Thêm một vụ án oan được làm rõ
- Vừa có thêm một vụ án oan được Cơ quan điều tra Viện KSNDTC làm rõ. Người bị oan trong vụ án này là anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, trú tại Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội). Anh Dương đã bị 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Điều đáng nói trong vụ án này, là anh Vũ Ngọc Dương đã bị chính dì ruột của mình là bà Dương Diệu Thu làm giả hồ sơ, chứng từ rồi mượn tay các cơ quan pháp luật đẩy anh vào vòng lao lý.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân đang thực nghiệm lại hành vi làm giả giấy tờ trước Cơ quan điều tra.
Hậu quả, anh Vũ Ngọc Dương đang là một nhân viên ngân hàng, bị tạm giam 4 tháng 15 ngày, bị kết án 30 tháng tù giam, bị chiếm đoạt số tiền 297 triệu đồng, hiện đang trong giai đoạn chờ thi hành án nên bị mất việc làm và các quyền lợi khác của một công dân.
Xuất phát từ việc anh Vũ Ngọc Dương vay của ông Nguyễn Văn Hiền chồng bà Dương Diệu Thu (trú tại số nhà 11 ngách 59, ngõ 175 phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) 50 triệu đồng nhưng chưa trả.
Bà Dương Diệu Thu đã lập mưu, cấu kết với bà Nguyễn Thị Thanh Vân thực hiện hành vi làm giả giấy tờ tài liệu, vu khống anh Dương chiếm đoạt tiền tài trợ của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (Hà Nội) – nơi bà Thu đang công tác – với mục đích lấy lại số tiền anh Dương đã vay.
Chỉ bằng phương thức thủ công, phết dầu lên tờ giấy trắng đặt chồng lên và tô theo các con chữ trên tờ giấy vay tiền trước đây của anh Vũ Ngọc Dương, bà Vân đã tạo dựng nên một bộ hồ sơ giả gồm 2 phiếu chi, mỗi phiếu chi 50 triệu đồng, tổng cộng là 100 triệu đồng của hai công ty tài trợ tiền cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh có chữ ký nhận tiền của anh Dương và các giấy tờ pháp nhân chứng minh anh Dương là tình nguyện viên của trung tâm này.
Bộ hồ sơ giấy tờ giả này đã được bà Dương Diệu Thu nộp cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh và trung tâm này đã làm đơn tố cáo anh Vũ Ngọc Dương gửi Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh về hành vi lợi dụng tư cách tình nguyện viên của trung tâm để chiếm đoạt tiền tài trợ.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án này, Cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh đã gửi các giấy tờ này cùng với mẫu chữ viết của anh Dương tới Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội để tiến hành giám định và được trả lời là các giấy tờ này do chính một người viết ra.
Video đang HOT
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã căn cứ vào bản kết luận giám định này và lời khai của các nhân chứng để kết tội anh Vũ Ngọc Dương và tuyên phạt mức án 30 tháng tù.
Tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm anh Vũ Ngọc Dương liên tục kêu oan nhưng không được tòa chấp nhận.
Sau phiên tòa phúc thẩm anh Dương và gia đình đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các hồ sơ tài liệu giả mạo để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kết án oan cho anh Dương.
Nhận thấy vụ án có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã vào cuộc.
Khi điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã gửi toàn bộ giấy tờ mà các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây lấy làm căn cứ kết tội anh Dương đến Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng để trưng cầu giám định lại. Kết quả được khẳng định đây là giấy tờ giả, không phải do một người viết ra.
Trước những kết quả giám định trái ngược nhau của hai cơ quan tiến hành giám định, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trao đổi ý kiến với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội, đơn vị trước đây đã tiến hành giám định bộ giấy tờ này và đã nhận được văn bản trả lời của đơn vị này với nội dung: “Tại thời điểm giám định, việc cung cấp thông tin về vụ việc cần giám định không đầy đủ, tài liệu cần giám định không hệ thống, phương thức thủ đoạn thực hiện của đối tượng rất mới, rất tinh vi (chưa từng gặp trong thực tiễn giám định) dẫn đến việc nghiên cứu đánh giá tài liệu và ra kết luận của giám định viên còn chưa toàn diện, thiếu chính xác”.
Ngoài căn cứ là bản kết luận trưng cầu giám định, thì bản thân bà Dương Diệu Thu và bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng đã khai nhận hành vi làm giả giấy tờ tài liệu; Hai vị giám đốc công ty được cho là đã tài trợ số tiền 100 triệu đồng cũng xác nhận không tài trợ số tiền này; Các đối tượng chiếm đoạt tiền của gia đình anh Dương cũng đã nộp 122 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. Vì ngoài việc vu khống anh Vũ Ngọc Dương chiếm đoạt số tiền tài trợ 100 triệu đồng, bà Thu, bà Vân còn làm giả các giấy tờ vay nợ để chiếm đoạt của gia đình anh Dương tổng cộng 297 triệu đồng.
Với những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, đủ cơ sở kết luận anh Vũ Ngọc Dương bị kết án oan, vì vậy ngày 3/11/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản gửi Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự xem xét kháng nghị hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Hiện tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tiếp tục điều tra về hành vi vu khống, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với các cá nhân liên quan trong vụ án này.
Huyền Trang
Theo_VietNamNet
Thẩm phán xử oan ông Chấn bị khởi tố có do "tai nạn nghề nghiệp"?
Nhằm đưa ra một cái nhìn trực diện về sự độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như việc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của tòa án hiện nay, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh tòa Kinh tế TANDTC và Th.s Bùi Xuân Phái, giảng viên bộ môn Lý luận Nhà nước & Pháp luật (đại học Luật Hà Nội).
Cựu thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên xử phúc thẩm vụ án giết ngườikhiến ông Chấn bị oan, vừa bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quan điểm của ông trong trường hợp này như thế nào?
TS. Đỗ Cao Thắng: Có thể nói, truy trách nhiệm của thẩm phán với hồ sơ đã bị CQĐT làm sai lệch, qua cả cấp kiểm sát thì rất khó để định lượng được đâu là đúng, đâu là sai. Về mặt lý thuyết, nói thẩm phán phải có trách nhiệm với nguyên tắc xét xử độc lập là đúng, tuy nhiên, phát hiện được việc làm tùy tiện, sai lệch, giả mạo từ chính CQĐT rất khó, nó còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi người.
TS. Đỗ Cao Thắng - nguyên Chánh tòa Kinh tế TANDTC.
Th.s Bùi Xuân Phái: Nên nhớ, trong vụ án này, HĐXX có tới ba thẩm phán. Có thể, việc xem xét trách nhiệm được căn cứ theo hồ sơ, bút lục của vụ án, nhưng xem ra cũng có vấn đề khi không thấy trách nhiệm của những người khác. Quy định là HĐXX ra phán quyết theo đa số, nên phải xem vai trò của từng thẩm phán trong đó như thế nào, nếu chỉ khởi tố một người thì có thể có vấn đề. Trách nhiệm của vị thẩm phán này là có, nhưng trong sự vụ này thì khó đưa ra nhận định đến đâu, bởi với cách làm hồ sơ lắt léo được tạo dựng từ phía CQĐT, sau đó vượt qua cấp kiểm sát thì thẩm phán cũng khó nhận định được đúng, sai. Nhất là khi người ta không nhìn thấy sự vụ lợi của thẩm phán.
Th.s Bùi Xuân Phái - Giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội.
Thưa ông, hai ông có suy nghĩ gì về vấn đề nhận thức, trình độ hay có thể đây là "tai nạn nghề nghiệp" của vị thẩm phán trong vụ án này?
TS. Đỗ Cao Thắng: Thực tế, khi khai tại CQĐT, bị can đều có câu ở cuối là tôi đã được đọc lại và nhận đúng, ký tên. Đến khi ra tòa, tòa chỉ có thể hỏi bị cáo đã được đọc chưa, bị cáo trả lời có, hỏi có phải chữ ký bị cáo không, bị cáo bảo phải, thì tòa làm sao có thể phát hiện chuyện bức cung, nhục hình. Những việc làm sai từ điều tra, kiểm sát cuối cùng sẽ do tòa án gánh hết. Trong khi đó, tòa sơ thẩm lại vô can, viện kiểm sát phúc thẩm cũng không việc gì, nhưng cuối cùng tòa phúc thẩm lại bị trách nhiệm.
Th.s Bùi Xuân Phái: Vấn đề đặt ra là trách nhiệm có được xem xét đến nơi đến chốn hay không, thực tế vị thẩm phán này vẫn có quyền trả lại là hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng ông không làm thế và vẫn căn cứ theo "án tại hồ sơ" nên có thể coi đó là thiếu cân nhắc và cụ thể là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng vẫn phải nói, việc quyết định của HĐXX phải tuân theo đa số nên không thể chỉ có mình trách nhiệm vị thẩm phán này, ít nhất phải có một vị thẩm phán nữa cùng chịu trách nhiệm, thế mới sinh ra cái gọi là bảo lưu ý kiến của các cá nhân để phân hóa trách nhiệm và được gọi là cá thể hóa trách nhiệm.
Như vậy, việc truy trách nhiệm các cấp và các cơ quan tố tụng trong vụ án này vẫn bị... bỏ sót?
TS. Đỗ Cao Thắng: Về mặt lý thuyết HĐXX chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, mà ba người thì ngang phiếu nhau, mà tuyên thì tuyên theo đa số nên không có chuyện một người chịu, hai người không sao. Nếu xem xét mình trách nhiệm của vị thẩm phán chủ tọa, vậy hai người còn lại đâu?
Th.s Bùi Xuân Phái: Viện kiểm sát cũng có vai trò, trách nhiệm, nhưng có thể người ta sẽ tách vụ án ra nhiều hướng. Những người trực tiếp tham gia vụ án bên CQĐT đều bị khởi tố và bây giờ đến tòa án. Còn về phía viện kiểm sát, người ta đang xem xét đến trách nhiệm, nhưng xem ra để khởi tố cũng còn nhiều lý do. Có ý kiến nhắc đến cấp tòa sơ thẩm, sao không có trách nhiệm, nên nhớ cấp tòa phúc thẩm còn được xem là sửa sai cho cấp sơ thẩm, nếu cấp sơ thẩm đã sai thì anh phải sửa, còn nếu đã đúng thì cấp phúc thẩm có sửa sai cũng không được. Quyết định phúc thẩm là gây hậu quả trực tiếp nên trách nhiệm thuộc về cấp này.
Nói đến trách nhiệm thẩm phán tức là phải đề cao nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng hiện nay liệu nguyên tắc đó đã tuyệt đối được tuân thủ?
TS. Đỗ Cao Thắng: Trong rất nhiều trường hợp, thẩm phán bị ảnh hưởng, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng không ít tới hoạt động tố tụng nhằm hướng tới việc xét xử có lợi cho mình. Do đó, thẩm phán phải luôn ý thức được rằng, mình là người phải chịu trách nhiệm về nội dung, về tính công minh của bản án. Vì thế, thẩm phán phải có bản lĩnh và phải đứng vững trước những tác động từ các yếu tố bên ngoài. Thực tế, việc "họp án" giữa các cơ quan chỉ được áp dụng đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cần có ý kiến cụ thể, trực tiếp từ các cơ quan tham gia thực hiện như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc làm này sẽ làm rõ được một số mâu thuẫn trong vụ án ngay từ trước. Nhưng có những vụ án, vì sự thống nhất này mà đánh mất đi tính tự chủ, độc lập của các thẩm pháp. Quy định của pháp luật, nguyên tắc hoạt động tố tụng là độc lập. Vì thế, chẳng có điều luật nào cho phép ba ngành họp để thống nhất xử án cả.
Th.s Bùi Xuân Phái: Có một vấn đề là việc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đang rất đáng suy nghĩ, khi thực tế việc "báo cáo án" và việc "thẩm án" liên ngành vẫn có nguy cơ tái diễn. Điều đó khiến vai trò của thẩm phán, người cầm cân nảy mực trực tiếp tại các phiên tòa bị mờ đi, nếu không muốn nói là bị điều phối trong xét xử. Thẩm phán phải độc lập trong hoạt động xét xử theo nguyên tắc Hiến định: "... Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".
Xin cảm ơn hai ông!
Th.s Bùi Xuân Phái: "Khi anh không cân nhắc quyết định của anh xem đúng, sai và hậu quả ra sao có thể bị xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự là điều rất dễ hiểu. Việc thiếu trách nhiệm thường là các lỗi vô ý, riêng trong vụ án này (vụ khởi tố cựu thẩm phán TANDTC Nguyễn Tuấn Chiêm) phải xem lại xem là cố ý hay vô ý, nếu cố ý thì lại ở tội cố ý ra quyết định trái pháp luật".
TRẦN QUYẾT - QUANG SƠN - PHẠM THIỆU
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Gia đình chị Huyền có được đền bù chi phí tìm kiếm? Trong vụ án này, ngoài các tội danh khác thì cả hai bị can Tường và Khánh đều bị cơ quan Điều tra khởi tố, điều tra về "tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng Điều 628 Bộ luật Dân sự để xác định trách nhiệm bồi...