Thêm một loài cá voi có khả năng sắp tuyệt chủng
Cá voi đầu bò bắc Đại Tây Dương, loài đang ở mức nguy cấp về số lượng, sẽ tuyệt chủng nếu không có hành động tức thời để bảo vệ và hồi sinh chúng, theo các nhà khoa học.
Từng có thời kỳ bị săn bắt tới mức gần tuyệt chủng, cá voi đầu bò bắc Đại Tây Dương tiếp tục phải đối mặt với khả năng tận diệt, khi chỉ còn khoảng 400 cá thể ngoài tự nhiên, theo CNN.
Báo cáo mới nhất của Oceana, tổ chức phi lợi nhuận có mục đích bảo tồn môi trường biển, cho rằng trừ khi các biện pháp bảo vệ được đưa ra tức thời, cá voi đầu bò bắc Đại Tây Dương sẽ tuyệt chủng trong tương lai gần.
“Đến một lúc nào đó, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, việc phục hồi loài này sẽ trở nên không thể”, báo cáo của Oceana cho biết.
Chỉ 25% trong số 400 cá thể ngoài tự nhiên là những con cái nằm trong độ tuổi sinh sản. Ít nhất 28 con khác đã chết trong vòng 2 năm qua, theo giám đốc Oceana, bà Whitney Webber.
Đánh bắt quá đà, giao thông đường biển và biến đổi khí hậu là những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của loài.
“Chúng ta không còn thấy những con cá chết vì nguyên nhân tự nhiên nữa, chúng đang chết trong vòng tay của chúng ta”, bà Webber chia sẻ.
Do bản tính thân thiện, bơi gần bờ và luôn hoạt động ở mặt nước, cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương trở thành loài vật rất dễ dàng để săn bắt. Khi lệnh cấm săn bắt cá voi được đưa ra vào năm 1935, chúng gần như đã tuyệt chủng. Số lượng loài hồi phục một chút, nhưng gần đây chúng lại gặp phải những mối đe dọa khác.
Video đang HOT
28 con cá voi đầu bò bắc Đại Tây Dương – tương đương 8% dân số loài, đã chết trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Getty.
Ít nhất 100 con thuộc loài này vướng vào lưới đánh cá mỗi năm, theo ước tính của Oceana. Có khoảng 1 triệu đường thả lưới nằm trên đường di cư của cá voi qua bờ biển Mỹ và Canada, và bà Webber cho rằng tình trạng này không khác gì một “bãi mìn” đối với chúng.
Lưới đánh cá sẽ tạo ra những vết thương trên cơ thể cá voi và chúng có thể chết nếu những vết thương này bị nhiễm trùng. Việc bị thương cũng sẽ ảnh hưởng đến các sinh hoạt cơ bản của chúng như đi săn và giao phối.
Đây là thách thức mà cá voi đã gặp phải trong nhiều năm, nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên khủng khiếp hơn trong vòng 2 năm qua.
Kể từ năm 2017, 8% dân số của loài – tức 28 cá thể – đã chết và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) gọi đây là “những cái chết bất thường”.
Bà Webber cho biết nhiều khả năng nguyên nhân là thức ăn chính của cá voi đầu bò, một loài phù du nhỏ có tên là copepod, phải chuyển đến vùng nước lạnh hơn ở phía bắc vì biến đổi khí hậu.
Ở Canada, những con cá voi đối mặt với nhiều lưới đánh cá hơn và giao thông tấp nập hơn của tàu thuyền lớn, chưa kể quãng đường hàng trăm dặm phải di chuyển thêm.
Điều này nghĩa là chúng có thể chết khi đi tìm kiếm thức ăn.
Một vấn đề quan trọng khác là tập tính sinh sản của loài. Cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương phải mất 10 năm để đạt độ tuổi sinh sản, và con cá chỉ sinh một con trong vòng từ 3 đến 5 năm. Sự căng thẳng trong cuộc sống của chúng ở thời điểm này khiến cho khoảng cách giữa các lần sinh đã tăng lên gấp đôi, tức là phải mất 10 năm để một con cái sinh thêm một con.
Bà Webber cho rằng nếu không có các biện pháp tức thì để hạn chế lưới đánh cá và áp đặt giới hạn tốc độ cho tàu trên biển, Đại Tây Dương sẽ mất đi một trong những loài cá voi lớn nhất và hiếm nhất còn sót lại.
Theo Zing.vn
Zimbabwe kiếm bộn tiền từ bán voi cho Trung Quốc, Dubai
Zimbabwe thu được 2,7 triệu USD nhờ bán gần 100 con voi cho Trung Quốc và Dubai.
Voi châu Phi tại công viên quốc gia Hwange, Zimbabwe.
98 con voi đã được chở bằng máy bay tới các công viên tại Trung Quốc và Dubai. Chúng được bán với giá từ 13.500-41.500USD/con. Số voi trên được bán trong giai đoạn 2012-2018.
Phát ngôn viên cơ quan Quản lý Động vật hoang dã Zimbabwe Tinashe Farawo cho biết số tiền thu được sẽ được dùng cho mục đích bảo tồn. Ông Farawo cho biết cơ quan này đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát số lượng voi trong các công viên quốc gia của Zimbabwe. Họ hy vọng rằng những hợp đồng mua bán này sẽ giúp chăm sóc tốt cho những con voi còn lại.
Ông cũng cho biết mực nước tại các con sông ở các công viên đang hạ thấp. Các nhân viên đã phải dùng nhiều nguồn nước thay thế để phục vụ nhu cầu của các con vật.
"Hầu hết các công viên của chúng tôi đều phải sử dụng nước từ giếng khoan. Việc này làm "đội" lên rất nhiều chi phí, nhất là trong những mùa khô hạn", ông Farawo nói.
Bộ trưởng Du lịch Prisca Mupfumira cho biết Zimbabwe hiện có 85.000 con voi nhưng chỉ đủ khả năng chăm sóc cho khoảng 55.000 con. Ông Mupfumira cũng cho biết chính phủ nước này đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi theo Công ước Quốc tế buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) nhằm mở đường cho việc bán lượng ngà voi trị giá 300 triệu USD.
Botswana, Namibia và Zambia - những quốc gia có lượng lớn voi châu Phi sinh sống, cũng đang tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi của CITES.
Năm 2015, Zimbabwe cũng từng rao bán một số động vật hoang dã của nước này do tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Cư dân tại các cộng đồng hẻo lánh của nước này thường xuyên phản ánh về tình trạng voi tràn vào tàn phá ruộng đồng mùa màng của họ.
Theo Danviet
Mỹ : Phát hiện răng cá mập bạo chúa Megalodon thống trị biển cả 3 triệu năm trước Một thợ lặn phát hiện 2 chiếc răng của cá mập bạo chúa Megalodon khi tìm kiếm dưới đáy hồ ở Mỹ. Răng của cá mập bạo chúa Megalodon Theo Daily Star, Anthony phát hiện răng của loài cá mập khổng lồ Megalodon đã tuyệt chủng khi đang tìm kiếm dưới hồ nước ở thành phố Crystal River, bang Florida, Mỹ hồi đầu...