Thèm lắm bánh đậu ngày xuân!
Miếng bánh vàng sậm, ngọt thanh, thơm giòn và phảng phất mùi nắng tết.
Nhớ hồi mình khoảng 4, 5 tuổi gì đấy, mùng một tết đi theo mẹ sang nhà cậu thăm xuân. Cậu “mừng tuổi thằng cháu” bằng cái bánh đậu làm mình mừng muốn xỉu.
Bánh đậu nhà mình cũng có nhưng bà chị mình “nghiệt” lắm, chỉ bóc giấy ra, cho hai lát thôi dù chị rất thương mình. Chị nói nhà mình nghèo, làm có hai chục cây bánh để dọn cho khách ba ngày tết, em mà dòm ngó, thó bậy là chị đập cho một trận đó nghe. Vậy nên chưa bao giờ mình “sở hữu” nguyên cây bánh đậu. Chỉ bấy nhiêu thôi mà năm nào mình cũng rưng rưng ngồi nhớ cái bánh của những mùa xuân xa lắc xa lơ.
Ngày hăm ba tết, lũ trẻ xóm mình kéo nhau la om sòm ngoài đường: “Hăm ba ông Táo về trời/Ông Thần ở lại chịu lời hăm lăm”, thỉnh thoảng dừng lại trước ngõ nhà ai đó, thi nhau hít mùi bánh thơm lừng. Bánh in, bánh nổ, bánh bó, bánh mứt có mùi thơm na ná nhau bởi tất cả đều được làm từ gạo nếp. Riêng bánh đậu thì khác hẳn, vì được làm từ bột đậu xanh, gần thì nồng nàn, xa một chút thì dìu dịu, xa hơn chút nữa thì thoang thoảng mà vấn vương khiến bọn trẻ từ ngẩn đến ngơ.
Trong hương đậu xanh phảng phất mùi nắng tết. Ảnh: Trần Cao Duyên
Trong khoảng sân hong các loại bánh tết thì bánh đậu nổi bật nhất bởi cái màu đỏ chói chang. Mình thắc mắc sao không gói bánh đậu bằng giấy màu vàng hoặc màu xanh? Ba mình nói màu đỏ là màu của sự phát đạt, hưng vượng, hanh thông. Mình nghe ù ù cạc cạc chả hiểu gì. Chỉ thầm “công nhận” rằng hễ thấy từng nong bánh đậu đỏ chót phơi trong nắng vàng tươi là mình nghe rộn ràng, nao nao, háo hức. Mình thích gọi màu áo bánh đậu là màu tết vì tết về là bánh đậu đỏ cả sân.
Lại nhắc cây bánh đậu cậu mừng tuổi ngày xưa. Mình giấu biến cả ngày không cho ai biết. Chiều đó nhét cái bánh trong bụng, len lén ra chái nhà sau. Mới khẽ khàng lột bánh, nhón tay lấy ra một lát thì chị mình la toáng lên, nói mẹ ơi, thằng cu lấy trộm bánh đậu, tới một cây lận. Lần đầu mình không sợ chị, cũng là lần đầu mình “chiến thắng” chị nên… kiêu hãnh đứng nhai bánh rôm rốp vì biết mẹ sẽ “thanh minh” cho mình.
Video đang HOT
Miếng bánh vàng sậm, ngọt thanh và thơm giòn. Mình nghe trong hương đậu xanh phảng phất mùi nắng tết. Tự nhủ chỉ ăn nhiều nhất là ba lát thôi (cây bánh chỉ có mười lát), để dành cho mấy bữa sau nhưng bánh quyến rũ quá, mình nhai luôn “toàn tập”.
Bây giờ qua gian hàng bánh tết chợ quê, khép nép bên hàng chục loại bánh hộp kiểu dáng sang trọng là vài túm bánh đậu được bày bán nhưng mình thấy sắc đỏ dường ít nhiều phai đi. Chẳng biết có phải thế không hay là tại nắng chiều đang tắt…
Theo Trần Cao Duyên (ihay)
5 món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Quảng
Bánh thuẫn như một đoá hoa vàng e ấp, bánh nổ trắng tinh, bánh mè giòn thơm... khiến đĩa bánh ngày tết của người dân xứ Quảng càng rôm rả trong hương thơm và những câu chuyện.
Bánh thuẫn
Nguyên liệu chủ yếu là lòng đỏ trứng gà, bột, đường, bánh thuẫn ghi dấu trong lòng người Quảng Ngãi với những chiếc bánh như bông hoa vừa hé nở cùng màu vàng ươm của bột, cái béo của trứng, ngọt của đường. Có hai cách thưởng thức loại bánh này. Một là ngay khi đổ xong cho vào thẩu đậy lại dùng dần, nhưng thời gian bảo quản sẽ rất ngắn, bù lại bánh sẽ giữ đúng vị ngon ban đầu. Cách thứ hai là sấy khô bằng than, rồi cho vào lọ, cách bảo quản này lâu ngày hơn, bánh cũng giòn hơn.
Bánh nổ
Một miếng bánh nổ ngon phải hội tụ được cái thơm của gạo, vị ngọt thanh của đường thắng, cái đậm đà cùng hương thơm của gừng. Muốn thế khâu bung gạo phải thật chắc tay để bánh giòn nhưng không cứng và giữa các hạt gạo không có bất kỳ khoảng trống nào.
Bánh kẹp
Cùng nguyên liệu như bánh thuẫn nhưng tỷ lệ bột trong bánh kẹp cao hơn. Khác biệt thứ hai là loại bánh này chỉ ngon nhất khi thưởng thức phải trọn vẹn vị thơm, vị béo và cái giòn tan. Điều đó chỉ có được khi sấy qua lò than.
Bánh bó
Bánh bó là hỗn hợp giữa bột và các loại mứt, rồi ép thành một khối. Khác với hương thơm, cái giòn tan hay độ béo của các loại bánh trên, một cái bánh bó ngon là được lăn chặt tay, cùng cái dai mềm của bột, ngọt của các loại mứt.
Bánh in
So với các loại bánh khác, nguyên liệu của món bánh này là đơn giản nhất song lại nó lại là món bánh khó thành hình nhất. Bởi người chế biến phải khéo léo phơi sương bột đến mức độ nào đó thì sau khi trộn đường, cho vào khuôn mới thành bánh. Bánh in cũng ngon nhất sau khi được sấy nóng, song nếu có cơ hội, thì nhâm nhi những chiếc bánh mềm cũng thi vị không kém.
Bánh mè
Trong 5 loại bánh này, bánh mè đòi hỏi nhiều thời gian và công phu nhất. Bởi mỗi công đoạn từ ngâm nếp, lắng bột, cán bánh, phơi khô, chiên giòn, áo đường, áo mè đều phải làm thật tỉ mỉ thì mới cho ra một mẻ bánh ngon. Bù lại những gian khó trên, bánh mè luôn là món chạy nhất trên đĩa bánh bởi hương thơm, cái giòn tanh tách và vị ngọt nhẹ.
An Huỳnh
Theo Infonet.vn
Bánh Tết xứ Quảng Những ngày giáp Tết, vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thường thấy xuất hiện các loại bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in - bốn loại bánh chủ lực trong những ngày đầu năm mới ở xứ Quảng. Bốn loại bánh này hầu như không nhà nào ở vùng quê Quảng Nam - Đà Nẵng không làm vào dịp Tết. Gặp gỡ...