Thêm bằng chứng nạn buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương
Phần lớn những gì chúng ta biết về tình trạng buôn nô lệ kinh hoàng ở châu Mỹ thời cận đại là qua lịch sử ghi chép lại. Nhưng có một nghiên cứu mới cho thấy bằng chứng về tội ác buôn nô lệ cũng có thể được tìm thấy trong ADN của người Mỹ gốc Phi.
Nghiên cứu do công ty gien tiêu dùng 23andMe đăng trên tờ American Journal of Human Genetics đã hé lộ một số thông tin mới về tình trạng buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất về chủ đề này, một phần nhờ cơ sở dữ liệu khổng lồ của khách hàng 23andMe mà các nhà nghiên cứu có thể tuyển người tham gia.
Các tác giả nghiên cứu đã thu thập dữ liệu gien của hơn 50.000 người từ châu Mỹ, Tây Âu và châu Phi – Đại Tây Dương và so sánh với hồ sơ lịch sử tại nơi mà nô lệ bị đưa đi và tại nơi mà họ bị đưa tới. Dữ liệu và hồ sơ cho thấy một câu chuyện về nguồn gốc phức tạp của cộng đồng người châu Phi ở châu Mỹ.
Phần lớn ADN khớp với tài liệu. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cho biết có một số khác biệt đáng chú ý.
Hậu quả của việc phụ nữ nô lệ bị cưỡng bức
Xưa nay ta vẫn tưởng rằng lao động nô lệ bị đưa từ châu Phi sang châu Mỹ phần lớn là nam giới. Nhưng dữ liệu gien cho thấy tỷ lệ gien của phụ nữ nô lệ cao hơn nam giới.
Nô lệ châu Phi bị chuyển lên tàu dọc Bờ biển để buôn bán xuyên Đại Tây Dương.
Ở Mỹ và một số khu vực Caribe mà Anh chiếm làm thuộc địa, tỷ lệ gien của phụ nữ châu Phi cao hơn nam giới châu Phi từ 1,5 đến 2 lần. Ở Mỹ Latinh, tỷ lệ đó còn cao hơn. Gien của phụ nữ nô lệ ở Trung Mỹ, Caribe Latinh và các khu vực Nam Mỹ cao hơn nam giới từ 13 đến 17 lần.
Nếu hậu duệ người châu Phi ở châu Mỹ có tổ tiên là người châu Âu thì nhiều khả năng họ có bố da trắng hơn là mẹ da trắng ở mọi khu vực, ngoại trừ Latinh Caribe và Trung Mỹ.
Theo hai tác giả Steven Micheletti và Joanna Mountain, thông tin nói trên về tỷ lệ gien của phụ nữ nô lệ châu Phi và nam giới châu Âu cho thấy trong nhiều thế hệ, phụ nữ châu Phi bị chủ da trắng bóc lột tình dục và cưỡng bức.
Giáo sư khoa học chính trị Ravi Perry tại Đại học Howard cho biết với người da đen sống ở Mỹ, việc phụ nữ nô lệ da đen bị ông chủ cưỡng bức không phải là điều gì ngạc nhiên. Vô số tài liệu lịch sử đã xác nhận thực tế này. Tuy nhiên, sự khác biệt về vùng giữa Mỹ và Mỹ Latinh chính là điều ngạc nhiên.
Các sử gia từng ước tính có 5,7 triệu người bị đưa từ Tây Trung Phi sang làm nô lệ. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu nói trên lại ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người Mỹ gốc Phi có tổ tiên là người châu Phi hơn là người Nam Mỹ gốc Phi, cho dù nhiều nô lệ bị đưa tới Nam Mỹ hơn là bị đưa tới Mỹ.
Lời giải thích có thể là hai thực tế kinh hoàng về chế độ nô lệ: Ở những nơi như Brazil và Cuba, chủ nô thường để nô lệ chết chứ không chăm lo sức khỏe cho họ. Còn ở Mỹ, chủ nô thường phối giống nô lệ để duy trì lực lượng lao động nô lệ.
Hé lộ về tình trạng buôn nô lệ trong châu Mỹ
Nghiên cứu cũng hé lộ thông tin về buôn bán nô lệ trong châu Mỹ. Số người ở Mỹ và Mỹ Latinh có tổ tiên là người Nigeria nhiều hơn mọi người nghĩ. Ghi chép lịch sử cho thấy nô lệ bị đưa vào châu Mỹ từ các cảng mà ngày nay thuộc Nigeria.
Điều này phản ánh thực tế là buôn bán nô lệ xuyên thuộc địa xảy ra phần lớn từ khu vực Caribe thuộc Anh tới các khu vực khác ở châu Mỹ từ năm 1619 tới 1807.
Khi người nô lệ châu Phi tới châu Mỹ, nhiều người bị đưa lên tàu mới và chuyển tới các khu vực khác.
Các tác giả viết: “Hành trình trong châu Mỹ được ghi chép lại cho thấy phần lớn nô lệ bị đưa từ Caribe thuộc Anh tới các khu vực khác ở châu Mỹ, có thể là để duy trì nền kinh tế nô lệ vì buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng bị ngăn cấm”.
Khi nô lệ từ Nigeria tới vùng Caribe thuộc Anh bị bán sang các khu vực khác, tổ tiên của họ trải khắp các khu vực không trực tiếp buôn bán nô lệ với Nigeria.
Tình trạng bi đát của người bị bắt làm nô lệ
Trái lại, người gốc Phi có tổ tiên Senegal và Gambia không nhiều.
Theo hai tác giả Micheletti và Mountain, lý do của điều trên rất u ám. Một giải thích là: Theo thời gian, ngày càng nhiều trẻ em từ Senegal bị ép lên tàu để tới châu Mỹ. Điều kiện mất vệ sinh trên tàu khiến các em suy dinh dưỡng và ốm bệnh, khiến không nhiều em sống sót nổi.
Một khả năng nữa là điều kiện nguy hiểm mà nô lệ từ Senegal đối mặt khi họ tới nơi. Nhiều người Senegal bị đưa tới đồn điền lúa ở Mỹ vốn đầy rẫy mầm bệnh sốt rét.
Hạn chế của nghiên cứu
Các chuyên gia không tham gia nghiên cứu ấn tượng với quy mô bộ cơ sở dữ liệu gien của công ty 23andMe cũng như cách công ty so sánh dữ liệu gien của họ với ghi chép lịch sử. Ông Simon Gravel, giáo sư gien tại Đại học McGill nhận định: “Tôi không biết có ai từng làm công việc toàn diện như vậy khi đặt các dữ liệu cạnh nhau để so sánh mà cơ hội thành công lại rất nhỏ. Đó thực sự là tiến bộ lớn”.
Tuy nhiên, Giáo sư Gravel cho rằng nghiên cứu vẫn có hạn chế. Ông cho rằng các nhà khoa học đã đơn giản hóa rất nhiều thứ khi họ chỉ chia tổ tiên châu Phi ra thành bốn khu vực: Nigeria, Senegal, duyên hải Tây Phi và Congo. Ông cho rằng như vậy chưa toàn diện và cần thêm dữ liệu gien để đào sâu hơn.
Bà Jada Benn Torres, nhà nhân chủng học gien tại Đại học Vanderbilt, cũng cho rằng muốn có nhiều người châu Phi hơn trong nghiên cứu. Trong số hơn 50.000 người tham gia, chỉ có 2.000 người từ châu Phi.
Tuy vậy, cả ông Gravel và bà Torres đều coi nghiên cứu là khởi đầu thú vị giúp ta có nhiều thông tin hơn về hậu duệ của người nô lệ châu Phi.
Giải mã lịch sử chế độ nô lệ một thời ở Mỹ
Năm 1619, những nô lệ da màu đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ ngày nay là Mỹ. Sau đó, số nô lệ ở Mỹ tăng dần theo từng năm. Sau hơn 200 năm tồn tại, Mỹ chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ vào ngày 18/12/1865.
Chế độ nô lệ ở Mỹ bắt đầu vào tháng 8/1619. Khi ấy, một con tàu hải tặc có tên Sư tử Trắng cập bến ở Point Comfort, nằm gần vùng đất ngày nay là Hampton, bang Virginia, Mỹ.
Khi ấy, con tàu Sư tử Trắng thực hiện đổi hơn 20 nô lệ da màu để lấy lương thực. Những người da màu này bị cướp từ một tàu chở nô lệ của Tây Ban Nha, đi từ châu Phi vượt qua Đại Tây Dương để đến Tân Thế giới.
Vụ trao đổi nô lệ trên diễn ra ở đất thuộc địa Anh - vùng đất sau đó đã tuyên bố độc lập rồi trở thành nước Mỹ. Theo đó, đây là sự kiện khởi đầu chế độ nô lệ ở khu định cư Jamestown, hiện là bang Virginia của Mỹ.
Gần 100 năm sau, chế độ nô lệ ở Mỹ phát triển mạnh. Theo nghiên cứu, vào năm 1725, gần 42.000 nô lệ người châu Phi được chuyển đến Chesapeake, Virginia.
50 năm sau, số nô lệ tại Mỹ tăng gần gấp 3 lần, với khoảng 127.200 người. Vào năm 1860, số nô lệ gốc Phi tại Mỹ lên đến con số 3,9 triệu người.
Mỹ chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ vào ngày 18/12/1865. Điều này được thực hiện nhờ công lớn của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.
Cụ thể, sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 1861, Tổng thống Lincoln được biết đến là người phản đối chế độ nô lệ.
Vào ngày 1/1/1863, Tổng thống Lincoln chính thức đưa ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ, kêu gọi quân đội liên bang giải phóng toàn bộ nô lệ ở các bang nổi dậy. Nhờ vậy, khoảng 3 triệu nô lệ được tuyên bố là được tự do mãi mãi.
Về sau, đảng Cộng hòa trình Tu chính án thứ 13 lên Quốc hội. Đến tháng 4/1864, 2/3 số nghị sĩ ở Thượng viện đã thông qua sửa đổi hiến pháp này. Thế nhưng phải tới tháng 1/1865, tu chính án thứ 13 mới được thông qua.
Ngày 2/12/1865, Alabama trở thành bang thứ 27 ở Mỹ phê chuẩn Tu chính án 13. Điều này đáp ứng điều kiện tất yếu là 3/4 số bang thông qua sửa đổi để nó trở thành luật. Vì vậy, ngày 18/12/1865, Tu chính án thứ 13 chính thức được phê chuẩn và chế độ nô lệ ở Mỹ được bãi bỏ.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Mỹ đề cử Bộ trưởng Quốc phòng mới. Nguồn: VTC1.
Bằng chứng UFO ghé thăm Trái đất từ hàng ngàn năm trước Các chuyên gia tìm được một số tài liệu cổ xưa có đề cập đến những vật thể bí ẩn được cho là UFO xuất hiện trên bầu trời. Từ đây, một số người cho rằng, UFO ghé thăm Trái đất từ hàng ngàn năm trước. UFO ghé thăm Trái đất từ hàng ngàn năm trước là quan điểm được không ít người...