Thêm một địa danh của Malaysia được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn thông báo từ Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) cho biết quần thể hang động Niah ở Sarawak của nước này đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNECSO) công nhận là Di sản thế giới.
Cửa phía Tây của hang động Niah. Ảnh: whc. unesco.org
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/7 tại phiên họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức từ ngày 21-31/7 tại New Delhi, Ấn Độ, Ủy ban đã công nhận thêm 1 di sản của Malaysia. Danh hiệu này do 21 đại diện đến từ các quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới bầu chọn.
Hiện Ấn Độ đang là nước chủ tịch ủy ban này. Tuyên bố có đoạn nêu rõ quy trình đề cử cho Di tích khảo cổ hang động Niah bắt đầu từ năm 2019. Tài liệu kèm theo danh sách dự kiến đề cử đã được trình lên UNESCO 2 lần, vào các ngày 22/1/2021 và 31/1/2023. Các tài liệu này đã được chuyển giao cho Ban thư ký UNESCO tại Paris, Pháp.
Như vậy, Malaysia hiện có 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Các Di sản thế giới tại Malaysia đã được công nhận trước đây gồm Công viên quốc gia Gunung Mulu và Công viên Kinabalu (được công nhận năm 2000), Các thành phố lịch sử của Eo biển Melaka, Melaka và George Town (năm 2008) và Di sản khảo cổ Thung lũng Lenggong (năm 2012).
Malaysia đang đề nghị UNESCO công nhận thêm một số khu vực nữa của nước này như Công viên rừng FRIM ở Selangor, Công viên Belum và Trung tâm kiểm soát bệnh phong quốc gia.
UNESCO khuyến nghị đưa Venice vào danh sách Di sản thế giới bị đe dọa
Ngày 31/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến nghị đưa thành phố Venice của Italy vào danh sách Di sản thế giới bị đe dọa.
Tàu du lịch tại Venice, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tổ chức này đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Italy cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ thành phố mang tính lịch sử và vùng đầm phá xung quanh khu vực này.
UNESCO nhận định Venice đang liên tục xuống cấp trước sự can thiệp mạnh mẽ của con người, quá trình phát triển, tình trạng biến đổi khí hậu và du lịch đại chúng. Điều này khiến Venice đối mặt với nguy cơ thiệt hại "không thể đảo ngược", làm thay đổi giá trị toàn cầu độc đáo của thành phố. Bên cạnh đó, tác động kép của con người và thiên nhiên còn gây thiệt hại đến các công trình xây dựng và vùng đô thị. Một số vấn đề tồn tại từ lâu dần làm xói mòn các đặc tính và giá trị vốn có của Venice.
UNESCO cho rằng Chính phủ Italy "thiếu những tiến bộ đáng kể" và "tầm nhìn chiến lược chung" để giải quyết tình trạng trên. Cơ quan này nhấn mạnh Italy đã không duy trì liên lạc thực chất, bền vững kể từ sau phiên họp của Ủy ban di sản thế giới tháng 7/2021 tại Trung Quốc. Tại đây, UNESCO đã cảnh báo chính quyền thành phố cần "quản lý du lịch bền vững hơn" nếu không muốn bị xếp vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
Khuyến nghị của UNESCO dự kiến sẽ được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban di sản thế giới, diễn ra vào tháng 9 tới ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. UNESCO kỳ vọng cảnh báo này sẽ thúc đẩy các bên liên quan cấp địa phương, quốc gia và quốc tế nỗ lực hơn nữa, huy động thêm nguồn lực giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Phát biểu với truyền thông, người phát ngôn vùng đô thị Venice cho biết chính quyền thành phố sẽ thảo luận với chính phủ, đồng thời xem xét kỹ lưỡng đề xuất lần này của UNESCO.
Phiên họp tiếp theo của Ủy ban di sản thế giới dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 25/9 tới, quy tụ một ủy ban gồm 21 quốc gia thành viên UNESCO, nhằm đánh giá hơn 200 địa điểm toàn cầu trước khi công bố danh sách Di sản thế giới bị đe dọa.
Ấn Độ và Trung Quốc có thêm địa điểm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 26/7 thông báo đưa Khu gò mộ và lăng mộ Charaideo Moidam ở Đông Bắc Ấn Độ vào danh sách Di sản thế giới. Quyết định được thông báo trong phiên họp thứ 46 của UNESCO diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Khu gò...