Thêm hàng ngàn chăn ấm đến với học sinh dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai
Mở đầu đợt 2 của chương trình “Nâng bước cho học sinh dân tộc nội trú”, gần 1.400 chiếc chăn ấm được trao tới 5 trường học sinh dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai.
Chương trình có sự hiện diện của ông Giàng Seo Phử – Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ và ông Chu Tuấn Thanh – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Chính phủ.
Kết thúc đợt 1, chương trình “Nâng bước cho học sinh dân tộc nội trú” đợt 2 mở đầu đến với 5 huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Theo đó 1.390 chiếc chăn ấm tổng trị giá gần 600 triệu đồng được trao tới các em học sinh dân tộc nội trú của các huyện này.
Các em học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Hà chào đón đoàn.
Bà Hà Thị Nga – phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết: “Các em học sinh 5 huyện được lựa chọn trao chăn lần này có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Mặc dù được học trong các trường Dân tộc nội trú, tuy nhiên đa số các em đều là con nhà nông, nhà ở xa trường và còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt với cái giá rét của mùa đông vùng cao, những chiếc chăn hiện có không đủ ấm. Vì thế chương trình “Nâng bước cho học sinh dân tộc nội trú” đến với Lào Cai rất kịp thời. Những chiếc chăn ấm không chỉ làm cho các em bớt lạnh mà quan trọng thể hiện sự quan tâm của các ban ngành đến với học sinh vùng cao”.
Ông Giàng Seo Phử – Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ bày tỏ sự quan tâm đến các em học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai.
Thay mặt năm trường Dân tộc nội trú được nhận chăn lần này, bà Hà Thị Thái – hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Hà bày tỏ sự xúc động, lời cám ơn chân thành đến chương trình. Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Hà gồm các em học sinh các dân tộc Mông, Nùng, Dao Đỏ, Tày… với phần nhiều các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự đầu tư, quan tâm đặc biệt của Nhà nước, trường đã xây dựng được nhiều phòng học khang trang, phòng thí nghiệm, khu vui chơi…, nâng cao điều kiện học tập của học sinh. Nhờ đó hơn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, hơn 34% học sinh đỗ vào các trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Các em học sinh nhận chăn ấm từ chương trình.
Video đang HOT
Có mặt tại chương trình, ông Giàng Seo Phử – Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, quan tâm và động viên chân thành đến cô và trò của 5 trường Dân tộc nội trú của tỉnh Lào Cai. Ông cũng cho biết: Trên cả nước hiện nay có hơn 300 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Với mục đích “mang đến mùa đông ấm áp” đến cho các em học sinh, chương trình “Nâng bước cho học sinh dân tộc trú” do Ngân hàng Agribank, Thời báo Ngân hàng và Ủy ban dân tộc đã đi hết chặng 1 với những món quà đến với 6 tỉnh thành khu vực vùng núi phía Bắc.
Thay mặt cho nhà tài trợ, bà Nguyễn Lan Anh – Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cũng bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng khi được mang những chiếc chăn ấm tặng cho các em học sinh Dân tộc nội trú của Lào Cai. Trong thời gian sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục đến với các học sinh dân tộc ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước với mong muốn mang đến hơi ấm đến cho các em chống chọi cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông vùng cao.
Em Chấu Thị Liên thay mặt cho học sinh trường gửi lời cám ơn đến chương trình.
Được nhận những chiếc chăn ấm, các em học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Hà không còn lo cái lạnh tái tê của nơi đây. Phấn khởi mang chăn về phòng, em Lù Thị Hà (dân tộc Nùng, học sinh lớp 8) tâm sự: “Em rất thích vì chăn của các cô, các chú cho rất đẹp, chăn cũng rất dày nữa nên em nghĩ sẽ ấm lắm”. Cùng với Hà, nhiều em học sinh khác cũng nhanh chóng mang chăn về giường của mình, có những em còn ngại ngùng đã giở ra đắp thử luôn rồi bảo nhau “ấm lắm” khiến những người làm chương trình cũng thấy ấm lòng.
Thay mặt cho học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Hà, em Chấu Thị Liên gửi lời cám ơn chân thành đến các cô, các chú đã lặn lội quãng đường hơn 300 km mang những chiếc chăn ấm đến cho các em học sinh Lào Cai. Liên và các bạn học sinh của trường cũng hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn để đền đáp tấm lòng của các thầy cô giáo và các cô bác đã quan tâm.
Một số hình ảnh của chương trình:
Tiết mục văn nghệ của các em học sinh.
Các em học sinh vui mừng khi có chăn ấm cho mùa đông.
Phạm Oanh
Theo dân trí
Thâu đêm đem đồ ăn, chăn ấm tặng người vô gia cư
Thấy bà lão cuộn mình trong tấm áo mưa mỏng, nhóm tình nguyện Ấm dừng xe bên đường rồi nhẹ nhàng đặt gói xôi nóng và đắp thêm cho bà chiếc chăn ấm rồi lặng lẽ lên đường tìm thêm những mảnh đời nghèo khổ ở thủ đô.
Nhóm tập hợp và phân loại đồ trước khi lên đường đến với người nghèo. Ảnh: Bình Minh.
23h tối thứ 7, các tình nguyện viên nhóm Ấm tập trung tại một quán cà phê nhỏ để phân loại đồ. Những chiếc chăn siêu nhẹ, vài tấm áo ấm hay đôi giày được các bạn gói cẩn thận trong túi còn đồ ăn gồm bánh mỳ, xôi, sữa được xếp riêng. Xong xuôi, mọi người chất đồ lên xe máy bắt đầu buổi tối đem hơi ấm đến với những mảnh đời "màn trời chiếu đất".
Ngồi trên ghế đá trong đêm đông lạnh giá, ông lão hơn 60 tuổi đưa bàn tay nhăn nheo lạnh cóng đón lấy hộp xôi, chiếc áo từ tay một bạn trẻ. Ông bật khóc xúc động bởi từ tối chưa có gì vào bụng ngoài vài ngụm rượu người bạn vừa mang tới.
Ông lão cho biết, tên là Duy, từng có nhà ở phố Đội Cấn (Hà Nội) nhưng "dòng đời xô đẩy" khiến ông phải sống ngoài ghế đá công viên trên phố Sơn Tây suốt 12 năm qua. Để chống lại cái rét, ông mặc tất cả áo được mọi người cho rồi chui vào chiếc chăn mỏng. Thỉnh thoảng, ông rít một điếu thuốc lào thật dài để làm nóng cơ thể. Ai cho gì ông ăn nấy, hàng ngày ông nhặt rác, nhổ cỏ thuê kiếm sống.
Với mỗi người gặp bên đường, các tình nguyện viên chỉ có vài phút để hỏi thăm, biếu gói xôi, miếng bánh, tấm chăn, manh áo hay đôi giày. Sau đó, hơn chục người lại tiếp tục rong ruổi trên những con phố quen thuộc.
Ông lão sống ở vườn hoa trên đường Sơn Tây 12 năm qua cảm động khi nhận được chiếc áo và hộp xôi của nhóm bạn trẻ. Ảnh: Bình Minh.
Ngang qua ngã tư Hàng Đậu - Hàng Cót, nhóm ghé vào hai điểm quen thuộc. Bà lão hơn 90 tuổi nhiều năm nương mình ở bốt Hàng Đậu đã chùm kín chăn đi ngủ. Đôi giày cỡ 38 và gói xôi nóng được các tình nguyện viên đặt cạnh chỗ bà cụ nằm. Những ngày đầu đông đi qua đây, nhóm tình cờ thấy bà nằm co ro trên vỉa hè nên mỗi lần quay lại, các bạn mang đồ ăn tới. Bà cụ thường đi ngủ sớm nên hiếm khi trong chuyến hành trình đêm, nhóm có thể nói chuyện được với bà.
Như đã quen với sự xuất hiện của các bạn trẻ vào mỗi tối thứ 7, thấy bóng nhóm người tay xách nách mang từ xa, những ông bà cụ đang cuộn tròn trên xích lô hay trong góc nhà liền nhổm dậy. Họ chờ đợi những người trẻ đến chỉ để nói lời cảm ơn và dăm ba câu chuyện.
Ngủ trên vỉa hè đã nhiều năm nay, ông Cường (hơn 60 tuổi, ở Hà Tây cũ) sống bằng nghề bốc vác ở chợ Đồng Xuân. Ngày nai lưng làm việc, đêm về ông nằm cùng ông bạn đạp xích lô trong con ngõ nhỏ, tối đèn. Thoáng thấy ánh đèn pin chiếu trên đường, ông nhận ra các bạn trẻ hàng tuần vẫn đến.
Ông lão ngồi dậy cười tươi và nói "cảm ơn các con". Chỉnh lại tấm đệm cho ngay ngắn, các tình nguyện viên đắp chăn rồi biếu ông Cường chiếc bánh mỳ. Nhận thấy bên cạnh còn người, một bạn trẻ lấy thêm gói xôi đặt lên xích lô. Sau khi dặn dò và hỏi ông lão có cần gì thêm, các tình nguyện viên lại tiếp tục lên đường.
Quanh chợ Đồng Xuân là nơi có nhiều mảnh đời nghèo khổ tá túc để kiếm sống. Hơn 1h đêm, vỉa hè bên ngách chợ nằm la liệt người trùm chăn kín mít tránh gió. Cạnh nhóm trung niên đang "liên hoan" sau một ngày bốc vác là bà cụ tí hon đội nón nằm cuộn tròn trong áo mưa, bên dưới kê miếng bìa cứng.
Bà cụ thường nằm ở vị trí này nhưng nếu không được báo trước, ít người nghĩ rằng phía sau chiếc túi đen khổng lồ ấy có người đang ngủ. Thấy vậy, hai bạn nữ khiêng chăn tới đắp lên thân hình còm nhom của bà cụ và không quên đặt cạnh chút đồ ăn. Nhóm người bên cạnh ban đầu ngơ ngác không hiểu các bạn trẻ định làm gì nhưng sau đó gật gù cảm ơn.
Các tình nguyện viên nhẹ nhàng đắp thêm chăn ấm cho bà lão nằm co ro trong áo mưa trên vỉa hè chợ Đồng Xuân. Ảnh: Bình Minh.
Sau khi dạo một vòng qua các con phố cổ, nhóm Ấm ngược về ga Hà Nội. Chỉ còn lại vài suất ăn trong khi có quá nhiều người vô gia cư, nhóm liền góp tiền mua thêm ít xôi và bánh khúc. Ở đây, các tình nguyện viên quen thuộc với trường hợp một bà lão ngủ nhờ trong nhà vệ sinh. Nhớ đến bà, họ dành một suất ăn mang vào tận nơi nhưng không gặp. Những người trông xe cho biết, mấy hôm nay không thấy bà lão vào ngủ nhờ.
3h sáng, hành trình chia sẻ yêu thương của nhóm Ấm dừng lại khi các gói đồ ăn mang theo đã phát hết. Một số thành viên tản đi khắp các ngả đường để về nhà, số còn lại tiếp tục đi nấu cháo để kịp bữa sáng cho các bệnh nhân ở Bệnh viện K.
Đã hai mùa đông qua, nhóm Ấm san sẻ hơi ấm với người vô gia cư ở Hà Nội. Đây được xem là một trong những nhóm tình nguyện đầu tiên đến với người không nhà cửa. Mỗi buổi tối đi phát đồ, nhóm sẽ có một người dẫn đường và trước khi biếu đồ ăn, trưởng nhóm sẽ nói rõ mục đích với người nhận để tránh bất ngờ.
Mỗi lần đi, trung bình nhóm phát được 20 suất quà gồm đồ ăn và quần áo, hôm nhiều nhất là 50 suất. Những người đã có chăn và áo, nhóm nhường lại phần quà cho ai cần hơn. Ngoài đến những con phố quen thuộc có đông người ngủ, nhóm Ấm còn cử người đi tìm địa điểm mới ở gầm cầu, bến xe, bến tàu hay chợ. Nhiều hôm đi cả đêm đến quận Hà Đông, nhóm không tìm thêm được người nào.
Ở điểm quen thuộc, các bạn trẻ lặng lẽ đặt đồ ăn và không đánh thức họ dậy. Nửa đêm hoặc sáng hôm sau tỉnh dậy, họ sẽ có ngay thứ gì đó lót dạ. Để không làm người vô gia cư tỉnh giấc, nhóm đỗ xe từ đằng xa, tránh rọi đèn, chụp ảnh có đèn flash khi chưa xin phép hoặc cười nói to. Lúc tiếp cận, chỉ có 2-3 bạn được cử mang đồ ăn tới, các thành viên còn lại đứng đợi bên kia đường.
Theo VNE
Làng đào Hà thành trong giá rét Một tháng trước Tết Quý Tỵ, toàn cánh đồng đào Nhật Tân vẫn một màu đen đục, thấp thoáng có vài cành nở hoa đỏ. Các nghệ nhân trồng hoa đang phấp phỏng chờ nắng ấm. Một góc cánh đồng trồng hoa đào Nhật Tân vẫn đen một màu cành khô. Thấp thoáng có cành nở một vài bông nhưng héo quắt vì...