Thêm phương án xử lý tài sản bất minh: Nhiều băn khoăn
Nếu cán bộ kê khai tài sản không trung thực thì tiến hành tố tụng dân sự, vậy ai sẽ là người đưa ra tòa án, ai là cơ quan khởi kiện?
Không nên bằng con đường tố tụng dân sự
Mới đây, tại phiên họp thứ 26, cho ý kiến lần thứ 2 về dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp cho biết, ngoài thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính, bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản.
Cụ thể, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Phạm Công Hùng – nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết: “Thực ra, giải quyết vấn đề thu nhập mà kê khai không đúng hoặc không chứng minh được đang có 2 hướng.
Phương án 1 là giải quyết bằng con đường hành chính, đánh thuế tài sản, nhưng nếu như vậy là đồng tình với việc tài sản đó minh bạch. Điểm khó là cũng không thể chứng minh kết luận tài sản đó là tham nhũng vì không đủ căn cứ, còn để không thì không ổn, trong khi nếu là tham nhũng thì phải tịch thu. Phương án trên nếu làm thì nhanh, gọn.
Thêm phương án xử lý cán bộ kê khai tài sản không trung thực
Phương án 2 là đưa ra tố tụng dân sự, nhưng nguyên tắc tố tụng thì phải có nguyên đơn, bị đơn. Vậy thì ai sẽ là nguyên đơn trong trường hợp này, vì người đi kiện thì phải mất tiền án phí, chứng minh bằng các chứng cứ.
Cơ quan chống tham nhũng thông báo cho một cán bộ nào đó, tài sản kê khai không đúng 100 tỷ đồng, bên cán bộ khẳng định không phải 100 tỷ đồng chỉ có 5-10 tỷ đồng, còn đâu hợp pháp hết. Khi có tranh luận như vậy thì ai sẽ là người khởi kiện?
Chả lẽ trường hợp này thì nhà nước đứng ra khởi kiện cũng không đúng, còn cá nhân đứng ra khởi kiện thì chưa có nền tảng gì để làm”.
Theo ông Hùng, nếu xử lý theo phương án đánh thuế thì cơ quan chống tham nhũng sẽ ra thông báo yêu cầu phải nộp thuế cho nhà nước 45% của 100 tỷ đồng trên khối tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Khi đó người dân bị xử về việc đó không đồng ý, có thể khởi kiện để xem xét lại tính hợp pháp của thông báo, bằng một vụ án hành chính, thì khi đó tòa án sẽ xem tính hợp pháp của quyết định đó.
Còn đưa ra tố tụng dân sự thì phải có nguyên đơn, bị đơn, vì dân sự là bình đẳng, các bên có quyền cung cấp chứng cứ, khởi kiện, định đoạt mọi thứ.
Video đang HOT
“Cho nên, tôi thấy phương án tố tụng dân sự rất không ổn, chả lẽ nhà nước lại đi kiện, làm nguyên đơn? Hãy đi bằng con đường nhà nước kiểm tra thấy không chứng minh được một khoản tiền nào đó thì thông báo trước mắt phải nộp khoản thuế thu nhập 45%.
Còn người điều chỉnh bởi thông báo đó không đồng tình thì có quyền khiếu nại quyết định đó của cơ quan chống tham nhũng. Khi đó, cơ quan chống tham nhũng xem lại nếu thấy việc khiếu kiện đúng thì sửa đổi, thay đổi, điều chỉnh, còn nếu không thì không chấp nhận khiếu nại.
Lúc ấy người dân, người bị điều chỉnh bởi quyết định đó có quyền khởi kiện bằng vụ án hành chính, khi đó, Tòa án sẽ xem xét đến nội dung, việc thẩm tra, thẩm định có đúng hay không, rồi xử lý sau.
Nhưng ở đây vẫn xử lý qua Tòa án nhưng bằng trình tự tố tụng hành chính chứ không phải tố tụng dân sự”, ông Hùng nói thêm.
Bản thân ông Hùng cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay đang mắc phải là xác định đâu là tài sản không rõ nguồn gốc chứ không phải khâu xử lý.
“Nhưng tôi cho là không khó, vì ví dụ lúc anh nhận chức chủ tịch huyện, kê khai có một cái nhà, kết thúc nhiệm kỳ có 10 cái nhà thì phải kê khai 9 cái nhà nguồn thu nhập từ đâu.
Không chứng minh được 9 cái nhà đó thu nhập ra sao, thì phải bắt nộp thuế 45% cho giá trị 9 ngôi nhà. Còn phát hiện tham nhũng thì khởi tố hình sự, tịch thu luôn 9 ngôi nhà, khi đó Tòa án sẽ khấu trừ khoản tiền đã nộp thuế, tức 55%.
Nhưng hiện nay, kê khai tài sản phải thực chất hơn, phải có biện pháp để xử lý trường hợp không đứng tên tài sản, giao cho cháu, con, người thân, cho bồ thì phải có chế tài xử lý.
Từ trước tới nay chúng ta mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, thậm chí trên thực tiễn có những người đã bị mất chức.
Nhưng đối với phần tài sản chúng ta chưa có quy định để xử lý. Tức Luật phòng chống tham nhũng cần có sự sửa đổi sao để quản lý chặt chẽ và xử lý theo hướng tố tụng hành chính thay vì tố tụng dân sự”, ông Hùng nhận định.
Theo baodatviet
Tài sản không giải trình được: Đánh thuế, phạt hay ra tòa, lại băn khoăn?
Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc như thế nào? Thu thuế thu nhập cá nhân, xử phạt hành chính hay xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quang Khánh
Nhiều ý kiến tranh luận, băn khoăn xung quanh vấn đề này được đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) chiều ngày 10/8.
"E rằng không có vụ nào đưa ra tòa..."
So với Dự thảo Luât PCTN (sửa đổi) trình ra Quốc hội kỳ họp 5, ngoài phương án 1 (thu thuế thu nhập cá nhân), phương án 2 (xử phạt hành chính), Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình Dự án Luật PCTN (sửa đổi) đề xuất thêm phương án mới.
Đó là, xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại tòa án (phương án 3).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phương án 3 có nhiều ưu điểm, vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của luật hiện hành, vừa bảo đảm được tính khách quan, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên.
Sau khi cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 (xử phạt hành chính) có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn.
Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về 02 phương án: Thu thuế thu nhập cá nhân và xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.
Cho ý kiến, theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự ưu thế hơn so với các phương án khác. Nhưng ông lại băn khoăn tính khả thi.
Ông Học cho rằng, phương án này sẽ khả thi nếu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có khả năng, năng lực và có vị trí độc lập.
"Hiện nay cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là bộ phận tổ chức, thanh tra, là cơ quan tham mưu trong 1 cơ quan thì anh có dám khẳng định kê khai của các lãnh đạo giải trình không hợp ý và yêu cầu ra tòa không?", Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói và e rằng, khi luật ban hành "không có vụ nào đưa ra Tòa".
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng không ủng hộ phương án thu thuế thu nhập cá nhân mà đề xuất chọn phương án xử phạt hành chính vì vừa bảo đảm tính nghiêm minh của nhà nước, vừa xử phạt được 45% tài sản.
Xin ý kiến Bộ Chính trị, ĐBQH chuyên trách
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cả 3 phương án còn nhiều băn khoăn và ông không đồng ý với cả 3 phương án.
Toàn cảnh phiên họp cho ý kiến vào Dự án Luật PCTN (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
"Tôi đánh giá cao ý chí của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Các đồng chí có quyết tâm rất cao, luôn luôn suy nghĩ trình bày cái mới. Thế nhưng luật pháp và những vấn đề liên quan đến PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì phải chặt chẽ", ông Hiển nói và đặt vấn đề, thế nào là giải trình hợp lý, thế nào là giải trình không hợp lý. Nếu không cẩn thân thì luật sẽ "cao su" lúc giãn ra, lúc co vào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các nước có công cụ rất quan trọng là công cụ thuế và quản lý rất chặt chẽ tất cả các khoản thu nhập của công dân.
"Cứ có thu nhập là có nộp thuế. Hệ thống thang bảng rất nhẹ nhàng. Anh trốn thuế thì có hành vi xử phạt, trốn thuế nặng thì xử hình sự", ông Hiển nói và cho rằng, cần củng cố lại hệ thống thuế; kiểm soát qua việc thanh toán không dùng tiền mặt. Còn khi chứng minh được tài sản hình thành từ hành vi tham nhũng thì thu hồi 100%.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thì đề nghị, UBTVQH chỉ cho quan điểm là chọn phương án thu thuế, xử phạt hành chính hay ra toà, còn xử lý cụ thể từng phương án thì để cho cơ quan chuyên môn thực hiện.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, Quốc hội đã thảo luận tại 2 kỳ họp, dự kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua để đáp ứng yêu cầu PCTN hiện nay.
Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc vẫn còn 3-4 phương án và phương án nào cũng có lý lẽ, lập luận cả. Qua thảo luận, cân nhắc thì "gút" lại 2 phương án.
Phương án thứ nhất là giải quyết bằng tố tụng dân sự tại tòa. Tinh thần, coi tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được phải qua tòa án để tòa án phán quyết theo trình tự tố tụng dân sự, có tranh tụng của các bên, có luật sư, tài liệu, chứng cứ trình bày để tòa phán quyết quyền sở hữu của người có tài sản hay của nhà nước.
Thứ 2 là phương án thuế. Coi như khoản thu nhập tăng thêm, không chứng minh được bất hợp pháp thì phải coi như hợp pháp thì phải đóng thuế. Còn khi chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có và có nguồn gốc từ tham nhũng thì phải tịch thu.
"Các cơ quan hữu quan sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án xử lý như thế để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh PCTN nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta. Sau đó, chúng ta cũng phải tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách và các cơ quan, chuyên gia cho ý kiến trước khi trình ra UBTVQH tại phiên họp tháng 9 trước khi trình ra Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại.
Hương Giang
Theo thanhtra
Xử lý sau thanh tra vụ Mobifone mua AVG: Phải thượng tôn pháp luật Thanh tra Chính phủ xem xét các vấn đề trên cơ sở tôn trọng thực tế, bảo đảm chính xác, trung thực, tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật. Trao đổi với phóng viên chiều 19.3, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh, việc thực hiện, xử lý sau thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty...