Thêm bằng chứng nCoV lây nhiễm khi ủ bệnh
Nhóm nghiên cứu ở Hà Lan và Bỉ ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao từ người đang ủ virus và chưa bộc lộ triệu chứng.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một người đàn ông ở thành phố Kuwait ngày 12/3. Ảnh: Guardian.
Phân tích của các nhà nghiên cứu ở Đại học Hasselt (Hà Lan) và Đại học Antwerp (Bỉ) hé lộ 2/3 số ca nhiễm tại Singapore và 3/4 số ca nhiễm ở Thiên Tân (Trung Quốc) do lây từ những người đang ủ bệnh nhưng chưa bộc lộ triệu chứng. Nghiên cứu được nhóm tác giả công bố trên trang medrXiv hôm 8/3. Kết quả cho thấy cách ly người bệnh sau khi họ có triệu chứng có thể không hiệu quả như kỳ vọng trong việc ngăn chặn đại dịch.
Nhóm nghiên cứu ở Hà Lan và Bỉ dựa trên dữ liệu ở Singapore và Thiên Tân để tính toán thời gian giữa lúc một người nhiễm bệnh và khi bệnh nhân lây sang người khác. Con số này rất hữu ích đối với ước tính tốc độ dịch bệnh lan rộng. Họ phát hiện khoảng thời gian gián đoạn là 5,2 ngày ở nhóm bệnh nhân tại Singapore và 3,95 ngày ở nhóm bệnh nhân tại Thiên Tân. Các nhà nghiên cứu tiếp tục tính toán tỷ lệ lây nhiễm từ những người đang ủ virus và chưa bộc lộ triệu chứng.
Những con số có phần không chắc chắn bởi nhóm nghiên cứu không có thông tin chính xác phản ánh ai lây bệnh cho ai trong hai nhóm bệnh nhân. Tuy nhiên, ngay cả ước tính thấp nhất vẫn cho thấy tỷ lệ lây nCoV từ người chưa đổ bệnh rất lớn. Tại Singapore, khoảng 45% đến 84% ca nhiễm lây từ người đang ủ virus. Tại Thiên Tân, con số rơi vào khoảng 65-87%.
Video đang HOT
Theo Tapiwa Ganyani, thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả phân tích cho thấy cách ly người ốm là chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh. Nhà chức trách cần tiến hành thêm biện pháp phòng ngừa như yêu cầu các cá nhân giữ khoảng cách (social distancing).
Trước đó, Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị xử lý bệnh mới và virus truyền từ người sang động vật của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cho biết dữ liệu sơ bộ chỉ ra bệnh nhân giải phóng nhiều virus hơn ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh, bao gồm cả trước khi bộc lộ triệu chứng. Theo Rowland Kao, chuyên gia nghiên cứu sự lây lan của bệnh truyền nhiễm ở Đại học Edinburgh, một yếu tố khiến Covid-19 khác với dịch SARS năm 2003 là SARS chỉ lây nhiễm sau khi phát triển triệu chứng lâm sàng nên tương đối dễ kiểm soát.
An Khang (Guardian/vnexpress.net)
Phụ nữ mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ hơn, thời gian ủ bệnh dài hơn
Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) mới đây vừa công bố luận văn nghiên cứu về tác động của Covid-19 đối với phụ nữ và đưa ra nhiều kết luận quan trọng.
Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán tiến hành phân tính những đặc thù riêng của phái nữ trong sự lây lan của SARS-CoV-2.
Khả năng miễn dịch kháng virus của phụ nữ thiên bẩm là tốt hơn nam giới (Ảnh: UPI)
Nghiên cứu này cũng lần đầu tiên cho thấy, nữ giới có những đặc trưng khác nam giới khi mắc Covid-19. Phụ nữ không chỉ có triệu chứng nhẹ hơn, mà thời gian ủ bệnh cũng dài hơn. Điều này được lý giải là có thể do khả năng miễn dịch kháng virus của phụ nữ thiên bẩm là tốt hơn nam giới.
Do vậy, nhóm nghiên cứu này cho rằng, trong quá trình sàng lọc, dù bệnh nhân nữ có triệu chứng hay không cũng nên tiến hành xét nghiệm nếu đã biết rõ lịch sử tiếp xúc của người bệnh, thời gian theo dõi y tế của các ca bệnh nữ cũng nên dài hơn 14 ngày.
Theo nhóm này, mặc dù Covid-19 đã được xác định là dịch bệnh có tính truyền nhiễm cao và bùng phát tại nhiều quốc gia, cùng hàng loạt các nghiên cứu khác, nhưng chưa có nghiên cứu dịch tễ học cụ thể nào liên quan đến nữ giới trong sự lây lan của căn bệnh này. Theo các nhà nghiên cứu, đặc điểm của phụ nữ có thể trở thành điểm mấu chốt tác động tới sự lây lan của Covid-19.
Sau khi phân tích 9 bài viết về các ca bệnh dương tính được đăng trên các kho dữ liệu hiện có tính đến ngày 14/2/2020, các nhà nghiên cứu đã có được những thông tin liên quan đến người bệnh, lứa tuổi trung bình, tỷ lệ giới tính.... Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phân tích dựa trên những bệnh nhân Covid-19 được chẩn đoán trước ngày 20/2/2020 tại Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán.
Những phát hiện qua nghiên cứu cho thấy, đa số các ca bệnh là nam giới, trong đó bệnh nhân phải nằm trong phòng hồi sức tích cực (ICU) càng thể hiện rõ điều này. Trong số 6013 ca bệnh mà nhóm thu thập được (đa số nhập viện hoặc dương tính từ 1/1/2020-29/01/2020), có 55,9% là nam giới (3361 người). Số nam giới phải nằm phòng ICU cũng chiếm tới 58,8% (573/975 người).
Qua đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả này có thể phần nào cho thấy, nam giới dễ mắc Covid-19 hơn nữ giới và sau khi nhiễm bệnh triệu chứng cũng nghiêm trọng hơn.
Tuy vậy, trong 3 giai đoạn khác nhau, tức từ 1/1/2020 trở về trước, 1/1-11/1 và 12/1-22/1, tỷ lệ bệnh nhân nam ở Vũ Hán giảm dần còn 66%, 59,3% và 47,7%. Trong khi đó, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, tức trước 1/1/2020, số ca nhiễm là nữ giới chiếm 34%, nhưng đến 26/1, tỷ lệ này tăng lên 45%. Điều này cho thấy, càng về sau, tỷ lệ bệnh nhân nam càng giảm, tỷ lệ bệnh nhân nữ tăng lên. Đồng thời cũng phần nào cho thấy, phụ nữ không chỉ triệu chứng nhẹ hơn, mà thời gian ủ bệnh còn dài hơn. Thời gian đầu tỷ lệ nữ giới dương tính ít không đồng nghĩa với việc phụ nữ không bị nhiễm virus, chỉ là triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Ngoài ra, theo số liệu nhóm nghiên cứu có được, trong số 67 ca bệnh không triệu chứng, có tới 47 người là nữ. Điều này càng chứng minh rằng, nữ giới không chỉ chiếm tỷ lệ lớn trong số các ca bệnh nhẹ và vừa, mà còn chiếm đa số trong số các ca dương tính không có triệu chứng.
Những đặc tính này được giải thích là do sự tác động qua lại giữa hoóc - môn giới tính và hệ miễn dịch làm cho đàn ông dễ bị mầm bệnh xâm nhập hơn.
"Khi khả năng miễn dịch của bạn có thể kháng cự lại với virus thời gian dài hơn, nhưng lại không thể hoàn toàn tiêu diệt nó, bạn sẽ có thời gian ủ bệnh dài hơn", tác giả bài biết lý giải.
Nghiên cứu cho rằng, phát bệnh không triệu chứng và thời gian ủ bệnh dài ở nữ sẽ tạo ra những ảnh hưởng quan trọng tới sự lây lan của virus.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi các cơ quan y tế, ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh cần nghiên cứu nhiều hơn về vai trò của nữ giới trong sự bùng phát thành dịch của căn bệnh này, từ đó có phương án cách ly và chẩn đoán phù hợp, giúp sớm kết thúc và giảm bớt chi phí kiểm soát dịch bệnh./.
Theo VOV
Bộ Y tế sẽ nghiên cứu về thời gian ủ bệnh của Covid-19 Sau khi một báo cáo nước ngoài cho rằng, thời gian ủ bệnh Covid-19 có thể kéo dài đến 24 ngày thay vì 14 ngày như công bố hiện tại, Bộ Y tế cho biết, các chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang nghiên cứu, đánh giá để đưa ra khuyến nghị chính xác. Ảnh minh họa...