Thêm tiết lộ chấn động về hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ của “cậu” Thủy
Ông Võ Văn Mãng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, cho biết, nhiều trường hợp nói là có hài cốt nhưng thực chất chỉ có mấy khúc xương động vật được chôn kèm, nếu có xương người thì cũng là họ ăn cắp ở các nghĩa trang rồi lừa đảo các gia đình.
Theo ông Võ Văn Mãng, Bình Phước là một trong những tỉnh có rất nhiều gia đình tìm đến để cất bốc cất hài cốt liệt sỹ theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Nhưng tất cả những gì họ khai quật được chỉ là những nắm đất đen chứ không hề có hài cốt nào cả. Nhiều trường hợp nói là có hài cốt nhưng thực chất chỉ có mấy khúc xương, trong đó có cả xương của động vật được chôn kèm, nếu có xương người thì cũng là họ ăn cắp ở các nghĩa trang rồi lừa đảo các gia đình liệt sỹ để trục lợi.
“Ngân hàng không cho chúng tôi tham gia việc cất bốc liệt sỹ”
Được biết trong những ngày cuối tháng 1/2013, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với ông Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu” Thủy) tiến hành quy tập 15 hài cốt liệt tại phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Việc quy tập này có sự giám sát của chính quyền địa phương không, thưa ông?
Đây là những bộ hài cốt được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức khai quật tại 3 hố chôn tập thể ven quốc lộ 13 đoạn đi qua địa bàn phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước vào tối 29/1. Công tác khai quật được thực hiện từ 17h15 ngày 29/1 và đến tận 0h ngày hôm sau, 30/1. Sau hơn 6 tiếng thực hiện, các cán bộ trong đoàn đã phát hiện và bốc được 15 bộ hiện vật được cho là hài cốt, tại 3 hố chôn tập thể. Những hiện vật này được đoàn công tác đó xác định là của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuy nhiên, quá trình khai quật bốc hài cốt, ông Thúy cùng đoàn của ngân hàng không cho cán bộ, chiến sĩ đội quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ K72 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước) tham gia, thậm chí không cho vào khu vực đào tìm. Họ quây dây, chăng bạt kín. Chỉ đến khi bốc cất xong, ngân hàng mới tiến hành bàn giao cho tỉnh và đề nghị được đưa vào nghĩa trang để làm lễ truy điệu.
Ngay từ đầu, khi thấy họ đào tìm tại khu vực phường Hưng Chiến, chúng tôi đã biết ở đó toàn là mộ giả và có nhiều dấu hiệu “lừa đảo”.
Dựa trên cơ sở nào Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước nhận định đó là mộ giả? Tại sao Sở không ngăn chặn việc này ngay từ lúc đó, thưa ông?
Địa điểm khai quật hài cốt là rừng cao su với độ sâu chỉ từ 30cm là vô lý. Nhiều công nhân ở đây cho biết, rừng cao su này đã thanh lý trồng lại lần này là lần thứ 3. Địa điểm khai quật lại là gốc cây cao su đã chết, mà trước đó công nhân dùng máy đào xới, múc đất khá sâu nên hài cốt liệt sĩ, nếu có, sẽ không còn ở vị trí đó.
Ngay sau khi tổ chức lễ truy điệu, an táng về nghĩa trang tỉnh Bình Phước, Tỉnh đội K72 và Sở Lao động – Thương binh & Xã hội đã tiến hành kiểm tra lại những hài cốt được bàn giao và phát hiện ra rất nhiều dấu hiệu giả mạo: Vì sao các chiến sĩ hy sinh năm 1972 nhưng trong những di vật tìm thấy lại có “huy hiệu ngôi sao” sau năm 1975? Có một chiến sĩ hy sinh tận Bến Lớn (gần khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương hiện nay) nhưng lại phát hiện chôn ở phường Hưng Chiến – cách nhau gần 100 km? Có trường hợp chiến sĩ hy sinh 2 năm trước nhưng lại được chôn chung mộ với người hy sinh sau. Có 2 chiến sĩ bị sốt rét mất trong căn cứ (cách nơi tìm thấy mộ 2-3 km theo đường chim bay) nhưng ông Thúy lại khẳng định chôn tại nơi ông ta cùng đoàn ngân hàng đào!
Điều vô lý nhất là khi chúng tôi tiến hành kiểm tra hài cốt được ông Thúy cho là đốt xương cổ của liệt sỹ thì phát hiện hai đầu khúc xương được bịt xi măng, bên trong đổ đầy cát trắng xóa hòa với xi măng bột màu đen. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu và gửi đi giám định ADN thì đến ngày 28/8 có kết quả là không phải xương người!
Video đang HOT
Nhiều người dân sống ở xung quanh đó nhận định, khả năng các di vật này được chôn ở đây từ đầu mùa mưa, sau vài tháng cỏ mọc um tùm nên dễ dàng che hết dấu vết làm giả.
Ngân hàng chính sách xã hội thật khó hiểu!
Trước đó Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có văn bản chỉ đạo ghi rõ không công nhận danh tính đối với những hài cốt liệt sỹ được quy tập bằng phương pháp ngoại cảm, tại sao tỉnh Bình Phước vẫn tổ chức lễ truy điệu các hài cốt này vào nghĩa trang mà chưa có kết quả giám định ADN, thưa ông?
Ngay từ lúc đầu chúng tôi đã không đồng ý rồi. Nhưng đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội đến đặt vấn đề và mang văn bản đến đề nghị với tỉnh, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt bốc cất được vào nghĩa trang tỉnh. Vì có văn bản nên chúng tôi phải chấp hành.
Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời: những liệt sỹ có tên trong danh sách cất bốc không hi sinh tại địa điểm đó. Phát hiện nhiều dấu hiệu làm giả hài cốt liệt sỹ, ngay lập tức, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước đã có báo cáo gửi lên cấp trên. Nhưng không hiểu vì lý do gì, phía ngân hàng vẫn kết hợp với ông Thúy tiếp tục lên huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lăk quy tập thêm 31 bộ “hài cốt liệt sỹ” nữa.
Sẽ đưa hài cốt do “cậu” Thủy cất bốc ra khỏi nghĩa trang liệt sỹ
Ông Nguyễn Thanh Thúy đã bị bắt vì hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ, tỉnh Bình Phước có hướng xử lý như thế nào đối với những bộ hài cốt đã quy tập được?
Hiện tại, ba bộ “hài cốt liệt sỹ” xác định được danh tính đã được Ngân hàng Chính sách xã hội bàn giao cho người nhà mang về địa phương an táng ngay tại thời điểm đó. 12 bộ hài cốt còn lại hiện nằm trong nghĩa trang tỉnh Bình Phước, đang để nguyên trạng phục vụ công tác điều tra. Sau khi công tác điều tra hoàn tất, chắc chắn tỉnh Bình Phước sẽ đưa các hài cốt này ra khỏi nghĩa trang liệt sỹ.
Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc một nơi linh thiêng, tưởng niệm các liệt sỹ đã xả thân vì đất nước lại bị ô tạp bởi những thứ giả mạo, lừa đảo như thế được!
Trước đây việc tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ thất lạc trong chiến tranh tại tỉnh Bình Phước được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã thực hiện việc cất bốc hài cốt liệt sỹ từ nhiều năm trước nhưng chưa bao giờ dùng đến phương pháp ngoại cảm. Tỉnh Bình Phước huy động tất cả các nguồn tin trong đó dựa chủ yếu vào các thông tin của các đơn vị, sư đoàn, trung đoàn từng đóng trên địa bàn tỉnh cung cấp. Dựa vào danh sách liệt sỹ hi sinh, sơ đồ, tọa độ trận đánh để tìm kiếm.
Chúng tôi cũng luôn kêu gọi người dân trong quá trình đi làm ruộng, làm nương rẫy phát hiện hài cốt thì báo với chính quyền địa phương. Sau đó, dựa vào các di vật, đối chiếu với thông tin các đơn vị bộ đội cung cấp để xác định danh tính liệt sỹ. Khi có kết quả giám định ADN rồi, tỉnh tổ chức bàn giao để thân nhân gia đình liệt sỹ làm lễ an táng tại địa phương mình.
Hà Trang – Xuân Ngọc
Theo Dantri
Hàng xóm không tin khả năng tâm linh của 'cậu Thủy'
Mãn hạn 10 năm tù vì lừa đảo, vợ chồng "cậu Thủy" tiếp tục nghề tìm hài cốt. Chỉ trong vài năm, họ đã có cơ ngơi đồ sộ dù ở địa phương không ai tin vào khả năng ngoại cảm của vợ chồng này.
Một ngày sau khi vợ chồng "cậu Thủy" - tức Nguyễn Thanh Thúy (54 tuổi) và Mẫn Thị Duyên (51 tuổi) bị công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt giam, ngôi nhà 3 tầng ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh vẫn mở cửa. Những người dân xung quanh cho biết, họ sớm đoán được đôi vợ chồng này sẽ bị bắt vì làm giàu rất nhanh bằng nhiều mánh khóe.
Ngôi nhà 3 tầng ở thị trấn Chờ của vợ chồng Thúy Duyên. Ảnh: Bá Đô.
Từng là công an, Thúy bị đuổi khỏi ngành vì lạm dụng chức vụ. Ly dị vợ đầu năm 1995, Thúy đến chung sống với Duyên và cùng hành nghề cúng bái, tìm mồ mả thất lạc. Một năm sau, Thúy - Duyên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ, kết án 10 và 12 năm tù. Năm 2005, Thúy ra tù, tự xưng là "cậu Thủy", tiếp tục hành nghề cũ, đồng thời nhận tìm thêm hài cốt liệt sĩ.
Từ ngôi nhà cấp 4, với nghề tìm mồ mả và hài cốt liệt sĩ, sau 2 năm, vợ chồng Thúy Duyên đã có cơ ngơi đồ sộ ở thôn Trác Bút. Cổng nhà được làm từ gỗ hương, phía trước có 2 con sư tử đá. Ngoài ra, họ còn có nhiều lô đất ở thị trấn, nhà xưởng sản xuất, ngôi nhà 3 tầng dành cho việc kinh doanh buôn bán...
Người dân thôn Trác Bút cho biết, gia đình Thúy - Duyên rất phức tạp. Khi đến với nhau, hai người đều đã có gia đình, con riêng. Suốt thời gian chung sống hơn 16 năm, họ không có con chung. Hiện một người con của họ ngồi tù vì tội lừa đảo. Thúy không phải là người địa phương mà quê ở thôn Ân Phú, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du.
"Gia đình Thúy - Duyên kín cổng cao tường, họ thường đi làm ở tận đâu, tối về đóng kín cửa, không giao du với hàng xóm. Quanh đây không ai tin tay nghề của họ mà toàn người ở nơi khác đến nhờ vả", một người dân cho hay.
Ở trong thôn, vợ chồng này một vài lần giúp người dân tìm mộ thất lạc, nhưng những chiếc tiểu tìm thấy đều không được phép mở ra vì "sẽ mất thiêng". Trong một lần các cụ họ Đức muốn tìm mộ tổ để xây to hơn, người nhà đã xây trên nền ngôi mộ cũ nhưng Thúy một mực cho rằng tiểu nằm ở vị trí khác, với độ sâu, rộng, dài cụ thể. Tuy nhiên, khi khai quật thì không hề có mà tiểu nằm ở chính vị trí đang xây dựng khiến nhiều người dân mất hoàn toàn niềm tin ở Thúy.
"Cậu Thủy" trong lần tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị. Ảnh: Tiền Phong.
Cựu chiến binh Lê Văn Tiến cho biết, ông rất đau xót với trường hợp của liệt sĩ Mẫn Bá Phùng ở trong thôn. Khi có thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội là tìm được hài cốt liệt sĩ Phùng ở Tây Nguyên, ông đã bất ngờ vì điều đó là không thể. Cùng nhập ngũ năm 1965 nhưng khác đợt, ông Tiến chiến đấu 3 năm ở Tây Nguyên rồi hành quân vào Đông Nam Bộ. Qua lần gặp gỡ và hỏi thăm về người đồng đội cùng quê, ông Tiến khẳng định liệt sĩ Phùng đã hy sinh ở vùng Đông Nam Bộ chứ không thể ở Tây Nguyên.
"Tôi đã khuyên gia đình không nên đi nhận hài cốt vì chắc chắn đó không phải là anh nhưng họ không nghe. Khi làng làm lễ rước anh Phùng, không đi thì dạ không đành nên tôi vẫn đến cúi đầu mặc niệm chứ không vái vì tôi biết đó không phải người anh, người đồng đội mà tôi quý mến", ông Tiến nói và cho hay, rất đau khổ khi lá cờ Tổ quốc nhuốm máu của hàng triệu người lại phủ lên xương động vật, vì sự tham lam của những người tự xưng là nhà tâm linh.
Là người đầu tiên tỏ thái độ phản đối vợ chồng Thúy Duyên vì hành vi lừa đảo, xảo trá, ông cho biết, được tôi luyện từ chiến tranh, đứng trước hàng triệu kẻ thù còn không sợ, nên chứng kiến những điều bất nhân thì không thể ngồi yên.
Cựu binh Lê Văn Tiến đưa ra nhiều thông tin để khẳng định liệt sĩ Mẫn Bá Phùng hy sinh ở Đông Nam Bộ chứ không phải Tây Nguyên như lời "cậu Thủy". Ảnh: Bá Đô.
Gia đình liệt sĩ Phùng cho biết, sau nhiều năm bỗng dưng nhận được thông tin là tìm được mộ phần của người thân nên rất vui mừng. 6 người trong gia đình đã cùng đi với đoàn công tác và thân nhân 30 liệt sĩ khác vào Tây Nguyên. Tuy nhiên, khi bốc hài cốt thì gia đình không được phép đụng tay vào, tất cả đều do người của "cậu Thủy" làm và sau đó hài cốt không được giám định.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Thao, Phó Công an thị trấn Chờ cho biết, ở địa phương không ai tin vào khả năng tâm linh, ngoại cảm của vợ chồng Thúy Duyên. Tại nhà riêng, họ xây một điện thờ lớn, vào đầu xuân thì mở phủ hầu bóng từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau.
Ông Thao cho biết, 8h45 ngày 28/10, công an tỉnh Quảng Trị mời chính quyền đến nhà Thúy - Duyên tăng cường phối hợp bảo vệ đoàn công tác. Khi công an địa phương đến, công an Quảng Trị đã thông qua 2 lệnh bắt giữ, và lệnh khám xét nhà cặp vợ chồng này.
Vợ chồng Thúy - Duyên bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự (tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản). Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị sau đó khám xét nơi ở của Thúy và Duyên, di lý các nghi can về tỉnh Quảng Trị để phục vụ điều tra.
Trong quá trình khám xét, trên chiếc xe Toyota Land Cruiser Prado của bị can Thúy, lực lượng chức năng phát hiện còng số 8, dùi cui điện, dao dài 58cm (cả cán), dao bấm và dao nhọn.
Hoàng Thùy - Bá Đô
Theo VNE
Cần sớm làm rõ và xử nghiêm hành vi lừa đảo của "cậu" Thủy Hành vi làm giả hài cốt, nơi chôn cất liệt sĩ rồi tự nhận mình là "nhà tâm linh" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Nguyễn Thanh Thúy (tức "cậu" Thủy, SN 1959, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đang khiến dư luận cả nước hết sức bức xúc. Chiều 29/10, PV Dân trí đã có cuộc trao...