Thêm 81 người chết, 2.147 ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc
Số người tử vong trong dịch virus corona chủng mới ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã tăng lên đến 780, trong khi số ca nhiễm ở tỉnh này hiện là 27.100.
Số người tử vong trong dịch virus corona chủng mới ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã tăng lên đến 780, trong khi số ca nhiễm ở tỉnh này hiện là 27.100, ủy ban y tế Hồ Bắc cho biết sáng 9/2.
Tổng số người tử vong trên toàn cầu đã lên tới 805, gần tới con số 813 ca tử vong của đại dịch Sars năm 2002-2003.
Một nhân viên y tế tại bệnh viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Xinhua.
Theo số liệu công bố trước đó vào sáng 8/2, tổng số ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc là 34.546, với 722 ca tử vong. Trên toàn thế giới, đã có 724 trường hợp tử vong được báo cáo và hơn 35.000 trường hợp nhiễm virus.
Ngày 8/2 cũng ghi nhận trường hợp người nước ngoài đầu tiên chết vì virus ở Vũ Hán. Đó là một công dân Mỹ trong độ tuổi 60, song Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh không tiết lộ cụ thể về người này.
Bắc Kinh đã cử hai quan chức cấp cao từ trung ương đến Vũ Hán để chỉ huy và giám sát công tác chống dịch, giữa làn sóng chỉ trích mới nhằm vào giới chức sau cái chết của một bác sĩ từng cảnh báo về dịch bệnh ngay trong những ngày đầu.
Ông Chen Yi Xin, tổng thư ký Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, cựu bí thư Vũ Hán, được bổ nhiệm làm phó trưởng nhóm chống dịch ở Hồ Bắc. Đi cùng ông Chen là ông Wang He Sheng từ Ủy ban Y tế Quốc gia.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8/2 cho biết người đứng đầu của đội quốc tế do WHO dẫn đầu điều tra bùng phát virus corona sẽ tới Trung Quốc vào ngày 10 hoặc 11/2.
Reuters cho biết khi được hỏi liệu đội quốc tế này có bao gồm các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) hay không, ông Tedros đã trả lời hôm 8/2 rằng: “Tôi hy vọng là có”.
Video đang HOT
Với tỷ lệ tử vong hiện nay, các chuyên gia lo ngại số người chết vì dịch viêm phổi do chủng virus corona mới sẽ sớm vượt mốc 813 bệnh nhân của đại dịch Sars.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ngày 1/11/2002-11/7/2003, đại dịch Sars lây nhiễm trên 8.437 người. Dịch bệnh cũng bùng phát từ Trung Quốc sau đó lan sang 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số người tử vong do Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc công bố tiếp tục tăng kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán vào tháng 12/2019. Riêng trong ngày 7/2, có 86 người tại Trung Quốc tử vong vì nhiễm virus, với 81 trường hợp tại Vũ Hán và 5 trường hợp ở các tỉnh khác.
“Hiện nay chúng ta cần huy động nguồn lực để khống chế virus, nhưng cũng phải sẵn sàng chấp nhận nó trở thành căn bệnh chúng ta phải sống chung hoặc xảy ra theo mùa. Chủng virus corona mới sẽ được nhìn nhận là dịch bệnh nghiêm trọng hơn SARS”, Lawrence Gostin, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định.
“Bước ngoặt của dịch bệnh là xuất hiện lây nhiễm bên ngoài Hồ Bắc và Trung Quốc đại lục. Chúng tôi đang theo dõi liệu một đợt bùng phát nghiêm trọng khác xảy ra tại Hong Kong”, ông cảnh báo.
“Không ai có thể dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào. Niềm hy vọng khả quan nhất của nhân loại là nhanh chóng phát triển vaccine, đồng thời quyết liệt truy vết người nhiễm và điều trị họ với chất lượng tốt nhất”, Gostin cho biết.
Lo ngại về tình trạng dịch bệnh vượt khả năng kiểm soát đang lan rộng trên quy mô toàn cầu. Hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh đối với người từ Trung Quốc.
Theo Zing.vn
Virus Corona: 2 lý do WHO không tuyên bố đại dịch sớm
Không chỉ căn cứ khoa học, WHO còn chịu cả áp lực chính trị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30-1 họp tại Geneva (Thụy Sĩ) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) liên quan dịch virus Corona xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc - TQ). WHO nói "cực kỳ lo ngại" về khả năng lây nhiễm từ người sang người ở ba nước (Đức, Nhật, Việt Nam) và lãnh thổ Đài Loan.
Trước đó, sau khi dịch xảy ra, WHO đã họp hai lần nhưng kiềm chế tuyên bố PHEIC. Về quyết định này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rõ "còn quá sớm" để báo động toàn cầu về dịch virus Corona. Lý do theo ông vì số ca nhiễm bên ngoài TQ không nhiều, chưa có bằng chứng cho thấy có việc nhiễm từ người sang người và bản thân TQ đang rất nỗ lực dập dịch.
WHO cần thời gian xác định Ro
PHEIC là "một tình huống bất thường được xác định sẽ cấu thành một rủi ro y tế công cộng với các nước khác thông qua sự lây lan bệnh quy mô quốc tế và có khả năng cần phải có sự phối hợp phản ứng quốc tế". Với tình hình lây lan đáng ngại, nhiều chuyên gia y tế cho rằng WHO nên sớm tuyên bố PHEIC. Tuy nhiên, sự kiềm chế của WHO hoàn toàn có lý do về khoa học.
Để quyết định tuyên bố PHEIC thì WHO phải trả lời được liệu sẽ có một đại dịch nữa trên toàn cầu. Để trả lời được câu hỏi này thì phải trả lời được hai câu hỏi khác: Virus này lan truyền từ người sang người dễ dàng đến đâu. Và virus này nguy hiểm đến mức nào.
Với mỗi dịch bệnh, các nhà nghiên cứu bệnh dịch đều cố gắng xác định tốc độ lây của virus, thể hiện qua con số mô phỏng cơ bản: Ro. Hiểu đơn giản, Ro thể hiện tỉ lệ một người có virus có thể lây trung bình cho bao nhiêu người. Chỉ số Ro siêu quan trọng với y tế công cộng vì nó báo trước một dịch bệnh sẽ có quy mô thế nào. Chỉ số này càng lớn đồng nghĩa sẽ có nhiều người nhiễm. Theo ước tính ban đầu của WHO, mỗi cá nhân nhiễm có thể lây cho trung bình 1,4-2,5 người khác. Nếu theo tính toán của WHO thì virus Corona không lây lan nhiều bằng virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vốn có chỉ số Ro là 3.
Theo GS Daniel Lucey tại Trường y ĐH Georgetown (Mỹ), chuyện xác định chính xác chỉ số Ro ngay những ngày đầu của dịch là rất khó nếu không muốn nói là không thể. Những ngày đầu, các nhà khoa học chưa thể nắm dịch xảy ra chính xác lúc nào, xảy ra thế nào, lan đi đâu hay bao nhiêu người nhiễm. Phải chờ tới vài tuần thu thập thêm dữ liệu về hoạt động của virus thì mới có thể xác định được chỉ số Ro.
Điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (TQ). Ảnh: GETTY IMAGES
Tỉ lệ tử vong (CFR)
Bên cạnh chỉ số Ro, một căn cứ quan trọng nữa để đánh giá tình trạng dịch là dựa vào tỉ lệ tử vong trên số ca nhiễm (CFR). Để xác định được CFR cần phải biết có bao nhiêu người trong cộng đồng bị nhiễm và trong số người nhiễm có bao nhiêu người chết. Và điều này thường không thể biết được vào giai đoạn đầu của dịch. Lý do thường những người bệnh trở nặng mới tìm tới bệnh viện, còn hàng trăm thậm chí hàng ngàn người mang virus trong người nhưng không phát triệu chứng.
Với trường hợp virus Corona, muốn biết được chính xác tỉ lệ tử vong thì phải nắm được mẫu số chung bao nhiêu người nhiễm ở TQ, theo nhà nghiên cứu Maia Majumder tại ĐH Harvard (Mỹ).
Vì thế, dù có vội làm rõ quy mô dịch đến đâu thì cũng phải cần thời gian để củng cố dữ liệu và xác định. Nói cách khác, sẽ phải cần một khoảng thời gian để xác định đúng tỉ lệ lây nhiễm (Ro) và bức tranh rõ ràng tỉ lệ tử vong (CFR).
Với những gì xảy ra những ngày đầu dịch, các nhà khoa học chỉ mới đoán định phần nào chứ chưa thế củng cố đánh giá. Và đó là lý do tại sao WHO trì hoãn việc tuyên bố PHEIC. Đó cũng là lý do WHO đầu tuần này đưa nhóm chuyên gia sang TQ tìm hiểu thêm tình hình dịch bệnh để có đánh giá chính xác hơn.
170 người chết, 7.801 ca nhiễm, 12.167 ca nghi nhiễm virus Corona tại TQ, theo số liệu Ủy ban Y tế Quốc gia nước này công bố ngày 30-1. Ngoài TQ còn có 20 nước ở năm châu lục có virus Corona với tổng cộng 111 ca nhiễm, nâng tổng ca nhiễm toàn cầu lên gần 8.000, bằng mức ca nhiễm SARS.
Áp lực chính trị
Còn một yếu tố nữa khiến WHO phải cân nhắc kỹ chuyện tuyên bố PHEIC, mà theo nhiều nhà quan sát đó là áp lực chính trị. Một khi WHO ra tuyên bố PHEIC, các nước sẽ chính thức có các biện pháp chẳng những hạn chế đi lại như hiện nay mà hạn chế cả thương mại. Tuyên bố PHEIC có thể sẽ tác động mạnh đến kinh tế TQ, không những thế kinh tế toàn cầu cũng sẽ không tránh khỏi bị tổn thất. Theo Reuters, tổn thất kinh tế toàn cầu từ dịch SARS năm 2003 lên tới 40 tỉ USD, GDP toàn cầu giảm 0,1%.
Từ sau khi ban hành Các quy định y tế quốc tế năm 2007, WHO chỉ mới năm lần tuyên bố PHEIC. Lần đầu vào năm 2009 với đại dịch cúm heo H1N1. Lần thứ hai vào tháng 5-2014 với sự bùng phát của virus bại liệt. Lần thứ ba vào tháng 8-2014 với dịch Ebola. Lần thứ tư vào các năm 2015-2016 với dịch Zika. Và lần thứ năm vào các năm 2018-2019 với sự bùng phát trở lại của dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Có thể thấy các tuyên bố PHEIC trước đây áp dụng với các nước thu nhập vừa đến thấp. WHO chưa có hướng dẫn nào đối phó với việc tuyên bố PHEIC ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một khi WHO tuyên bố PHEIC, nước có dịch sẽ được hỗ trợ tài chính chống dịch. Với TQ, khoản tiền này có thể không bù nổi tổn thất về kinh tế và uy tín mình phải chịu khi bị WHO tuyên bố tình trạng PHEIC.
TQ quyết định đưa máy bay sang các nước chở công dân Vũ Hán về. Số công dân này rời Vũ Hán trước khi TP này bị phong tỏa, giờ không thể quay về do các nước phong tỏa bay.
Các nước tiếp tục đưa phương tiện đến Vũ Hán sơ tán công dân về nước, ngưng đưa người đến TQ. Hàn Quốc thông báo sẽ hỗ trợ TQ 5 triệu USD chống dịch. Úc dự tính cách ly các công dân từ TQ trở về trên một hòn đảo xa để theo dõi.
Mỹ lập đội đặc nhiệm đối phó. Tổng thống Donald Trump nói Mỹ đang theo chặt diễn biến và phối hợp chặt với TQ. Nga đóng cửa biên giới với TQ ở vùng Viễn Đông, ngưng cấp thị thực tự động cho người TQ.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Số ca nhiễm virus corona tại Malaysia tăng lên 16 người Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah cho biết tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona mới (2019-nCoV) tại nước này đã tăng lên 16 ca, gồm 12 người Trung Quốc. Nhân viên y tế Malaysia đón các công dân nước này được sơ tán từ Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona...