Thêm một căn bếp yêu thương cho bệnh nhân nghèo
Đây là công trình do Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Chi hội từ thiện Bảo Hòa, Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa, Họ đạo Chợ Lớn và Quán cơm Hạnh Dung thực hiện.
Người nhà bệnh nhân nhận suất ăn miễn phí từ Bếp yêu thương. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Ngày 8/8, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động căn “bếp yêu thương,” cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo và thân nhân người bệnh đang điều trị tại đây, nhằm san sẻ bớt những khó khăn của họ.
Chỉ trong chưa đầy hai giờ, gần 2.000 suất ăn đã được nhân viên của “bếp yêu thương” phát miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Đây là công trình do Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các đơn vị hỗ trợ như Chi hội từ thiện Bảo Hòa, Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa, Họ đạo Chợ Lớn và Quán cơm Hạnh Dung thực hiện.
Nói về ý tưởng thành lập “Bếp ăn yêu thương,” thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ từ trước đến nay, hoạt động phát cơm từ thiện được bệnh viện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từ thiện triển khai. Tuy nhiên, do thiếu điều kiện cơ sở vật chất nên việc tổ chức phân chia, phát suất ăn diễn ra ngoài trời gây nên cảnh xô bồ, lộn xộn và tiềm ẩn không ít nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Sau khi được sự đồng ý của Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng Công tác xã hội đã vận động các nhà tài trợ chỉnh trang, nâng cấp khu vực phát suất ăn miễn phí trở thành căn “bếp yêu thương” để người bệnh có được nơi nhận thức ăn, nơi ăn cơm sạch sẽ, khang trang… “Chúng tôi mong rằng “bếp yêu thương” với những bữa cơm ấm áp, nghĩa tình sẽ san sẻ bớt nỗi nhọc nhằn, khó khăn của các bệnh nhân trong thời gian điều trị tại bệnh viện,” thạc sỹ Lê Minh Hiển cho hay.
Nhân viên công tác xã hội đóng gói suất ăn miễn phí cho bệnh nhân mang về. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Còn ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chi hội trưởng Chi hội từ thiện Bảo Hòa – một trong những đơn vị cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết nhờ có căn “bếp yêu thương” mà công tác phát cơm từ thiện thuận lợi, dễ dàng hơn trước đây. “Từ nay chúng tôi đã có nơi phát cơm đàng hoàng cho người bệnh nghèo, các tình nguyện viên không còn phải đội nắng, mưa phát cơm vất vả, còn người được nhận cơm cũng thấy ấm lòng hơn bởi ngoài “của cho” thì “cách cho” cũng đã tử tế hơn.”
Mỗi ngày, “bếp yêu thương” tại Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ cung cấp khoảng 4.500 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh điều trị tại đây. Theo đó, 5 khung giờ phát cơm miễn phí cố định là 5 giờ, 6 giờ, 8 giờ, 14 giờ và 16 giờ./.
Video đang HOT
Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam )
Những 'thiên thần nhỏ' về nhà an nghỉ trên chuyến xe cuối cùng của chàng trai 9X
Hơn 2 năm qua, hơn 100 'chuyến xe cuối cùng' của Võ Thanh Nghị (29 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) đã giúp rất nhiều gia đình khó khăn đưa những đứa trẻ trở về an nghỉ nơi quê nhà mình...
"Chuyến xe cuối cùng" của chàng trai 9X đã giúp biết bao hoàn cảnh khó khăn đưa thi thể cháu, con trở về nhà
Ám ảnh thi thể đứa trẻ trong... chiếc túi xách
Một ngày cách đây hơn 2 năm, Nghị tay xách lỉnh kỉnh những đồ, cùng bạn bè đến từng giường bệnh thăm hỏi, trao tặng cho từng gia đình bệnh nhi. Chỉ là một chuyến từ thiện bình thường ở bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), như anh đã làm suốt 2 năm trước đó ở khắp nơi.
Đột nhiên, có một người phụ nữ lớn tuổi thất thểu bước về phía Nghị. Bà bần thần nhìn anh bằng đôi mắt của một người nhiều âu lo và nhiều đêm không ngủ. Bà cất giọng yếu ớt, hỏi anh rằng anh làm từ thiện, có giúp được bà ít tiền chở cháu đã mất về quê không?
Nghị đồng ý, bà liền nắm tay anh, kéo về phía nhà xác. Anh nhìn quanh, chẳng thấy đứa bé nào ở đó, chỉ có chiếc túi du lịch nằm một góc, với một đôi vợ chồng cúi gằm mặt, nước mắt vẫn chưa kịp khô. Anh bỗng linh cảm về một điều gì đó rất nghiệt ngã.
Trong một lần hỗ trợ ở bệnh viện Nhi đồng 1, Nghị tình cờ giúp đỡ một gia đình khó khăn chuyến xe chở thi hài đứa bé về quê. Hoạt động "Chuyến xe cuối cùng" ra đời từ đó
Nuốt nước bọt, Nghị hỏi cháu bà đâu. Bà lặng lẽ chỉ tay vào chiếc túi du lịch. Anh trân người, cố dằn lòng nhờ bà mở chiếc túi ra. Bên trong, nhiều lớp khăn phủ, chèn kín kẽ thi hài một đứa bé 7 tháng tuổi. "Sau điều trị, ngoài việc mua được 3 chiếc vé xe đò để trở về Tri Tôn, An Giang chôn cất cháu, chúng tôi không còn đồng nào thuê xe chở thi thể cả. Sợ nhà xe đuổi xuống, tôi đành bỏ cháu vào túi quấn kín lại, định lén mang lên...", bà nói, giọng xót xa.
Nghị đã giúp biết bao hoàn cảnh khó khăn, vận động xây nên những căn nhà tình thương cho người ta nương náu, nhưng chưa bao giờ Nghị thấy một đứa trẻ mất ngay trước mắt, và dồn một gia đình vào bước đường cùng như thế... Không ngần ngại, anh cùng bạn bè gom góp được 3 triệu đồng, thuê một chiếc xe chở gia đình bà về quê. Anh giúp đỡ thêm một chiếc hòm, cho việc mai táng đứa bé được diễn ra trọn vẹn.
Khi có trường hợp cần giúp đỡ, Nghị lập tức kêu gọi từ bạn bè, người thân và các mạnh thường quân để hỗ trợ tức thời cho gia đình mất con
"Nói bằng lời sẽ chẳng diễn tả được hết đâu. Có những gia đình khắp Bắc, Trung, Nam, lặn lội đưa con vào đây chữa bệnh. Có bé bệnh ngay lúc sinh ra. Có bé nằm ròng rã 3 tháng, 7 tháng, 1 năm trời! Có bé ba mẹ đã biết không còn cơ hội, nhưng vẫn nuôi hy vọng bằng số tiền vay mượn, bán đất, bán cả nhà. Rồi họ cũng phải buông xuôi, nhìn lại, con mất, gia tài cũng chẳng còn. Móc túi ra, chỉ còn vài trăm nghìn không đủ một chuyến xe về. Rồi nhà xe kiêng kị, họ mua đá bỏ bé vào thùng mút, lên tàu hỏa trở về... Những hình ảnh đó đã ám ảnh mình suốt cho đến tận bây giờ", Nghị nói về những trăn trở của mình.
Cũng từ ấy, "chuyến xe cuối cùng" của chàng trai 9X ra đời, sẵn sàng chở những bệnh nhi không may mắn về lại quê hương.
Những "chuyến xe cuối cùng"
"Ban đầu, mình làm từ thiện thực ra chỉ vì muốn được đi đây đi đó. Sau khi học xong, về ổn định với công việc ở công ty của gia đình, mình thường theo chân anh em bạn bè đi phát quà, hỗ trợ người dân khó khăn ở khắp nơi. Cũng xem như một công đôi việc, vừa trải nghiệm vừa giúp được cho nhiều người. Nhưng càng làm, mình càng thấy quá nhiều những hoàn cảnh khốn cùng. Mình đã luôn trăn trở, nếu không được giúp, họ sẽ ra sao? Nhất là từ lúc hỗ trợ bệnh nhi đã mất, mình càng thấy không thể không làm", Nghị bộc bạch.
Nhìn nhận thực tế từ hướng đi của những đội, nhóm từ thiện, thấy hoạt động nấu ăn, dạy học ở vùng cao; phát quà, hỗ trợ tiền chữa trị ở bệnh viện; xây nhà, xây cầu ở vùng sâu vùng xa;... đã có, Nghị quyết tâm thực hiện những "chuyến xe cuối cùng". Người ta truyền tai nhau về những chuyến xe đầy nhân văn của Nghị. Bất kể giờ giấc nào, chỉ cần nghe cuộc gọi từ Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Nhi đồng 1, hay sự cầu cứu của những gia đình khốn cùng, anh lại tức tốc lên đường.
"Nhiều gia đình nghèo đến nỗi không có mảnh đất để chôn, không mua nổi cái quách cho con họ, thậm chí là chuyến xe từ bệnh viện trở về. Sự hỗ trợ của Nghị không chỉ giúp họ tiền bạc trong lúc khốn cùng, mà còn như sự động viên tinh thần lớn lao. Bất cứ khi nào bệnh viện liên hệ, Nghị đều đến bất kể mưa nắng, ngày đêm"
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai (Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Nhi đồng 1)
Niềm vui của những người được giúp đỡ khiến chàng trai trẻ quyết tâm phải làm những điều có ích hơn cho đời
"Một lần, nhóm mình theo chuyến xe về Gia Lai. Đường dẫn vào làng đồi núi lởm chởm, quanh co, không thể nào cho xe chạy được. Mình xuống bế thi thể đứa bé đi bộ 3 cây số để đến được nhà. Một lần khác, mình theo xe về Bạc Liêu, thấy túp lều của gia đình dựng hờ sát ra mom sông. Đám ma cậu bé 6 tuổi được làm trên mảnh đất của nhà người khác, che tấm bạt, đặt tạm chiếc giường... Lòng mình thắt lại, tự nhủ càng phải giúp đời nhiều hơn nữa", Nghị quả quyết.
Trong ký ức của Nghị, mỗi hoàn cảnh, mỗi "chuyến xe cuối cùng" là một cảm xúc khác nhau. Nhưng có một chuyến xe anh chắc chắn mình sẽ chẳng thể nào quên.
Một buổi chiều, anh chạy xe máy ra ăn tân gia bạn ở tận Biên Hòa, Đồng Nai. Cuộc vui kéo dài đến nửa khuya anh mới vào phòng nằm chợp mắt. 0 giờ 30 phút, cuộc gọi từ một người mẹ khiến anh tỉnh giấc. Con họ mất đột ngột và họ rất cần anh giúp một chuyến xe đưa thi thể đứa trẻ về Kiên Giang. Anh cố gằn giọng còn ngái ngủ, hỏi người mẹ có đợi được không, vì mất đến hơn 2 tiếng, anh mới có thể có mặt.
Có những chuyến xe, người cha người mẹ cố gắng giữ hơi thở cho con để trở về gặp người thân lần cuối...
Có những thiên thần không may mắn lúc tuổi đời chỉ vừa tính bằng ngày...
"Người mẹ nói được, vì không còn cách nào khác. Mình tắt máy, nằm đó đắn đo. Lần đầu tiên, mình thấy lòng mình không sáng... Chuyến đi xa ban chiều rất mệt, lại ăn uống đến tận khuya. Chưa kể đường về bây giờ vắng vẻ cũng đủ thứ nguy hiểm. Nhưng rồi, mình lại nghĩ về những chuyến xe trước, những giọt nước mắt mất mát và những lời cảm ơn rối rít của người cha người mẹ được giúp. Mình tự hỏi "mình không giúp thì ai giúp", rồi bật dậy, lái xe một mạch về bệnh viện, vừa chạy vừa nghe điện thoại trấn an gia đình họ", anh kể lại.
2 giờ 30 sáng, anh đã gặp người mẹ, hỗ trợ đưa thi thể đứa con 2 tuổi lên xe. Chuyến xe khuất dần, anh thở phào, thấy bao mỏi mệt biến tan. Sáng ra, anh nhận được một cuộc gọi từ gia đình khác ở tận Đắk Lắk, họ gửi cho anh ít bơ. Họ nhắc về lần được anh giúp chuyến xe vào ngay ngày Tết, họ đã được trở về lo tang lễ tươm tất cho con.
Tự nhiên, anh thấy quá đỗi ấm lòng, từ những "chuyến xe cuối cùng" tưởng chừng đầy tang thương và lạnh lẽo.
Theo Thanhnien
Công tác xã hội: Làm những gì có lợi nhất cho người nghèo Với phương châm "Làm những gì có lợi nhất cho người nghèo", nhiều năm qua Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành điểm tựa cho bệnh nhân nghèo. Hoạt động công tác xã hội đã chứng minh được tính cần thiết trong việc giải quyết vấn đề con người và xã hội một cách thiết thực. Trong những năm...