Thèm ‘phở’ đâu phải vì chán ‘cơm’
Ai lớn rồi cũng phải lập gia đình, lấy người mình yêu với lời thề hẹn mãi mãi bền lâu. Thế nhưng hôn nhân không phải câu chuyện đến từ thiên đường. Yêu nhau vì cảm giác nhưng sống với nhau chỉ với cảm giác thôi là không đủ. Và nếu chỉ dựa vào cảm giác thì có lẽ tan vỡ đến càng nhanh.
Bạn đã từng yêu người đàn ông ấy đến điên dại và hạnh phúc vô cùng khi cả hai đến được với nhau. Và chỉ sau vài năm kết hôn ngắn ngủi, bạn nhận ra rằng anh đã thay đổi. Anh không nồng nhiệt như trước, anh không chăm sóc và quan tâm đến bạn, và quan trọng…anh có dấu hiệu tìm hoa thơm cỏ lạ.
Rất nhiều lần anh cắt cuộc gọi của bạn một cách vội vã và trả lời bạn với sự thờ ơ làm bạn mơ hồ nhận ra, hoàn cảnh bạn gọi cho anh không tiện lắm. Bạn bị nhấn chìm trong sự nghi ngờ và tự hỏi: “Anh ấy đang ở cùng ai mà lại như thế? Đã hết giờ làm rồi cơ mà?”. Bạn ngờ vực, bạn gần như là mất kiềm soát cảm xúc mỗi khi anh về trễ với lý do anh có tiệc, anh gặp khách hàng. Bạn lo lắng và nỗi ngờ vực càng tăng lên, nó xâm chiếm hết tâm trí bạn và đẩy lùi hình ảnh người con gái thông minh, lém lỉnh, tinh tế mà anh đã rất ngưỡng mộ khi còn yêu nhau. Anh thay đổi, anh bắt đầu tìm kiếm sự mới lạ, và đáng buồn thay, không phải ở bạn mà là ở một cô nàng ABCD nào đó. Anh về nhà và đón chờ anh là hình ảnh người vợ áo này, quần nọ, một sự kết hợp mà nếu ngay cả bạn cũng phải giật mình trước hình ảnh của mình trong gương, và những lời chất vấn nghe vào tai chỉ cảm thấy thật nhức nhối. Về nhà bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh với anh, và thời gian ở bên ngoài cánh cửa ấy trở thành nỗi khát khao. Và như chúng ta vẫn biết, khát khao thường hay đi kèm với tội lỗi.
Bạn sẽ nói với tôi rằng, đã quần quật như thế thì thời gian đâu mà trau với chuốt? Tôi biết điều đó, nếu thế thì trước hết bạn đã quá bất công với chính mình. Một người con gái mà ngay cả chính mình cô ta cũng không yêu thương được, thì cô ấy chờ đợi ai đến thương yêu cô ấy đây? Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để xem thử liệu điều đó được phản ảnh trong ánh mắt họ như thế nào. Tại sao những bà vợ luôn được hiện diện như những mụ phù thủy trong ánh mắt người chồng, còn tình nhân mãi mãi là nàng công chúa mong manh và đỏng đảnh, và luôn “cầm trên tay sợ vỡ, ngậm trong miệng sợ tan”.
Cơm của vợ và cơm của người tình thì vẫn là cơm nhưng ngồi ăn với vợ chỉ nghe được mùi dầu ăn, mắm muối, còn ngồi ăn với người tình thì lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương hoa hồng. Ăn ở nhà thì vợ cắm đầu ăn, vợ ăn xong thì lại phải lo chuẩn bị dọn rửa. Ăn với người tình thì thỉnh thoảng nàng còn gắp cho vài miếng thịt miếng cá và luôn miệng hỏi: “Anh ăn ngon miệng không?” Không phải người đàn ông thèm phở nào cũng vì họ chán cơm mà đôi khi chỉ là cảm giác thử, thử một điều mới. Nếu một người vợ có thể cho anh ta cảm giác “mới” thì chẳng việc gì anh ta phải đi tìm kiếm nó bên ngoài. Đã bao lâu rồi bạn quên chính cảm giác trau chuốt để ra ngoài cùng anh như thuở hai người còn yêu? Đã bao lâu rồi hình ảnh của bạn trong mắt anh ngoài sự luộm thuộm chỉ có những tiếng quát tháo, và những cơn chất vất vô lý, và thôi không còn “đỏng đảnh, đáng yêu” như trước?
Có thể bạn sẽ nói: “Cơm dâng tận miệng, quần áo tận tay, anh ấy còn đòi phụng sự gì nữa mà vẫn chưa vừa lòng? Tham vừa thôi chứ!”. Phải! Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi vấn đề ở cách bạn “cho” hay không? Trách nhiệm làm cha, chăm sóc con là của anh ấy, việc nuôi dưỡng tình thương cho con không phải chỉ của mình bạn. Hãy cho phép anh ấy tham gia vào, làm một người cha trong ký ức trưởng thành của con cái bạn. Và hãy “cho” những gì anh ấy cần, không phải những gì bạn có. Vậy bạn có biết anh ấy cần gì không? Và những cái “cho” của bạn nó có “giá trị” trong mắt anh không? Một người đang thèm thuồng một tô phở mà bạn cho họ ăn 10 bữa cơm liên tục thì thật là ám ảnh, dù rằng để có những bữa cơm ấy, bạn đã trả giá khá nhiều. Hôn nhân ai cũng biết là quan trọng nhưng mấy ai đã chịu giữ gìn, và giữ gìn đúng cách.
Hãy thử dành một ngày trong số 365 ngày bận rộn của bạn để nhìn lại cuộc hành trình mình đã đi qua với tư cách một người ngoài cuộc, để biết câu trả lời cho câu hỏi: mình là ai? mình đã sống như thế nào? mình hạnh phúc không? mình có làm cho gia đình mình hạnh phúc không? Và hãy nghĩ xem trong một năm sắp tới mình sẽ làm gì để mình hạnh phúc hơn, để gia đình mình hạnh phúc hơn…Một cầu thủ bóng đá còn phải xem lại những thước phim quay quá trình thi đấu của họ để hoàn thiện hơn trong tương lai thì việc tự nhìn nhận lại mình sao lại không cần thiết cơ chứ!!!
Xin hãy làm điều đó, vì chính bạn…
Theo PNO