Theo chân chàng sinh viên 19 tuổi tìm xác hài nhi trong đêm mưa
Có lần cầm túi nilon chứa hài nhi từ xe rác, Đ. bất ngờ bị kim tiêm cắm vào tay, và giờ cậu cũng không biết những mầm bệnh nào đang âm ỉ trong cơ thể
Những ngày tháng 10, Hà Nội mưa tầm tã. Giữa dòng người tấp nập, chàng sinh viên N.T.Đ (19 tuổi) cùng một bạn gái trong nhóm tình nguyện đi xe máy tới các phòng khám ở đường Đê La Thành (quận Ba Đình), đường Phúc La (quận Hà Đông) để tìm các hài nhi xấu số về chôn cất.
Trước kia, khi chưa có sự hợp tác của những người gom rác, Đ. và nhóm thường xuyên ngồi ở quán nước đối diện với các phòng khám trên đường Đê La Thành để chờ nhân viên phòng khám vứt đi túi đen chứa rác thải y tế, trong đó có cả những hài nhi xấu số. Nhưng giờ đây, khi phát hiện có thai nhi trong túi đen, những người gom rác lại để riêng một chỗ và gọi điện cho Đ. đến lấy.
Ở khu vực gần Bệnh viện 103 (đường Phúc La, Hà Đông), Đ. chưa liên hệ được với ai nên nhóm tự đi tìm. Hễ cứ nhìn thấy những túi đen ở trước cửa các phòng khám tư nhân là nhóm lại lục tìm các hài nhi bị vứt bỏ.
Đ. thường đi tìm xác hài nhi với một bạn gái trong nhóm. Bạn gái này cũng bằng tuổi Đ. và cùng quê Nam Định
Mò mẫm trong đêm mưa, Đ. và bạn gái cùng nhóm lục lọi từng túi đen trước cửa các phòng khám. Bạn gái cầm điện thoại bật đèn soi, Đ. mở từng túi nilon màu đen ra tìm các hài nhi. “Đêm nay, em đi mấy phòng khám ở đường này đã có gần 20 cháu bị vứt bỏ bên trong túi nilon”, Đ. cho biết.
“Túi nào dính máu, túi đó chắc chắn có thai nhi bên trong. Phòng khám nào cẩn thận thì gói riêng từng bào thai. Nhưng có không ít phòng khám để các bé nằm lẫn lộn với rác rưởi, bông băng gạc, thậm chí cả băng vệ sinh và kim tiêm. Có những túi bên trong có ít tiền lẻ để cùng các hài nhi, em hỏi ra mới biết, đó là tiền của những bà mẹ bỏ vào đó coi như tiền công cho người mang con mình đi chôn cất”, Đ. nói.
Trong đêm mưa, hai em lọ mọ đến từng phòng khám, bới từng bọc nilon màu đen, tìm các hài nhi đáng thương
Sau khi tìm được các hài nhi xấu số, Đ. và bạn trong nhóm đi xe máy mang các cháu sang nghĩa trang ở Sóc Sơn, cho vào tủ lạnh, chờ người chôn cất.
Có lần cầm túi nilon chứa hài nhi từ xe rác, Đ. bất ngờ bị kim tiêm cắm vào tay. Nghi mình bị dính máu có virus HIV, Đ. một mình đến bệnh viện làm xét nghiệm. Trong vòng 1 tháng, Đ. phải uống thuốc phơi nhiễm HIV. Mới lên Hà Nội học, một tháng gia đình cho 3 triệu, tiền phòng hết 1 triệu nên em gặp khá nhiều khó khăn trong việc chi tiêu. Có người biết em làm công việc này, họ thương, nên đã cho em tiền mua thuốc.
Ngày cầm trên tay phiếu kết quả, mọi gánh nặng, suy tư như được trút bỏ, em âm tính với HIV và bắt đầu quay lại với công việc của mình: nhặt, khâm liệm và chôn cất những bào thai bị vứt bỏ.
“Gần 1 năm tìm kiếm những hài nhi đáng thương, em chưa bao giờ nguôi cảm giác bủn rủn mỗi khi tiến gần các xe rác. Mong ước lớn nhất của em là mỗi lần đi tìm các thai nhi ở các phòng khám về tay không”, Đ. nói, rồi phóng xe máy đi sang nghĩa trang ở Sóc Sơn, mang theo các hài nhi xấu số.
Theo Danviet
Nam sinh 19 tuổi và câu chuyện nhặt 2.000 thai nhi bị vứt bỏ
Trên hành trình tìm những bào thai xấu số về chôn cất, không ít lần họ ứa nước mắt vì gặp những hài nhi không còn nguyên vẹn, bị vứt ra đường như một loại rác thải gia đình.
Clip: Nam sinh 19 tuổi kể về hành trình đi tìm những hài nhi xấu số về chôn cất
Chàng sinh viên N.T.Đ (19 tuổi, quê Nam Định) là trưởng nhóm tình nguyện chuyên đi nhặt những bào thai xấu số
Trong ánh sáng chập choạng, nhóm bạn trẻ gồm 4 người ngược xuôi đến những nơi có phòng khám tư nhân ở Hà Nội, lục lọi tìm kiếm các bào thai xấu số bị vứt bỏ. Hơn nửa năm nay, ngày nào họ cũng đi, bất kể là trời mưa to, gió lớn. Họ là những sinh viên học năm thứ nhất tại một trường cao đẳng ở Hà Nội.
Công việc không ai ngờ
Dáng người nhỏ bé, giọng nói nhỏ nhẹ, đeo cặp kính cận nhìn thư sinh, không ai nghĩ chàng sinh viên N.T.Đ (19 tuổi, trưởng nhóm tình nguyện nhặt bào thai) lại làm một công việc không ai ngờ - tìm kiếm những bào thai bị vứt bỏ ở trước cửa các phòng khám mang về khâm liệm, chôn cất.
Kể về quá trình đi tìm những hài nhi xấu số, Đ. cho biết, nhóm của em đã làm công việc này được gần 1 năm nay. "Công việc bắt đầu từ dưới quê em ở Nam Định. Ngày đó, chứng kiến một hài nhi bị nạo hút rồi vứt vào nhà vệ sinh như một loại rác thải, cũng là lần đầu tiên em cầm trên tay một hài nhi, cảm giác run sợ nhưng niềm thương cảm lấn át tất cả. Em tự hỏi, tại sao các em không được sống, không được làm một kiếp người trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. Nếu các em không được hít thở không khí của cuộc sống ngày nào thì chí ít các em cũng cần có một nơi an nghỉ đàng hoàng. Ngày hôm sau, em cùng một vài bác lớn tuổi trong xóm quyết định xin đưa thai nhi về nhà chôn cất", Đ. kể lại.
Trong gần 1 năm đi nhặt xác hài nhi xấu số ở Nam Định và Hà Nội, đã có hơn 2.000 thai nhi được nhóm của Đ. khâm liệm, chôn cất
Đ. nhiều đêm trăn trở, trong đầu luẩn quẩn nhiều câu hỏi: Tại sao lại tồn tại những phòng khám tư nhân vẫn luôn ngày ngày ném đi những thai nhi tội nghiệp? Tại sao nhiều người lại chối bỏ những đứa bé đã hình thành mà không cho các em một cơ hội được sống?... Từ đó, Đ. quyết định đi tìm những thai nhi bị vứt ra đường từ các phòng khám tư nhân đem về chôn cất.
"Kể từ đó, nhiều người cho rằng em bị tâm thần và hỏi 'Mày có bị điên không? Ai trả lương cho mày?'... Em vẫn em im lặng. Bố mẹ biết việc em làm, tuy không phản đối nhưng bố mẹ khuyên em nên tập trung học hành, làm việc đó sau này cũng chưa muộn", Đ. chia sẻ.
Sau khi tìm được các hài nhi ở trước cửa các phòng khám tư ở Hà Nội, Đ. mang ngay sang nghĩa trang ở Sóc Sơn chờ chôn cất hoặc mang về nhà cho vào tủ lạnh, sau đó mang về quê chôn cất
Những túi nilon "bí ẩn"
Sau 3 tháng tìm hài nhi ở quê đem về chôn cất, Đ. lên Hà Nội học. Một số người bạn của Đ. ở Nam Định cũng lên Hà Nội học, tất cả lại tiếp tục công việc đi tìm xác hài nhi ở đây. Cứ tầm 5, 6h chiều, nhóm của Đ. lại ngồi ở các quán nước đối diện với các phòng khám trên đường Đê La Thành (quận Ba Đình), chờ nhân viên phòng khám vứt những túi nilon màu đen ra bên ngoài.
Những túi nilon màu đen "bí ẩn" vẫn được các công nhân môi trường đi thu gom. Đ. kể: "Lúc đầu các chị thu gom rác không ủng hộ, cứ nghĩ bọn em bị điên hay bị làm sao hoặc vì lợi ích cá nhân, nhặt về để bán. Sau 3 tháng bọn em kiên trì giải thích. Lúc đó các chị mới hiểu và giúp đỡ. Các chị cứ bới trước, nếu có lại báo cho nhóm em đến lấy".
Lên Hà Nội học, bố mẹ cho 3 triệu một tháng để chi tiêu, Đ. thường bỏ tiền ăn sáng của mình để lo việc tìm kiếm và khâm liệm các hài nhi xấu số
Sau khi nhặt những thai nhi, nhóm đưa về phòng trọ tắm rửa, nếu thai nhi nào không nguyên vẹn, nhóm lại khâu những bộ phận đó lại.
Thời gian đầu vì chưa đủ điều kiện kinh tế, hằng ngày, nhóm mua đá về bảo quản trong thùng xốp, một thời gian thu gom được nhiều thì mang sang Sóc Sơn hay mang về quê Nam Định chôn. Sau này, nhóm tình nguyện được tài trợ chiếc tủ lạnh nên việc bảo quản thai nhi được thuận lợi hơn.
Mỗi ngày đi tìm kiếm các hài nhi xấu số, nhóm lại ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 2.000 nghìn hài nhi được nhóm chôn cất. Bình quân mỗi tháng nhóm chôn cất 300 em, như tháng 6 vừa rồi số lượng hài nhi xấu số tăng gấp đôi những tháng khác.
Trong vòng nửa tháng, tủ lạnh đầy xác hài nhi, em và một bạn nữ trong nhóm lại mang các cháu đi chôn cất. Mỗi lần mang về khoảng 150 cháu.
Cứ nửa tháng, Đ. lại đưa khoảng 150 hài nhi về quê chôn cất
-----------------------
Mò mẫm trong đêm mưa, Đ. và bạn gái cùng nhóm lục lọi từng túi đen trước cửa các phòng khám. Quyết tâm làm công việc đầy khó khăn này, Đ. đã lường trước được những rủi ro sẽ gặp phải. Đó là những ánh mắt rò xét, nghi ngại và đôi khi là đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Theo chân chàng sinh viên 19 tuổi tìm xác hài nhi trong đêm mưa vào lúc 10h ngày 26/10/2017.
Theo Danviet
Nghĩa trang đặc biệt của gần 22.000 hài nhi Không chỉ đi nhặt các hài nhi bị vứt bỏ về chôn cất tử tế ở Nghĩa trang Đồng Nhi suốt 17 năm qua, cụ Tâm và ông Phụng còn cưu mang các cô gái lầm lỡ có ý định phá thai để cứu các cháu bé...17 năm đi nhặt hài nhi về chôn cất Sự thật đau lòng đằng sau những chiếc...