Thêm một SV phải khóc van vì mua iPhone 6 ở Singapore
Không chỉ du khách người Việt phải bật khóc, một sinh viên người Ấn Độ cũng đã phát khóc khi mua iPhone 6 tại một cửa hàng điện thoại ở Sim Lim Square, cũng với những chiêu bán hàng nhập nhằng như vậy.
Một sinh viên 19 tuổi đã phải bật khóc khi mua điện thoại iPhone 6 tại cửa hàng Mobile 22 nằm trong khu mua sắm Sim Lim Square ở Singapore. Cô gái bị yêu cầu phải trả thêm 1.000 đô la Singapore (gần 16,5 triệu đồng), ngoài số tiền 999 đô la Singapore mà cô đã trả khi mua chiếc iPhone 6.
Bên trong khu mua sắm hàng điện tử nổi tiếng Sim Lim Square ở Singapore.
Theo tin tức từ tờ Straits Times, vụ việc này xảy ra ngay sau vụ về du khách người Việt khóc và quỳ gối tại cửa hàng Mobile Air để được hoàn tiền, vì được yêu cầu phải trả thêm 1.500 đô la Singapore cho phí bảo hành iPhone 6.
Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng của Singapore đã nhận được 9 đơn kiện Mobile 22 trong thời gian từ tháng Sáu đến tháng Chín năm nay. Cũng trong khoảng thời gian này, có 14 đơn khiếu nại cửa hàng Mobile Air.
Vị khách hàng là nữ du học sinh, không muốn tiết lộ tên hay trường đang học, nói rằng cô đến cửa hàng nằm ngay tầng đầu tiên của Sim Lim Square hôm 9/10 sau khi đã tham khảo nhiều cửa hàng khác ở Singapore. Cô đã đồng ý trả 999 đô la Singapore cho chiếc điện thoại.
Người bán hàng nói rằng gói bảo hiểm có giá 39,90 đô la Singapore, số tiền mà cô cảm thấy hợp lý. Nhưng cô rất sốc khi bị tính phí 1.000 đô la Singapore cho riêng các khoản phí bảo hành.
“Có một dấu nhân (x) nhỏ giữa con số 39,90 và 24 tháng mà người bán hàng đã cố tình lấy ngón tay che khuất trong khi hối thúc tôi ký vào hóa đơn”, cô kể. “Tôi là một sinh viên đến từ Ấn Độ, tôi không có nhiều tiền để mua điện thoại”.
Khi nhân viên cửa hàng nói họ sẽ không hoàn lại tiền, cô bắt đầu van xin họ và bật khóc vì số tiền đó rất có ý nghĩa với cô. Nó có thể giúp cô đóng học phí. Họ phớt lờ mọi lời giải thích và thậm chí còn la mắng cô gái. Cuối cùng, họ bắt cô phải trả 551 đô la Singapore (9 triệu đồng).
Theo bình luận của trang Straits Times, vụ việc thực sự khiến cô sinh viên bị sốc, bởi cô gái cho biết hằng ngày cô vẫn chỉ ăn bữa ăn có giá từ 3-4 đô la Singapore (khoảng 50.000 đồng – 65.000 đồng).
“Ngày hôm đó vẫn còn ám ảnh tôi. Đó là điều tồi tệ nhất tôi gặp phải ở Singapore vì tôi từng được nghe nói rằng Singapore là một thành phố an toàn và những vụ việc như thế này không xảy ra”, cô nói.
Video đang HOT
Khi được hỏi về vụ việc, một nhân viên của cửa hàng Mobile 22 nói cô không được phép trả lời các câu hỏi của báo chí, trong khi người chủ cửa hàng thì không có mặt ở đó.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bị lừa ở Sim Lim và kinh nghiệm mua đồ điện tử ở Singapore
Chiêu trò của các cửa hàng buôn đồ điện tử nhỏ lẻ tại Singapore được kể lại chi tiết qua lời một blogger người Việt.
Sau thông tin một người Việt bị lừa mua iPhone 6 giá cắt cổ ở trung tâm mua sắm Sim Lim Square, Singapore, nhiều bạn đọc trong nước cũng cho biết mình từng là nạn nhân của những trò ma mãnh khi mua điện thoại tại đây. Anh Đoàn Hoàng Sơn, một người đang sinh sống tại TP.HCM, từng bị ăn "trái đắng" khi mua chiếc iPad Mini ở Sim Lim Square, chia sẻ bài viết khá chi tiết về cách thức dẫn dụ người mua trả thêm cả ngàn SGD (đô-la Singapore) của những gian thương tại đây.
Zing.vn xin đăng nguyên văn để bạn đọc cùng cảnh giác khi có ý định mua sắm tại một địa chỉ tai tiếng ở Singapore.
Bị lừa ở Sim Lim và kinh nghiệm mua sắm ở Singapore
Trong cuộc đời di chuyển thì có 3 lần tôi đau đớn nhất, một lần là bị phạt vì trốn vé tàu ở Đức (vô ý, đó là một câu chuyện khác, tôi và một chị nữa đi rất nhiều nước nhưng vẫn ngu), một lần mất hộ chiếu sau khi đi Mỹ về và một lần bị lừa trắng trợn ở Sim Lim. Chưa bao giờ thích Singapore, kỷ niệm này còn làm thiện cảm của tôi với đất nước này kém đi rất nhiều. Cũng không tính kể, nhưng sau khi đọc bài viết về một bạn công nhân bị lừa ở khu này luôn thì tốt nhất là nên chia sẻ để chúng ta cùng phòng tránh.
Sim Lim Square (tên tiếng Hoa: Ú30;È13;õ15;) là một tổ hợp bán các thiết bị điện tử ở Singapore. Người ta từng cho rằng nó hấp dẫn hơn Funan vốn có giá cao, mắc tiền hơn. Nếu từng đi Đài Loan bạn có thể hình dung ra nó giống như chợ điện tử Guang Hua nhưng vấn đề là Đài Loan người ta không lừa du khách còn Singapore thì có.
SIM LIM Square đã dính nhiều tai tiếng vì lừa gạt khách hàng. Ảnh: Ytimg.
Trước khi đến với Sim Lim, tôi cũng đi qua khá nhiều nước, khách sạn 5 sao cũng có, ở ké cũng có, Hostel giường tầng cũng có nên khá tự tin về kỹ năng của mình. Thành thật mà nói thì tôi chưa, và cũng không bao giờ hình dung ra người ta có thể lừa nhau một cách bần tiện như vậy ở Singapore, một trong những quốc gia có thu nhập thuộc loại cao nhất thế giới và con người được cho là văn minh...
Quay trở lại Sim Lim, lần đó tôi đi mua iPad cho bạn gái, ở Việt Nam không có hàng (thực ra là có nhưng giá cao), các cửa hàng bán lẻ được Apple chứng nhận cũng không còn hàng và Funan thì có giá cao hơn giá bán lẻ đề xuất. Sau khi đi một vòng và hỏi xung quanh thì một cửa hàng offer giá tương đương với giá mà Apple công bố, quá hấp dẫn. Tôi hỏi cửa hàng có hoàn thuế không thì họ trả lời là có, bọn tao sẽ viết hóa đơn cho mày. Mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Trong mua bán, việc giao tiếp với khách hàng là cực kỳ quan trọng và rõ ràng là những kẻ lừa đảo ở Sim Lim quá sành sỏi để thực hiện việc đó. Chúng không để máy ở cửa hàng mà để chỗ khác (hoặc cố tình thể hiện như vậy với khách hàng), trong lúc chờ đợi lấy máy thì mọi thông tin đều người mua vô tình cung cấp đều được dùng để chống lại chúng ta sau này. Chỉ bằng những câu hỏi vu vơ như anh qua Singapore chơi hả, ở mấy ngày, có vui không, khi nào về là chúng đã xác định được nên lừa khách hàng bao nhiêu cho an toàn để không bị phiền phức về sau. Cách phòng chống tốt nhất là không trả lời, giả bộ không hiểu tiếng Anh hoặc nói dối: Tôi bắt đầu làm việc/đi học ở đây từ tháng này.
Lý do chúng hỏi câu đó rất đơn giản, ở Singapore có những hội bảo vệ người tiêu dùng như CASE (Consumer Association of Singapore) hay Small Claims Court. Nếu bạn ở đây lâu thì bọn lừa đảo sẽ rụt rè hơn, chúng thường lừa ít hơn để chúng ta dễ dàng bỏ qua số tiền nhỏ đó vì các tổ chức trên sẽ cố gắng giúp đỡ để chúng ta lấy lại phần nào số tiền bị lừa còn nếu rời chỉ sau vài ngày thì bó tay, không ai xử lý nổi trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Sau khi trò chuyện một hồi thì hàng về, chúng rất khôn ngoan đưa ngay dao rọc giấy cho khách mở hộp kiểm tra mà chưa cần trả tiền. Trong lúc đang thử thì bọn lừa đảo lại tiếp tục can thiệp vào, yêu cầu chúng ta đưa thẻ để trả tiền (đã hỏi trả tiền mặt hay thẻ ở trên, thẻ thì bọn chúng yêu hơn còn tiền mặt thì có thể sẽ nói không lấy lại được thuế do giá trị cao hơn 300 hay 500 SGD, khách nước ngoài làm sao biết được luật ở đây...). Mải xem máy, có mấy ai để ý mà thường đưa ngay thẻ tín dụng cho chúng xử lý - một sai lầm lớn.
Cầm thẻ tín dụng của chúng ta, bọn lừa đảo ngay lập tức trừ tiền với giá gấp rưỡi (hoặc con số khác tùy lòng hảo tâm) khi chúng ta còn đang loay hoay. Thông thường thì tôi không để ai chạm vào thẻ của mình nhưng trong tình trạng một thằng cứ mải nói huyên thuyên về máy, một thằng cầm máy POS ngay bên cạnh để tạo sự tin tưởng thì sự nghi ngờ đã giảm đi rất nhiều. Trong trường hợp của tôi thì số tiền bọn chúng tính là 571 SGD, tức cao hơn khoảng 26% so với giá bán lẻ đề xuất lúc đó, có lẽ vì trông tôi không ngu lắm và nói tiếng Anh cũng không quá nát để bị lừa nhiều hơn.
Khi hóa đơn được in ra thì tôi đã nghi ngờ và hỏi ngay lập tức tại sao giá lại cao hơn thế này và nhận được lời giải thích khá dễ chấp nhận: VAT ở Singapore cao, ra sân bay được hoàn lại 20% (chả ai mà ngồi chia 571/450 để ra 26% cả, chỉ đoán là cũng cỡ cỡ đó thôi nên thấy hợp lý). Thực chất thì trừ khi mua đồ ở Sing nhiều mới biết hoàn thuế khoảng 5.5% thôi còn tôi thì không mua trước đó nên không biết mức hoàn là bao nhiêu. Thuế ở châu Âu cũng kinh khủng cỡ đó, có nước tới 26% nên không quá nghi ngờ đặt bút ký vào hóa đơn thẻ tín dụng, một sai lầm nữa.
Nhiều người bản xứ thậm chí cũng bị lừa khi mua sắm tại SIM LIM Square. Ảnh: SGClub.
Ký xong hóa đơn thẻ tín dụng (tạm gọi là hóa đơn A) thì chúng đưa một tờ hóa đơn viết tay khác chỉ ghi mỗi mua iPad trên đó mà không có số tiền phải trả( tạm gọi là hóa đơn B), bảo ký sẵn để chúng đi in ra một lần cho tiện. Chẳng hiểu sao tôi lại đặt bút ký vào đây mà không hề có một chút do dự nào, quá ngu ngốc và sai lầm.
Sau khi đã ký xong, chúng bắt đầu lật mặt và nói là tôi đã kích hoạt bảo hành 2 năm cho máy của anh. Anh cần trả tiền cho tôi để lấy máy. Dù bạn nói bất cứ gì kiểu như tôi không tin có vụ đó, tao không sống ở Sing không cần bảo hành, Apple bảo hành điện tử... thì cũng không có giá trị vì chúng ta đã ký tờ giấy B ở trên. Lúc này tôi hiểu mình đã bị lừa và gọi cảnh sát tới. Chúng bắt đầu tỏ ra khó chịu và thách thức mày gọi cảnh sát tới cũng chẳng làm gì được tao, và đó là sự thật.
Hôm đó tôi đi 2 người, còn một anh bạn nữa và không muốn chúng nghe gọi cảnh sát nên bảo anh bạn đó ở lại chờ trong lúc gọi điện. Không rõ vì sao bạn tôi lại đi theo và trong lúc đó, chúng ghi vào hóa đơn B miếng dán màn hình và kích hoạt bảo hành thêm 2 năm, kê khống lên khoảng 300 SGD nữa. Nếu lúc đó mà chúng không ghi được thì có thể vẫn còn cơ hội đòi lại số tiền bị lừa, rất tiếc...
Vì bạn đã ngu ngốc ký vào tờ hóa đơn B, tức chúng ta thừa nhận đã mua với giá đó nên trên danh nghĩa pháp luật bạn còn thiếu chúng khoảng 300$ nữa mới được quyền lấy máy, nếu không sẽ mất trắng số tiền đã trả. Ba anh cảnh sát tới nhưng cũng chẳng giải quyết được gì, chúng còn thách thức muốn gì cứ lên Small Claims Court mà trình bày, và lúc này tôi bắt đầu nhận ra sự ngu ngốc của mình lớn đến từng nào.
Các anh cảnh sát Singapore khá dễ thương, thực chất họ đã gặp trường hợp này nhiều nên khuyên tôi nói chuyện tử tế và nhẹ nhàng với chúng, thuyết phục chúng bỏ qua chứ về lý là đã thua vì chính tay tôi ký hóa đơn B ghi rõ 571 SGD (lúc đầu) 300 (lúc tôi gọi điện). Sau một hồi thương thảo dưới sự giúp đỡ của anh cảnh sát thì chúng chấp nhận giảm 200 SGD kích hoạt bảo hành, liên tục than gặp "khách nào như mày chắc tao chết, tao lỗ tiền bảo hành ai chịu cho tao" và bán miếng dán màn hình cho tôi với giá 100 SGD như trong sao kê thẻ tín dụng ở dưới. Tổng số tiền tôi phải bỏ ra cho chiếc iPad mini 16 GB Wi-Fi đó vào khoảng gần 12 triệu, quá nhục.
Thêm một nỗi nhục nữa: Khi ra sân bay trình tờ giấy hoàn thuế bọn nó đưa thì nhân viên Hải Quan bảo anh đưa cái gì vậy, cái này không phải hóa đơn hoàn thuế...
Sau vụ này cùng một số vụ khác thì ban quản lý Sim Lim bắt đầu đưa danh sách các cửa hàng được chứng nhận không lừa đảo ở đây nhưng chúng thường xuyên thay đổi bảng tên (chỉ phải đóng chưa tới 30 SGD là được thay đổi) và xé các tờ giấy cảnh báo đi nên vẫn có rất nhiều người bị lừa.
Qua bài học trên, chúng ta phải làm gì nếu bạn muốn mua sắm ở Sim Lim?
- Trả lời "tôi ở Sing du lịch khoảng 2 tuần nữa" cho an toàn.
- Không trả lời bất cứ thông tin nào không cần thiết.
- Thông báo trước "tôi không cần dịch vụ, không cần kích hoạt bảo hành hay unlock gì" nếu mua đồ điện tử
- Hỏi số tiền cuối cùng trước khi trả bất cứ cái gì.
- Chỉ ký hóa đơn thẻ tín dụng khi thật sự hiểu rõ về số tiền ghi trên đó, bạn không ký thì hóa đó là vô giá trị.
- Không ký bất cứ giấy tờ nào không ghi rõ số tiền.
- Thuế VAT (ở Singapore là GST) khoảng 7%, hoàn lại khoảng 5.5%.
- Tốt nhất nên tránh nơi này ra, không chỉ mình Sim Lim mà rất nhiều chỗ ở Singapore cũng hay lừa chiêu nay. Có một người bạn tôi cũng bị lừa ở đường Orchard với chiêu gần tương tự.
Theo Zing
Nhiều người từng sập bẫy khi mua iPhone ở Singapore Du khách người Việt mới đây không phải trường hợp duy nhất bị dính bẫy mua thêm gói bảo hành tại một "cửa hàng đen" bên trong trung tâm mua sắm Sim Lim Square tại Singapore. Thông tin một du khách người Việt phát khóc khi dính bẫy mua iPhone 6 giá cao tại một cửa hàng bên trong Sim Lim Square đăng...