy máu. Ngày nào về nhà cũng gần bốn giờ sáng, con phải lấy nước muối rửa nên xót và đau lắm. Nhìn cậu bé đau đớn, thương tình chị Kiều vội chạy đi mua thuốc, chúng tôi ép mãi Dũng mới uống nhưng dứt khoát không chịu bôi thuốc vì sợ bị chủ phát hiện sẽ đánh. Chị Kiều bức xúc: "Sao trên đời lại có kẻ ăn ở ác độc, vô lương tâm đến vậy, họ cũng có con mà sao không có trái tim của người làm cha làm mẹ. Mình là người lớn mà nhiều khi bị vật gì nặng rơi vào đầu ngón tay đã đau điếng, không chịu nổi. Nhìn bàn tay bọn trẻ, tôi như muốn đứt từng khúc ruột".
Chúng tôi hỏi: "Giờ con mong muốn điều gì?". Chẳng cần suy nghĩ, Dũng đáp ngay: "Con muốn về quê lắm, dù nhà nghèo, ăn cơm muối, cháo trắng nhưng không bị cha mẹ đánh bao giờ".
Vừa được vị khách ngoại quốc cho tiền, Liên mừng chạy về khoe với chúng tôi: "Nhiều ngày lễ con bán được cả triệu tư đến triệu rưỡi đồng tiền hoa/ngày, thường thì cũng được sáu đến bảy trăm ngàn. Nhưng cũng có lần chở con ra đường Nguyễn Thị Thập bảo vào quán nhậu bán bông, dù đã mời chào mỏi miệng nhưng chẳng ai mua, tưởng con mải chơi không chịu bán, bà Hồng dùng tay đấm vào mặt làm mắt con tím bầm". Dường như không kìm nén được sự tủi hờn, uất ức bấy lâu nay, nước mắt trào ra giàn giụa, Liên nghẹn ngào: "Con hận vợ chồng bà ta, ông Châu ăn ở ác lắm khi thằng Dũng bán hoa không được ông ta bắt quỳ lên vỏ quả sầu riêng, còn thằng Nam thì ông lấy muối hạt trải ra đất, bắt quỳ xuống, hai tay bưng chậu nước cả chục ký dơ thẳng lên đến khi nào ông ấy cho phép mới được hạ xuống. Thấy mấy đứa nó bị ăn đòn liên tục, con thương tụi nó nhưng chẳng dám hé răng kể với ai, vì ở ngoài quê còn có người nhà bà ấy, con sợ họ trả thù", nói rồi cô bé lại nấc lên ầng ậc.
Gạt những dòng nước mắt, Liên lại lê bước tiếp tục mời khách mua bông. Nhìn bóng dáng Liên khuất dần trong bóng đèn đường nhạt nhòa, chúng tôi chợt chạnh lòng nhớ đến ca khúc "Đứa bé" của nhạc sĩ Minh Khang. "Trong đêm một bàn chân bước. Bé xíu lang thang trên đường. Ánh mắt buồn mệt nhoài của em. Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu?... Đã lâu rồi em đã không, không có tình thương. Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha. Giọt lệ em tuôn rơi hòa tan với nỗi buồn. Bước đi trong chiều mưa"...
Bắt khẩn cấp kẻ hành hạ dã man trẻ em
Ngày 23/1, Cơ quan CSĐT công an quận 7 - TPHCM đã bắt tạm giam Hồ Đình Châu (SN 1971, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú phường Bình Thuận, quận 7) để lập hồ sơ xử lý hành vi "Hành hạ người khác".
Trước đó, công an nhận được tin báo của người dân về cặp vợ chồng chuyên chăn dắt trẻ em sống tại phường Bình Thuận và có hành vi dã man là chích thuốc lá đang cháy vào đầu ngón tay các cháu nhỏ.
Qua xác minh, đến ngày 17/1, Công an phường Bình Thuận kiểm tra phòng trọ số 300/23/4 Nguyễn Văn Linh thì phát hiện 4 đứa trẻ, gồm: Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Nam (cùng SN 2000) và Nguyễn Dĩnh (SN 1999, tất cả ngụ Thừa Thiên - Huế). Thời điểm kiểm tra, công an phát hiện 10 đầu ngón tay của cả Nam và Dũng bị lở loét nên đưa tất cả về trụ sở.
Tại công an phường, Châu cùng vợ là Trần Thị Hồng (SN 1972) khai nhận thuê căn phòng trên từ năm 2010 để ở cùng với 4 đứa trẻ. Do ở quê, cha mẹ các cháu nghèo nên nhờ vợ chồng Châu nuôi dưỡng, bù lại các cháu phải phụ bán hoa dạo.
Theo "lịch làm việc", mỗi ngày sau khi cắt gai hoa, đến 19 giờ cả 4 đứa trẻ được vợ chồng Châu chở ra khu phố Tây ở quận 1 và các quán ăn trên đường Nguyễn Văn Linh và bán đến 3 giờ sáng hôm sau. Nếu để thừa hoa hoặc bán ít hơn 500.000 đồng sẽ bị hành hạ, điển hình là Nam và Dũng bị Châu chích thuốc lá đang cháy chích vào tất cả các đầu ngón tay hôm 8/1.
Dã man hơn, Châu còn bắt các cháu quỳ lên vỏ sầu riêng cho đến khi đầu gối chảy máu hoặc dùng chày đâm tiêu đánh vào vùng thái dương các cháu.
Hiện Công an quận 7 tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của Hồng để xử lý.
Theo 24h
Mặc con bị hành hạ để "đổi" 15 triệu Mẹ của một trong những em nhỏ bị bạo hành cho rằng, để nhận 15 triệu/năm tiền "lương" thì việc bị châm thuốc vào đầu ngón tay, quỳ trên vỏ sầu riêng và làm việc 13h/ngày là chuyện "bình thường". Dạy dỗ bằng cách ...châm thuốc đầu ngón tay Vừa không phải tốn tiền nuôi con mà mỗi năm gia đình của 4...