Thêm bằng chứng khẳng định vắcxin không gây tự kỷ
Một nghiên cứu chỉ ra trẻ em tiêm vắcxin phối hợp sởi, quai bị và rubella (MMR) không hề bị tăng nguy cơ tự kỷ.
Theo Live Science, kết quả nghiên cứu công bố ngày 4/3 trên Annals of Internal Medicine là một trong những công trình lớn nhất phủ nhận mối liên hệ giữa tự kỷ và vắcxin phối hợp sởi, quai bị và rubella (MMR).
Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học Đan Mạch xem xét dữ liệu của hơn 657.000 người sinh từ năm 1999 đến 2010 bao gồm 6.500 trường hợp được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ.
Kết quả cho thấy không hề tồn tại mối liên hệ nào giữa vắcxin và tự kỷ, thậm chí ở những nhóm sẵn có nguy cơ tự kỷ cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ sinh từ năm 1999 đến 2000 tiêm vắcxin bị tự kỷ ít hơn trẻ không tiêm vắcxin.
“Người chăm sóc không nên từ chối tiêm phòng cho trẻ vì mối liên hệ vô lý này giữa vắcxin MMR và tự kỷ”, ông Anders Hviid từ Khoa Nghiên cứu Dịch tễ Viện Statens Serum tham gia nghiên cứu trên nhấn mạnh.
Video đang HOT
Vắcxin MMR không gây tự kỷ. Ảnh: AP.
Ý tưởng vắcxin MMR liên quan đến tự kỷ bắt nguồn từ nghiên cứu nhỏ của Andrew Wakefield (Anh) trên tờ The Lancet năm 1998. Công trình này xem xét 12 trẻ chậm phát triển, trong đó tám em bị tự kỷ.
Do thiếu cơ sở khoa học, nghiên cứu của Wakefield nhanh chóng bị The Lancet rút lại, tác giả cũng mất giấy phép hành nghề bác sĩ. Đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chỉ trích đây là “trò lừa đảo y khoa gây thiệt hại nhất 100 năm qua”.
Từ năm 1998, hàng loạt nghiên cứu đã khẳng định vắcxin MMR không liên quan đến tự kỷ, trong đó có công trình năm 2002 tiến hành trên 537.000 cá nhân sinh từ năm 1991 đến 1998 ở Đan Mạch.
Đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân sinh học dẫn đến tự kỷ. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ tự kỷ cao hơn là trẻ trai, trẻ sinh từ năm 2008 đến 2010, trẻ không được tiêm vắcxin và trẻ có anh chị bị tự kỷ. Vài yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ tự kỷ như bố mẹ lớn tuổi, trẻ nhẹ cân, trẻ sinh non và mẹ hút thuốc trong thai kỳ.
Minh Nguyên
Theo VNE
Ông bố Canada không tiêm vắcxin sởi cho con vì sợ bị tự kỷ
Lo sợ vắcxin sởi gây tự kỷ, ông Emmanuel Bilodeau không tiêm phòng cho con, cuối cùng cậu bé mắc bệnh và lây cho nhiều bạn khác.
Tháng 2, nhà chức trách thành phố Vancouver ghi nhận 9 ca sởi. Bệnh nhân chủ yếu tập trung ở những trường dạy tiếng Pháp trong khu vực.
Emmanuel Bilodeau nghĩ rằng con trai mình có thể là nguyên nhân của đợt bùng phát sởi này. Chia sẻ với CBC News, ông bố thừa nhận đã không tiêm vắcxin sởi cho con. Trong chuyến du lịch đầu năm 2019, bé nhiễm sởi. Về nước bé lây cho các bạn từ hai trường khác do đi chung xe buýt.
Cơ thể một bệnh nhi bị sởi. Ảnh: Shutterstock.
Ngoài bệnh nhi trên, Bilodeau cũng không tiêm vắcxin cho hai đứa con còn lại vì sợ vắcxin gây tự kỷ, trong khi quan điểm này đã được các chuyên gia y tế chứng minh là không đúng. Cả hai bé này đều phải nhập viện vì nghi lây sởi từ anh trai.
"10-12 năm trước, chúng tôi rất lo lắng vì có nhiều tranh cãi xung quanh vắcxin phối hợp sởi, quai bị và rubella (MMR)", Bilodeau nói. Ông bố khẳng định mình không phải người chống vắcxin nhưng muốn tìm "loại vắcxin tiêm một lần và không gây ảnh hưởng tới con cái".
Giờ đây, Bilodeau đã hiểu rằng vắcxin không gây tự kỷ.
Nghiên cứu sai lệch về mối liên hệ giữa vắcxin MMR và tự kỷ trên tờ Lancet năm 1998 được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt ở các nước phát triển không cho con em tiêm phòng. Bị các nhà khoa học chỉ trích mạnh mẽ và tờ Lancet rút lại thông tin, công trình do Andrew Wakefield tiến hành vẫn gây ra tổn thất lớn cho con người. Nhiều người lo sợ không cho con tiêm vắcxin, tạo điều kiện cho dịch sởi quay lại.
Tiêm vắcxin MMR không dẫn đến tự kỷ. Ngược lại, việc không tiêm phòng gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân sởi có thể bị tổn thương não, thậm chí tử vong. Quai bị kéo theo viêm não, viêm tủy sống. Đối với phụ nữ mang thai, rubella có thể làm sảy thai hoặc trẻ sinh ra mang dị tật bẩm sinh.
Mai Hương
Theo VNE
Em bé Pháp mang bệnh sởi đến Costa Rica Bé là bệnh nhân sởi đầu tiên trong hơn 5 năm qua tại Costa Rica. Theo IFL, Bộ Y tế Costa Rica xác nhận em bé Pháp 5 tuổi đến nước này du lịch cùng gia đình ngày 18/2. Xuất hiện triệu chứng sởi, bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Monseor Sanabria ở Puntarenas điều trị trong phòng cách ly. Sau khi...