Thêm yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong do Covid-19
Các nhà khoa học Anh đã xác định được một phiên bản của gene có thể tăng gấp đôi nguy cơ suy phổi do Covid-19.
Phát hiện trên cung cấp những hiểu biết mới về lý do một số người dễ bị bệnh nặng và tử vong hơn những người khác đồng thời mở ra khả năng điều chế thuốc phù hợp.
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho biết, khoảng 60% những người gốc Nam Á mang phiên bản gene trên. Điều này giải thích vì sao số lượng người tử vong ở một số khu vực cao và Ấn Độ bị Covid-19 tàn phá nặng nề.
Họ nhận thấy nguy cơ gia tăng đến từ LZTFL1, gene điều chỉnh hoạt động của các gene khác, liên quan phản ứng của tế bào phổi với virus.
Tuy nhiên, nhóm tác giả nhận định, LZTFL1 không ảnh hưởng tới việc hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại nhiễm trùng. Do đó, những người có biến thể gene này vẫn nhận được hiệu quả miễn dịch từ vắc xin Covid-19 như bình thường.
Tiến sĩ Raghib Ali, Đại học Cambridge, cho biết, sau khi tính đến các yếu tố rủi ro gây ra Covid-19 như làm công việc dễ phơi nhiễm, sống ở khu đông đúc, “đã có một nguy cơ dư thừa được xác định ở người gốc Nam Á”.
Nghiên cứu mới này ghi nhận “những người đó có nhiều khả năng mang gene LZTFL1, làm tăng nguy cơ tử vong khi bị nhiễm Covid-19″.
Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Nature Genetics.
Tiến sĩ Simon Biddie, chuyên gia chăm sóc đặc biệt tại Đại học Edinburgh, đánh giá, dù nghiên cứu cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy vai trò của LZFTL1 trong phổi của những bệnh nhân bị Covid-19 nặng, vẫn cần theo dõi thêm để xác nhận những phát hiện.
Video đang HOT
Hiệu quả vaccine Pfizer giảm dần theo thời gian: Chuyên gia nêu lý do không cần hoảng sợ
Mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả vaccine Pfizer giảm dần theo thời gian, một chuyên gia Mỹ giải thích "đó không phải là lý do để mọi người hoảng sợ".
Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới liên tục chỉ ra rằng khả năng miễn dịch của con người bắt đầu suy yếu vài tháng sau khi tiêm hai liều vaccine Pfizer phòng Covid-19.
Trong khi hai liều vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ giúp giảm hơn 90% nguy cơ mắc bệnh nặng, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm virus sẽ giảm dần.
Đó là lý do tại sao Pfizer đã yêu cầu và được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép liều vaccine tăng cường cho một số đối tượng sáu tháng sau tiêm.
Các lọ vaccine Pfizer, hay còn gọi là Comirnaty, phòng COVID-19.
Cụ thể, FDA Mỹ khuyến cáo liều vaccine tăng cường của Pfizer nên được sử dụng cho những người trên 65 tuổi và một số người có nguy cơ mắc Covid-19 nặng cao.
Hôm qua (11/10), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo chính thức về đối tượng nên tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường.
Những điều này có nghĩa là gì? Liệu người dân có nên lo lắng?
Không phải lý do để hoảng sợ
Tiến sĩ Ann Falsey, chuyên gia về các bệnh hô hấp do virus tại Trường Y, Đại học Rochester (Mỹ), nói với CNN hôm 10/10: "Chúng ta đã dự kiến được rằng khả năng miễn dịch sẽ dần suy yếu theo thời gian, nhưng đó không phải là lý do để mọi người hoảng sợ".
Tiến sĩ Falsey, người đang tham gia tổ chức các thử nghiệm lâm sàng về vaccine Covid-19, cho biết: "Không phải bỗng nhiên một ngày bạn mất đi toàn bộ khả năng bảo vệ, giống như trước khi được tiêm vaccine".
"Tất cả các loại vaccine đều có hiệu quả khá tốt chống lại bệnh nặng - Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson", tiến sĩ Falsey nói thêm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ.
"Thực sự, phần lớn các ca nhiễm đột phá đều là những ca bệnh giống cảm cúm, cảm lạnh - không phải kiểu bệnh tật đáng sợ mà chúng ta đối mặt lúc trước". (Nhiễm Covid-19 đột phá là nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm vaccine đầy đủ).
"Vì vậy, thông điệp chính của tôi là, đừng hoảng sợ. Bạn sẽ ổn thôi".
Tuần này, hai nghiên cứu mới đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine Pfizer giảm dần.
Một nghiên cứu từ Israel thực hiện trên 4.800 nhân viên y tế cho thấy mức độ kháng thể giảm nhanh chóng sau hai liều vaccine Pfizer, "đặc biệt là ở nam giới, những người từ 65 tuổi trở lên và những người bị ức chế miễn dịch".
Nghiên cứu thứ hai từ Qatar cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer đạt mức cao nhất trong tháng đầu tiên sau khi tiêm liều thứ hai và sau đó bắt đầu suy yếu.
Nhóm nghiên cứu viết trong một báo cáo đăng trên Tạp chí Y học New England: "Những phát hiện này cho thấy một phần lớn dân số được tiêm chủng có thể mất khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm virus trong những tháng tới, có thể làm tăng khả năng xảy ra các đợt dịch mới".
Tuyến phòng thủ thứ hai
Tại sao vaccine tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ chống lại nguy cơ bệnh nặng nhưng khả năng ngăn ngừa nhiễm virus lại giảm?
Đó là bởi vì hệ thống miễn dịch của con người rất phức tạp.
Các kháng thể hình thành tuyến phòng thủ đầu tiên, ngăn chặn virus xâm nhập vào một số tế bào trong cơ thể. Đây là khả năng bảo vệ bắt đầu giảm dần theo thời gian.
Nhưng có một tuyến phòng thủ thứ hai - miễn dịch dựa trên tế bào. Các tế bào được gọi là tế bào B và tế bào T có thể mất nhiều thời gian hơn để tạo ra kháng thể, nhưng chúng cung cấp khả năng bảo vệ kéo dài hơn và rộng hơn để chống lại nhiễm trùng và giúp giảm nguy cơ bệnh nặng.
Vì vậy, mặc dù người tiêm có thể dễ nhiễm virus hơn vài tháng sau khi tiêm, nhưng họ ít có khả năng bị bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong.
"Nhưng có rất nhiều lý do khiến mọi người không muốn nhiễm virus. Họ không muốn truyền bệnh cho những người thân yêu. Họ không muốn truyền bệnh cho trẻ nhỏ chưa thể tiêm phòng", tiến sĩ Falsey nói.
Trong nhiều tháng qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh đây là lý do tại sao ngay cả những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tiếp tục phòng bệnh. Họ vẫn nên đeo khẩu trang khi xung quanh có nhiều người chưa được tiêm vaccine, đặc biệt là trong nhà, và luôn đảm bảo phòng thoáng khí.
Chiến lược giảm F0 tử vong tại TP HCM TP HCM huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tầng 2, 3 không trở nặng để giảm áp lực cho tầng trên - giảm tỷ lệ tử vong, đồng thời cấp thuốc điều trị ngay từ đầu cho F0 đang ở nhà. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều 14/8, hơn 4.300 bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM...