Thêm các thành phố chìm trong “biển nước” vì đợt mưa lũ
Sáng nay, 2/8, mưa lớn tiếp tục “càn quét các tỉnh Bắc Bộ. Hải Dương, Bắc Giang… đường phố chìm trong “biển nước”. Các loại phương tiện lưu thông hết sức khó khăn. Nhiều xe chết máy. Người dân khắp nơi cùng cảnh lội bùn, “be bờ” để ngăn nước vào nhà.
Cảnh mưa lớn đổ xuống biến đường phố Hải Dương thành biển nước.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào lúc 11h trưa nay (2/8) tại TP Hải Dương, dù mưa đã ngớt, nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ, Ngô Quyền… đã rơi vào tình trạng ngập nặng; có chỗ sâu khoảng 50 cm, các phương tiện lưu thông hết sức khó khăn, nhiều xe máy đã bị chết máy giữa đường.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hải Dương đã bị ngập sâu trong sáng nay
Người dân sinh sống gần những tuyến đường trên đã phải dùng nhiều vật dụng như khung gỗ, bạt nhựa chắn trước cửa nhà để ngăn không cho nước vào nhà. Nhiều người phản ánh, con đường Nguyễn Lương Bằng tình trạng ngập như hiện nay đã kéo dài nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương vẫn không nâng cấp hệ thống thoát nước để cải thiện tình hình.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại cảnh đường phố Hải Dương ngập chìm trong “biển nước” sáng nay (2/8):
Nhiều xe máy đã bị chết máy giữa đường
Đường Nguyễn Lương Bằng ngập nặng sau trận mưa lớn kéo dài
Video đang HOT
Bà bán nước ngồi co ro tránh nước trên ghế cao
Đường vào bên trong khu Đền Sượt cũng mênh mông nước
Một số con ngõ nhỏ nước cũng tràn ngập
Ô tô phải “rẽ nước” để đi
Đường Nguyễn Thị Duệ cũng bị nhấn chìm
Mở lắp cống để thoát nước nhưng vẫn không chảy kịp
Đường Ngô Quyền cũng bị ngập
Nước ngập cả lên vỉa hè
Người dân phải “be bờ” ngăn nước vào nhà
Bắc Giang: 100 máy bơm chạy hết tốc lực để giải cứu đường phố
Liên tiếp những ngày qua, Bắc Giang đã hứng lượng mưa lớn. Sáng 2/8, tại thành phố Bắc Giang tiếp tục có mưa rất to, kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã khiến nhiều tuyến phố bị nhấn chìm trong nước, khiến cho các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, nhiều phương tiện cố vượt qua bị chết máy do mực nước lớn ngập máy.
Nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Bắc Giang cũng biến thành sông.
Trao đổi với phóng viên ông Đỗ Xuân Huấn – Chủ tịch UBND TP.Bắc Giang cho biết, ngay sau khi xảy ra mưa lớn gây ngập một số tuyến đường từ sáng 1/8, như Đường Hoàng Văn Thụ, Đường Tiền Môn, Đường Trần Quốc Toản. Lãnh đạo TP.Bắc Giang đã trực tiếp đi kiểm tra, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng ứng phó ngay với tình hình.
Công an thành phố đã ra quân phân luồng giao thông, ứng cứu, hỗ trợ các phương tiện bị ngập nước tới nơi sữa chữa. Công ty cấp thoát nước triển khai các phương án thoát nước một cách nhanh nhất, huy động gần 100 máy bơm nước bơm hết công xuất liên tục để thoát nước.
Đến trưa nay 2/8, các tuyến đường cơ bản đã thoát nước, lượng mưa đã giảm.
Tại xã Đồng Tiến- Yên Thế( Bắc Giang), mưa lớn kéo dài đã nhấn chìm 45 ngôi nhà trong nước ( rất may không có thiệt hại về người), khoảng 30 ha lúa, hoa màu của các huyện Sơn Động, Hiệp Hòa, Yên Thế cũng đang bị ngập chìm trong nước có nguy cơ bị mất trăng. Một số đoạn đê của huyện Tân Yên và TP.Bắc Giang xảy ra hiện tượng sụt lún sạt lở.
Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các huyện, TP tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, có phương án cụ thể để đối phó, xử lý kịp thời.
Hiện mực nước trên Sông Thương đang ở mức báo động số 1, vì vậy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang chỉ đạo TP.Bắc Giang, huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng cử lực lượng thường xuyên tuần tra canh gác trên các tuyến đê, kịp thời phát hiện sự cố để đối phó kịp thời.
Nguyễn Dương – Đỗ Đoàn
Theo Dantri
Yêu cầu xử lý tình trạng đường phố TPHCM ngập sâu cả mét nước
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các Quy hoạch tiêu thoát nước và chống ngập úng khu vực TPHCM. Thời gian qua, các khu vực quận 6, 8, 11... thường ngập úng nặng nề mỗi khi mưa lớn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về tình hình thực hiện các Quy hoạch liên quan đến tiêu thoát nước, chống ngập úng khu vực TP.HCM để báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo chung về phương án giải quyết chống ngập cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. HCM báo cáo việc thực hiện Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM.
Cảnh tượng dễ gặp ở TPHCM mỗi lần mưa lớn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các báo cáo trên cần nêu rõ mục tiêu đặt ra tại quyết định phê duyệt; kết quả thực hiện cho đến nay, số vốn đã đầu tư theo các nguồn vốn, những kết quả tiêu thoát nước, giảm ngập đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thách thức đặt ra và kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể trong thời gian tới, dự kiến kết quả đạt được theo từng giai đoạn, nhu cầu vốn đầu tư và đề xuất nguồn vốn đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc cụ thể với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án xử lý vốn đối với từng dự án đầu tư thuộc các Quy hoạch tiêu thoát nước và chống ngập úng khu vực TP.HCM.
Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với những đợt triều cường dâng cao, nhiều khu vực tại TPHCM như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... lại rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề. Nhiều tuyến đường ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông hết sức khó khăn; nước tràn vào nhà khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Thực tế, việc đầu tư này cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập như khu vực đường Cô Bắc-Cô Giang, (Quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (Quận 10), khu vực bùng binh Cây Gõ (Quận 6)...
Tuy nhiên, khi vừa xóa điểm ngập này, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố lại tiếp tục phát sinh điểm ngập khác, trong đó phát sinh nhiều nhất là những điểm ngập ở khu vực ngoại thành. Cụ thể, theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến cuối năm 2014, toàn Thành phố có tới 33 điểm tái ngập và 29 điểm ngập mới phát sinh.
Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, mặc dù một số dự án chống ngập trên địa bàn Thành phố như Tân Hóa-Lò Gốm, cùng một số dự án chống ngập khác trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành nhưng tình trạng ngập vẫn thường xảy ra bởi diễn biến bất thường của thời tiết.
Tính riêng trong năm 2014, tại TP.HCM xảy ra 2 trận mưa lớn với lượng mưa khoảng 100mm, kéo đỉnh triều tại Thành phố lên tới mức kỷ lục 1,68m - vượt quá thiết kế so với hầu hết các công trình chống ngập hiện nay.
Bên cạnh nguyên nhân nêu trên, việc lấn chiếm nghiêm trọng sông, kênh, rạch; việc xây dựng nhà cửa, tạo ra những con đường như những con đê ngăn nước như đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập...; rồi việc tính toán sai mức độ dâng của nước, độ lún của nền địa chất Thành phố cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập đang ngày càng nghiêm trọng.
P.Thảo
Theo Dantri
Hà Nội: Xà cừ cổ thụ gãy ngang thân, đổ giữa đường Hoàng Diệu Cây xà cừ cổ thụ bất ngờ gãy ngang thân, đổ chắn ngang đường. May mắn, thời điểm sự cố xảy ra, đường Hoàng Diệu vắng người qua lại nên không ai bị thương. Vụ việc xảy ra khoảng 20h tối ngày 1/8, trên đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Cây xà cừ cổ thụ bất ngờ gãy ngang thân, đổ...