Thêm tuyến đường thuỷ TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu để giảm kẹt xe
Tuyến vận tải hành khách đường thủy cao tốc kết nối TP.HCM với Vũng Tàu chính thức được đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm tải cho đường bộ.
Sáng 10.2, tuyến tàu thủy cao tốc TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu chính thức được khai trương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Trần Song Hải – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh Greenline DP (chủ đầu tư) cho hay, mỗi ngày tuyến này dự kiến sẽ có 10 chuyến từ trung tâm TP.HCM tới Vũng Tàu, 4 chuyến tới Cần Giờ và 4 chuyến từ Cần Giờ qua TP.Vũng Tàu. Trên tuyến có 10 phương tiện, trong đó gồm 3 tàu có sức chở 50 khách, 2 tàu có sức chở 96 khách và 3 tàu loại 151 khách, ngoài ra còn thêm 2 xuồng cao tốc với sức chở 15 khách/xuồng.
Cắt băng khai trương tuyến đường thủy kết nối TP.HCM – Vũng Tàu.
Các đối tượng là người trên 62 tuổi, cán bộ, viên chức công tác huyện Cần Giờ và những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương này được giảm từ 30%-50% giá vé. Đối tượng là mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người khuyết tật và trẻ em từ 6-11 tuổi có người lớn đi cùng được miễn vé.
Theo quy định, nếu hành khách đi từ TP.HCM tới Vũng Tàu nếu dừng lại tại huyện Cần Giờ thì mức phí áp dụng là 200.000 đồng/người/lượt. Còn trường hợp đi thẳng từ TP.HCM tới Vũng Tàu và ngược lại, giá vé là 250.000 đồng/người/lượt. Việc giảm, miễn vé vẫn áp dụng cho những đối tượng nêu trên. Còn từ Cần Giờ tới TP.Vũng Tàu và ngược lại, giá vé áp dụng 100.000 đồng/người/lượt và sẽ giảm, miễn vé theo mức tương tự cho những đối tượng nêu trên.
Video đang HOT
Phương tiện vận chuyển hành khách đều là tàu cao tốc chất lượng cao.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường thông tin, đây là tuyến tàu cao tốc đầu tiên chạy theo lộ trình TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu, giúp người dân ở các địa phương cùng du khách có thêm lựa chọn đi lại, nhất là vui chơi giải trí trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Việc đưa tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch này ngoài việc giảm tải cho giao thông đường bộ còn giúp đa dạng hơn loại hình giao thông công cộng theo đúng chủ trương của TP.HCM.
Cũng theo ông Cường, thành phố rất quan tâm phát triển giao thông thủy nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thủy, phương tiện công cộng, giảm đi lại bằng xe cá nhân. Do đó, thời gian tới sở sẽ phối hợp các đơn vị khác nghiên cứu các tuyến cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận để kết nối các địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch đường sông.
Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBDN TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá, hệ thống đường thủy tại thành phố là một thế mạnh nên cần tập trung đẩy mạnh các loại hình giao thông, du lịch…, nhất là các mô hình giao thông công cộng để người dân quen dần và hạn chế xe cá nhân. Đặc biệt để thúc đẩy giao thông đường thủy phát triển, thành phố sẽ triển khai thêm các mô hình giao thông công cộng như xe đạp điện, xe điện có áp dụng công nghệ để tăng tính kết nối, giúp hành khách khi vừa xuống những phương tiện đường thủy thì có thể lập tức đón được xe tới nơi có nhu cầu.
Theo Danviet
Dân kêu, doanh nghiệp kêu mà tập thể vẫn xuất sắc
"Trong khi người dân, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn kêu than khó khăn, họ còn nói với tôi "các sở chậm lắm anh ơi". Thế mà cuối năm, các phòng ban, tập thể nào cũng đạt xuất sắc là sao?" - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong truy vấn tại cuộc họp sơ kết Tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM tháng 1.2018, diễn ra chiều 1.2.
Dân phê bình các sở chậm chạp
Sau khi nghe báo cáo từ các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, người dân, doanh nghiệp vẫn kêu với lãnh đạo thành phố còn gặp nhiều rắc rối về thủ tục hành chính ở các sở, ngành.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Hồ Văn
"Chúng ta nói chính quyền kiến tạo mà thủ tục rắc rối, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân thì kiến tạo chỗ nào? Giám đốc sở có giao việc cho từng người, từng phòng hay không? Trong khi người dân, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn kêu than khó khăn, họ còn nói với tôi "các sở chậm lắm anh ơi" mà cứ thấy ở một số đơn vị, ông nào, phòng nào cuối năm cũng xuất sắc là sao?", ông Phong bức xúc.
Theo ông Phong, việc bức xúc mà ông nói trên là từ bút lục tiếp công dân, vì vậy các sở phải hết sức chú ý trong việc cải cách hành chính sắp tới. "Tôi biết các đồng chí cố gắng rất nhiều. Nhưng cần xem lại cơ chế kiểm soát, giao việc thế nào mà có sở là tập thể xuất sắc mà vẫn bị dân kêu ca là sao? Các đồng chí giám đốc ngồi ở đây mà sau này không làm đúng như kết luận của Thường trực UBND thì tôi sẽ không bao giờ ký cho hoàn thành nhiệm vụ", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, có một số nhóm ít đồng chí là xuất sắc, nhóm đông là hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhóm còn lại là hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch quận 1 không nắm được kinh tế quận?
Cũng theo ông Phong, trong một lần làm việc mới đây với quận 1, quận đã hoàn toàn không tính được tổng giá trị sản xuất của địa phương mình. Báo cáo thống kê gởi UBND thành phố là của 2016 mà không phải là báo cáo năm 2017.
"Tôi yêu cầu gửi cho tôi báo cáo năm 2017, chủ tịch quận nói không có. Vậy anh dự kiến kế hoạch 2018 dựa vào đâu? Trong khi đó nghị quyết đại hội của quận nói tổng hàng hóa hàng năm phải tăng 30% là dựa vào đâu? Tôi hỏi chủ tịch quận làm gì mà không có báo cáo thực tế? Báo cáo có nói sẽ cố gắng thu đủ theo chỉ tiêu Cục thuế giao nhưng không nắm được tổng giá trị sản xuất thì lấy gì mà biết thu ở đâu? Trong khi tôi làm việc với Cần Giờ thì họ báo cáo được, tính được", ông Phong phê bình.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết chiều nay. Ảnh: Hồ Văn
Ông Phong cũng cho biết, năm qua TP.HCM đạt được nhiều kết quả khả quan. Sắp tới, thành phố sẽ tăng thu nhập bình quân cho cán bộ, công chức nhưng không phải tăng đại trà mà sẽ tăng theo hiệu quả công việc.
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện cơ chế đặc thù, ông Phong yêu cầu các địa phương qua tết Nguyên đán phải đánh giá lại lần nữa nhiệm kỳ về 7 chương trình đột phá. Với 21 nội dung đề án đặc thù triển khai đến 6.2018 phải xong, nếu không sẽ lỡ nhịp vì chỉ được làm 5 năm. Cơ chế đặc thù có thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức.
"Trung ương giao chúng ta năm 2018 là 370 ngàn tỷ đồng, chúng ta phải tính toán làm sao để tăng sản xuất. Phải biết tận dụng từng cơ hội, điều kiện để phấn đấu thực hiện kinh tế xã hội phát triển theo nhiệm vụ và cũng như kỳ vọng của người dân", ông Phong chỉ đạo.
Hàng tết chuẩn bị đầy đủ để phục vụ người dân mua sắm tết. Ảnh: Hồ Văn
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện tháng 1.2018 là 32.886 tỷ đồng, đạt 8,73% dự toán, giảm 0,74% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính ghi thu ghi chi và tạm ứng) ước thực hiện tháng 1.2018 là 4.448 tỷ đồng, đạt 5,12% dự toán, tăng 13,64% so cùng kỳ.
Cấm tặng quàCuối cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhở và yêu cầu các cá nhân, sở ngành không mang quà, bao thư lên tặng Ủy ban, tặng lãnh đạo. "Nghiêm cấm tuyệt đối, cần thiết thì phải tặng người nghèo. Việc này ai cũng hiểu, nhưng tôi phải nhắc", ông Phong nhấn mạnh.Ông Phong cũng yêu cầu các sở tập trung việc chăm lo tết cho người nghèo, không để xảy ra tình trạng bãi công, lãn công vì không lương, không thưởng cuối năm ở các doanh nghiệp. Sở Công Thương phải đảm bảo đầy đủ nguồn hàng tết phục vụ người dân, không để xảy ra hàng dỏm, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo Danviet
Tàu cao tốc hiện đại TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu sắp hoạt động Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu dự kiến sẽ hoạt động trước Tết Nguyên đán 2018 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết đang hoàn tất một số công tác liên quan để đưa tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu vào hoạt...