‘Thế vợ ngoại tình là bỏ cô ấy à?’
Tôi rất ấn tượng với câu nói của ngài Pascal đáng kính, ngài ấy dặn dò hậu thế: “Có vợ ngoại tình mà còn chung sống là tự hào đào huyệt chôn mình!”.
Thế vợ ngoại tình thì bỏ cô ấy đi à? Giết cô ấy đi?
Thế mình ngoại tình thì sao? Đàn ông có được ngoại lệ, tức là được tha thứ không?
Có lẽ khi nào sống đến bốn mươi, ngoảnh lại, nhà bác học-triết học-văn sĩ Pascal mới tự xét mình, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, giới khác (hoặc có lẽ vì thế ông đã không bao giờ sống được đến bốn mươi). Cũng có thể những ảnh hưởng từ tôn giáo và xã hội của năm thế kỷ trước, sự ngoặt chuyển về chế độ với tôn giáo của gia đình Pascal đã không cho Pascal cơ hội ngoái lại. Khi phán xét số phận mình thì phải đứng ở một điểm lùi xa hơn. Để không chỉ thấy đời mà còn thấy cả những con người khác số phận khác.
Tôi có một người bạn gái vật vã khi bắt đầu ngoại tình và cũng vật vã ghê gớm hơn khi phải dứt ra khỏi mối quan hệ “ít có lý” đó khi bắt đầu một trong hai bên trở nên “ít có tình”. Bạn tôi lên án người đàn ông kia lúc đầu dụ dỗ quyến rũ mà rồi sau cùng lại rũ bỏ lạnh lùng, một người đã lợi dụng cô ấy suốt mấy năm tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của cô, để cuối cùng, quay về với vợ, phủi tay sạch bong không lỗi lầm gì.
Tôi rất khó khăn để giải thích với bạn tôi rằng, đừng chửi bới anh ta nữa, hãy cám ơn anh. Nói một cách lịch sự thì: Cám ơn anh vì những giờ phút hạnh phúc đã qua, những kỷ niệm đã có, những ngày tháng đáng lẽ cô đơn thì lại ấm áp. Cám ơn anh vì đã dành một phần thời gian trong những năm tháng ấy để gắn bó. Cám ơn vì những lúc chia sẻ niềm vui, chăm sóc khi đau ốm, cám ơn vì những lúc đưa xe qua đón, những bữa cơm ăn cùng nhau.
Nói một cách tàn nhẫn thì: Không phải cả hai đều vui vẻ sao, cùng tận hưởng niềm vui sướng được hòa quyện sẻ chia cả thể xác lẫn tâm hồn? Không phải khi anh ta lợi dụng bạn thì bạn cũng chiếm dụng anh ta sao, thậm chí từ một người phụ nữ khác.
Còn nói theo cách của tôi thì: Bạn chửi họ hay cảm ơn họ, có khác gì nhau đâu, có hơn gì nhau đâu? Có thay đổi được gì theo ý bạn đâu? Vậy đừng chửi bới nữa để cho tuyệt vọng đầu độc tâm hồn mình. Hãy đứng lùi xa một chút để nhìn vào cuộc đời mình và nói cảm ơn những gì đã sống, sau đó đi tới tương lai.
Nếu bạn không muốn thì đáng lẽ ngay từ đầu đựng ngoại tình, đừng đổ lỗi cho tình yêu. Nếu đã không lý trí được ngay giây phút đầu tiên cùng nhau thì đừng để những giây phút cuối cùng hủy hoại cả những ngày Sau-Ngoại-Tình.
Có một cô bạn khác lại luôn dằn vặt vì sao họ không bỏ vợ cưới mình? Vì mình xấu hơn vợ họ ư, mình kém tài kém danh hơn vợ họ ư? Hay vì mình không được yêu như vợ họ? Hay họ không muốn biến đổi, cho mình thoát khỏi cây phật giá “ngoại tình” nặng nề? Hay họ thực sự đúng là người đàn ông vừa ích kỷ vừa tham lam?
Video đang HOT
Tôi lại nghĩ tình yêu ấy chỉ trắc trở ở mấy chữ “ngoài hôn nhân” mà thôi, đúng hơn là ngoài đạo lý. Nhưng đạo lý lớn nhất của con người lại không phải là tình yêu sao? Không phải tình yêu luôn luôn tốt hơn sự hận thù sao? Không phải vì tình yêu mà người này có thể yêu người khác, một người xấu hơn, kém tài hơn, thiếu danh phận hơn người khác sao? Không phải trên cán cân sắc đẹp công danh và đạo đức thì tình yêu đã chiến thắng sao?
Hai quan điểm và lời an ủi trái ngược trên của tôi trước hai câu chuyện ngoại tình khác nhau có mâu thuẫn chăng, và nếu vậy thì ngoại tình là xấu xa hay lẽ thường? Tôi nghĩ giờ đây trong cuộc sống, trong cuộc tình, chẳng còn tồn tại khái niệm đúng-sai, phải-trái, mà vấn đề chỉ là: Bạn có chấp nhận được không hay là không chấp nhận? Không chấp nhận thì đừng đến, đừng yêu, đừng chia tay. Còn đã chấp nhận thì đừng dằn vặt mình và đừng dằn vặt người.
Giống như trong câu chuyện cổ tích, khi giành giật nhau, người mẹ đã buông tay con cho kẻ thù. Không thể nói đó là tốt hay xấu, bởi có thể buông tay thì sẽ mất đứa con, nhưng cũng có thể giữ con lại nó sẽ đứt. Và kẻ thù sẵn sàng cho con bạn đứt.
Vậy đừng đẩy vợ/chồng họ thành kẻ thù. Hoặc đẩy tình nhân vợ/chồng thành kẻ thù. Hãy nhìn họ như nhìn một số phận. Và tìm cách bao dung họ lẫn bao dung lấy bản thân mình. Đó là cách duy nhất tự bảo vệ mình và tâm hồn mình trước chuyện ngoại tình, cho dù ta là người đứng ở ngã ba đường, không biết đi đâu trong tình yêu này.
Ảnh minh họa
Và ít nhất như thế, bạn cũng không bị biến thành thủ phạm, nạn nhân trong những tin pháp luật nhan nhản trên báo chí có dính tới chữ ngoại tình.
Hết yêu, hoặc hết được yêu, thì cũng buông tay cho người ta đi. Dù mình là vợ, là tình nhân, là chồng. Bi kịch của Shakespease chả từng có nàng bị chồng nghi ngoại tình nên cầu xin: “Nếu không yêu em nữa, hãy để em đi. Đừng giết em tội nghiệp!”
Thế kỷ mới, chắc người ngoại tình phải học sẵn câu nói ấy, nhưng là tự cầu xin mình: “Nếu họ không yêu ta nữa, thôi xin ta hãy để cho họ ra đi!”
Tôi có quen một anh bạn Đài Loan xấu xí nhưng rất tốt tính, yêu tha thiết một cô nhưng rồi không lấy nhau. Sau này lấy vợ Việt Nam, để đứa con đầu lòng, anh đặt tên cho nó là Khánh Ly.
Tôi rất ngạc nhiên và hỏi anh, vì sao lại đặt một cái tên tuy đẹp với người Việt nhưng đối với người Đài thì không hề đẹp một tí gì, thậm chí ngay cả khi chưa biết đứa con đó sẽ là trai hay gái. Anh nói:
- Khánh là chúc tụng, mừng vui, Ly là ly biệt, tan rã. Tôi chúc mừng tôi đã đau đớn, chia ly, tan rã, mất mát.
Tôi càng ngạc nhiên hơn và hỏi vì sao. Anh kể chuyện trong quá khứ và giải thích:
- Khi chia tay nhau, nên chúc mừng nhau. Bởi đã mất cô ấy nên tôi mới có được vợ tôi ngày nay, vì đau khổ nên tôi mới có con tôi ngày nay, nếu chia tay tôi cứ ôm ấp đau đớn cho đến bây giờ nhưng tôi vui mừng với sự chia ly của số phận. Và chúc mừng vì chúng tôi chia tay ngay, không kéo dài dằn vặt tới ngày hôm nay.
Những cuộc sống nào đang kéo dài dằn vặt trong và ngoài hôn nhân?
Bạn đã nghĩ ra lối thoát cho mình chưa?
Nhưng nếu ai đó họ cả đời chẳng ngoại tình kể cả trong tâm tưởng, tôi nghĩ chắc đó là người tẻ nhạt lắm, chẳng làm cho ai yêu nổi mình hoặc cũng không biết xúc động trước cuộc sống trăm nghìn điều đẹp đẽ. Và trước người như thế, tôi nghĩ thà tự đào huyệt chôn mình còn hạnh phúc hơn sống đời với một người vợ/chồng không cảm xúc.
Theo Hatrang/Phununews
Sẽ ra sao, nếu cuộc đời không có mẹ?
Không có mẹ làm sao có thể là một thiên đường. Cũng vậy, tình yêu vô điều kiện, là một cụm từ quá lý tưởng để có thật, nhưng nó thật khi đến trong cuộc đời cùng mẹ.
Vu Lan, trong nhà hàng chay, nhìn những người trẻ cài trên ngực mình những bông hồng đỏ, thầy giáo người Anh ngạc nhiên dò hỏi. À, một người trong nhóm giảng cho thầy hiểu về Vu Lan, ngày báo hiếu ở Việt Nam. Thầy gật gù: "À , như vậy là giống với Ngày của mẹ ở bên Anh". Thầy nhìn sang một người đã làm mẹ trong nhóm và hỏi: "Hôm nay, các con của bạn đã làm gì cho bạn, chúng vẽ tranh, làm đất sét, hay nấu ăn?". Người mẹ lúng túng trong một giây và trả lời: "Chúng không làm gì cả". Và không để thầy hỏi tiếp, chị nói luôn: "Tôi cũng chưa bao giờ mong muốn chúng làm điều gì cho mình. Chỉ cần chúng sống vui, sống một cuộc đời có ý nghĩa là đủ".
Câu hỏi của thầy gợi lên bao điều suy nghĩ. Người Việt mình trong ngày Vu Lan, ai còn mẹ thì cầu an cho mẹ, ai mất mẹ thì về chùa cầu siêu. Ít khi nghĩ sẽ làm điều gì cho mẹ. Vì mình vô tâm, hay vì mẹ không bao giờ đòi hỏi. Hay mẹ quá giản dị. Hay điều duy nhất mẹ quan tâm chính là sự bình an cho con, cho gia đình.
Ảnh mang tính minh họa
Mẹ tôi, hết hè, bọn trẻ đi học lại, hôm nay cũng đã về quê. Trước khi về có hơi dè dặt hỏi con: "Lúc nào con có giờ, chở mẹ qua cậu, mẹ thắp cho bà ngoại cây nhang". Vậy đó, lúc nào con cần mẹ vô. Lúc nào xong mẹ về. Trước khi ra bến xe chỉ gọi dặn dò: "Đồ mẹ giặt rồi còn mấy cái chưa kịp phơi, cơm mẹ nấu rồi, thịt trong nồi ủ, lát về con hâm canh lại...". Tôi đã không kịp nghe những câu dặn dò sau đó, bởi vì đã thấy mắt mình nhòa đi rồi...
Dường như cả nhóm cũng lặng đi trong một giây nào đó. Để khuấy động không khí, một người trong nhóm hỏi đùa: "Mẹ thầy thì sao, chắc bà sốt ruột lắm vì con trai mình lăn lộn nơi đất khách quê người, gần 40 rồi mà chưa chia sẻ cuộc đời mình với cô nào?". Ông thầy cười hiền: "Hồi đó mẹ tôi có lo, nhưng sau này thì không. Có lẽ vì bà thấy tôi hạnh phúc như thế này. Vậy là đủ". Đông hay Tây, mẹ Việt, mẹ Âu hay mẹ Mỹ, mỗi người có một cách khác nhau, nhưng tình yêu không điều kiện dành cho con thì không khác biệt.
Tôi nhớ khi đọc câu chuyện xúc động về mẹ của kình ngư huyền thoại Michael Phelps.
- Bất cứ khi nào giáo viên của con nói: "Michael không thể làm được việc này", tôi sẽ đáp lại rằng "Vậy thì cô sẽ làm gì để giúp cháu?", bà kể.
Từ một đứa trẻ tăng động, không thể tập trung vào điều gì, ghét học toán, thậm chí là ghét chạm mặt vào nước, Michael Phelps đã trở thành huyền thoại. Nếu không phải là mẹ nhẫn nại lật đứa con ra tập bơi ngửa làm gì có một kình ngư với 28 huy chương các kỳ Olympic như hôm nay. Nếu không phải là mẹ yêu cầu giáo viên toán, hướng dẫn cho Micheal Phelps môn toán bằng cách liên hệ với môn thể thao cậu bé yêu thích, làm gì cậu bé có thể tiếp con đường của mình. Nếu không phải là mẹ biết con ghét đọc, đã tập cho con đọc bằng chính những sách vở liên quan đến thể thao, thì làm gì có một
Michael Phelps gây cảm hứng cho cả một thế hệ như hôm nay. Nếu không phải là mẹ nhẫn nại và sáng tạo với những ký hiệu riêng của hai mẹ con, ai sẽ giúp anh bình tĩnh, kỷ luật. Nếu không phải là mẹ với tất cả niềm tin tưởng, làm sao anh có thể quyết định ngưng thuốc điều trị tăng động ngay khi mới học lớp 6, để từ đó tự mình điều chỉnh được cảm xúc và cuộc đời của chính mình.
Chợt nghĩ, những người biết Michael Phelps trước đó chắc khó tưởng tượng ra anh của ngày hôm nay. Càng không thể tưởng tượng ra cuộc đời của Michael Phelps hôm nay ra sao nếu anh không có mẹ. Mà có riêng gì Michael Phelps, có ai dám ngồi và tưởng tượng, cuộc đời của mình sẽ ra sao, nếu không có mẹ?
Tôi nhớ trong câu chuyện Miền cỏ phương Nam (một sáng tác đẹp đẽ và tuyệt vời của nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren), khi hai đứa trẻ mồ côi Matias và Anna lầm lũi như hai con chuột xám, đi qua những ngày đông ẩm đạm và rét buốt, được một con chim đỏ dẫn đường, chúng đã đến miền cỏ phương Nam, một thiên đường với đủ đầy đồ chơi, thức ăn, bạn bè và... dĩ nhiên là có mẹ. Không có mẹ làm sao có thể là một thiên đường. Cũng vậy, tình yêu vô điều kiện, là một cụm từ quá lý tưởng để có thật, nhưng nó thật khi đến trong cuộc đời cùng mẹ. Và mẹ bằng tình yêu ấy đã biến cuộc đời thực trở thành một... miền cỏ phương Nam.
Theo Ban Mai/Phununews
Tâm sự của gái già U40 về lần đầu làm 'chuyện ấy' Như bao phụ nữ lần đầu "quan hệ" khác, tôi cũng phải trải qua những cảm giác lo lắng và bất an khi bị mất đi "cái ngàn vàng". Sau khi có lần quan hệ tình dục đầu tiên ở tuổi 36, tôi chợt nhận ra đôi khi tìm kiếm một "đối tác" không phải là vấn đề nan giải nhất của đời...