Thêm phiên bản thử nghiệm máy trợ thở
Ngày 11.4, nhóm nghiên cứu Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã giới thiệu phiên bản demo máy trợ thở, với tham vọng sản xuất chống dịch Covid-19.
Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng giới thiệu máy thở phiên bản thử nghiệm – ẢNH: AN DY
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng trường này, cho biết nỗ lực nghiên cứu, tiến đến sản xuất máy trợ thở của trường nhằm chung tay hỗ trợ Chính phủ trong công tác điều trị và phòng chống dịch trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 lây lan trên diện rộng.
Trường đại học này đã tập trung nguồn lực, nghiên cứu và bước đầu thử nghiệm thành công sản phẩm máy trợ thở với tên gọi là DTU-Vent.
“DTU-Vent hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương nghiêm trọng đến hai lá phổi. Sản phẩm sẽ góp phần hỗ trợ các nhân viên y tế vượt qua thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp, đang nguy kịch vì dịch bệnh Covid-19″, tiến sĩ Lê Hoàng Sinh, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết.
Sản phẩm máy thở DTU-Vent là dòng máy thở không xâm lấn, cung cấp dòng khí oxy đến phổi ở một tần suất cố định thông qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi-miệng, đáp ứng nhanh một lượng khí lớn trong thời gian ngắn nhằm kích thích việc thở của người bệnh.
Máy được nghiên cứu phát triển để đáp ứng các thông số cấp cứu và điều trị các bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, DTU-Vent được thiết kế với 10 chế độ được cài đặt sẵn thông qua ước lượng chiều cao của bệnh nhân. Điều này giúp cho nhân viên y tế tiết kiệm thời gian và dễ dàng vận hành máy. Máy cũng được tích hợp pin với thời lượng sử dụng trong 3 giờ để có thể vận hành ngay tại hiện trường hoặc khi hệ thống điện gặp sự cố.
Máy thở được nghiên cứu với tham vọng sản xuất hỗ trợ các bệnh nhân suy hô hấp do dịch bệnh Covid-19 – An Dy
Hiện tại, máy có thể chạy được ở nhiều chế độ khác nhau như: kiểm soát áp suất, kiểm soát thể tích và đặc biệt là chế độ dựa theo tình trạng người bệnh để cung cấp hỗ trợ hô hấp cần thiết và tức thì.
Theo nhóm nghiên cứu, tỉ lệ các linh kiện phục vụ sản xuất máy được nội địa hóa ở mức cao nhất nên có thể chủ động khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Chi phí thiết bị và linh kiện nội địa “made in VietNam” được tính toán ở mức thấp nhất, không quá 20 triệu đồng/máy.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cùng đại diện các Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét phiên bản demo của nhóm nghiên cứu để có hướng hỗ trợ việc thử nghiệm, xin cấp phép để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ các tình huống khẩn cấp của Covid-19.
“Đây thực sự là nỗ lực nghiên cứu khoa học vì cộng đồng của nhóm các nhà khoa học trẻ. Chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ về mọi mặt để sản phẩm có thể từ phiên bản thử nghiệm tiến đến giai đoạn sản xuất và phục vụ nhu cầu chống dịch Covid-19 của Đà Nẵng và Việt Nam…”, ông Thơ nói.
An Dy
Hành trình kỹ sư người Việt tha hương phát minh ra máy trợ thở
Ông Trần Ngọc Phúc - người Việt tại Nhật - đã luôn say mê tìm hiểu, nghiên cứu để sáng tạo ra chiếc máy trợ thở cứu sống bao sinh mạng.
Mới đây, nhiều bạn đọc biết thông tin ông Trần Ngọc Phúc sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất máy trợ thở ở Việt Nam trong cuộc chống Covid-19. Chiếc máy trợ thở cao tần số do ông phát minh đã cứu sống biết bao sinh mệnh trên thế giới. Hành trình phát minh ra máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số của ông Trần Ngọc Phúc được kể trong cuốn Ngày trở về - Mẹ ơi con là người Việt Nam! (nhiều tác giả, NXB. Trẻ và VTV phát hành).
"Tôi làm việc như thể vừa tái sinh"
Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 trong một gia đình thương nhân khá giả ở Huế. Năm 20 tuổi, ông sang Nhật du học với mong muốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh ở quê hương. Sau năm 1975, Trần Ngọc Phúc mất liên lạc với gia đình, cơ hội quay về quê hương cũng khó. Đó là quãng thời gian đầy hoang mang, suy sụp của Trần Ngọc Phúc.
Sách Ngày trở về - Mẹ ơi con là người Việt Nam!
Chàng du học sinh từng không phải lo tới cơm áo gạo tiền nay sống cuộc đời tha hương, làm nhiều công việc lao động chân tay, phục vụ quán để trang trải. "Tôi tự nhủ con người cũ của mình đã mất và tôi sẽ làm việc như thể tôi vừa được tái sinh", Trần Ngọc Phúc kể trong sách.
Tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai ở Kanagawa, Trần Ngọc Phúc tới làm thực tập sinh, sau đó trở thành nhân viên chính thức ở công ty Senko Medical. Thời gian làm thực tập sinh, chàng trai Ngọc Phúc thường khiến các nhân viên đàn anh khó chịu vì suốt ngày bám theo họ để hỏi bằng được những điều chưa hiểu.
Ông Yuichi Mizutani - một đồng nghiệp của Trần Ngọc Phúc ở Senko - kể: "Anh Phúc tra hỏi tôi từ sáng đến tối. Sao lại thế này, sao lại thế kia, làm sao để tốt hơn? Mặc dù tôi đã trả lời rồi những anh ấy vẫn nhất định hỏi xem có cách nào khác để làm tốt hơn nữa hay không".
Ông Trần Ngọc Phúc và đồng nghiệp tại công ty Senko. Ảnh chụp từ sách.
Những lúc không tìm được câu trả lời thỏa đáng từ các bậc tiền bối, Trần Ngọc Phúc lại tìm những chiếc máy cũ bị bỏ đi, tháo ra để tự nghiên cứu. Sau này, ông đã có hàng chục phát minh cho công ty, giúp tăng năng suất lao động.
Những năm cuối thập niên 1970, đầu 1980, tỉ lệ trẻ sinh non ở Nhật tăng cao. Những chiếc máy hỗ trợ hô hấp thời ấy không giúp được nhiều dẫn tới 90% trẻ sinh non tử vong, số sống sót cũng bị thương tật. Trong những lần đi tới các bệnh viện cùng đồng nghiệp, Trần Ngọc Phúc chứng kiến nhiều em bé sinh non dưới 1kg nuôi trong lồng kính với nhiều thiết bị mà các bác sĩ cài đặt để cố níu từng hơi thở cho các em.
Dù không được đào tạo về y học, nhưng Trần Ngọc Phúc đã quyết định tìm hiểu, chế tạo một chiếc máy trợ thở dành riêng cho các bé sinh non. Tháng 12/1982, ông chế tạo thành công máy hô hấp nhân tạo cao tần số dành cho trẻ sinh non, đặt tên là Hummingbird. Chiếc máy đã dành giải nhất cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard. Thiết bị này đã dành lại cơ hội sống cho bao trẻ sinh non.
Không ngủ quên trên thành quả
Trong sách Ngày trở về - Mẹ ơi con là người Việt Nam! viết từ khi chiếc máy thở cao tần số cho trẻ đầu tiên được chế tạo tại Nhật, tỷ lệ 90% trẻ sinh nên tử vong chuyển thành 99,7% được cứu sống.
Năm 1984, Trần Ngọc Phúc rời công ty Senko sau 10 năm làm việc. Ông thành lập công ty thiết bị y tế Metran với bao khó khăn, thử thách. Làm việc trong ngành sản xuất thiết bị y tế, mỗi lần công ty đưa máy mới ra thị trường, Trần Ngọc Phúc luôn là người thử thiết bị đầu tiên. Ông cho rằng chỉ nên chia sẻ với mọi người những gì mình thực sự tâm đắc.
Dù thành công với thiết bị giúp trẻ sinh non, song Trần Ngọc Phúc vẫn tiếp tục nghiên cứu. "Là một nhà khoa học, tôi vui mừng với thành quả của mình nhưng không ngủ quên ở đó quá lâu mà sẽ ngay lập tức tìm kiếm một điều gì đó mới để làm", Trần Ngọc Phúc chia sẻ. Ông thành lập phòng nghiên cứu Magos để nghiên cứu và phát triển thêm các thiết bị hỗ trợ sức khỏe ngoài trẻ sinh non.
Ông cũng dành thời gian nghiên cứu, cải tiến để máy trợ thở tốt hơn, thuận tiện hơn. Gần đây, Metran cho ra mắt máy thở dành cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với trọng lượng nhỏ gọn. Các bệnh nhân có thể sử dụng chiếc máy này mà không cần chiếc binh oxi cồng kềnh nữa.
Nhà phát minh, doanh nhân Trần Ngọc Phúc.
Với những đóng góp cho ngành y tế tại Nhật, năm 2012, công ty Metran đón Nhật hoàng ghé thăm. Năm 2018, Trần Ngọc Phúc được nhận Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng bạc.
Hiện tại ông Trần Ngọc Phúc là Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản.
Nguồn video: VTV
Y Nguyên
GS. Trần Văn Thọ có tặng 2000 máy trợ thở cho Việt Nam? Trả lời phóng viên báo Dân Trí tối ngày 30/3, Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết ông chỉ nói cùng Giáo sư Trần Ngọc Phúc chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19. Giáo sư Trần Văn Thọ hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. Ông cũng là thành viên Tổ...