Thêm hơn 50.000 lọ thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir về Việt Nam
Tối 21/8, chuyến bay chở hơn 50.000 lọ thuốc kháng Covid-19 Remdesivir đã đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế để phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp Covid-19.
Remdesivir là thuốc kháng virus phổ rộng, được sản xuất bởi Gilead Science Inc., sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày. Thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22/10/2020.
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Video đang HOT
Với tổng số 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
Trước đó, đã có 70.000 lọ thuốc Remdesivir về đến Việt Nam, được Bộ Y tế phân bổ đến nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh thành, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc được chỉ định cho người bệnh Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập. Thời điểm dùng thuốc là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh. Thuốc nên được sử dụng phối hợp với Dexamethasone.
Các cơ sở y tế ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI>25); không bắt đầu sử dụng cho bệnh nhân cần thở máy xâm nhập, ECMO. Đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng cho đủ liệu trình.
Thuốc được dùng cho cả người lớn và trẻ em, dựa theo tuổi và cân nặng; song cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú vì chưa có dữ liệu đầy đủ; không khuyến cáo sử dụng trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
Bộ Y tế chi viện thuốc, nhân lực cho Bình Dương
Trước tình hình số ca nhiễm ở Bình Dương tăng cao, bệnh nhân nặng nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tiếp tục hỗ trợ thuốc kháng đông, kháng viêm, đặc biệt là thuốc kháng virus remdesivir.
Làm việc với Bộ trưởng Long chiều 17/8, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch, đặc biệt là trong công tác điều trị, thêm trang thiết bị, thuốc chuyên khoa và phân bổ thêm vaccine.
Đến nay Bình Dương đã ghi nhận hơn 49.000 ca nhiễm, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương. Khoảng 80% F0 không triệu chứng điều trị ở tầng 1 , theo mô hình điều trị tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Tầng 1 được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, máy chụp X-quang di động.
Tầng 2 điều trị gần 6.700 bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Tầng này là hệ thống các trung tâm y tế tuyến huyện. Tầng 3 điều trị 532 bệnh nhân nặng, nguy kịch, gồm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 Bình Dương.
Tổng cộng Bình Dương có 22 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tổng số giường là 15.627, nhân lực phục vụ 2.851 người.
Số bệnh nhân quá đông, hệ thống điều trị và nhân lực y tế tại Bình Dương đang chịu nhiều áp lực. Bộ trưởng Long cho biết "tiếp tục hỗ trợ ngay thuốc kháng đông, kháng viêm, remdesivir để điều trị, tuy nhiên tỉnh cần chủ động về vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch".
Bộ Y tế cũng điều động 50 y bác sĩ từ Bệnh viện C Đà Nẵng vào hỗ trợ Bình Dương điều trị bệnh nhân. Song, ông Long cho rằng "tỉnh đang sắp xếp chưa hợp lý, có phần lãng phí nhân lực điều trị".
Ví dụ, Bộ trưởng cho rằng Bình Dương cần xem xét ngay việc sắp xếp điều tiết nhân lực y tế phù hợp với thực tế ở tầng 1, tăng cường cho tầng trên, "tránh nơi dư nơi thiếu". Thuốc kháng đông và kháng viêm được sử dụng cho bệnh nhân ở tầng 1, trang bị cơ số bình oxy vừa đủ để kịp thời dùng khi cần và biến cơ sở cách ly F1 thành cơ sở thu dung, điều trị.
Tầng 2 đặc biệt quan trọng, phải đảm bảo trang bị đủ cả 3 yếu tố gồm oxy bồn, thuốc kháng đông và kháng viêm. "Ở tầng này điều trị kịp thời, tốt sẽ giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân nặng phải lên tuyến 3", Bộ trưởng nói.
Với tầng 3, ngoài việc tính toán xây dựng thêm bệnh viện dã chiến, việc cần làm ngay của Bình Dương là phải tổ chức giao ban thường xuyên giữa tầng 3 với tầng 2 để chia sẻ thông tin về số giường trống, số máy thở... kịp thời điều phối bệnh nhân khi cấp cứu. Đồng thời, giao quyền cho bác sĩ chuyên môn tầng trên được chỉ đạo chuyên môn tầng dưới.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (trái) báo cáo với Bộ trưởng Long về công tác điều trị tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Becamex, Bình Dương. Ảnh: MOH
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bình Dương nghiên cứu, áp dụng công thức 5 điểm chống dịch mà Bộ trưởng đã đề nghị triển khai tại TP HCM, bao gồm: Thực hiện nghiêm giãn cách là cơ bản, quan trọng và quyết định; An sinh xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Xét nghiệm là then chốt; Giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; Vaccine là chiến lược lâu dài.
Vingroup trao tặng cộng đồng 500.000 lọ thuốc điều trị COVID-19, dự kiến lô đầu tiên sẽ về TP.HCM trước 5/8 Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép. Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19. Remdesivir là thuốc...